Chính sách kinh tế thời chiến của Tư bản Pháp
Về công nghiệp, kinh tế Việt Nam vốn phụ thuộc vào kinh tế Pháp. Chiến tranh nổ ra, kinh tế nước Pháp bị sa sút, việc thông thương giữa Pháp và Việt Nam giảm sút nhiều vì tàu chuyên chở phải động viên vào hải quân. Công việc đầu tư của tư bản Pháp sang Việt Nam bị đình trệ do đồng phơrăng sụt giá. Nhân viên kĩ thuật người Pháp bị động viên nhập ngũ. Vì vậy việc vận chuyển máy móc thiết bị và sản phẩm công nghiệp từ Pháp sang bị đình trệ. Nhiều nhà máy, xưởng thợ phải đóng cửa. Mọi việc chuyên chở các nguyên liệu từ Việt Nam về Pháp cũng bị đình đốn, nhất là khi tàu ngầm Đức hoành hành trên mặt biển. Công nghiệp Việt Nam vì vậy lâm vào tình trạng sút kém trầm trọng. Tình hình trên không thể kéo dài vì không những trở ngại cho chính sách tổng động viên, mà còn làm cho xã hội mất ổn định. Chính quyền Đông Dương buộc phải thay đổi chính sách kinh tế nhằm đảm bảo guồng máy kinh tế thuộc địa chạy đều, giảm bớt ảnh hưởng chiến tranh tới đời sống kinh tế và chính trị Việt Nam, đồng thời phát huy tính độc lập của thuộc địa Đông Dương, đề phòng cuộc chiến lâm gián đoạn mối liên hệ giữa thuộc địa với “chính quốc”.
Thực dân Pháp trước hết ra sức duy trì những cơ sở sẵn có và nới rộng một phần cho các hội buôn, công ti tư sản bản xứ mở mang kinh doanh. Mặt khác, cố gắng phục hồi những ngành phục vụ trực tiếp cho chiến tranh, như sản xuất thuốc nổ, sửa chữa vũ khí... Trường Kĩ nghệ Hà Nội và Sài Gòn ngoài nhiệm vụ đào tạo thợ chuyên môn cho các công binh xưởng ở Pháp, còn phải sản xuất vỏ đạn trái phá. Xưởng phân chất gỗ ở Sài Gòn phải cung cấp chất axêtôn cho bộ Hải quân để làm thuốc nổ. Xưởng làm khuy được phục hồi, phục vụ cho quân nhu. Sở rượu Đông Dương sản xuất cồn cho việc chế tạo thuốc súng. Nhà máy xi măng Hải Phòng cố giữ mức sản xuất hàng năm 18 vạn tấn. Công ti Viễn Đông Hải Phòng dựng thêm lò cao để lọc thiếc. Tất cả các hoạt động ráo riết trên đều nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của nên công nghệ chiến tranh nước Pháp.
Ngoài ra, các nhà máy tơ, máy rượu, máy cưa, xưởng chế anbumin ở Nam Định, xưởng dệt Đờlinhông ở Bình Định cũng lần lượt phục hồi sản xuất sau một thời gian đình đốn. Sở Kĩ nghệ và lâm khẩn Biên Hòa trong năm 1918 đã cung cấp axêtôn, mêtilen và báng súng cho nhà binh Pháp. Cũng năm đó, một xưởng thịt hộp đã được xây dựng ở Bến Thủy (Vinh).
Trong ngành khai mỏ, các mỏ đã khai thác từ trước ở Bắc Kì lúc này được bỏ thêm vốn, như mỏ thiếc Tĩnh Túc (Cao Bằng), mỏ kẽm Chợ Đồn (Bắc Cạn), mỏ than Tràng Đà (Tuyên Quang), mỏ sắt ở Na Lương và Cù Vân (Thái Nguyên), mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam), Bảo Lạc (Cao Bằng) vv… Một số công ti khai mỏ mới ra đời: công ti than Tuyên Quang (1915), công ti than Đông Triều (1916), công ti than vô danh Paniê (Panier) ở Hải Dương (1917). Tư bản Pháp còn đẩy mạnh khai thác vônfram, tungxten ở Cao Bằng.
