Sự biến chuyển của cơ cấu kinh tế Việt Nam
Với các nguồn tài nguyên phong phú, cả trên rừng, dưới biển, trong lòng đất, sức lao động lại đông và rẻ, Việt Nam có đủ điều kiện cho thực dân Pháp đẩy mạnh việc khai thác bóc lột kinh tế tại chỗ để kiếm lợi nhuận.
“Không một xứ sở nào trên thế giới này... lại có nhiều nguồn lợi như cái xứ Bắc Kì... Biết bao ngành kĩ nghệ cần phải thiết lập... Biết bao chiến dịch xán lạn cần phải vạch ra... Xứ Bắc Kì giàu có... Từ nơi đây, chính quốc tha hồ mà bòn rút đầy tay của cải để đưa về nước. Ngành xuất cảng của nước Pháp cũng sẽ thấy nơi đây là một nguồn tiêu thụ hàng hoá rất có lợi cho mình... Vậy thì hãy tiến lên! tiến lên!”
Ngày 22 - 2 - 1902, Đume tự đắc báo cáo về Pháp: “Đông Dương ngày nay là một thuộc địa lớn, hoàn toàn bình định và tổ chức, có một nền tài chính rực rỡ, một nền thương mại quan trọng, một nền nông nghiệp phát triển nhanh chóng, số thực dân ngày một tăng và có những phương tiện hoạt động cao đẳng, một thiết bị kinh tế hùng hậu đang được xây dựng... Có thể nói rằng thuộc địa Đông Dương của chúng ta đã làm rạng rỡ văn minh nước Pháp”.
Qua nhiều cuộc thăm dò, giới cầm quyền thực dân đã quyết định chính sách khai thác thuộc địa Đông Dương với tinh thần cơ bản là: Thuộc địa Đông Dương phải được đặc biệt dành riêng cho thị trường Pháp. Nền sản xuất ở thuộc địa này chi được thu gọn trong việc cung cấp cho chính quốc nguyên liệu hay những vật phẩm gì mà nước Pháp không có. Công nghiệp nếu cần được khuyến khích thì cũng chỉ trong giới hạn nhằm bổ sung cho công nghiệp chính quốc, không làm hại đến nền công nghiệp chính quốc.
1. Tình hình đầu tư trong công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất
Tư bản nước ngoài được đầu tư vào Việt Nam từ đầu thế kỉ XX chủ yếu là của Pháp. Từ năm 1896 đến 1914 có 514 triệu phơrăng vàng được đầu tư dưới hình thức tiền vốn của Nhà nước (fonds d’État). Đó là theo số liệu của nhà kinh tế học Mĩ Callis, còn theo nguồn tư liệu chính thức của Pháp thì số đó là 424 triệu: Từ năm 1888 đến 1920 có 500 triệu phơrăng vàng. Từ 1924 đến 1929, có từ 3 đến 4 tỉ phơrăng vàng vốn đầu tư của tư nhân theo những tính toán khác nhau của Guy Lacam và Callis.
Việt Nam là một nước nông nghiệp. Ngay sau khi thực dân Pháp chiếm được Sài Gòn, một trong những biện pháp đầu tiên chúng thi hành là bỏ lệ cấm xuất cảng gạo ở Nam Kì mà trước đây triều đình Huế ban hành, gắn thị trường lúa gạo, mặt hàng quan trọng nhất của Nam Kì, sau đó là toàn bộ thị trường Nam Kì với thị trường thế giới.
Ngày 28 - 9 - 1897, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định mở rộng diện áp dụng quyền sở hữu cá nhân ruộng đất ra toàn lãnh thổ:
“Những công dân Pháp và những người được nước Pháp bảo hộ có đất do được ban, tặng hoặc mua lại của những người có ruộng đất, đất đó sẽ thuộc toàn quyền sở hữu cá nhân của họ, miễn là họ phải tuân thủ những quy định do Toàn quyền ban hành”.
Điều khoản pháp lí trên đã mở đường cho tư bản thực dân Pháp chiếm hàng loạt ruộng đất của nhân dân Việt Nam. Đó là khung cảnh cần thiết và đầy đủ để tư bản thực dân Pháp yên tâm bỏ vốn đầu tư. Ngay sau đó, tư bản thực dân Pháp và những đại địa chủ Việt Nam đã mở rộng diện tích canh tác ở những vùng đất hoang.
Ở Nam Kì, tư bản Pháp tại đây đã bỏ vốn hoặc hùn vốn để tư nhân khai thác hoặc thành lập các công ti kinh doanh trong các ngành kinh tế, chủ yếu hai ngành nông nghiệp và công nghiệp. Trong nông nghiệp, số vốn của tư bản Pháp đã chiếm gần như tuyệt đại bộ phận trong các đồn điền cao su và hồ tiêu. Từ năm 1897, những đồn điền cao su đầu tiên được thành lập, một phần nhỏ do Nhà nước, còn đại bộ phận do những nhà tư bản tại nơi sản xuất.
Khi nên nông nghiệp tư bản chủ nghĩa xuất hiện thì thế nào cũng có những nhà máy xay xát gạo và nấu rượu. Những nhà máy này được ưu tiên hàng đầu không chỉ vì có nguyên liệu tại chỗ dồi dào và chất lượng cao, mà hơn thế nữa còn có những thị trường tiêu thụ rộng lớn không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế. Triển vọng lợi nhuận cũng rất cao. Gờretxiê (Gressier) sáng lập ra nhà máy xay xát gạo, mỗi ngày xay xát từ 50 đến 60 tấn thóc. Phôngten (Fontaine) sáng lập ra Công ti nấu rượu Đông Dương đã được Nhà nước thực dân ra tay giúp đỡ, bóp chết ngành nấu rượu của người Việt và Hoa kiều. Từ 1908, ở Bắc và Trung Kì, việc độc quyền sản xuất và tiêu thụ rượu thuộc hai công ti: Công ti nấu rượu Bắc Kì của Phisê (Fischer) được giao 30% thị trường và Công ti nấu rượu Đông Dương chiếm 70% thị trường. Ở Nam Kì từ 1902 đến 1906, Công ti rượu Đông Dương của Pháp đã mua lại được 32 nhà máy của người Việt và Hoa kiều đang cạnh tranh với công ti. Từ ngành rượu, Công ti rượu Đông Dương đã dần dần lan rộng sang các ngành khác như xuất khẩu gạo, xay xát gạo, làm bột gạo, sản xuất rượu Rum từ mía, tham gia đầu tư vào nhiều ngành công thương nghiệp, ngân hàng, trở thành một trong những nhóm tài phiệt hàng đầu của Đông Dương.
Thực dân Pháp đã bóc lột nhân dân Việt Nam thậm tệ để tạo ra một nguồn tăng trưởng vốn tích lũy nhanh chóng. Một số người đã vươn lên thành nhà tư bản lớn Nhà nước thực dân tích cực giúp đỡ họ và tạo những điều kiện cần thiết để tạo dựng bước đầu nền kinh tế tư bản. Thắng lợi của những công cuộc kinh doanh thời kì đầu đã lôi kéo những nhà tư bản chính quốc sang đầu tư vào thời kì sau.
Theo thống kê của thực dân Pháp, tính đến ngày 1 -1-1914, bình quân mỗi người dân Đông Dương không phân biệt già, trẻ, gái, trai nợ cả vốn lẫn lãi là 25,30 đồng Đông Dương (tức 53,43 phơrăng).
Cơ quan đầu mối tập trung nhất là Ngân hàng Đông Dương, đại biểu cho Ngân hàng nước Pháp, có quyền phát hành giấy bạc và quản lí tiền tệ ở Đông Dương. Với thế lực và quyền lực to lớn, Ngân hàng Đông Dương đã chèn ép, bóp chẹt các ngân hàng của Hoa kiều, Ấn kiều. Ngoài việc cho các công ti, các nhà buôn vay, chúng còn cho nông dân Việt Nam vay thông qua cái gọi là “Hội Nông tín hỗ tương bản xứ”. Cách cho vay là bắt tập thể nông dân đứng vay để bảo lãnh cho nhau, khiến chúng không bao giờ mất nợ; hoặc cho những địa chủ có tài sản lớn bảo đảm vay, bọn này lại cho nông dân vay lại với lãi suất cắt cổ. Rốt cuộc chỉ người nông dân Việt Nam là bị bóc lột tàn nhẫn. Lãi suất thì chính quyền thực dân và chủ ngân hàng hưởng theo tỉ lệ: Chính quyền thực dân 20%, Hội Nông tín hỗ tương 20% và Ngân hàng Đông Dương 60%.
Số tiền nợ thu được, nếu năm 1901 mới là 728 ngàn đồng thì năm 1906 đã lên 4444 ngàn đồng Đông Dương. Nếu năm 1885, tổng số lãi mới là 393 ngàn thì năm 1905 đã lên tới 2666 ngàn phơrăng. Vốn đầu tiên của Ngân hàng Đông Dương năm 1875 khi mới thành lập là 8 triệu, năm 1910 đã lên tới 48 triệu phơrăng.
Chính sách cho vay nặng lãi đó phản ánh rõ nét tính chất ăn bám, bóc lột của chế độ thuộc địa ở Đông Dương.
2. Ngân sách tài chính Đông Dương
Trong chương trình khai thác thuộc địa của Đume có hai điểm cần nêu rõ. Đó là nhanh chóng “xây dựng cho Đông Dương một thiết bị kinh tế to lớn, một hệ thống đường sắt, đường giao thông, sông đào, bến cảng, những cơ sở cần thiết cho việc khai thác xứ Đông Dương” và ra sức đẩy mạnh sản xuất và thương mại của thuộc địa bằng việc phát triển công cuộc thực dân của người Pháp và lao động của người bản xứ”.
Để thực hiện điều này, Đume trước hết thống nhất tài chính toàn Đông Dương, lập ra ngân sách chung cho 5 xứ.
Tư bản thực dân Nam Kì phản đối vì muốn duy trì ngân sách riêng cho Nam Kì, nhưng đã thất bại.
Nguồn thu của ngân sách này chủ yếu do nguồn lợi của các loại thuế.
Mọi thứ thuế cũ có từ thời phong kiến trước khi Pháp tới, đều tăng vọt cộng thêm rất nhiều thuế mới được đặt ra. “Trên chiếc lưng cao su của người An Nam, nhà nước tha hồ kéo dài mức thuế co dãn”.
Thuế thân, thuế đinh đánh vào người dân từ 18 đến 60 tuổi, theo Nghị định ngày 2 - 6 - 1897 ở Bắc Kì và đạo dụ ngày 14 - 8 - 1898 ở Trung Kì, tăng vọt từ 50 xu lên 2,50 đồng ở Bắc Kì và từ 30 xu lên 2,30 đồng ở Trung Kì, tương đương với giá 1 tạ gạo lúc bấy giờ. Người chết cũng không được miễn thuế, người sống phải đóng thay. Nhà nước thực dân buộc từng làng phải nộp đủ mức thuế đã ấn định.
Thuế ruộng (thuế điền) trước kia mỗi mẫu phải đóng 1 đồng thì từ năm 1897 hạng nhất là 1,50 đồng, hạng nhì 1,10 đồng, hạng ba là 0,80 đồng, không kể các khoản phụ thu mỗi ngày một tăng. Việc phân loại các hạng ruộng lại theo hướng có lợi cho bọn thực dân và bọn cường hào ở địa phương. Mức thuế tăng nhưng diện tích định cho đơn vị mẫu để thu thuế lại giảm; một mẫu Việt Nam theo quy định từ thời Tự Đức là 4970 mét vuông, đến năm 1897 ở Bắc Kì chính quyền thực dân quy định mỗi mẫu chỉ là 3600 mét vuông, thuế ruộng vì vậy đột nhiên tăng lên có nơi gấp 2,5 lần.
Ngoài ra, thuế gián thu có rất nhiều loại do thực dân Pháp tuỳ tiện đặt ra, đặc biệt là ba loại thuế muối, thuế rượu và thuế thuốc phiện. Năm 1900 tổng số thuế gián thu của ngân sách Đông Dương là 13.500.000 đồng thì riêng thuế muối, thuế thuốc phiện đã chiếm 11.050.000 đồng. Về rượu, mỗi năm Công ti Phôngten lãi khoảng 2 triệu phơrăng, trong khi vốn của chúng bỏ ra ban đầu chỉ có 8,5 triệu phơrăng. Ở nước Pháp, nếu có một phòng hút thuốc phiện là bị khám xét, bỏ tù vì tội làm yếu chủng tộc Pháp. Ở Việt Nam thời đó, thuốc phiện được bán công khai, đem lại hằng năm 15 triệu phơrăng tiền lãi cho Công ti thuốc phiện độc quyền Pháp. Khắp đất nước, hầu như chỗ nào cũng có đại lí rượu, đại lí thuốc phiện mang tên “R.A.” hoặc “R.O.” có lá cờ ba sắc của nước Pháp treo trước cửa. Cứ 1000 làng thì có đến 1500 đại lí rượu và thuốc phiện. Từ năm 1900 đến năm 1910, nhà nước thực dân thu được 77 triệu phơrăng tiền lãi bán thuốc phiện.
Ngoài la còn có các tiệm hút, tiệm rượu và sòng bạc.
Trước khi Pháp chiếm, nhân dân Việt Nam phải nộp cho triều đình thuế mỗi năm khoảng 30 triệu phơrăng tiền thuế, đến thời Đume mỗi năm lên đến 90 triệu phơrăng.
3. Giao thông vận tải
Số vốn Nhà nước Pháp cho ngân quỹ Đông Dương vay, một phần được sử dụng vào việc xây dựng giao thông vận tải, hạ tầng cơ sở của việc phát triển kinh tế Đông Dương.
Đường bộ được mở rộng đến những khu vực hầm mỏ, đồn điền, bến cảng và các vùng biên giới quan trọng. Ngoài trục đường xuyên Đông Dương được mở rộng, có nhiều đoạn rộng tới 6 mét, chúng đã xây dựng những đường hàng tỉnh dẫn tới những vùng biên giới xa xôi và cao nguyên hoang vắng, như đường Sài Gòn - Tây Ninh tới biên giới Campuchia, Vinh - Sẩm Nứa, Hà Nội – Cao Bằng... Tổng số đường hàng tỉnh xây dựng thời kì này lên tới 20.000 km, và kèm theo có 14.000 km đường dây điện thoại. Ô tô cũng được nhập vào. Năm 1913, toàn Đông Dương có 350 xe, chủ yếu ở Sài Gòn và Hà Nội.

Ga Hà Nội (1900)
Đường thuỷ được khai thông ở các sông lớn như các sông Hồng, Thái Bình, Hậu Giang, Đồng Nai. Các kênh rạch cũng được tu bổ hoặc khai khẩn thêm như kênh Vĩnh Tế, Vĩnh An, Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang - Cái Lớn, Thanh Hóa - Nghệ An... Riêng ở Nam Kì, đến năm 1914 có tới 1.745 km đường thuỷ có tàu chạy bằng máy hơi nước.
Mở mang đường sắt là một việc được giới tư bản Pháp ưu tiên hàng đầu để chuyên chở hàng hoá, nguyên liệu. Đó cũng là phương tiện để chúng mau chóng đưa quân đội tới những nơi cần thiết để đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng.
Nghị định ngày 25 - 12 - 1898 cho phép Toàn quyền mở công trái 200 triệu phơrăng để tiến hành việc thiết lập đường sắt trong xứ. Bọn tư bản kĩ nghệ Pháp bán được nhiều thiết bị đường sắt với giá cao, kể cả những thứ hàng thừa ế của chúng, tránh được ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế 1900 - 1903, trong khi nhiều ngành công nghiệp ở châu Âu nhất là ngành luyện kim bị thiệt hại nặng.
Lần lượt các đường xe lửa Hà Nội - Lạng Sơn qua 13 năm chật vật cũng đã hoàn thành (1902), Hà Nội - Vinh (1905), Đà Nẵng - Huế (1906), Sài Gòn - Nha Trang, Hải Phòng - Vân Nam (1919). Tính đến năm 1912, tổng số đường sắt đã làm xong ở Việt Nam là 2059 km.
Những đoạn đường có từ trước 1897 nay mở rộng từ 0m6 ra 1m. Tốn kém nhất là việc đặt cầu sắt lớn qua sông để đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa ngày một gia tăng. Đặc biệt, cầu bắc qua sông Hồng từ tháng 9 năm 1898 đến 1902 mới hoàn thành. Cầu dài 1680 mét, tốn hơn 6 triệu phơrăng. Về chiều dài, cầu này chiếm vị trí thứ ba trong số các cầu trên thế giới hồi đó. Thời kì này, còn có một số cầu mới khác như cầu Tràng Tiền trên sông Hương, cầu Bình Lợi trên sông Bé, cầu trên sông Rạch Sỏi, cầu trên sông Đáy.
4. Công nghiệp
Sản xuất ở thuộc địa chỉ được giới hạn trong việc cung cấp cho chính quốc nguyên liệu hay những vật phẩm gì nước Pháp không có. Công nghiệp nếu cần được khuyến khích thì cũng chỉ nhằm bổ sung cho công nghiệp chính quốc, chứ không được ảnh hưởng đến sự phát triển của công nghiệp chính quốc.
Ngành mỏ là ngành được tư bản thực dân Pháp quan tâm vì ngành này nhanh chóng thu được nhiều lợi nhuận. Số giấy phép thăm dò toàn Đông Dương tăng theo từng năm, 1907: 469 giấy phép, 1908: 664, 1909: 859, 1910: 1251, 1911: 2370, 1912: 3070.
Tổng sản lượng than khai thác năm
1903: 285915 tấn
1912: 415000 tấn
1913: 500000 tấn.
Phần lớn số than này được đem bán cho một số nước ở Viễn Đông như Nhật Bản, Trung Quốc, một phần đưa sang Pháp; phần còn lại dùng cho công nghiệp Pháp ở Việt Nam.
Ngoài than, nhiều mỏ kim loại cũng được đẩy mạnh khai thác như: mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), mỏ kẽm Tràng Đà, Làng Hít, Chợ Đồn, Yên Bình, thuộc các tỉnh Bắc Cạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên; mỏ đồng ở Vạn Sài (Sơn La); mỏ sắt ở Thái Nguyên, Thanh Hoá; mỏ vàng ở Bảo Lạc (Cao Bằng), Bồng Miêu (Quảng Nam)... Trong các mỏ vàng thì mỏ vàng Bồng Miêu là quan trọng hơn cả, từ năm 1895 đến 1914 mỗi năm sản xuất được khoảng 100 kg vàng.
Sau công nghiệp khai thác than và khoáng sản là các ngành: xi măng, vải, sợi, gạch, ngói, điện, nước, chế biến nông lâm sản (như chế biến gỗ, xay xát gạo, sản xuất giấy, diêm, thuốc lá, rượu, đường. ..) Số lượng các xí nghiệp ngày càng tăng. Năm 1903 có 82 xí nghiệp, năm 1906 tăng lên 200 xí nghiệp.
Phương thức hoạt động của tư bản thực dân Pháp ở Việt Nam là tận dụng nguồn nhân công rẻ mạt, sử dụng đến mức tối đa lao động thủ công, kết hợp lao động thủ công với lao động cơ giới, kết hợp bóc lột tư bản chủ nghĩa với bóc lột tiền tư bản chủ nghĩa, sao cho chi phí sản xuất giảm xuống mức thấp nhất để thu được lợi nhuận cao nhất.
5. Thương nghiệp
Về thương mại, thuộc địa Đông Dương phải được đặc biệt dành riêng cho thị trường Pháp. Những nhà tư bản Pháp kinh doanh thương mại tại đây lúc đầu vấp phải sự cạnh tranh của thương nhân Hoa kiều và ấn kiều. Nhưng đến đấu thế kỉ XX, thực dân Pháp đã kiểm soát được hầu hết ngành xuất nhập khẩu ở Đông Dương, đưa cán cân ngoại thương tăng lên nhanh chóng. Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Đông Dương đã tăng từ 140 triệu đồng đầu thế kỉ lên 197 triệu đồng trước Chiến tranh thế giới thứ nhất. Từ 1900 đến 1906, giá trị hàng nhập lớn hơn giá trị hàng xuất là do Đông Dương tiếp nhận trang thiết bị tương ứng với nguồn vay của chính quốc theo chương trình của Đume.
Sau năm 1906, tuy việc nhập khẩu không chấm dứt, nhưng nhịp độ có giảm sút, trong khi đó xuất khẩu được đẩy mạnh do kết quả của cuộc khai thác thuộc địa.
Thực dân Pháp thực hiện chính sách độc quyền thương mại Việt Nam giàu than đá và khoáng sản, những nguyên liệu này được xuất sang Pháp và một số nước khác, trong khi phải nhập từ cái kim khâu, chiếc đinh đóng guốc đến đường ray, đầu máy, toa xe từ Pháp sang. Sản lượng cao su Việt Nam phải xuất sang Pháp để rồi nhập các chế phẩm cao su từ Pháp vào. Hàng hóa của Việt Nam mà Pháp cần đều phải dành cho Pháp, không được xuất ra nước khác. Những hàng hoá mà Pháp thừa ế hoặc kém phẩm chất so với hàng các nước khác thì Việt Nam phải mua vào.
Cùng với việc phát triển công nghiệp bông, vải, sợi của Pháp ở Đông Dương, thực dân Pháp đã bóp chết các ngành dệt thủ công cổ truyền của Việt Nam. Các hàng mĩ nghệ xuất khẩu có giá trị như sơn mài, thêu, ren, đăng ten, khảm chạm, đan lát, do những bàn tay khéo léo của thợ thủ công Việt Nam sản xuất cũng bị bọn tư bản Pháp và Hoa Kiều giữ độc quyền thu mua với giá rẻ mạt để xuất khâu kiếm lợi nhuận cao.
Ở Việt Nam, thực dân Pháp còn sử dụng Hoa Kiều để lủng đoạn thị trường vì Hoa Kiều có đủ sức mua hàng hoá của Pháp để bán lại ở Việt Nam kiếm lời. Vì vậy, mặc dù có chính sách quan thuế bảo vệ hàng Pháp, nhưng ngành thương mại của Hoa Kiều vẫn phát triển.
Với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, tư bản thực dân Pháp đã bóc lột thậm tệ nhân dân ta để thu được rất nhiều lợi nhuận, nhưng khách quan chúng cũng đã đẩy nền kinh tế Việt Nam đi theo hướng tư bản chủ nghĩa và phát triển lên một bước so với trước.
6. Nông nghiệp
Nông nghiệp là ngành đầu tư ít vốn mà dễ dàng thu được lợi nhuận. Vì vậy, ngay từ những năm cuối thế kỉ XIX, khi phong trào đấu tranh vũ trang của nhân dân ta đang phát triển mạnh, chúng đã ra sức chiếm đoạt ruộng đất của nông dân trên quy mô lớn với nhiều hình thức. Năm 1897, triệu đình Huế kỉ điều ước nhượng cho thực dân quyền khai khẩn đất hoang. Ngày 1 - 5 - 1900, thực dân Pháp ra nghị định phủ nhận quyền sở hữu ruộng đất trong luật pháp phong kiến đế dễ cướp đoạt ruộng đất của nông dân. “Đất hoang”, “đất vô chủ” thực ra là những ruộng đất màu mỡ của nông dân bị thực dân Pháp đuổi đi để chiếm đoạt. Ở Nam Kì, chúng vét sông, đào mương, thu hút nông dân đến khai thác, rồi tư bản Pháp chiếm đoạt làm của riêng bằng hình thức mua của Nhà nước với giá rẻ mạt (80 Đồng/1000 hecta ruộng - tức là 192 phơrăng năm 1900), hoặc được nhà nước cấp không. Vì thế Pôn Emơri (Paul Emery), Laba (Labat), Pôrông Đô (Porong Do) và Lica (Lika), mỗi tên đều chiếm từ 2000 đến 20000 hecta đất cấy lúa.
Ở Trung Kì và Bắc Kì, ruộng đất của nghĩa quân thời Cần Vương và Văn thân, ruộng đất của nông dân sơ tán đi nơi khác đều bị coi là “vô chủ” và bị chúng chiếm để lập đồn điền; cả nương rẫy của nhân dân các dân tộc ít người cũng bị coi là đất hoang và bị chiếm đoạt. Ở Bắc Kì, đến năm 1902 chúng đã chiếm tới 182000 hecta đất, trong đó có 50000 hecta ở những vùng trù phú nhất như Nam Định, Phủ Lí, Bắc Ninh... Gôbe (Gobert) chiếm 11.720 hecta ở Bắc Ninh; Mácti (Marty) chiếm 1183 hecta của 22 làng sau cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy; Setxnây (Chesnay), Tactaranh (Tartarin), Đờ Môngpơda (De Montpezat) chiếm hàng vạn hécta sau khi đàn áp nghĩa quân Đề Thám; Buôcgoanh Mepphơrơ (Bourgoin Meiffre) chiếm gần 1000 hecta của 57 làng ven sông Đà. Giáo hội Thiên chúa cũng là một trong những thủ phạm cướp đoạt ruộng đất. Chỉ riêng ở Nam Kì, Giáo hội đã chiếm một phần tư diện tích đất cày cấy.

Nông dân Việt Nam trong thời kì Pháp thuộc (Ảnh của VNTTX)
Năm 1890, cả nước bị thực dân Pháp chiếm 10.900 hecta, năm 1900 đã chiếm 301.000 heeta, 1912 chiếm 470.000 hecta ở Bắc Kì. Năm 1907, chúng lập được 244 đồn điền, phần lớn trồng lúa. Ngoài ra còn có đồn điền trồng cao su, cà phê, chè. Diện tích cao su từ năm 1897 đến năm 1920 là 7201 hecta. Chè năm 1900 đã xuất khẩu được 180 tấn. Cà phê từ năm 1888 đã có những đồn điền trồng thí nghiệm ở cả ba kì Bắc, Trung, Nam. Từ những năm đầu thế kỉ, sản lượng cà phê ngày càng tăng và là một nguồn lợi đáng kể cho tư bản Pháp. Rừng cũng bị chúng chiếm đoạt để lập những khu lâm khẩn. Riêng Công ti Lâm khẩn Bắc Kì năm 1908 đã chiếm tất cả 90000 hecta rừng.
Phương thức kinh doanh của thực dân Pháp ở các đồn điền nông nghiệp chủ yếu vẫn là phát canh thu tô theo lối bóc lột phong kiến. Chúng không quan tâm đến việc sử dụng máy móc trong nông nghiệp (trừ một vài đồn điền ở Nam Kì). Nhưng chúng cũng phải lưu ý tới nhiều mặt để khỏi tốn kém, sức lao động không bị kiệt quệ, đất đai không bị khô cằn. Theo Guru (Pierre Gourou), năm 1870 ở Nam Kì diện tích canh tác là 522000 hecta, sản lượng gạo xuất khẩu 229000 tấn, đến năm 1910 diện tích canh tác đã tăng lên 1528000 hecta, sản lượng gạo xuất khẩu 1109000 tấn.
Như vậy, cả diện tích canh tác lẫn xuất khẩu gạo đều tăng lên mạnh.