Nhà nước phong kiến Việt Nam sụp đổ hoàn toàn. Hai hang ước 1883 và 1884
Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai (19-5-1883) làm cho nhân dân cả nước vô cùng phấn khởi, nếu có lệnh là nhất tề nổi dậy đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi. Giặc Pháp ở Hà Nội vô cùng hoang mang, lo sợ. Hai trăm tên sống sót sau trận đánh đã chạy thục mạng về cố thủ ở Đồn Thủy, run sợ chờ đợi những đòn sấm sét của quân dân ta. Một tên trong bọn chúng đã ghi lại tình trạng sụp đổ tinh thần của chúng như sau: “Thực là một cuộc sống kinh khủng đối với một dúm người từng đêm chờ đợi kết liễu cuộc đời”. Bộ chỉ huy Pháp cũng đã có lệnh chuẩn bị rút hết quân ở Hồng Gai Nam Định: Trong tình hình đó, chỉ cần một cuộc đột kích nhỏ của quân dân ta cũng có thể tiêu diệt hết quân địch, giải phóng Hà Nội. Nhưng triều đình Huế không cho quân tấn công vào Hà Nội, mà vẫn nuôi hi vọng thu hồi Hà Nội bằng con đường “thương thuyết hòa bình” như mười năm về trước: Thái độ chần chừ đó khi phối ngay cả các tướng lĩnh chủ chiến như Hoàng Tá Viêm, Trương Quang Đản, khiến họ không biết tranh thủ mở rộng chiến thắng bằng cách đột nhập tiêu diệt địch ngay trong sào huyệt cuối cùng của chúng. Trương Quang Đản đóng quân bên kia sông Hồng chỉ bắn đại bác qua Đồn Thủy; còn Hoàng Tá Viêm lại rút quân về Sơn Tây nới lỏng vòng vây địch đang khốn đốn trong lòng Hà Nội. Trong khi đó thì thái độ của Chính phủ Pháp lại hoàn toàn khác trước. Tin Rivie chết trận không làm cho thực dân Pháp chùn bước như khi Gácniê chết năm 1873. Tin đó tới đúng lúc tình hình chính trị và ngoại giao cửa Pháp đều đã được ổn định, nên càng thúc giục mạnh thêm việc xâm lược. Ngày 15-5-1883, nghĩa là 4 ngày trước trận Cầu Giấy, chính phủ Pháp đã gọi sứ thần Pháp ở Bắc Kinh về tỏ rõ thái độ cương quyết của tư bản Pháp đối với triều Thanh trong vấn đề Bắc Kì. Ngày 26-5, bọn thực dân chớp ngay tin thất trận Cầu Giấy lớn tiếng kêu gọi “trả thù”, buộc dư luận trong và ngoài Nghị viện ủng hộ cuộc viễn chinh lớn. Ngân sách chiến phí đã được toàn thể Hạ nghị viện thông qua không một phiếu phản đối. Nghị viện cũng quyết định gửi thêm quân và chiến hạm sang Việt Nam.
Thiếu tướng Buê (Bouöt) mới được cử làm Tổng chỉ huy quân đội Bắc Kì tới Hà Nội vào giữa tháng 6-1883. Trong khi chờ đợi viện binh từ Pháp sang, Buê vừa gấp rút lo củng cố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định thành những căn cứ quân sự vững chắc, vừa lo bắt ngụy binh và đánh thuế để bù đắp vào những thiếu hụt lớn vừa qua về quân số và tài chính.
Từ cuối tháng 7, viện binh Pháp bắt đầu kéo sang. Cũng vào cuối tháng đó, bọn trùm thực dân hiếu chiến Pháp họp hội nghị quân sự ở Hải Phòng quyết định đánh thẳng lên Sơn Tây là trung tâm kháng chiến ở ngoài Bắc bấy giờ, và đánh vào Huế là nơi đầu não của triều Nguyễn. Tin vua Tự Đức chết (ngày 17-7-1883) và tình hình lục đục của triều đình Huế sau đó càng thúc giục địch quyết tâm hành động.
Khi thấy quân Pháp mở rộng xâm lăng ở Bắc Kì, quân Thanh cũng kéo sang rất đông. Pháp chủ trương nối lại thương thuyết với Trung Quốc để làm dịu tình hình căng thẳng giữa đôi bên.
Trước những hoạt động ráo riết của địch, mặc dù không được lệnh của triều đình, quan quân ta ngoài Bắc vẫn thắt chặt vòng vây xung quanh Hà Nội. Trận địa của ta do đại quân của Hoàng Tá Viêm và đội Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc đóng giữ trên ba phòng tuyến dày đặc bảo vệ đường lên Sơn Tây, tuyến tiền tiêu dựa sau lưng sông Tô Lịch và chạy dài từ Cầu Giấy tới sông Hồng lên Chèm.
Ngày 15-8, để giành thế chủ động, Buê đem gần 2.000 quân chia làm ba đạo, có nhiều đại bác và tàu chiến yểm hộ, đánh vào phòng tuyến bảo vệ con đường lên Sơn Tây của ta. Nhưng cả ba đạo quân của chúng đều bị quân ta chặn đánh kịch liệt suốt trong hai ngày 15 và 16 trên đường hành quân, buộc chúng cuối cùng phải kéo nhau chạy về Hà Nội.
Đồng thời với việc mở cuộc tấn công lớn về phía Sơn Tây, sáng sớm ngày 15 tháng 8, Buê còn phái một cánh quân xuất phát từ Hà Nội kéo xuống đánh chiếm lại Hải Dương và Quảng Yên. Trong thời gian đó, hạm đội Bắc Kì có thêm nhiều tàu chiến từ Sài Gòn ra tăng viện, do Đô đốc Cuốcbê (Courbet) chỉ huy, đã kéo vào uy hiếp Thuận An, cổ họng của kinh thành Huế. Sáng ngày 18-8, Cuốcbê đưa tối hậu thư đòi triều đình giao tất cả các pháo đài trong vòng hai giờ. Đến 4 giờ chiều hôm đó, tàu chiến Pháp bắt đầu nổ súng và công phá suốt mấy hôm liền các đồn trại của quân ta trên bờ. Chiều ngày 20, quân Pháp bắt đầu đổ bộ, và đến tối hôm đó thì chiếm toàn bộ Thuận An. Các quan trấn thủ Thuận An như Lê Sỹ, Lê Chuẩn, Lâm Hoành, Nguyễn Trung đều hi sinh trong chiến đấu. Triều đình Huế nghe vọng tiếng đại bác trong mấy ngày liền đã lo ngại vô cùng, trước đó một ngày vua Tự Đức đã mất vì tuổi già (17-7-1883), đến nay lại tiếp được tin thất bại nên càng thêm hoảng hốt, vội cử Nguyễn Văn Tường xuống Thuận An gặp Cuốcbê xin đình chiến. Cao ủy Pháp Hácmăng (Harmand) liền đi ngay lên Huế đặt điều kiện cho điều ước mới. Triều đình cử Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp đứng ra thương thuyết, nhưng thực ra là để nhận các điều kiện do Hácmăng đưa ra. Với bản hiệp ước mới (25-8-1883), phong kiến nhà Nguyễn đã đi sâu hơn một bước trên con đường đầu hàng Pháp. Về căn bản, từ nay Việt Nam đã mất quyền tự chủ trên phạm vi toàn quốc, triều đình Huế đã chính thức thừa nhận sự bảo hộ của nước Pháp, mọi công việc chính trị, kinh tế, ngoại giao của Việt Nam đều do Pháp nắm. Tại Huế sẽ đặt chức Khâm sứ để thay mặt Chính phủ Pháp, việc này có quyền gặp nhà vua bất kì lúc nào nếu xét ra cần thiết (khoản II); tại Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác có đặt chức Công sứ, có quân đội bảo vệ và có quyền kiểm soát việc tuần phòng, quản lí việc thuế vụ, giám sát mọi sự thu chi, phụ trách việc thuế quan (các khoản 12, 13, 17, 18, 19). Khu vực do triều đình cai trị “như cũ” chỉ còn lại từ Khánh Hòa ra tới Đèo Ngang, tỉnh Bình Thuận sáp nhập vào Nam Kì, ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh sáp nhập vào Bắc Kì. Nhưng ngay trong khu vực này, các việc thương chính, công chính cũng đều do Pháp nắm (các khoản 2, 6). Quan Pháp đóng ngay tại Thuận An và Huế (khoản 3). Mọi việc giao thiệp của Việt Nam với nước ngoài - kể cả Trung Quốc - cũng do Pháp nắm (khoản 1). Về quân sự, ngoài việc phải nhận huấn luyện viên và sĩ quan chỉ huy Pháp (khoản 23), triều đình phải triệt hồi số quân lính đã đưa ra Bắc Kì trước đây (khoản 4). Pháp đóng những đồn binh dọc theo sông Hồng và những nơi xét thấy cần thiết (khoản 21), Pháp toàn quyền xử trí đội quân Cờ đen (khoản 22).
Kí hiệp ước Hácmăng, triều đình Huế đã phản bội lại nhân dân cả nước. Mặc dù vậy, quân dân ngoài Bắc vẫn quyết tâm kháng chiến đến cùng. Lệnh triệt binh do Hácmăng và Khâm sai triều đình mang ra Bắc không ai nghe theo. Vòng vây của quân dân ta xung quanh Hà Nội vẫn thắt chặt, đại quân của Hoàng Tá Viêm có đội Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phối hợp vẫn đóng giữ phòng tuyến sông Đáy, đại quân của Trương Quang Đản vẫn đóng giữ Bắc Ninh.
Đồng thời, phong trào phản đối lệnh triệt binh của triều đình Huế cũng dâng cao khắp các tỉnh. Rất đông quan lại ở các địa phương không chịu về kinh theo lệnh triều đình, cương quyết ở lại mộ nghĩa dũng đánh giặc như Tạ Hiện, Nguyễn Thiện Thuật, Phan Vụ Mẫn, Hoàng Văn Hòe, Lã Xuân Oai... Tình hình đó buộc Cuốchê (Courbet) mới được cử thay Hácmăng từ cuối tháng 10-1883 phải ra lệnh thiết quân luật ở Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Quảng Yên.
Đầu tháng 12-1883, nhận được thêm Viện binh từ Pháp sang, Cuốcbê quyết định đánh Sơn Tây lần thứ hai. Đây là cuộc hành quân lớn huy động tới gần 6000 quân vừa Pháp vừa nguy, lại có nhiều đại bác và tàu chiến yểm hộ. Quân Pháp xuất phát từ Hà Nội ngày 11-12, gần trưa ngày 14 bắt đầu tấn công đồn Phù Sa là đốn tiền tiêu bảo vệ mạn đông thành Sơn Tây. Quan quân ta kháng cự quyết liệt, nhiều lần xung phong đánh lui các đợt tấn công của địch. Nhưng nhờ có ưu thế về đại bác, đến chiều giặc Pháp đã chiếm được đồn Phù Sa, hai ngày sau công hãm thành Sơn Tây. Quân ta chống giữ từng tấc đất, gần tối địch vẫn không sao đột nhập được vào thành. Cuối cùng, giặc Pháp cho tay sai thừa lúc đêm tối lên vào thành treo cờ Pháp lên cột cờ, quan quân tưởng thành đã mất nên rối loạn. Thừa thế, giặc Pháp xông lên chiếm thành, quan quân triều đình phải rút về phía Hưng Hóa.
Thành Sơn Tây lọt vào tay Pháp, gọng kìm quan trọng nhất của quan quân triều đình siết chặt Hà Nội bị bẻ gẫy.
Sau trận thắng Sơn Tây, thực dân Pháp ráo riết chuẩn bị đánh sang Bắc Ninh. Đầu tháng 3-1884, sau khi nhận thêm viện binh ở Pháp gửi sang, Milô (Millot) thay Cuốcbê cuối năm 1883 quyết định tấn công Bắc Ninh. Quân Pháp chia thành hai đạo, một xuất phát từ Hà Nội do Brie đờ Litxlơ (Brière de Lisie) chỉ huy, một từ Lục Nam do Nêgriê (Négrier) chỉ huy, cùng bắt đầu tiến đánh Bắc Ninh ngày mồng 7-3-1884. Ngày 12-3, hai cánh quân địch đã khép gọng kìm chiếm được Bắc Ninh. Quân đội nhà Thanh (Trung Quốc) lúc đó đóng cả trong và ngoài thành đông tới vạn người, nhưng chỉ chống cự lấy lệ, giặc Pháp tiến tới đâu là chúng rút lui đến đấy, cuối cùng rút về hai hướng Thái Nguyên và Lạng Sơn. Quan quân triều đình do Trương Quang Đản chỉ huy lại ngồi yên xem hai bên Pháp - Thanh đánh nhau. Trong khi đó thì Lưu Vĩnh Phúc vội điều quân về tiếp ứng, nhưng vừa về tới nơi thì thành Bắc Ninh đã mất, ông đành phải lui quân về Hưng Hóa. Còn nhân dân trong tỉnh nơi nơi đều nổi dậy chống Pháp, các phủ huyện không sao kiềm chế nổi. Gọng kìm thứ hai, gọng kìm cuối cùng của quan quân triều đình uy hiếp thực dân Pháp ở Hà Nội cũng bị bê gãy.
Sau khi chiếm Bắc Ninh, địch tranh thủ mở rộng phạm vi chiếm đóng. Chúng lần lượt cho quân đánh chiếm Thái Nguyên (19-3-1884), Hưng Hóa (12-4-1884), Tuyên Quang (31-5-1884). Khắp nơi, chúng đều bị nghĩa quân tự động nổi dậy chặn đánh quyết liệt, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề. Nhưng phần vì quân Thanh chỉ lo rút lui để bảo toàn lực lượng phần vì triều đình Huế sẵn sàng giúp Pháp sớm ổn định tình hình nên phong trào chống Pháp gặp rất nhiều khó khăn. Bấy giờ, mối lo ngại lớn của Pháp trên chiến trường Bắc Bộ vẫn là đội quân Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, đội quân này đã bao vây và cộng hãm chặt chẽ thành Tuyên Quang suốt 9 tháng trời, giam chân một tiểu đoàn địch trong thành, mọi đường liên lạc với ngoài đều bị cắt đứt.
Từ đầu năm 1884, chiến sự diễn ra ngày một thêm ác liệt trên chiến trường Bắc Kì. Trong khi một số đơn vị quân Thanh tham gia chiến đấu thì Chính Phủ Pháp và triều đình Bắc Kinh lại chủ trương nối lại các cuộc thương thuyết về vấn đề Việt Nam. Mặc dù triều đình Huế đã kí hiệp ước năm 1883 công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Việt Nam, nhưng Pháp vẫn muốn tránh cuộc xung đột với quân Thanh trên chiến trường Bắc Kì. Còn triều đình Thanh tuy vẫn muốn vớt vát chút ít quyền lợi ở Việt Nam, nhưng cũng không dám có hành động quyết liệt. Cuộc thảo luận giữa Pháp – Thanh đã dẫn tới kí kết tại Thiên Tân bản Quy ước ngày 11-5-1884 gồm 5 khoản, đặt cơ sở cho một hòa ước lâu dài về sau. Theo quy ước này, quân Thanh sẽ lần lượt rút hết khỏi Bắc Kì. Trên đà thắng thế đó, ngày mồng 6 - 6 - 1884, Chính phủ Pháp lại cử Patơnốt (Patenôtre) cùng triều đình Huế kí bản điều ước mới. Nội dung điều ước gồm 19 khoản căn bản dựa trên điều ước Hácmăng trước kia, nhưng được sửa chữa lại một số điều nhằm mục đích xoa dịu sự phản ứng có thể có của triều đình nhà Thanh, và để tranh thủ mua chuộc lung lạc thêm một bước nữa giai cấp phong kiến Việt Nam đầu hàng.
Khoản 1: Nước Việt Nam thừa nhận sự bảo hộ của nước Pháp là nước sẽ thay mặt Việt Nam trong mọi việc giao thiệp với ngoại quốc và bảo hộ người Việt Nam ở ngoài nước.
Khoản 3: Tại các tỉnh nằm trong giới hạn từ giáp Nam Kì đến giáp Ninh Bình, các quan lại triều đình sẽ tiếp tục cai trị nhân dân như cũ, trừ các việc thương chính, công chính cùng các việc cần có chủ trương nhất trí, cần có kĩ sư Pháp hay người châu Âu giúp.
Điều ước Patơnốt ngày mồng 6 tháng 6 năm 1884 đặt cơ sở lâu dài và chủ yếu cho quyền đô hộ của Pháp ở Việt Nam. Về hình thức, tuy thực dân Pháp có giao lại cho triều đình Huế ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ở phía bắc, tỉnh Bình Thuận ở phía nam và cho triều đình Huế quyền có đội quân riêng, nhưng trong thực tế cả ba miền Trung - Nam - Bắc đã hoàn toàn lọt vào tay chúng. Điều ước Patơnốt đã cắt Việt Nam ra làm ba miền với ba chế độ khác nhau. Đó là điểm chính trong toàn bộ chính sách “chia để trị” của chủ nghĩa thực dân.
Sau khi điều ước mới được kí kết, với mục đích cắt đứt hoàn toàn và vĩnh viễn mọi quan hệ giữa phong kiến hai nước Việt Nam và Trung Quốc, thực dân Pháp còn bắt triều đình Huế nấu chảy chiếc ấn của phong kiến Trung Quốc cấp cho phong kiến Việt Nam. Điều ước Patơnốt được Chính phủ Pháp thông qua ngày mồng 7 tháng 5 năm 1885. Thực dân Pháp còn ghép thêm vào điều ước này một quy ước mới nữa về chế độ hầm mỏ ở Bắc Kì và Trung Kì. Đến đây, giai cấp phong kiến Việt Nam đã hoàn toàn đầu hàng thực dân Pháp. Nhà nước phong kiến Việt Nam, với tư cách là một nhà nước độc lập có chủ quyền, đã hoàn toàn sụp đổ. Nước Việt Nam đã trọn vẹn trở thành thuộc địa của tư bản Pháp.
Sau khi được tin quy ước mới đã kí kết, thực dân Pháp ở Hà Nội chủ quan cho rằng mọi việc đã giải quyết xong, chiến tranh Bắc Kì đã kết thúc. Ngày 13 tháng 6, một binh đoàn Pháp do Đại tá Đuygien (Dugene) chỉ huy được lệnh xuất phát từ Phủ Lạng Thương kéo lên Lạng Sơn. Nhưng đi đến bờ sông Hóa, gần cầu Quan Âm, thì bị chặn lại, bên kia cầu quân Thanh chưa nhận được lệnh rút quân và quân ta do Nguyễn Thiện Thuật, Tạ Hiện, Phạm Huy Quang vẫn đóng giữ.
Ngày 23 tháng 6, sau khi liều chết vượt qua sông dưới làn mưa đạn, địch gửi tối hậu thư buộc liên quân Việt - Thanh phải rút ngay để mở đường cho chúng tiến. Bị liên quân Việt - Thanh kháng cự kịch liệt, bị đe dọa cắt đứt đường rút lui về Hà Nội, quân Pháp vội bỏ chạy tán loạn về Bắc Lệ với nhiều lính chết và bị thương, vứt bỏ lại dọc đường nhiều súng ống, đạn dược, lừa ngựa và lương thực. Vừa về đến Bắc Lệ, chúng lại bị nghĩa quân Việt Nam do Hoàng Đình Kinh chỉ huy tấn công, tiêu diệt thêm một số nên lại vội bỏ chạy về Đáp Cầu (Kép).
Trận cầu Quan Âm - thực dân Pháp thường gọi là sự kiện Bắc Lệ - có tiếng vang rất lớn ở Pháp. Bọn thực dân rất hoang mang, lo sợ. Tình hình giao thiệp giữa hai nước Pháp và Trung Quốc rất căng thẳng. Nhưng cả đôi bên đều muốn dùng con đường thương thuyết để tránh một cuộc chiến tranh lớn. Cuối cùng, trước những yêu sách quá đáng của Pháp, triều đình Bắc Kinh không thể nào nhượng bộ được nữa, cuộc chiến tranh Trung – Pháp bùng nổ (8 - 1884).
Ngày 5 - 8, hạm đội Pháp bắt đầu nổ súng tấn công pháo đài Cơ Long, rồi cho quân đổ bộ lên bắc Đài Loan, nhưng bị quân Thanh đánh bật xuống biển. Ngày 23 tháng 8, hạm đội Pháp lại tấn công hải cảng Phúc Châu, bắn hỏng phần lớn các tàu hải quân và thương thuyền Trung Quốc đậu tại đây, phá nhiều pháo đài, rồi vội rút ra xa vì, sợ bị tập kích. Sau đó, Cuốcbê lại đem toàn bộ hải quân đánh chiếm Cơ Long và phong tỏa Đài Loan (1 - 10).
Chiến sự đang diễn ra gay gắt tại vùng ven biển Trung Quốc thì ở Bắc Kì, quân Thanh cũng lũ lượt kéo sang đóng đối diện với quân Pháp ở vùng trung châu: Về phía Pháp, sau khi nhận thêm quan tiếp viện, chúng tiến về phía Lạng Sơn để phối hợp với các cuộc tấn công của hạm đội Pháp trên vùng biển Trung Quốc. Nhiều trận chiến đấu ác liệt đã xảy ra trên đường đi Lạng Sơn. Quân Pháp lần lượt chiếm các vị trí Kép (8 - 10), Chũ (12 - 10). Nhưng cũng phải đợi đến đầu tháng 2 - 1885 - nghĩa là sau hai tháng ráo riết chuẩn bị: giặc Pháp mới dám tiến quân lên đánh chiến Lạng Sơn (13 - 2). Chúng hối hả cho quân sang giải vây Tuyên Quang vì quân Cờ đen đã vây chặt Tuyên Quang chín tháng.
Thực dân Pháp đánh thọc, sâu vào Long Châu cách biên giới 80 cây số trong nội địa Trung Quốc để buộc Bắc Kinh phải sớm kí kết điều ước mới. Nhưng đêm 21 rạng sáng 22 tháng 3, quân Thanh bất ngờ phản công, tiến lên chiếm lại cửa ải Nam Quan, quân Pháp đóng giữ ở đó phải bỏ chạy về Đồng Đăng. Sau đó quân Pháp do Nêgriê chỉ huy đã phân công mạnh mẽ, vượt qua cửa ải, liên tục tấn công các đồn quân Thanh trên con đường Nam Quan - Bằng Tường. Nhưng trước sau, chúng đều bị đánh bật trở lại, cuối cùng phải rút về phía bên này biên giới, rồi hỗn loạn tháo chạy về Lạng Sơn ngày 26, bỏ lại trên chiến trường nhiều xác chết, lính bị thương và quân trang quân dụng, lương thực. Tại đây, trong khi quân Pháp chưa kịp chấn chỉnh lại đội ngũ sau thất bại lớn vừa qua, thì ngày 28 - 3 quân Thanh lại tiến đánh Kì Lừa sát bên thành Lạng Sơn. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Đại tá Hécbingiê (Herbinger) chỉ huy thay tướng Nêgriê bị trọng thương liệu thế không thể giữ được Lạng Sơn nên phải ra lệnh gấp rút bỏ chạy về Phủ Lạng Thương ngay trong đêm hôm đó. Dọc đường chạy tháo thân, quân Pháp đã vứt cả súng đại bác, hòm đạn, quẳng cả đồ đạc, hành lí xuống sông, đốt giấy tờ sổ sách, đập vỡ máy điện tín. Ngày 1 - 4, quân Pháp mới về đến Chũ.
Ảnh hưởng cuộc đại bại của Pháp ở Lạng Sơn về đến Pháp rất lớn. Dư luận phản đối cuộc chiến tranh xâm lược phiêu lưu trong nhân dân Pháp đến nay lại có dịp phát triển mạnh mẽ làm cho bọn tư bản tài chính cầm quyền vô cùng lo sợ. Ngay bọn tư bản cũng hoảng sợ, tại nhà hối đoái, những giấy cho vay xuống giá còn mạnh hơn cả hồi chiến tranh Pháp - Đức năm 1870. Tất cả các báo đều lớn tiếng công kích Chính phủ Pheri (Jules Ferry). Ngay tại Nghị viện, cánh tả và cánh hữu lâu nay có lúc không tán thành chính sách của Pheri ở Viễn Đông, đến nay có cơ hội công kích kịch liệt. Bằng 306 phiếu chống, 149 phiếu tán thành, Nghị viện đã lật đổ Chính phủ Pheri.
Tuy Pheri đổ, nhưng bọn tư bản tài chính vẫn cầm quyền. Một tập đoàn khác lên thay còn tiếp tục chính sách xâm lược thuộc địa quyết liệt hơn nữa. Nhưng triều đình nhà Thanh trước sau vẫn muốn tránh xung đột lớn với Pháp, nên đã không biết phát huy thắng lợi lớn lao ở Lạng Sơn. Không những vậy, ngay từ tháng 1 năm 1885, giữa lúc chiến sự đang diễn ra gay go ác liệt giữa đôi bên thì triều đình nhà Thanh đã cử người sang Pari trực tiếp thương lượng với Chính phủ Pheri trên cơ sở sẵn sàng chuẩn y Quy ước Thiên Tân (11 - 5 - 1884). Và ngày 4 - 4 - 1885, nghĩa là chỉ ba ngày sau khi quân Pháp thua chạy về Phủ Lạng Thương thì hai Chính phủ Pari và Bắc Kinh đã kí kết đình chiến. Tháng 5, quân Thanh rút hết về nước. Ngày 9 - 6 - 1885, Hiệp ước Thiên Tân ra đời với nội dung chủ yếu về phía nhà Thanh là cam kết từ nay thừa nhận quyền thống trị của Pháp ở Việt Nam. Trên chiến trường Việt Nam từ đây chỉ còn lại hai đối thủ một bên là nhân dân Việt Nam quyết tâm đấu tranh khôi phục độc lập thống nhất Tổ quốc, và một bên là thực dân Pháp điên cuồng lao sâu vào chiến tranh xâm lược và bình định.