Trong thời gian này, ngành đóng tàu đạt mức độ tăng trưởng cao nhất. Chiến tranh bùng nổ, các tàu ở Pháp phải phục vụ kế hoạch quân sự tại chỗ, nạn thiếu tàu ở Đông Dương trở nên trầm trọng. Vì vậy thực dân Pháp ra sức giúp đỡ ngành đóng tàu ở Đông Dương phát triển. Kết quả sau một thời gian đầu tư vốn và kĩ thuật, xưởng cơ khí của các công ti Rôbe (Robert), Ghêranh (Guérin), Têa (Théard) ở Hà Nội đã đóng được tàu trọng tải 900 tấn. Xí nghiệp Poócsê (Porchet) ở Hải Phòng đã thiết bị thêm hai hầm tàu có thể đưa vào sửa chữa tàu trọng tải 1500 tấn. Sở đóng tàu Đông Dương ở Sài Gòn, năm 1918 đã hạ thủy một tàu trọng tải 4.200 tấn. Cùng năm đó, xưởng công binh hải quân Ba Son ở Sài Gòn hoàn thành một ụ tàu lớn, có thể đóng và sửa chữa những tàu dài 85-95 mét, tạo cơ sở thuận lợi cho việc thành lập đội thương thuyền Đông Dương đã được đề ra từ năm 1917, đến nay mới có điều kiện thực hiện. Đối với ngành công nghiệp nặng, trước đây chính quyền thực dân không có chủ trương xây dựng ở Đông Dương. Nhưng nay do chiến tranh, liên lạc với chính quốc khó khăn và để giải quyết nhu cầu trước mắt, chính quyền Pháp cho công ti Gờriê (Anđré Grillet) lập lò đúc gang ở Sài Gòn (1917), quy mô còn rất nhỏ, sản lượng mỗi tháng 4 vạn kg gang.
Tóm lại, công nghiệp Việt Nam trong năm đầu chiến tranh (cuối 1914 - cuối 1915) bị sa sút, sau đó đã được ổn định dần, một vài ngành tương đối phát triển đã góp phần vào việc ổn định tình hình kinh tế thuộc địa trong những năm cuối của cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất.
Về nông nghiệp, do nông nghiệp “chính quốc” ngay từ đầu chiến tranh bùng nổ đã bị tàn phá nặng bởi bom đạn Đức, nhu cầu các nông sản cho lương thực và công nghiệp thời chiến lại cao, nên chủ trương của thực dân Pháp là đẩy mạnh việc phát triển trồng trọt ở thuộc địa, trong đó có Đông Dương.
Nông nghiệp Việt Nam từ chỗ chuyên canh trồng lúa, phải dành một phần diện tích canh tác để trồng một số giống mới. Cây lương thực có lúa Tây Ban Nha, các loại đậu tây có cả đậu Phờlorit (Bắc Mĩ) và đậu Vân Nam; công nghiệp có thầu dầu Ai Cặp, kể cả thuốc lá Cuba. Ở các tỉnh miền trung du Bắc Bộ, có tới 251 hecta đất trồng lúa chuyển sang trồng đậu tây. Trong các cây công nghiệp thì cao su giữ địa vị trọng yếu. Chiến tranh bùng nổ, việc khai thác kém đi, vừa có hại cho bọn chủ tư bản kinh doanh ngành này, vừa làm cho ngân sách Đông Dương thất thu vì mất nguồn thuế xuất cảng cao su. Trước tình hình đó, chính quyền thuộc địa đã trích ngân sách Đông Dương để đảm bảo các khoản nợ cho các chủ đồn điền cao su.
Riêng ngành nông nghiệp trồng lúa gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai gây ra. Đầu năm 1915, hạn hán xảy ra ở nhiều tỉnh thuộc Bắc Kì (Sơn Tây, Bắc Ninh, Hòa Bình, Lai Châu, Lạng Sơn...) nhiều nơi mùa màng bị mất trắng. Giữa năm lại xảy ra lụt lớn, đê vỡ ở hầu hết các sông lớn (sông Hồng, sông Thao, sống Đà, sông Đuống, sông Trà Lí, sông Đáy...) làm cho 221000 heeta ruộng các tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Thái Bình bị ngập.
Giữa năm 1915, Nam Kì xảy ra hạn hán. Năm 1916, hạn hán ở Bắc Kì và Trung Kì, trong khi đó từ Quảng Ngãi trở vào bị lụt. Năm 1917, các tỉnh miền Trung lại bị lụt.
Chính quyền Đông Dương đề ra kế hoạch trí lụt từ trước chiến tranh, nhưng mãi tới cuối năm 1917 kế hoạch mới được Phủ Toàn quyền Đông Dương chuẩn y, hiệu quả rất hạn chế.
Đón trước thời cơ phát triển của ngành cao su sau chiến tranh, ngay từ tháng 7-1917, Công ti tài chính cao su Đông Dương, thường gọi là tập đoàn Rivô (Rivaud) được thành lập, trong đó các tập đoàn tư bản tài chính như Ngân hàng Đông Dương, Ngân hàng Pháp - Hoa, Công ti Anh em Đơnit (Denis Frères), Misơlanh (Michelin) nắm phần lớn thế lực. Vốn đã được tập trung, lại được nhà cầm quyền ra sức giúp đỡ về mặt nhân công, tư bản Pháp kinh doanh ngành cao su ra sức đẩy mạnh hoạt động. Ngay trong chiến tranh, chính quyền Đông Dương đã thành lập ở Nam Kì một ủy ban dự thảo quy chế tuyển mộ phu ngoài Bắc vào làm việc tại các đồn điền trong Nam.
Nhiều đồn điền trống cao su được thành lập, riêng ở Nam Kì đã có 533 chủ đồn điền hoạt động ở các tỉnh Gia Định, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh.
Thương nghiệp trong thời chiến đã có sự thay đổi đáng kể. Trước chiến tranh, Pháp độc chiếm thị trường Việt Nam. Chiến tranh xảy ra, quan hệ thương mại Pháp - Việt bị giảm sút, vốn đầu tư hạn chế, hàng hóa từ Pháp sang và ngược lại bị giảm sút. Hàng khan hiếm, lại thêm việc chuyên chở trên đường biển vô cùng nguy hiểm.
Trong tình hình đó, tư bản Pháp đã mất dần ưu thế trong nền thương mại Đông Dương và Việt Nam. Nhưng chạy theo lợi nhuận cao nhất, chúng hướng về các thị trường gần và làm ăn thuận lợi hơn ở khu vực Viễn Đông. Đông Dương xuất cảng xi mãng sang Giava, Phi Luật Tân; hàng dệt sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nguyên liệu công nghiệp Đông Dương chủ yếu vẫn xuất sang Pháp, bất chấp nguy cơ tàu Pháp bị tàu ngầm Đức đánh chìm trên đường đi.
Các tàu buôn của các nước tư bản có mặt ở thị trường Viễn Đông cập cảng Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng ngày càng tăng. Đặc biệt việc buôn bán giữa Đông Dương với Trung Hoa tăng mạnh. Hàng nhập từ Trung Hoa năm 1913 chiếm 36% tổng số hàng nhập của Đông Dương, trong thời gian chiến tranh tăng lên 41% (trong khi đó hàng Pháp nhập vào Đông Dương chỉ bằng 1/3 trước chiến tranh). Tuy nhiên, tổng giá trị hàng nhập của Đông Dương từ các công ti ngoại quốc ở thị trường Viễn Đông vẫn giảm so với trước chiến tranh.
Trong khi đó, nội thương lại có chiều hướng phát triển. Tư sản Việt Nam phần nào thoát khỏi sự kìm hãm nghiệt ngã của tư bản Pháp đã vươn lên, mở rộng thị trường nội địa. Các ngành giao thông vận tải đường bộ và đường thủy tăng nhanh so với trước chiến tranh. Một số công ti vận tải được thành lập. Bên cạnh hãng ô tô Beniê (Bainier) của Pháp, các hãng ô tô Phạm Văn Phi, Công ti chạy tàu đường biển và đường sông của Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Hữu Thu v.v... cũng đẩy mạnh hoạt động.
Ngành đường sắt phát triển hơn trước chiến tranh. Công ti đường sắt Đông Dương thu được lợi nhuận lớn.
Như vậy, Chiến tranh thế giới thứ nhất không chỉ tác động trực tiếp đến kinh tế nước Pháp, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế các thuộc địa Pháp, trong đó có Việt Nam. Trong tình hình mới, chính quyền Đông Dương buộc phải thay đổi một số chính sách về kinh tế để ổn định sản xuất, hướng nền kinh tế phục vụ cuộc chiến tranh ở “chính quốc”. Do điều kiện chủ quan và khách quan tác động, một số ngành kinh tế ở Việt Nam có bước phát triển nhất định. Sự biến đổi về kinh tế đã dẫn đến những biến đổi trong cơ cấu xã hội Việt Nam.