Đông kinh nghĩa thục
Nhật Bản hồi đầu thế kỉ XX đối với các sĩ phu yêu nước tiến bộ của Việt Nam là một thế giới mới lạ, đầy sức hấp dẫn. Phan Bội Châu từ năm 1905 đã tổ chức và lãnh đạo phong trào Đông Du sôi nổi. Năm 1906, Phan Châu Trinh sang Nhật đã chứng kiến tận mắt những đổi mới quan trọng của bài học Âu hóa. Đông đảo các chí sĩ của nhiều nước châu á cũng đến đây để học tập bài học duy tân của Nhật Bản. Nhiều nước như Philippin, Ấn Độ... đã biết mở các trường học kiểu phương Tây như Khánh Ứng nghĩa thục của Nhật Bản.
Năm 1906, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh tham quan Khánh Ứng nghĩa thục tại Đông Kinh (Tôkiô). Cuối năm 1906, trong một cuộc họp “trù bị” tại làng Nội Duệ (Bắc Ninh) đã quyết định sẽ thành lập tại Hà Nội Đông Kinh nghĩa thục.
Thăng 3 năm 1907, các sĩ phu yêu nước cùng chí hướng với Phan Bội Châu như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Lê Đại, Hoàng Tăng Bí, Vũ Hoành... bắt đầu mở trường Đông Kinh nghĩa thục tại số 4 Hàng Đào, Hà Nội.
Mục đích của nhà trường là:
- Nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ cho quần chúng.
- Truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ.
- Phối hợp hành động với các sĩ phu đã xuất dương và hỗ trợ cho phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân đang phát triển trong cả nước.
Lương Văn Can (Thục trưởng) và Nguyễn Quyền (Giám học) lãnh đạo trường. Trường mời thêm Nguyễn Văn Vĩnh, một học giả tân học được người Pháp tin cậy vào Ban sáng lập để tránh sự nhòm ngó của mật thám Pháp. Trường có trụ sở chính làm nơi thường trực và chỗ ở cho số học viên nghèo.
Đông Kinh nghĩa thục được tổ chức thành 4 ban công tác có quan hệ mật thiết với nhau đề duy trì sự hoạt động đều đặn.
1. Ban Giáo dục lo việc giảng dạy, học tập và chiêu sinh. Các ông Nguyễn Quyền, Vũ Trác, Hoàng Tích Phụng dạy chữ Hán; Trần Hữu Đức, Phan Huy Thịnh và hai nữ giáo viên dạy chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Ngoài ra, còn một số người không trực tiếp giảng ở trường, thỉnh thoảng gửi bài về cộng tác.
Học sinh của trường có lúc lên tới 2000 người, chia làm 8 lớp, có lớp ban ngày, lớp ban đêm, phân làm hai cấp tiểu học và trung học. Học sinh được cấp giấy bút sách vở. Những người quá nghèo được nhà trường sắp xếp cho ăn ở ngay trong “kí túc xá” của nghĩa thục.
Các môn học chính là: Sử kí, Địa dư, Cách trí, Vệ sinh, Toán pháp, Luân lí. Thể thao...; về các môn khoa học tự nhiên, trường dùng sách giáo khoa của các trường tiểu học Pháp. Các môn khoa học xã hội thì nhà trường tự soạn để dạy như: Nam quốc vĩ nhân, Nam quốc giai sự, Nam quốc lịch sử, Luận lí giáo khoa thư, Quốc dân độc bản... viết bằng chữ Hán. Cũng có nhiều bài học được soạn chữ Nôm, chữ Quốc ngữ theo thể lục bát để học sinh dễ nhớ, như Bài ca địa dư và Lịch sử nước nhà. Nội dung các sách rất chú trọng đề cao truyền thống dựng nước và giữ nước oanh liệt của dân tộc. Các sách chữ Hán in đẹp, rõ ràng, trên giấy tốt, có đóng bìa. Mở đầu tập sách là một bức tranh màu son vẽ một thiếu niên Việt Nam nét mặt tươi vui, tin tưởng, bàn tay đỡ một quả địa cầu.
Ngoài các sách giáo khoa, trường còn có một Thư viện có nhiều sách Tân thư nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản để học viên và độc giả ở ngoài mượn về đọc. Còn có một hòm thư treo ở cửa “Hội quán” nhằm thu thập những ý kiến phê bình xây dựng cho nhà trường.
2. Ban Cổ động có nhiệm vụ tuyên truyền ảnh hưởng của trường ra ngoài quần chúng. Hình thức hoạt động chủ yếu của Ban là các buổi diễn thuyết và bình văn được tổ chức nhiều lần trong tháng, thường là tối mồng một và ngày rằm. Một bài văn thời đó đã viết:
Buổi diển thuyết, người đông như hội,
Kì bình văn, khách đến như mưa
Thành phần đến dự có quan lại, binh lính, viên chức, một số nông dân ngoại thành Hà Nội.
Trong các buổi diễn thuyết, diễn giả đọc hoặc bình luận các bài in trên Đăng cổ tùng báo và Đại Việt tân báo, hoặc nói chuyện về một số đề tài lịch sử, gợi lại quá khứ oanh liệt của dân tộc, ca ngợi các nhân vật lịch sử có công với nước như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi... Cũng có khi nói về Cách mạng tư sản Pháp, cuộc đấu tranh giành độc lập của Mĩ, sự nghiệp của Oasinhtơn, nhưng có liên hệ so sánh với tình hình xã hội Việt Nam lúc đó. Các diễn giả cũng thường xuyên nói về đề tài xây dựng nếp sống văn minh, hô hào mọi người bài trừ hủ tục, dùng hàng nội hoá, cắt tóc ngắn...
Những diễn giả nổi tiếng thời đó là: Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Lương Trúc Đàm... Phan Châu Trinh cũng đến diển thuyết ở Đông Kinh nghĩa thục.
Trong các buổi bình văn, các cổ động viên giới thiệu với người nghe những bài thơ văn ái quốc và kêu gọi duy tân do nhà trường sáng tác, hoặc của Phan Bội Châu từ Nhật Bản gửi về. Nhiều bài được nhân dân ưa thích, phổ biến rộng rãi như Hải ngoại huyết thư, Á-tế-Á-ca.
3. Ban Trước tác chuyên lo việc biên soạn tài liệu học tập cho học sinh và các tài liệu tuyên truyền. Tham gia Ban này có Lê Đại, Lương Văn Can, Nguyễn Hữu Cầu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế. Nhà trường đã soạn và in được một số sách giáo khoa và tài liệu tuyên truyền viết bằng chữ Hán. Một số tài liệu khác soạn bằng chữ Quốc ngữ in thạch.
Cuốn Quốc dân độc bản được in tới hàng vạn bản mà vẫn không thỏa mãn nhu cầu người tìm đọc. Sách giới thiệu những kiến thức cơ bản về xã hội, quốc gia, quốc dân...; những định nghĩa về chính thể, quan chế, trường học, thuế khóa, pháp luật.
Một số sách Tân thư như Trung Quốc hồn, Vạn quốc sứ kí, Nhật Bản tam thập niên duy tân sử... được mua về để làm tài liệu tham khảo biên soạn, nghiên cứu, giảng dạy.
4. Ban Tài chính lo các khoản thu chi của nhà trường. Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, nhờ tài tổ chức và vận động của các sáng lập viên, nguồn tài chính của nhà trường ngày một phong phú. Những người ghi tên ủng hộ ghi kín cả một tấm bảng lớn. Số tiền thu được trích một phần trả cho giáo viên, số còn lại để mua giấy bút, in sách báo phát không cho học sinh và chi tiêu vào những công việc khác.
Nội dung hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục rất phong phú.
Về văn hoá - giáo dục, chương trình hoạt động của nhà trường tập trung chống tư tưởng phong kiến thối nát, thực hiện cuộc cải cách tư tưởng văn hoá, xã hội. Trước hết là chống cựu học và hủ nho.
Cần phải chống nền giáo dục cũ với những tín điều của Hán Nho, Tống Nho mà thực dân Pháp muốn lợi dụng để tiếp tục ngu dân, làm cho dân dốt nát để chúng dễ bề đàn áp, thống trị nhân dân ta. Một thầy giáo trường Đông Kinh đã viết trên Đăng cổ tùng báo:
“Bao nhiêu cái khổ sở, nhục nhằn ở nước Nam cũng vì cái dốt mà ra cả”. Vì vậy phải mở trường học khai hoá cho dân, mở chiến dịch chống nền cựu học... Những bài văn như Điếu hủ nho, Tế sống thầy đồ hủ... được soạn ra nhằm đánh thẳng vào những “chướng ngại vật đó:
“Tai hại thay hủ thư ! Đục nát bét các bố! Đau đón thay hủ nho! Làm các bố lầm lẫn! Tầm mắt không trông khỏi làng, đã chê cười Khang-Lương! Bước chân không ra khỏi ngõ, đã coi hẹp vũ trụ!
Ấy thế mà lại còn đem văn rởm rất độc, mượn học quèn làm vua, tò mò chuyện yêu quái; hơi thoi thóp như khí chiều sắp tắt! Hồn lẩn quất biết gọi đâu ra!”.
Chống chữ Hán và khoa cử, bài “Phi lộ” báo Đăng cổ tùng báo viết: “Chữ Hán quả là một cái hàng rào hiểm, chắn ngang đường văn minh, làm cho kẻ đi học mỏi lưng, tốn biết bao cơm gạo mới dùng được chữ. Khi dùng được chữ thì trán đã nhăn, lưng đã còng, vì nỗi dùi mài một đời học các điều cao xa quá”.
Với ý thức dứt khoát từ bỏ cái cũ, Vũ Bội Liêu đã lên án khá mãnh liệt chữ Hán. Cụ Phan Châu Trinh cũng đồng tình với ý đó, viết tiếp một bài tựa đề: “Bất phế Hán tự, bất túc di cứu Nam quốc!” (Không bỏ chữ Hán, không cứu được nước Nam!).
Còn cái tệ “khoa cử” thì Dương Bá Trạc nói thẳng: “Anh còn muốn cái cử nhân ư? Này, tôi bán cho anh một xu thôi!”.
Nền giáo dục phong kiến bị lên án đã đào tạo ra những “nho sĩ” thoát li mọi hoạt động xã hội, không còn góp phần biến cải xã hội, để từng bước phát triển xã hội theo hướng tiến bộ nữa.
Việc đề cao chữ Quốc ngữ vô học những kiến thức mới cũng được đẩy mạnh.
Bài ca cổ động của Đông Kinh nghĩa thục đã khẳng định:
“Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tính trước dân ta.
Sách các nước, sách China,
Chữ nào nghĩa ấy dịch ra cho tường”.
Trong tác phẩm “Vân minh tân học sách” được coi như “cương lĩnh hành động” của Đông Kinh nghĩa thục có đoạn viết:
“Người trong nước đi học nên lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện đầu tiên để trong một thời gian vài tháng, đàn bà, trẻ em đều biết chữ và người ta có thể dùng chữ Quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay, và thư từ thì có thể chuốt lời và đạt ý. Đó thực là bước đầu tiên để mở mang trí khôn vậy”.
Những điều cần phải làm được xác định cụ thể:
“Mở tân giới, xoay nghề tân học,
Đón tân trào, dựng cuộc tân dân,
Tân thư, tân báo, tân văn...”
Các môn học “mới” đều được giảng dạy như Địa lí, Sử kí, Toán pháp, Kinh tế, Ngoại ngữ... Một vị khách ghé thăm trường tháng 4 - 1907 đã viết:
“Trang học rộng lắm mà học trò cả ngày cả đêm ước đến 400 người, phân ra làm nhiều lớp, lớp thì dể những ông Cử, ông Tú học chữ Pháp; lớp thì để những ông đã biết chữ Pháp học chữ Nho; lớp người lớn, lớp trẻ con, tràng con trai, tràng con gái, thứ tự phân minh lắm”.
Phương pháp sư phạm cũng có nhiều thay đổi theo “Tây học”. Lại có thêm những buổi đọc báo, bình văn, diễn thuyết, thảo luận, đóng kịch...
Văn minh tân học sách ghi : “Lại hạ lệnh khắp nước, hễ ai học được kiểu mới thì cũng theo lối châu Âu cấp cho bằng khen làm lưu chiếu, thưởng cho phẩm hàm để ngợi khen họ, cấp lương bổng để khen thưởng họ, cho giữ quyền sáng tạo đề hậu đãi họ. Những ai giỏi về khoa cách trí, khí học, hóa học thì làm cho họ được vẻ vang, sang trọng hơn những người đỗ đại khoa”.
Truyền thống lịch sử và lòng yêu nước được đặc biệt chú trọng.
Thầy giáo Phan Tử Trực đã nhấn mạnh:
“Dòng ta chẳng phải hèn
Bạch Đằng phá quân Nguyên
Chi Lăng đuổi tướng Minh
Cõng rắn cắn gà nhà
Người xưa rất khinh bỉ!”
Nhà trường đã biên soạn nhiều sách Lịch sử, Địa lí, Tập đọc... theo tư tưởng chủ đạo đó. Cuốn Nam quốc địa dư ghi rõ: “Xin có lời kính cáo đồng bào như sau: người nước ta không thể không yêu nước mình. Muốn yêu nước không thể không biết cương vực, hình thể, phân khu, phong tục, chính trị, khí hậu, thổ nghi của nước mình... Và muốn thế, trước hết xin hãy đọc địa dư của nước mình”.
Lòng yêu nước còn được kích động bằng những văn thơ tố cáo tội ác của thực dân Pháp, như các bài : Đề tinh quốc dân ca, Hải ngoại huyết thư, Thiết tiền ca...
Về bậc học sơ đẳng, cuốn sách giáo khoa Quốc dân độc bản đã giúp mọi người “hiểu qua những nguyên tắc cơ bản trong đời sống xã hội ngày nay”. Chỉ trong 9 tháng, sách được in nhiều lần, không đủ cho nhu cầu của độc giả.
Về giáo dục chuyên môn, Phan Châu Trinh đặc biệt đề cao việc học nghề cho giỏi:
“Hỡi những người chí cả hương quê
Mau mau đi học lấy nghề
Học rồi ta sẽ đem về dạy mau!”.
Nguyễn Phan Lãng trong bài “Thiết tiền ca” còn nói rõ:
“Trong một nước nghề nay đã đủ,
Từ đó mà tiến bộ văn minh.
Rời mà cũng chế thủy tinh,
Cũng lò đúc sắt, cũng dinh đúc đồng.
Cũng tàu máy qua sông vượt bể,
Cũng điện cơ, điện khí, điện xa.
Cũng buôn, cũng bán gần xa,
Khi vào Tây Cống, khi ra Hải Phòng.
Thế mới thực phụ công đi học,
Thế mới là cỗi gốc văn minh !..”.
Về mặt tư tưởng xã hội, thuyết “thiên mệnh” của Nho giáo bị đả phá, sách Quốc dân độc bản có đoạn viết: “Cái tâm lí hiện nay đã cản trở quốc dân ta cạnh tranh chính là do thuyết thiên mệnh. Không có cái gì mà các bậc tú giả không gọi là mệnh. Người quân tử biết mệnh là cái hại không thể tránh, cái lợi không thể theo, rốt cuộc chỉ còn cái phải làm mà thôi vậy. Cho nên người biết mệnh chỉ biết là khuyến khích sự lập chí, còn biết đâu đến bọn người không có chí. Làm một việc gì cũng chờ theo cái may của trời cho. Việc không thành thì lại ghen với trời. Bàn về sự nước yếu thì không quy tội cho chính sự không sửa đổi”.
Lên án những phong tục tập quán lạc hậu. Đông Kinh nghĩa thục đã phê phán rất sâu cay:
“Ông khoa mục đến thầy tổng lí
Máu tham ăn vô số lạ đời.
Sao không mở mắt trông người.
Năm châu rộng rãi, sáu loài đua tranh.
Còn giữ thói ham ăn giành uống,
Chỉ châu đầu trong chốn hương thôn...”.
Những nếp suy nghĩ lạc hậu, những thói cờ bạc, rượu chè... bị lên án gay gắt:
“... Bỏ nghề cờ bạc, tham dâm,
Bỏ nghề dại chợ khôn nhà bấy lâu.
Bỏ ỷ thế, bỏ câu tiểu khí,
Bỏ tranh phi, bỏ lí sự cùn.
……………………………
Điều tục lụy, điều chi cũng đổi
Đổi cho rồi cái thói bấy lâu !”
Về mặt kinh tế, Đông Kinh nghĩa thục hô hào lập các hội buôn. Đỗ Chân Thiết có một hiệu kim hoàn ở phố hàng Bạc. Để ủng hộ phong trào Đông Du, ông đã mua gạo từ Hải Dương, Thái Bình chở về Hà Nội bán, nhưng chưa quen nên phải bỏ vì thua lỗ; sau đó ông hùn vốn với các đồng chí mở hiệu buôn Đồng Lợi Tế ở phố Mã Mây, chuyên buôn bán hàng nội hóa; rồi lại mở thêm hiệu Tụy Phương ở gần ga Hàng Cỏ chuyên bán thuốc Bắc.
Hoàng Tăng Bí và Nguyễn Quyền mở công ti Đông Thành Xương ở phố Hàng Gai vừa buôn bán hàng tạp hóa, vừa làm công nghệ như dệt xuyến hoa đại đóa, ướp chè sen.
Từ năm 1907 - 1908 trở đi, do ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục nhiều công ti ra đời: Quảng Hưng Long buôn bán nội hóa, Hồng Tân Hưng buôn bán và sản xuất đồ sơn, Nghiêm Xuân Quảng buôn bán the lụa Thái Bình, Đồng Ích dệt và xuất khẩu lụa...
Các hội buôn lan dần ra các tỉnh: Phúc Lợi Tế ở Phúc Yên, Hưng Lợi Tế ở Hưng Yên, Sơn Thọ ở Việt Trì, Phượng Lâu (Thanh Hóa), Triệu Dương thương quán (Vinh), Quảng Nam (Nam - Ngãi), Liên Thành (Phan Thiết), Chiêu Nam Lầu (Sài Gòn).
Một số hội viên trong Đông Kinh nghĩa thục cũng lên vùng núi rừng Tây Bắc dò hỏi và tìm đến những nơi nghi là có mỏ lấy một ít đất đá, quặng khoáng đem về Hà Nội thuê xét nghiệm, nếu đúng thì xin Nhà nước cắm đất khai mỏ. Nhưng do vốn ít, lại thiếu kinh nghiệm, bị tư bản Pháp cố tình chèn ép, kể cả tư sản người Hoa, nên chỉ sau một vài thí nghiệm ban đầu đều phải bỏ dở.
Khu vực nông nghiệp cũng được chú ý khuếch trương. Các cụ tính đến việc lập đồn điền khai hoang, gieo trồng cây lương thực ở châu Yên Lập (Hưng Hoá), Mĩ Đức (Hà Đông), nhưng rồi bị thua lỗ nên chương trình phát triển nông nghiệp không tiến hành được.
“Nghĩa thục” lúc đầu chỉ giới hạn Hà Nội, nhưng do đáp ứng đúng nhu cầu học hỏi cầu tiến bộ của nhân dân nên nhanh chóng phát huy ảnh hưởng ra các địa phương, trước hết là vùng phụ cận Hà Nội. Nhà trường đã cử nhiều hội viên của mình đi diễn thuyết tại nhiều địa điểm khác nhau ở ngoại thành Hà Nội.
Ở Hà Đông, Vũ Trác, Hoàng Tăng Bí đã nhiều lần về diễn thuyết, bình văn ở đây. Phan Châu Trinh cũng có lần về thị xã Hà Đông diễn thuyết. Sư ông Như Tùng ở chùa Cao (Sài Sơn, Sơn Tây) là cổ động viên rất đắc lực của nghĩa thục. Nơi diễn thuyết đầu tiên là làng Phương Canh (Hoài Đức), sau đó là các xã Tây Tựu, Hạ Hồi, Thượng Cát, yên Lộ, Tây Mỗ, Đan Hội, Phú Diễn, Nhị Khê... Trong năm 1907, ở Hà Đông đã thành lập được 3 phân hiệu nghĩa thục.
Ở Bắc Ninh, tại huyện Gia Lâm cũng có mấy địa điểm mở lớp học kiểu Đông Kinh nghĩa thục. Riêng làng Đình Xuyên là quê hương của Nguyễn Cảnh Lâm, một thầy giáo của Đông Kinh nghĩa thục, cũng tổ chức được một phân hiệu nghĩa thục tương đối quy củ.
Ở Hưng Yên, song song với việc mở các nghĩa thục ở các huyện Văn Giang, Yên Mĩ..., còn mở thêm một hiệu buôn hàng nội hoá lấy tên là Hưng Lại Tế.
Ở Hải Dương, nhiều nhà nho yêu nước đã tuyên truyền cổ động cho chủ trương canh tân đất nước.
Ở Thái Bình, các huyện Kiến Xương, Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ đều có nghĩa thục hoạt động. Các nhà nho yêu nước vận động nhiều nhóm thân sĩ đứng ra mở trường dạy chữ Quốc ngữ cho thanh niên ở các lứa tuổi khác nhau. Nội dung giảng dạy học tập cũng giống như ở trường Đông Kinh nghĩa thục Hà Nội. Tại xã An Dục, huyện Quỳnh Phụ, phong trào nghĩa thục phát triển đến mức những người đứng đầu đã lập ra được một bản hương ước mới gồm 24 điều cải lương hương tục, đem khắc vào bia đá để ở đình lăng, đến nay vẫn còn. Ở nhiều địa phương khác còn tổ chức ra nhiều hội ái hữu, tương tế như Hội dệt vải, hội hiếu, hội hỉ...
Ở các tỉnh trung du văn miên núi như Vành Phúc, Phúc Yên, Phú Thọ, Yên Bái..., ảnh hưởng của Đông Kinh nghĩa thục nặng về chấn hưng công thương nghiệp, khai thác sản xuất hàng nội địa.
Phong trào nghĩa thục lan rộng vào cả các tỉnh ở Trung Kì và Nam Kì.
Ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), trường Võ Liệt thu hút nhiều thanh niên ưu tú ở các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Hương Sơn, Đức Thọ đến học. Thầy dạy là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, tiến sĩ Ngô Đức Kế... Tài liệu giảng dạy, học tập do Đông Kinh nghĩa thục Hà Nội cung cấp.
Huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), trường Phong Phú cũng được tổ chức, thu hút thêm một số con em các xã thuộc các huyện Can Lộc, Cẩm Xuyên đến học. Hoạt động của trường này cũng giống như các nghĩa thục khác.
Ở Phan Thiết, trường Dục Thanh là một trung tâm giáo dục theo kiểu Đông Kinh nghĩa thục. Các môn học và chương trình học của học sinh gần giống như các trường tiểu học trong Nam Kì.
Ở Nam Kì, phong trào mở các nghĩa thục không sâu rộng lắm. Những người đề xướng phong trào Duy Tân là các nhà yêu nước Nguyễn An Khương, Trần Chánh Chiếu hưởng ứng phong trào bằng một số bài báo đăng trên các tờ Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm... Các khách sạn, hiệu buôn ra đời thời kì đó đều có thể coi như là những cơ sở, những “hòm thư” liên lạc của các nhân sĩ trí thức yêu nước Nam Kì để hưởng ứng phong trào Đông Du và phong trào Đông Kinh nghĩa thục ngoài Bắc và Trung Kì.
- Nhận định chung
Đông Kinh nghĩa thục không đơn thuần chỉ là một trường học. Thực chất, nó đóng vai trò một tổ chức cách mạng do các sĩ phu yêu nước tiến bộ tổ chức để hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động cứu nước do Phan Bội Châu và Duy Tân hội phát động. Qua 9 tháng hoạt động, Đông Kinh nghĩa thục đã nuôi dưỡng được một phong trào cách mạng công khai hợp pháp khá sôi nổi, quyết liệt trong lĩnh vực đấu tranh về văn hoá và tư tưởng theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Đó cũng là một cuộc vận động chính trị chuẩn bị về tinh thần, về tư tưởng cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ trong thời đại mới.
Trước hết, Đông Kinh nghĩa thục đã nâng cao được tinh thần yêu nước, cách mạng ở những nơi có phong trào, lôi cuốn họ vào cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do và giàu mạnh của đất nước.
Trong lĩnh vực văn hoá và tư tưởng, thành tích nổi bật của Đông Kinh nghĩa thục là đề cao chữ Quốc ngữ, mạnh dạn sử dụng trong giảng dạy, biên soạn, dịch thuật, sáng tác. Từ đó, chữ Quốc ngữ nhanh chóng thâm nhập các lĩnh vực xã hội, ngày càng cải tiến trở thành chữ viết của dân tộc.
Những kiến thức nhà trường giảng dạy tuy còn sơ sài, nhưng phù hợp và thiết thực đối với đa số nhân dân. Về mặt tư tưởng, lần đầu tiên Đông Kinh nghĩa thục công khai phê phán tư tưởng phong kiến Nho giáo lỗi thời. Cũng lần đầu tiên, những tệ tục của xã hội như rượu chè, ăn uống, mê tín dị đoan, nếp sống thiếu văn minh bị đả kích kịch liệt. Mặt khác, do ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản, những tư tưởng tiến bộ mới cũng dần phát triển trong phong trào cách mạng ở nước ta đầu thế kỉ. Những tư tưởng mới này lúc khởi đầu chưa thể là một hệ thống lí luận hoàn chỉnh, nhưng đã đáp ứng được phần nào nguyện vọng của quần chúng bị áp bức bóc lột đang phải sống trong cuộc sống bần cùng và tăm tối dưới ách thống trị nặng nề của đế quốc và phong kiến.
Hoạt động tuyên truyền chấn hưng thực nghiệp và hành động kinh doanh cụ thể của Đông Kinh nghĩa thục cũng góp phẫn thúc đẩy nên kinh tế tư sản dân tộc non trẻ phát triển.
Đông Kinh nghĩa thục đã đi đầu và có những thành tựu lớn trong sáng tác văn học phục vụ cuộc đấu tranh của quần chúng. Lúc đầu, thực dân Pháp phần nào có ngộ nhận về tính chất của Đông Kinh nghĩa thục, bởi cái vỏ bọc công khai, hợp pháp của nó. Nhưng rồi với phạm vi hoạt động ngày càng lan rộng, ảnh hưởng trong nhân dân ngày càng lớn, thực tế phong trào đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết yêu nước. Đông Kinh nghĩa thục đã trở thành nguy cơ lớn đối với thực dân Pháp ở Việt Nam. Trong phiên họp Hội đồng quân sự Đông Dương, bọn thống trị Pháp đã nhận định: “Không còn là một câu chuyện hoang đường khi khẳng định rằng Đông Kinh nghĩa thục đã là một cái lò phiến loạn ở Bắc Kì”. Tháng 12 - 1907, chúng chính thức thu hối giấy phép, đóng cửa trường.
Trong bối cảnh đó, hai vụ xin xâu chống thuế ở Trung Kì và đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội nối tiếp nhau bùng nổ năm 1908 càng làm cho bè lũ chúng điên cuồng đối phó. Hầu hết các giáo viên của trường đều bị bắt, các hội buôn bị giải tán, tờ Đăng cổ tùng báo bị đóng cửa, những cuộc diễn thuyết và nói chuyện bị cấm, các tài liệu và văn kiện của nhà trường bị tịch thu. Nhìn chung, Đông Kinh nghĩa thục chỉ hoạt động được gần 9 tháng (từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1907). Mặc dù thất bại, tác dụng của Đông Kinh nghĩa thục không nhỏ. Nó đã góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân ta hồi đó, bước đầu tấn công hệ tư tưởng phong kiến, mở đường cho tư tưởng mới - tức tư tưởng tư sản - trên cơ sở đó đã góp phần chuẩn bị về mặt tinh thần cho các phong trào đấu tranh rộng lớn hơn sau đó. Những kinh nghiệm hoạt động phong phú và đa đảng của Đông Kinh nghĩa thục và của phong trào nghĩa thục ở các tỉnh sẽ được các phong trào yêu nước ở giai đoạn sau kế thừa và phát huy, làm phong phú thêm về nội dung cũng như về phương pháp đấu tranh.