Tài liệu: Tình hình giáo dục, văn hóa – tư tưởng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Chính quyền Đông Dương gắn việc đào tạo trong nhà trường với yêu cầu phục vụ cuộc chiến tranh đế quốc đang diễn ra ngày càng ác liệt.
Tình hình giáo dục, văn hóa – tư tưởng

Nội dung

Tình hình giáo dục, văn hóa – tư tưởng

Chính quyền Đông Dương gắn việc đào tạo trong nhà trường với yêu cầu phục vụ cuộc chiến tranh đế quốc đang diễn ra ngày càng ác liệt. Các trường kĩ thuật được đặc biệt chú trọng, như các trường kĩ nghệ Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, Thủ Dầu Một, Biên Hòa. Các trường này được tăng ngân sách, bổ sung thêm giáo viên chuyên môn người Pháp. Ngoài việc đào tạo thợ kĩ thuật theo chương trình đã định, nhà trường còn mở các khóa đào tạo thợ cấp tốc để đưa sang làm việc tại các công binh xưởng ở Pháp. Từ năm 1915, chính quyền Đông Dương mở rộng các trường tiểu học Pháp - Việt ở các tỉnh lị, tăng cường các trường Sư phạm ở Hà Nội và Sài Gòn để đào tạo công chức người Việt cho bộ máy chính quyền. Hệ thống các trường tiểu học Pháp - Việt thay thế dần nền Hán học cũ. Sự thay thế này đã được chuẩn bị từ trước với việc bỏ thi Hương ở Nam Định (1915), Thanh Hóa (1918) và bỏ hẳn thi Hội ở Huế (1919).

Các trường nữ học Sài Gòn, Huế được mở vào năm 1917.

Song song với các chủ trương trên, chính quyền Đông Dương bắt đầu mở rộng trường Đại học để đáp ứng nhu cầu của nên thống trị thực dân trong hoàn cảnh mới. Tháng 7 năm 1917, Toàn quyền Xarô lập “Đại học cục” nhằm “mở rộng trường Đại học phổ thông để khai dẫn cho kẻ thượng lưu Việt Nam biết văn minh học thuật quý quốc”, và gây cơ sở truyền bá thuyết Pháp - Việt hợp tác. Trường Pháp Chính trong “Đại học cục” làm nhiệm vụ đào tạo “ngạch quan cai trị” làm việc trong các công sở thực dân, hoặc của Nam triều.

Sau khi có các bước cải cách trên, tháng 5-1918 chính quyền thuộc địa ban hành bản “Học chính tổng quyền” được xem như là văn bản pháp lí chính thức của nền giáo dục toàn Liên bang.

Riêng trường Quốc tử giám ở Huế vẫn tồn tại, có nhiệm vụ đào tạo quan lại cho Nam triều, như hậu bổ, kinh lịch, thông phán, thừa phái v.v... làm việc tại các cơ quan tỉnh, phủ và huyện ở Trung kì.

Chính quyền Đông Dương mở thêm các trường “Thực nghiệm nông nghiệp” ở Bến Cát (Nam Kì), Tuyên Quang (Bắc Kì), khoa Cao đảng nông nghiệp “Đại học cục” để phục vụ cho việc khai thác nông nghiệp Đông Dương sau chiến tranh. Đồng thời với các công việc trên, “Phổ thông giáo khoa thư xã” cũng được thành lập có nhiệm vụ ra tạp chí Học báo, cho biên soạn sách giáo khoa các trường tiểu học sơ đẳng, tiểu học v.v...

Trong những năm chiến tranh, chính quyền thực dân cũng chú trọng đến lĩnh vực văn hóa - tư tưởng.

Đầu năm 1915, Bộ trưởng Giáo dục Mĩ thuật nước Pháp ra chỉ thị gửi tất cả các cơ quan thống trị ở thuộc địa yêu cầu phải thu thập mọi phương tiện để tuyên truyền cho cuộc chiến tranh “Vì công lí và nhân đạo” của nước Pháp. Tiếp đó là các cuộc cổ động, tuyên truyền bằng báo chí, văn học, nghệ thuật v.v... phục vụ cho mưu đồ của nhà cầm quyền muốn đẩy mạnh việc động viên vét thuế, mộ lính, tán dương công ơn “Nước mẹ”, cổ xúy việc “hợp tác Pháp Việt” v.v...

Tháng 6 năm 1915, “Thư viện truyền bá” được thành lập, bao gồm Đông Dương tạp chí (tuần báo văn chương khoa học và giáo dục) và Trung Bắc tân văn” (thời báo chính trị, kinh tế), với nhiệm vụ truyền bá văn minh “Đại Pháp”, đề cao công ơn “khai hóa” của nước Pháp.

Năm 1917, Đông Dương tạp chí đình bản, thay cho nó là tạp chí Nam Phong với cây bút chính là Phạm Quỳnh - cơ quan tuyên truyền chính thức cho đường lối chính trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Núp dưới chiêu bài “yêu nước” phụng sự “Tổ quốc”, tờ báo đã mê hoặc được một số người còn bế tắc hay mơ hồ về con đường đi, dẫn đến hoặc là cộng tác chặt chẽ với Pháp, hoặc là quay lưng lại thực trạng mất nước với ách thống trị tàn bạo đẫm máu của đế quốc Pháp. Với tạp chí Nam Phong đã hình thành một hệ thống tư tưởng nô dịch, văn hóa duy tâm phản động, chống chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa cộng sản trên các lĩnh vực chính trị, triết học, văn học, sử học...

Nhìn chung, chính sách của chính quyền Đông Dương trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất được thể hiện nhất quán trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa - tư tưởng..., nhằm mục tiêu chính là tổng động viên nhân lực, vật lực, tài lực Đông Dương phục vụ cho cuộc chiến tranh đế quốc. Chính sách mới của chính quyền thực dân đã tác động mạnh tới các lĩnh vực của xã hội Việt Nam, làm thay đổi đáng kể các mặt chính trị, kinh tế văn hóa, xã hội.

Chính sách mới đó là kết quả của sự tính toán xảo quyệt của thực dân Pháp đối với nhân dân thuộc địa. Mục tiêu của chính sách mới nhằm phục vụ cho cuộc chiến tranh của nước Pháp và lợi ích của bọn cầm quyền ở Đông Dương. Một bộ phận tầng lớp thượng lưu giàu có làm hậu thuẫn xã hội đắc lực cho chúng, trong khi tuyệt đại bộ phận nhân dân lao động Việt Nam chịu cảnh khốn cùng, nghèo đói thất nghiệp. Chính vì vậy, phong trào của các tầng lớp nhân dân Việt Nam đấu tranh chống thực dân Pháp, chống áp bức bóc lột trong Chiến tranh thế giới thứ nhất không ngừng dâng cao.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4645-02-633921694971872500/Viet-Nam-trong-Chien-tranh-the-gioi-thu-n...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận