Tài liệu: Những dấu vết đầu tiên

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trong buổi bình minh của nhân loại, con người còn mang những đặc điểm giống với loài vượn, nên chúng ta thường gọi là Người vượn. Người vượn tồn tại cách ngày nay từ khoảng hai triệu năm đến 3 - 4 vạn năm.
Những dấu vết đầu tiên

Nội dung

Những dấu vết đầu tiên

Trong buổi bình minh của nhân loại, con người còn mang những đặc điểm giống với loài vượn, nên chúng ta thường gọi là Người vượn. Người vượn tồn tại cách ngày nay từ khoảng hai triệu năm đến 3 - 4 vạn năm. Trên đất nước Việt Nam, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những dấu vết của Người vượn gần giống với Người vượn Bắc Kinh[1].

Trong các hang Thẩm Khuyên[2], Thẩm Hai (Lạng Sơn) đã tìm thấy một số răng Người vượn nằm trong lớp trầm tích màu đỏ, chứa xương cốt các động vật thời Cánh tân[3]. Những chiếc răng tìm thấy trong các hang đá nói trên có đặc điểm của răng người, lại có cả đặc điểm của răng vượn. Đây là một bằng chứng về sự tồn tại của Người vượn trên đất nước ta cách ngày nay trên dưới 20 vạn năm[4]. Bên cạnh những chiếc răng Người vượn, nằm cùng lớp còn có nhiều xương, răng các động vật khác sống cùng thời với Người vượn như hổ, báo lợn rừng, gấu, voi, vượn khổng lồ.

Ở một số địa phương trên lãnh thổ Việt Nam như Núi Đọ (Thanh Hóa), Xuân Lộc (Đồng Nai), An Lộc (Bình Phước), các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều công cụ đá ghè đẽo rất thô sơ giống với công cụ đá thời đại sơ kì đá cũ.

Năm 1960, lần đầu tiên các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy hàng vạn mảnh đá ghè, gọi là mảnh tước. Những mảnh tước thô, nặng có lẽ người nguyên thủy dùng làm công cụ để chặt, cắt. Bên cạnh những mảnh tước còn có những hạch đá (là những hòn đá mà từ đó Người vượn ghè ra các mảnh tước), trốp pơ. Ở núi Quan yên, núi Nuông (Thanh Hóa), Xuân Lộc, An Lộc cũng tìm thấy những công cụ giống như ở Núi Đọ. Những công cụ nói trên có khả năng là của Người vượn.

Những dấu tích tuy chưa nhiều, nhưng cũng có thể tin rằng thời đá cũ sơ kì, Người vượn đã có mặt trên đất nước ta. Hi vọng trong tương lai có thể phát hiện thêm dấu tích xa hơn và phong phú hơn nữa về Người Vượn ở Việt Nam.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4619-02-633919054147671257/Thoi-dai-nguyen-thuy/Nhung-dau-vet-dau-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận