Tài liệu: Chất dẻo được làm bằng gì?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ các phân tử khổng lồ, tức là polyme (đa phân), có độ dài có thể đạt tới nhiều micromet.
Chất dẻo được làm bằng gì?

Nội dung

Chất dẻo được làm bằng gì?

Từ các phân tử khổng lồ, tức là polyme (đa phân), có độ dài có thể đạt tới nhiều micromet. Những đại phân tử này gồm một dãy các phân tử nhỏ giống hệt nhau gọi là monome (đơn phân). Ví dụ, polyetylen gồm một chuỗi phân tử etylen (C2H4). “Xương sống'' của những chuỗi polyme này được cấu thành từ các nguyên tử cacbon. Bản thân những nguyên từ này cũng gắn với các gốc hóa học bên giàu cacbon và hydro, là những nguyên tử có kích thước bé hơn. Vì lý do này mà chất dẻo là vật liệu nhẹ. Các gốc bên cũng có thể có clo (PVC), lưu huỳnh (cao su lưu hóa), oxy (polyeste) hoặc nitơ (nylon). Khi nguyên tử cacbon của những gốc này được thay bằng silic hoặc photpho thì người ta thu được chất dẻo vô cơ, như silicon.

Một phản ứng hóa học gọi là ''trùng hợp'' (đa phân hóa) giúp cho các đơn phân liên kết với nhau thằng hàng. Thường không tránh được những phản ứng ''ký sinh'' nhưng có thể chế ngự để ghép mạch này vào mạch khác và thu được các polyme phân nhánh. Khi ấy các mạch thường dễ uốn và có xu hướng gập lại vì các lực nội phân tử. Các mạch tự sắp xếp tốt hơn nếu chúng thẳng hàng và các gốc bên được phân bố đều xung quanh cột xương sống. Ngoài ra, dưới tác dụng của các lực giữa những phân tử với nhau lần nay, các mạch polyme chồng lên nhau. Trong trường hợp này, người ta nói rằng chúng ''kết tinh''. Ví dụ, ở nylon, liên kết hydro được tạo thành giữa các gốc bên của hai mạch kề nhau buộc các polyme tự sắp xếp. Nhưng các chuỗi polyme không bao giờ kết tinh hoàn toàn. Vì vậy, người ta thu được một vật liệu bán tinh thể, như polypropylen, được cấu thành từ hàng nghìn tinh thể nhỏ gọi là ''mầm tinh''. Các phần tinh thể được ngăn cách nhau bằng những vùng ''vô định hình'', nơi các mạch không bị gập lại.

Khi cường độ của các lực giữa những phân tử với nhau không đủ lớn để chống các mạch polyme lên nhau, thì những mạch này chằng chịt với nhau, tạo ra một loại cuộn. Khi ấy, vật liệu là vô định hình hoàn toàn, như loại polystyren được gọi là ''phi chiến thuật''. Đó là trường hợp của những polyme phân nhánh có các mạch đặc biệt cứng. Vì trạng thái vô định hình ít dày đặc hơn so với trạng thái bán tinh thể, nên mật độ của một polyme phân nhánh sẽ thấp hơn mật độ của đương lượng thẳng của nó. Chẳng hạn, có những polyetylen “mật độ thấp” (màng thực phẩm) và polyetylen ''mật độ cao'' (bình đựng dầu, đựng nước, v.v...).




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1869-02-633462086108281250/Chat-deo/Chat-deo-duoc-lam-bang-gi.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận