Tài liệu: Phong trào đấu tranh yêu nước – cách mạng

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Sau những hoạt động không thành công trong năm 1913, nhất là từ sau khi Phan Bội Châu bị chính quyền Trung Quốc bắt giam, Việt Nam Quang phục hội hầu như nằm im.
Phong trào đấu tranh yêu nước – cách mạng

Nội dung

Phong trào đấu tranh yêu nước – cách mạng

1. Những hoạt động của Việt Nam quang phục hội

Sau những hoạt động không thành công trong năm 1913, nhất là từ sau khi Phan Bội Châu bị chính quyền Trung Quốc bắt giam, Việt Nam Quang phục hội hầu như nằm im. Khi Chiến tranh thế giới bùng nổ, trước sự thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, Hội đã tổ chức nhiều cuộc bạo động.

Trước hết là kế hoạch đánh chiếm Hà Nội của cơ sở Việt Nam Quang phục hội ở Văn Nam (Trung Quốc). Một hội viên tên là Đỗ Chân Thiết đã về gây dựng cơ sở ở Vân Nam. Ông vận động được một số Việt kiều và nhân viên của công ti xe lửa Vân Nam thành lập chi bộ Quang phục hội.

Kế hoạch bạo động của Đỗ Chân Thiết là lợi dụng việc giao thông trên đường sắt Hải Phòng - Vân Nam để ngầm liên kết với lính Việt Nam ở Hà Nội đánh úp thành.

Nhưng kế hoạch đã bi lộ. Từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10-1914, thực dân Pháp tập trung lực lượng vây ráp, Đỗ Chân Thiết cùng 58 đồng chí bị bắt và bị xử tử tại Hà Khẩu.

Sau thất bại của chi bộ Quang phục hội Văn Nam, các cơ sở Quang phục hội rải rác ở các tĩnh Hà Đông, Sơn Tây, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Bắc Ninh... vẫn chờ thời cơ đẩy mạnh hoạt động.

Cuối năm 1914 đầu năm 1915, một số hội viên Quang phục hội ở Phú Thọ như Tổng Chế, Nguyễn Văn Dậu, Nguyễn Văn Nguyên... tuyên truyền nhân dân nổi dậy chống Pháp. Nhân dân nhiệt liệt ủng hộ, đóng góp tiền của, giúp đỡ nghĩa quân. Đêm mồng 6-l-1915, tỉnh lị Phú Thọ bị đánh úp. Khoảng 150 nghĩa quân bao vây và tiến công trại lính khố xanh trong tỉnh lị. Quân địch chống trả quyết liệt, nghĩa quân sau đó đã rút vào các làng mạc xung quanh, không gây được thiệt hại gì đáng kể cho giặc.

Trong vụ này, thực dân Pháp đã bắt 238 người, tử hình 28 người, 12 người bị xử tù chung thân và một số án có hạn.

Nhưng ngay sau đó, ở Phú Thọ và một số tỉnh xung quanh xuất hiện những tổ chức hội kín lấy tên là Hội đồng bào, tuyên truyền nhân dân nổi dậy chống Pháp. Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, những người lãnh đạo như Nguyễn Văn Dao, Hoàng Tiến Lương, Nguyễn Văn Tạo đều bị bắt, rồi bị xử trí.

Nhiều vụ bạo động nhỏ dưới danh nghĩa Quang phục hội cũng nổ ra ở một số địa phương khác như cuộc tấn công Nho Quan (Ninh Bình), trận đột kích Lục Nam (Bắc Giang) tháng 10-1914; Bát Xắc (Lào Cai) ngày 8-8-1916; Đồng Văn (Hà Giang) ngày 3-3-1917 v.v... Cuối cùng, tất cả các hoạt động lẻ tẻ, tự phát trên đều lần lượt thất bại trước sự phản công ác liệt của kẻ thù.

2. Kế hoạch đánh Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Khẩu (1915)

Đầu năm 1915, một số người lãnh đạo Quang phục hội ở nước ngoài chủ trương vượt biên giới đánh Móng Cái, Lạng Sơn và Hà Khẩu. Kế hoạch được vạch ra là: Nguyễn Mạnh Hiếu chỉ huy đội thứ nhất tiến qua Đồng Dương đánh về Móng Cái Nguyễn Thượng Hiền chỉ huy đội thứ hai tiến qua Long Châu đánh úp Lạng Sơn; Hoàng Trọng Mậu chỉ huy đội thứ ba đánh về Hà Khẩu. Nhưng trong quá trình chuẩn bị, do bất đồng ý kiến giữa những người lãnh đạo nên việc thực hiện gặp nhiều khó khăn và không chu đáo. Chỉ có kế hoạch đánh Lạng Sơn được thực hiện một phần, nhưng cũng không gây được thiệt hại đáng kể cho địch.

Sau vụ này, chính quyền Trung Hoa, Anh và Xiêm cấu kết với thực dân Pháp đã bắt và giao cho chúng nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam, trong số đó có Hoàng Trọng Mậu, Lê Dương, Giáo Trung, Bùi Đông Khê, Vũ Sĩ Lập...

3. Phá ngục Lao Bảo (28 - 9 - 1915)

Ngục Lao Bảo (Quảng Trị) là nơi giam giữ những người tham gia phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục kháng thuế v.v... Năm 1915, số tù nhân ở đây có khoảng 200 người.

Ngày 28-9-1915, dưới sự chỉ huy của Liêu Thanh (hội viên Quang phục hội) và Hồ Bá Kiện (yếu nhân của Duy Tân hội), tù nhân Lao Bảo đã nổi dậy giết lính canh, phá gông cùm, cướp Vũ khí, đốt bốt gác rồi rút chạy. Nghĩa quân theo đường Làng Cơn - Lao Bảo tiến lên phía tây-bắc Sêpôn, rồi cố thủ trong một làng ở bản Ta Cha thuộc tỉnh Xavanakhét. Quân địch đã truy kích và tổ chức bao vây.

Lực lượng nghĩa quân ít ỏi, cầm cự được hơn một tháng thì tan vỡ. Phần lớn bị chết hoặc bị bắt, một số ít chạy thoát. Những người lãnh đạo đều hi sinh trong chiến đấu.

4. Cuộc vận động khởi nghĩa của Thái Phiên và Trần Cao Vân (1916)

Sau gần một năm tham chiến, quân Pháp bị nhiều tổn thất về người và của. Chính quyền Đông Dương tăng cường bắt lính thuộc địa để bù đắp vào sự thiếu hụt quân số. Đợt bắt lính thứ hai ở Đông Dương thực hiện ráo riết vào tháng 7-1915. Hàng ngàn lính người Việt tập trung ở Huế chuẩn bị xuống tàu vượt đại dương sang châu Âu, tình hình đó gây nên sự phản ứng trong nhân dân và binh lính, nhất là ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Huế. Tận dụng cơ hội này, các sĩ phu yêu nước Trung Kì quyết định vận động quần chúng đứng lên khởi nghĩa.

Lãnh đạo chủ chốt cuộc khởi nghĩa là Trần Cao Vân, một sĩ phu yêu nước tiến bộ, quê ở Quảng Nam, đã từng bị tù vì tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kì năm 1908; và Thái Phiên, một thành viên của Việt Nam Quang phục hội.

Tháng 3 năm 1914, có cuộc họp mặt các nhà yêu nước Trung Kì ở Đà Nẵng. Hội nghị nhất trí việc chuẩn bị khởi nghĩa và kế hoạch vận động binh lính người Việt, số lính này sắp phải sang Pháp tham gia chiến tranh, đồng thời tổ chức thêm dân binh để hỗ trợ.

Cuối năm 1915, do những tin tức từ Pháp đưa về gây xôn xao dư luận, một số người lãnh đạo phong trào nôn nóng muốn khởi nghĩa. Trước tình hình ấy, Thái Phiên đã triệu tập các nhà yêu nước về Huế họp (9-1915). Nhưng nhận thấy các điều kiện chưa đầy đủ, hội nghị đã quyết định hoãn khởi nghĩa, và tiếp tục đẩy mạnh vận động binh lính người Việt ở khắp các tỉnh Trung Kì; đồng thời cũng quyết định mời vua Duy Tân tham gia khởi nghĩa.

Trước khí thế sục sôi hưởng ứng khởi nghĩa của nhân dân, đặc biệt ở hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, tháng 2-1916 Thái Phiên lại mời các nhà yêu nước về Huế họp. Lần họp này, hội nghị quyết định khởi nghĩa ngay, định ra quốc hiệu, quốc kì, quân kì và quốc đô, chính thể; định ngày khởi nghĩa vào giữa tháng 5-1916 từ Quảng Bình trở vào. Chỉ huy khởi nghĩa là Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Thanh Tài, Đỗ Tự, Lê Ngung và Nguyễn Sáng. Nhưng do công việc chuẩn bị khởi nghĩa có nhiều sơ hở, kế hoạch bị lộ từ trước nên thực dân Pháp đã kịp thời có biện pháp đối phó.

Ở các địa bàn quan trọng như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, thực dân Pháp ra lệnh giới nghiêm, tước vũ khí binh lính người Việt, kiểm soát các đường giao thông và canh phòng nghiêm ngặt. Trước ngày hành động, theo kế hoạch, dân binh các nơi đã kéo về tỉnh lị Quảng Nam, Quảng Ngãi và Huế để phối hợp hành động, nhưng rồi không thấy có dấu hiệu gì nên cuối cùng phải rút lui.

Thái Phiên và Trần Cao Vân đưa vua Duy Tân ra khỏi thành, định rút về Nam - Ngãi. Nhưng cả ba người đều bị Pháp bắt. Thái Phiên và Trần Cao Vân bị xử tử ở An Hà (Huế). Vua Duy Tân bị đày ra đào Rêuyniông (Réunion).

Cuộc khởi nghĩa thất bại nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, trong số đó phải kể đến tầm nhìn hạn chế của những người lãnh đạo phong trào (chủ trương xây dựng nhà nước quân chủ lập hiến), kinh nghiệm vận động và tổ chức quần chúng non kém...

Tuy nhiên, cuộc vận động khởi nghĩa đã thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn của nhân dân Trung Kì, trong đó có vai trò của binh lính người Việt trong quân đội Pháp, góp phần bồi đắp truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc.

5. Khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên (1917) Thái Nguyên là một tỉnh lớn, có vị trí quan trọng về chính trị và quân sự đối với miền rừng núi Bắc Kì. Đây cũng là nơi có phong trào đấu tranh chống Pháp liên tục và mạnh mẽ từ ngày thực dân Pháp chiếm đóng. Vì vậy, thực dân Pháp đã bố trí ở đây một lực lượng quân sự mạnh gồm 1 trại lính khố xanh với gần 200 lính, 1 trại lính Tây gần 50 tên với 2 súng liên thanh.

Trong tỉnh lị có một trại giam chừng 200 tù nhân, phần lớn là chiến sĩ các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, khởi nghĩa Yên Thế v.v…

Bọn thực dân cai trị ở đây dùng những thủ đoạn cực kì tàn bạo trong việc khủng bố đàn áp nhân dân các dân tộc, kể cả với số binh lính người Việt dưới quyền, hai tên công sứ Đáclơ (Darles) và giám binh Nôen (Noël) khét tiếng tàn ác. Lòng căm thù bè lũ thực dân và tay sai của nhân dân Thái Nguyên, tù nhân đang bị giam giữ và binh lính người Việt đã dâng cao. Dần dần mối liên hệ giữa những người tù chính trị với số binh lính yêu nước làm việc trong nhà tù được thiết lập, âm mưu bạo động bí mật được hình thành.

Lãnh đạo cuộc bạo động là đội trưởng lính khố xanh Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn) đang đóng ở đây. Ông quê ở làng Yên Nhiên, tổng Thượng Chung, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc Vĩnh Phúc), xuất thân từ gia đình nông dân. Người thứ hai là Lương Ngọc Quyến[1], uỷ viên quân sự của Việt Nam Quang phục hội, bị thực dân Pháp bắt đưa lên Thái Nguyên giam giữ.

Cuộc khởi nghĩa nổ ra đêm 30-8-1917. Nghĩa quân lần lượt chiếm tòa sứ, tòa án, nhà đoan, kho vũ khí, kho bạc, nhà dây thép v.v.., chỉ trừ trại lính Tây là nơi cố thủ của bọn Pháp.

Từ sáng 31-8, ngọn cờ lớn có 5 sao, đề dòng chữ “Nam binh phục quốc” đã tung bay trên bầu trời tỉnh lị Thái Nguyên, nghĩa quân phát hịch tuyên bố Thái Nguyên độc lập, đặt quốc hiệu là Đại Hùng, kêu gọi nhân dân tham gia khởi nghĩa. Lực lượng nghĩa quân lên tới hơn 600 người, vũ khí trang bị tương đối đầy đủ.

Bọn đầu sỏ thực dân Pháp ở Hà Nội nhận được tin cấp báo đã cử tên Tổng chỉ huy quân đội Đông Dương tức tốc đưa 2000 quân, có pháo binh và xe thiết giáp yểm trợ, lên đàn áp. Sáng 2-9, chúng bắt đầu mở cuộc tấn công vào lực lượng nghĩa quân. Cuộc chiến diễn ra ác liệt trong suốt 4 ngày liền. Nhiều tên địch bị chết và bị thương. Nghĩa quân cũng bị tổn thất lớn, Lương Ngọc Quyến chỉ huy chiến đấu, đã hi sinh ngay tại trận.

Sau một tuần làm chủ tỉnh lị, trong thế so sánh lực lượng quá chênh lệch, Đội Cấn quyết định rút quân ra khỏi thị xã Thái Nguyên, tiến hành một cuộc hành quân vô cùng gian khổ qua các tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên, trước sự truy lùng ác liệt của kẻ thù, rồi lại trở về Thái Nguyên vào tháng 10-1917. Lúc này, lực lượng nghĩa quân đã giảm sút nhiều, chỉ còn độ 40 người. Quân địch truy kích ráo riết buộc nghĩa quân phải chuyển lên đèo Nứa, Hoàng Đàm, rồi định chuyển sang Yên Thế, nhưng bị địch vây chặt.

Nghĩa quân lâm vào thế hiểm nghèo. Đội Giá và Đội Xuyên được cử sang Yên Thế xây dựng căn cứ. Đội Cấn cùng với một số ít nghĩa quân cầm cự với giặc ở vùng núi Pháo (Đại Từ, Thái Nguyên).

Sáng 11-1-1918, nhận thấy không thể thống cự được nữa, Đội Cấn đã tự sát để giữ trọn khí tiết. Nghĩa quân Thái Nguyên tan rã. Những người chỉ huy như Đội Gia, Đội Xuyên, Đội Trường lần lượt ra hàng.

Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên tên tại trong 6 tháng, có nhiều nét độc đáo. Đây là cuộc vũ trang bạo động duy nhất trong những năm chiến tranh đã lật đổ chính quyền thực dân ở một địa phương. Cuộc khởi nghĩa có hai lực lượng chính, có sự liên minh giữa tù chính trị, kẻ thù của chế độ thực dân với binh lính người việt, công cụ đàn áp của chính quyền thực dân. Ngoài ra còn có đông đảo các tầng lớp nhân dân địa phương cũng hăng hái tham gia và ủng hộ nghĩa quân. Điều đó thể hiện tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, ý thức căm thù thực dân xâm lược của các tầng lớp nhân dân ta, dù họ đứng ở vị trí nào trong xã hội.

Những người lãnh đạo khởi nghĩa đã biết kết hợp hoạt động của mình với cuộc vận động cách mạng của Việt Nam Quang phục hội (tổ chức chính trị tiến bộ nhất của nhân dân ta hồi đó) và chọn đúng thời cơ cho cuộc nổi dậy ở địa phương. Nhưng cuối cùng, cuộc khởi nghĩa của binh lính và tù chính trị ở Thái Nguyên đã thất bại, nguyên nhân cơ bản là vì thiếu một đường lối chính trị rõ ràng và chương trình hành động cụ thể, không có đường lối quân sự đúng đắn.

Tiếp nối các cuộc âm mưu khởi nghĩa của binh lính Hà Nội (1908), binh lính các tỉnh miền Nam Trung Kì (1916), cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên là một đòn nặng đánh vào kế hoạch “dùng người Việt trị người Việt” của Pháp. Đây là cuộc vùng dậy mãnh liệt của những người nông dân mặc áo lính, dùng súng giặc giết giặc, tạo nên truyền thống tốt đẹp của những binh sĩ cứu quốc Việt Nam sau này.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4645-02-633921695254060000/Viet-Nam-trong-Chien-tranh-the-gioi-thu-n...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận