Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp và những biến đổi trong nền kinh tế Việt Nam
1. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp
Mặc dù là một nước thắng trận, nước Pháp bước ra khỏi cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất với những tổn thất nặng nề về kinh tế và tài chính. Chiến tranh đã tàn phá hàng loạt các nhà máy, cầu cống, đường sá và làng mạc trên khắp đất nước. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp bị đình trệ; hoạt động thương mại bị sa sút nghiêm trọng. Sau chiến tranh, Pháp đã trở thành một con nợ lớn, trước hết là của Mĩ. Số nợ quốc gia vào năm 1920 đã lên tới 300 tỉ phơrăng.
Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng đã tiêu hủy hàng triệu phơrăng đầu tư của Pháp ở nước ngoài. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga (1917), thị trường đầu tư lớn nhất của nước Pháp tại châu Âu cũng không còn nữa. Thêm vào đó là nạn lạm phát, sự leo thang của giá cả và đời sống khó khăn đã làm trỗi dậy các phong trào đấu tranh của các tầng lớp lao động Pháp chống lại chính phủ.
Trước tình hình đó, để nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh và khôi phục nền kinh tế, chính quyền Pháp một mặt ra sức tìm các biện pháp thúc đẩy sản xuất ở trong nước, mặt khác tăng cường đầu tư khai thác thuộc địa, trước hết và chủ yếu là ở các nước Đông Dương và châu Phi.
Về thời gian, đợt khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp chính thức được triển khai từ sau Đại chiến thứ nhất và kéo dài cho đến trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929-1933), tức là trong khoảng 10 năm.
Trong đợt khai thác lần thứ hai, thực dân Pháp tiến hành đầu tư ồ ạt vào các ngành kinh tế Việt Nam với một tốc độ nhanh hơn và quy mô rộng lớn hơn đợt khai thác lần thứ nhất. Số vốn đầu tư tăng rất nhanh qua các năm. Riêng năm 1920, khối lượng vốn đầu tư vào Việt Nam của tư bản Pháp đã đạt đến con số 255 triệu phơrăng[1]. Nếu trong vòng 30 năm từ 1888 đến 1918 Pháp đã đầu tư vào Đông Dương (chủ yếu là Việt Nam) khoảng 1 tỉ phơrăng thì chỉ tính riêng trong 6 năm từ 1924 đến 1929 khối lượng đó đã lên tới 4.000 triệu phơrăng[2].
Dưới đây là khối lượng đầu tư vốn theo các ngành kinh tế của các Công ti vô danh Pháp tiến hành trong những năm từ 1924 đến 1930 ở Việt Nam:
Ngành | Tổng số tiền (triệu phơrăng) | Tỷ lệ phấn trăm (%). |
Công nghiệp (chế biến, công chính, điện nước) | 369,2 | 12,9 |
Mỏ và mỏ đá Nông nghiệp và lâm nghiệp Thương mại, vận tải Bất động sản, ngân hàng | 546,4 900,2 422,5 623,9 | 19,1 31,4 14,8 21,8 |
Cộng | 2862,2 | 100 |
Từ năm 1931 trở đi, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tư bản Pháp vẫn tiếp tục quá trình đầu tư vốn vào Việt Nam và Đông Dương.
Về hướng đầu tư trong đợt khai thác thuộc địa lần thứ hai cũng khác so với thời kì đầu thế kỉ XX. Nếu trong cuộc khai thác lần thứ nhất, số vốn đầu tư của tư bản Pháp tập trung chủ yếu vào các ngành khai mỏ và giao thông vận tải, thì vào thời kì này tư bản Pháp lại đổ xô vào kinh doanh nông nghiệp song song với việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác khoáng sản. Chính sách tặng cường đầu tư trên đây của tư bản Pháp đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ cơ cấu và trình độ phát triển của các ngành kinh tế Việt Nam sau chiến tranh.
2. Những biến đổi trong nền kinh tế Việt Nam
So với các ngành kinh tế khác, nông nghiệp là ngành được thực dân Pháp chú trọng đầu tư khai thác nhiều hơn cả. Năm 1924, số vốn bỏ vào nông nghiệp là 52 triệu phơrăng, đến năm 1927 lên tới 400 triệu phơrăng. Với số vốn đó, thực dân Pháp ra sức cướp đoạt ruộng đất của nhân dân ta để lập đồn điền. Tính đến năm 1930, tổng số ruộng đất bị thực dân Pháp chiếm đoạt đã lên đến 1,2 triệu ha. Số ruộng đất này được khai thác và lập thành hàng trăm đồn điền, có đồn điền rộng tới vài nghìn ha. Riêng ở Bắc Kì, vào những năm 20 đã có 155 đồn điền, mỗi cái rộng trên 200 ha.
Hầu hết các đồn điền đều được sử dụng để trồng lúa và các cây công nghiệp như chè, cao su, cà phê ... Tại các đồn điền trống lúa, các chủ người Pháp cũng như người Việt vẫn thực hiện phương thức canh tác và bóc lột theo kiểu phong kiến, nghĩa là vẫn giao ruộng đất về cho các gia đình nông dân sản xuất rồi thu tô thuế. Các biện pháp kĩ thuật trong các khâu làm đất, tưới nước, chăm bón, thu hoạch... hầu như không được áp dụng. Tình hình đó dẫn đến năng suất lúa ở Việt Nam đạt mức thấp nhất so với nhiều nước khác ở châu Á (khoảng từ 11-12 tạ/ha, trong khi đó ở Xiêm là 18 tạ/ha, ở Malaixia là 21 tạ/ha).
Do nhu cầu của thị trường thế giới, nhất là thị trường Pháp, nên giá cao su sau chiến tranh tăng lên nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu đó, các nhà tư bản Pháp đã đổ xô vào kiếm lời trong việc kinh doanh cao su. Riêng hai năm 1927 - 1928, các đồn điền cao su đã được đầu tư 600 triệu phơrăng. Nhờ việc tăng cường vốn đầu tư, diện tích trồng cao su được mở rộng không ngừng. Năm 1919, diện tích trồng cao su là 15.850 ha, đến năm 1925 tăng lên 18.000 ha và 5 năm sau đã tăng vọt lên gấp 4 lần, đạt 78.620 ha[3]. Các hoạt động kinh doanh cao su tập trung chủ yếu vào ba công ti lớn: Công ti đất đỏ, Công ti trồng cây nhiệt đới và Công ti Michelin. Sản lượng thu hoạch cao su cũng ngày càng lớn, từ 3.500 tấn năm 1919 lên tới 6.796 tấn năm 1924. Riêng số nhựa cao su xuất khẩu vào năm 1929 đã đạt con số 10.000 tấn.
Bên cạnh cao su, nhiều đồn điền trồng chè, cà phê cũng được xây dựng và mở rộng diện tích, mạnh nhất là từ sau năm 1924. Tính đến năm 1930, thực dân Pháp đã có khoảng 10.000 ha cà phê, 3.000 ha chè, ngoài ra còn có hàng nghìn hecta dùng để trồng mía, bông, hố tiêu...
Nhìn chung, tốc độ phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam vào thời kì này vẫn tương đối thấp (đạt khoảng 1,4%/năm)[4]. Riêng ở Nam Kì, sản xuất nông nghiệp có nhịp độ phát triển cao hơn so với cả nước, đạt mức 8,5% trong những năm 20. Chỉ tính từ 1926 đến 1930, các tỉnh Nam Kì đã thu hoạch được 3.860 nghìn tấn lúa. Một phần sản lượng lúa đã được dùng để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Trong những năm 20, lúa vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, đạt từ 60% - 70% giá trị xuất khẩu. Năm 1880, sản lượng gạo xuất khẩu là 240.000 tấn thì đến năm 1928 đã lên 1.700,000 tấn, số lượng xuất khẩu gạo trong thập niên 20 tăng 25%, Việt Nam trở thành nước cung cấp gạo lớn thứ hai cho thị trường thế giới, sau Malaixia[5].
Cùng với nông nghiệp, các ngành công nghiệp Việt Nam sau chiến tranh cũng được tăng cường đầu tư vốn và mở rộng quy mô sản xuất. Tư bản Pháp tiếp tục gia tăng tốc độ đầu tư khai thác mỏ, trước hết là mỏ than. Diện tích thăm dò khai thác mỏ tăng nhanh từ 6 vạn ha năm 1911 lên 43 vạn ha năm 1930 (tức tăng hơn 7 lần)[6]. Vào những năm 20, nhiều công ti khai mỏ mới đã được thành lập như Công ti than Hạ Long, Đồng Đăng, Công ti than và mỏ kim khí Đông Dương, Công ti than Tuyên Quang, Công ti than Đông Triều... sản lượng than đã khai thác được tăng dần qua các năm. Nếu năm 1919, sản lượng than đạt 665.000 tấn thì đến 1929 đã lên tới 1.972.000 tấn (tăng gấp 3 lần)[7].
Ngoài than đá, các cơ sở khai mỏ thiếc, kẽm, sắt đều được bổ sung thêm vốn, công nhân và đẩy nhanh tiến độ khai thác. So với trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, sản lượng khai thác thiếc tăng gấp 3 lần, kẽm, 1,5 lần, vonfram 1,2 lần. Riêng năm 1928, tư bản Pháp đã khai thác được ở Việt Nam gần 2 triệu tấn than, 21.000 tấn kẽm, 250 tấn chì, 105 tấn vonfram, 20 tấn phốt phát và hơn 150 nghìn tấn muối.
Tổng giá trị các loài quặng khoáng sản đã khai thác được từ năm 1923 đến năm 1929 tăng lên gần gấp 2 lần, đạt 18,6 triệu đồng (tương đương trên 200 triệu phơrăng). Số quặng được khai thác này chủ yếu dùng cho xuất khẩu. Năm 1929, tư bản Pháp đã đưa đi xuất khẩu 1,3 triệu tấn than (chiếm 65% sản lượng khai thác, tăng gấp 2 lần so với năm 1913).
Để phục vụ cho ngành công nghiệp khai khoáng, một số cơ sở chế biến quặng, đúc kẽm, thiếc đã được thành lập ở Quảng Yên, Hải Phòng, Cao Bằng. Mục tiêu của các cơ sở chế biến này là sơ chế các quặng rồi đưa đi xuất khẩu, hoặc chuyển sang Pháp nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của nền công nghiệp chính quốc.
Bên cạnh công nghiệp khai khoáng, các ngành công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến vào thời kì này cũng khá phát đạt. Tất cả các cơ sở công nghiệp chế biến như Nhà máy xi măng Hải Phòng; các nhà máy tơ sợi và dệt ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn; các nhà máy xay xát gạo, chế biến rượu, làm đường ở Hải Dương, Hà Nội, Nam Định, Chợ Lớn... đều được nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất.
Tuy nhiên, một ngành công nghiệp nặng (công nghiệp luyện kim, cơ khí) với đầy đủ tính chất của nó - thật sự chưa ra đời. Công nghiệp Việt Nam vẫn là một nền công nghiệp dịch vụ và phục vụ (chủ yếu sản xuất các hàng tiêu dùng và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chính quốc), nên chịu sự lệ thuộc nặng nề vào thực dân Pháp và thị trường nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu của công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, ngành giao thông vận tải tiếp tục được tăng cường đầu tư vốn và các trang thiết bị kĩ thuật. Trong thời gian này, chính quyền thực dân cho xây dựng thêm một số đoạn trên con đường sắt xuyên Đông Dương như các đoạn đường Vinh – Đông Hà, Đồng Đăng - Na Sầm. Tính đến năm 1931, Pháp đã xây dựng được 2389 km đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam. Về đường bộ, tốc độ xây dựng các tuyến đường liên tỉnh cũng như nội tỉnh diễn ra khá nhanh. Đến năm 1930 đã mở được gần 15.000 km đường quốc lộ và đường liên tỉnh, riêng đường rải nhựa mới có khoảng vài nghìn km. Đồng thời, các hải cảng Hải Phòng, Sài Gòn cũng được nạo vét và củng cố nhà kho, bến bãi. Ngoài ra, một số hải cảng mới như Hòn Gai, Bến Thủy... đang được xúc tiến xây dựng. Mạng lưới giao thông thủy trên sông Hồng và sông Cửu Long tiếp tục được khai thác và sử dụng vào việc chuyên chở hàng hóa và hành khách. Có thể nói, vào thời điểm những năm 30, 40 của thế kỉ này, Đông Dương là một trong những nơi có hệ thống đường giao thông tốt nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Do việc tăng cường đầu tư phát triển kinh tế, ngành thương nghiệp mà trước hết là ngoại thương vào thời kì này có bước tiến bộ rõ rệt so với thời kì trước chiến tranh.
Tiếp sau các đạo luật thuế quan các năm 1887, 1892, 1910 và 1913, năm 1928, chính quyền thực dân ra một nghị định mới nhằm đánh thuế nặng vào hàng hóa của nước ngoài, nhất là hàng của Trung Quốc và Nhật Bản.
Bằng chính sách độc quyền ngoại thương, tư bản Pháp đã tạo điều kiện đưa hàng hóa của Pháp tràn ngập thị trường Việt Nam. Nếu giai đoạn trước chiến tranh, hàng Pháp nhập vào Đông Dương mới chiếm 37% thì đến những năm 1929-1930 đã lên tới 63%[8] tổng số hàng nhập khẩu. Nói chung, cán cân thương mại thời kì này tương đối ổn định, thậm chí có xu hướng xuất siêu. Thí dụ, trong 5 năm từ 1928 đến 1932, chỉ có một năm nhập siêu, còn 4 năm xuất siêu; riêng năm 1928 sản lượng xuất siêu đạt tới 50 triệu đồng.
Tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu cũng tăng nhanh qua các năm. Nếu năm 1920, tổng giá trị hàng xuất khẩu đạt 318 triệu đồng, năm 1928 đã tăng lên 550 triệu đồng.
Vào thời kì này, Việt Nam tăng cường mở rộng quan hệ buôn bán với nhiều nước khác như Anh, Đức, Mĩ, Italia, và một số nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á như Thái Lan, Trung Quốc, Xinhgapo, Hồng Công. Tuy nhiên, bạn hàng chính của Việt Nam vẫn là Pháp. Giá trị hàng Pháp và các thuộc địa của Pháp chiếm từ 29,6% trong những năm 1911-1920, lên 48,2% trong những năm 1921-1930. Có thể nói, trong một thời gian dài, Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng đã đóng vai trò Người điều chỉnh thương mại của chính quốc. Hàng hóa của Việt Nam bán ra nước ngoài chủ yếu là các khoáng sản, lúa gạo, cao su, chè, cà phê, hạt tiêu. Trong những năm 1929-1932, riêng giá trị xuất khẩu gạo đã chiếm hơn 60% tổng giá trị các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam
Các mặt hàng xuất khẩu của Pháp sang Việt Nam phần lớn là hàng tiêu dùng hay phục vụ sinh hoạt như vải, bông, sợi, giày dép, rượu, thuốc lá, ô tô. Còn các loại thiết bị máy móc phục vụ phát triển công nghiệp thì hầu như không được nhập khẩu vào. Ví dụ năm 1929, chỉ riêng các mặt hàng bia rượu được đưa vào Đông Dương đã lên tới 63 triệu phơrăng, trong khi đó chỉ nhập 2,4 triệu phơrăng các loại máy kéo và máy phục vụ nông nghiệp.
Đi liền với hoạt động ngoại thương, việc buôn bán trên thị trường nội địa cũng được tăng cường so với trước. Quan hệ giao lưu kinh tế, mua bán hàng hóa giữa các tỉnh, các miền trong nước cũng được đẩy mạnh. Trên thương trường, thực dân Pháp vẫn tiếp tục giữ độc quyền mua và bán ba loại hàng là rượu, muối và thuốc phiện. Nói chung, các hoạt động buôn bán lớn ở trong nước đều nằm trong tay người Pháp hoặc Hoa kiều.
Đóng vai trò tổ chức và chi phối hầu hết các hoạt động kinh tế, tài chính ở Việt Nam trong thời gian này vẫn là Ngân hàng Đông Dương. Ngoài việc nắm độc quyền phát hành giấy bạc và cho vay lãi, Ngân hàng Đông Dương còn trực tiếp quản lí và chỉ đạo hoạt động các chi nhánh ở các ngành, các tỉnh. Trong những năm từ 1925 đến 1930, Ngân hàng Đông Dương đã phối hớp với các cơ quan chính quyền thực dân xây dựng thêm 19 Nông phố ngân hàng ở hầu hết các tỉnh Bắc, Trung, Nam. Thông qua đó, Ngân hàng Đông Dương càng có điều kiện cho vay thu lãi nặng, đồng thời can thiệp sâu thêm vàn đời sống nông thôn nước ta.
Tuy nhiên, cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của tư bản Pháp không đơn giản là quá trình đầu tư vốn và mở rộng quy mô khai thác, mà kèm theo sự đầu tư là các nhân tố kĩ thuật và con người sản xuất. Nhưng tiếc thay, kết quả của cuộc khai thác ấy lại chỉ là sự mở rộng, nhân lên của tình trạng sản xuất lạc hậu trong các cơ sở kinh tế. Số máy móc và tiến bộ kĩ thuật được áp dụng trong sản xuất cực kì hạn chế và ít ỏi.
Đặc điểm nổi bật của toàn bộ cơ cấu kinh tế Việt Nam thời thuộc địa là sự phát triển mất cân đối: nền nông nghiệp nặng nề, cổ hủ bên cạnh nên công nghiệp mỏng manh, yếu ớt trong công nghiệp, ngành khai mỏ chiếm phần lớn công việc kinh doanh, các ngành sản xuất công nghiệp khác như hóa chất, luyện kim, cơ khí, năng lượng.... thì hầu như không phát triển.
Tính chất mất cân đối đó còn thể hiện qua mối quan hệ giữa các vùng, các miền đất nước. Miền Bắc và miền Nam, kinh tế còn ít nhiều phát triển; còn miền Trung từ trước đến sau chỉ trừ một vài biến chuyển có tính chất cục bộ ở Vinh - Bến Thủy, Quảng Nam - Đà Nẵng..., còn lại các nơi khác hầu như vẫn ở trong tình trạng nghèo nàn lạc hậu. Riêng các khu vực miền núi, chuyển biến không có gì, người dân vẫn sống theo phương thức du canh du cư, chủ yếu tận dụng những sản vật sẵn có của tự nhiên.