Những cuộc khởi nghĩa vũ trang chống Pháp của các dân tộc ít người
Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp còn diễn ra nhiều ở vùng miền núi, với sự tham gia của đồng bào các dân tộc ít người. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của người Thái ở Tây Bắc (1914 - 1916), đồng bào Mông ở Lai Châu (1918 - 1921), cuộc nổi dậy của binh lính đồn Bình Liêu ở Quảng Ninh (1918), đồng bào Mông ở Tây Nguyên (1912 - 1935) v.v...
1. Cuộc khởi nghĩa của nhân dân Tây Bắc (11-1914 - 3-1916)
Cuộc khởi nghĩa Tây Bắc diễn ra trên một địa bàn rộng, gồm phần lớn tinh Phong Salì (Bắc Thượng Lào) và Lai Châu.
Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Lương Bảo Định, Bạch Cầm Chân, Lương Văn No và Cầm Văn Tư.
Diễn biến khởi nghĩa chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Nghĩa quân làm chủ Tây Bắc. Ngày 10-11-1914, mở đầu cuộc khởi nghĩa, nghĩa quần tấn công đồn Sầm Nưa, phá hủy kho tàng, chiếm vũ khí, tiền bạc rồi rút vào rừng.
Khi địch đưa quân tới càn quét, nghĩa quân phục kích tiêu diệt, rồi thừa thắng bao vây thị xã Sơn La (ngày 11-12-1914). Một đơn vị khố đỏ từ Yên Bái sang giải vây Sơn La buộc nghĩa quân rút về Điện Biên Phủ.
Qua tháng 7, hết mùa mưa lũ, nghĩa quân chủ động tiến về phía nam, chiếm vị trí chiến lược Phong Salì và một số vị trí lân cận, chiếm Boun Neua và Mộc Pha, một vị trí quan trọng bên bờ sông Nậm Hu.
Trước những thất bại liên tiếp ở Tây Bắc, thực dân Pháp thành lập một binh đoàn, đợi hết mùa mưa lũ sẽ chiếm lại những vùng đã mất. Binh đoàn gồm 2.544 lính ngụy, 42 sĩ quan, 106 hạ sĩ quan, 210 cai và lính Âu.
Kế hoạch của địch bố trí như sau: một bộ phận xuất phát từ Lai Châu tấn công khu Bắc; một bộ phận khác xuất phát từ Mường Khoa, tấn công khu Nam.
Giai đoạn 2: Mục tiêu đầu tiên quân Pháp nhằm vào là Mộc Pha. Ngày 7 - 12 - 1914 cuộc tấn công bắt đầu. Chiến sự diễn ra ác liệt. Cuối cùng, địch chiếm được Mộc Pha, sau đó truy kích nghĩa quân ráo riết, tấn công Phong Salì. Nghĩa quân rút lui để bảo toàn lực lượng.
Phía bắc Lai Châu, chiến sự không gay go như phía nam. Một bộ phận nghĩa quân rút về phối hợp với lực lượng nghĩa quân phía nam đề cầm cự. Còn bộ phận thứ hai vượt biên giới để tránh cuộc càn quét của địch. Cuộc khởi nghĩa đến đây đã chấm dứt.
2. Cuộc khởi nghĩa của đồng bào Mông ở Lai Châu (1918 - 1921)
Lãnh đạo của khởi nghĩa là Giàng Tả Chay, người Mông, quê vùng Điện Biên.
Tháng 7 - 1918, Giàng Tả Chay lãnh đạo người Mông ở Tà Phin nổi dậy. Vì lực lượng non yếu, nghĩa quân bị thực dân Pháp đàn áp nhanh chóng. Nhưng chỉ 3 tháng sau, đến tháng 10 - 1918, ông lại tiến hành khởi nghĩa ở Điện Biên Phủ. Lúc này, lực lượng của ông phát triển mạnh. Thực dân Pháp đã phải đối phó bằng cách kết hợp thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ với đàn áp quân sự, phong trào bị giảm sút.
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc, nhưng cuộc khởi nghĩa của đồng bào Mông vẫn tiếp diễn. Mùa hè năm 1919, Giàng Tả Chay củng cố lực lượng, phát triển phong trào ở vùng Điện Biên phủ, Trấn Ninh và Sầm Nưa. Thực dân Pháp đã điều động lực lượng đến để đàn áp cuộc khởi nghĩa. Về quân sự, chúng chia quân càn quét ở hai mặt: Xiêng Khoảng - Sầm Nưa và Mường Khoa - Điện Biên Phủ. Về chính trị, chúng dùng thủ đoạn mua chuộc, chia rẽ dân tộc.
Mở đầu, địch tấn công khu ngoại vi (Sầm Nưa, Trấn Ninh, Luông Phabăng). Nơi đây, lực lượng nghĩa quân yếu nên chúng đã nhanh chóng chiếm lại các vị trí đã mất. Ngày 6 - 1, địch càn quét vùng Trấn Ninh, nối lại đường giao thông Xiêng Khoảng - Cửa Rào.
Tại khu trung tâm (vùng Son Sang, Mường Sơn), cuộc đụng độ diễn ra ác liệt. Hai bên đều bị tổn thất. Chiến sự tạm dừng một thời gian.
Tháng 9-1920, địch bao vây các căn cứ chính của nghĩa quân và bố trí chặn đường rút của nghĩa quân lên phía bắc. Sau tháng 12, cuộc giao tranh vẫn tiếp tục. Nhưng rồi nhận thấy không thể đương đầu lâu dài với quân Pháp, nghĩa quân đã phá hủy công sự, doanh trại rồi rút lui.
Thực dân Pháp sau đó thẳng tay đàn áp đồng bào Mông. Một số nghĩa quân bị mua chuộc, một số người ra đầu thú. Đến năm 1922, Giàng Tả Chay bị sát hại. Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn chấm dứt.
Đây là cuộc khởi nghĩa lớn nhất, tiêu biểu nhất, thể hiện quyết tâm chống giặc của đồng bào Mông ở Tây Bắc.
3. Cuộc khởi nghĩa của binh lính đồn Bình Liêu ( 16-11-1918)
Bình Liêu nằm trên bờ sông Tiên Yên, thuộc tỉnh Quảng Ninh, vùng Đông Bắc nước ta. Đây là vị trí chiến lược quan trọng. Từ Bình Liêu có đường đến các thị trấn Hoành Mô, Bắc Phong Sình và thị xã Móng Cái. Thực dân Pháp xây dựng đồn Bình Liêu nhằm án ngữ tỉnh Tiên Yên và các đường liên lạc với Quảng Đông (Trung Quốc).
Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là Thàm Cam Say (Đàm Giám Tây) và Lò Sáp Giáp (Lã Thập Nhất). Lực lượng tham gia khởi nghĩa là binh lính người Việt và người Hoa, cùng đồng bào các dân tộc Kinh, Dao, Nùng, Hán trong vùng.
Cuộc khởi nghĩa bùng nổ đệm 16-11-1918. Nghĩa quân chiếm đồn Bình Liêu, Hoành Mô rồi vuốt biên giới liên lạc với các hội viên Quang phục hội ở hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (Trung Quốc).
Ngày 19-11-1918, nghĩa quân trở về nước, tấn công đồn Đầm Hà, chiếm trại lính khố xanh. Quân địch rút chạy về Tiên Yên. Nghĩa quân chiếm được một vùng rộng lớn gồm Bình Liêu, Chúc Bài Sơn, Đầm Hà, từ sông Tiên Yên ra đến biển.
Thực dân Pháp tập trung lực lượng để đối phó, đưa lính Pháp tới thay thế binh lính người địa phương đóng giữ các đồn vùng Đông Bắc. Chúng dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc, chia rẽ hàng ngũ nghĩa quân và đàn áp nhân dân trong vùng. Chúng còn yêu cầu lực lượng biên phòng Trung Hoa giúp đỡ.
Nghĩa quân áp dụng lối đánh du kích, đánh úp các toán tuần tiễu của địch làm tiêu hao sinh lực của chúng. Họ không chỉ hoạt động ở vùng Đông Bắc, mà còn tác chiến trên một địa bàn rộng từ Móng Cái đến Hải Phòng, ra tận một số đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Tình hình nguy khốn đó buộc thực dân Pháp phải chấp nhận thương thuyết với nghĩa quân. Cuộc thương thuyết kéo dài, nhưng không đạt được kết quả. Ngày 8-6-1919, thực dân Pháp đẩy mạnh việc bao vây, triệt đường tiếp tế của nghĩa quân. Ngày 6 - 6 – 1919 nghĩa quân chia làm ba toán rút khỏi căn cứ. Một vài trận giao chiến lẻ tẻ diễn ra ở ven biên giới. Cuối cùng, nghĩa quân đã rút sang Trung Quốc. Đến cuối tháng 6 - 1919, cuộc khởi nghĩa chấm dứt.
Khởi nghĩa Bình Liêu là cuộc khởi nghĩa lớn về mặt quy mô và thời gian. Thành phần tham gia trực tiếp là binh lính thuộc các dân tộc thiểu số ở Đông Bắc. Cuộc khởi nghĩa được nhân dân các dân tộc trong vùng ủng hộ.
Khởi nghĩa Bình Liêu một lần nữa thể hiện tinh thần yêu nước của binh lính người Việt trong quân đội Pháp, của các dân tộc thiểu số trên đất nước ta.
Cuộc khởi nghĩa thất bại vì thiếu một giai cấp lãnh đạo tiên tiến với đường lối cách mạng đúng đắn.
4. Khởi nghĩa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên
Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ nhất, đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nhiều lần đứng dậy chống thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa có ảnh hưởng rộng lớn nhất là cuộc nổi dậy của người Mơnông do N’Trang Lơng chỉ huy.
Đầu năm 1912, nghĩa quân tấn công đồn Pusra, chỉ huy sở của Pháp. Nghĩa quân còn chặn đánh các đoàn xe tiếp tế của địch.
Từ giữa năm 1912 đến năm 1918, thực dân Pháp khủng bố dữ dội. Đầu năm 1914, nghĩa quân hoạt động trở lại. Ngày 2 - 8 - 1914, nghĩa quân giết chết chỉ huy đồn người Pháp và nhiều lính khố xanh. Tối 4 - 8, nghĩa quân tấn công đồn Bumêra.
Giữa tháng 1- 1915, nghĩa quân đánh tan một đạo quân đi càn quét của thực dân Pháp. Bọn giặc rút về châu thổ Krachiê, nghĩa quân làm chủ cả vùng cao nguyên Mơnông rộng lớn.
Năm 1916, thực dân Pháp bao vây, triệt đường tiếp tế muối vào vùng Mơnông, gây nên nạn thiếu muối nghiêm trọng. Một số thủ lĩnh dao động ra hàng. Cuộc khởi nghĩa tan rã dần.
Đặc biệt phong trào đấu tranh của đồng bào Tây Nguyên năm 1916 đã bùng nổ cuộc đấu tranh chính trị đầu tiên của người Ê Đê ở Ban Mê Thuộc do hai giáo viên Y-út và Y-giút cầm đầu.
5. Phong trào công nhân trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất
Những năm 1914 - 1918, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ hơn hối đầu thế kỉ, đã kết hợp đấu tranh kinh tế với bạo động vũ trang. Năm 1914 có các cuộc bãi công của công nhân mỏ Đèo Co (Lạng Sơn); của phu kéo xe ở Hà Nội (1 - 5); của công nhân mỏ Tĩnh Túc (Cao Bằng) vào tháng 7.
Tháng 2 - 1916, có cuộc bãi công của công nhân nữ ở nhà máy sàng, mỏ than Cái Bầu (Quảng Ninh).
Tháng 7 - 1917, công nhân mỏ bôxít Cao Bằng bãi công phản đối trừ lương, đòi cải thiện đời sống.
Thời gian 1914 - 1918, trong phong trào hội kín Nam Kì cũng có một số công nhân tham gia.
Phong trào công nhân, trong 4 năm chiến tranh có lúc hòa nhập vào phong trào yêu nước; có những lúc tạo nên một phong trào riêng, nhưng còn mang tính tự phát.
Trong thời gian này, Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài đang hoạt động trong phong trào công nhân và lao động thế giới. Đây là dấu hiệu mở đầu sự tiếp xúc của phong trào công nhân Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế.
Cuộc khai thác Đông Dương lần thứ nhất với chính sách cai trị của thực dân Pháp đã tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực của xã hội Việt Nam.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, do hậu quả của cuộc chiến gây ra cho nước Pháp, chính quyền thực dân Đông Dương đã phải điều chỉnh chính sách cai trị của chúng, nhằm huy động sức người và tài nguyên của thuộc địa cung cấp cho “chính quốc”.
Chính sách mới đó đã thúc đẩy quá trình biến chuyển của Việt Nam nhanh chóng hơn, thậm chí có những khu vực phát triển ngoài ý muốn của chính quyền thực dân. Một số ngành kinh tế Việt Nam trước kia bị nhà nước thực dân hạn chế, nay có điều kiện phát triển các mặt hàng thủ công truyền thống của Việt Nam bị hàng hóa Pháp cạnh tranh, nay có cơ hội phục hồi.
Các lực lượng tư sản dân tộc và tiểu tư sản có điều kiện tập hợp ngày càng đông đảo. Đội ngũ công nhân Việt Nam trưởng thành về số lượng và chất lượng. Giai cấp nông dân bị phân hóa, một bộ phận trở nhân công nhân đồn điền, công nhân khai thác mỏ, những người làm thuê hoặc dân nghèo thành thị.
Do bị thực dân Pháp bóc lột, vơ vét thậm tệ trong những năm chiến tranh, đại bộ phận nhân dân lao động Việt Nam bị lâm vào tình cảnh cùng quẫn. Vì thế, phong trào đầu tranh chống thực dân Pháp ở Việt Nam thời kì này nổ ra mạnh mẽ.
Phong trào yêu nước diễn ra khắp toàn quốc, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, ở cả miền Nam và miên Bắc. Phong trào đã lôi cuốn toàn dân tộc Việt Nam tham gia, cả người Kinh và đồng bào các dân tộc ít người.
Hình thức đấu tranh bạo lực là phổ biến. Bên cạnh đó, còn có phương thức hoạt động dưới hình thức hội kín mượn bộ áo tôn giáo thần bí để thu hút quần chúng.
Phong trào yêu nước trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất đã có bước phát triển rõ rệt.
Tuy nhiên, các cuộc khởi nghĩa đều lần lượt thất bại. Nguyên nhân trước hết là do các cuộc khởi nghĩa đều nổ ra một cách tự phát, lé tẻ nên thực dân Pháp dễ dàng tập trung lực lượng để đàn áp. Lãnh đạo phong trào bao gồm những người yêu nước nồng nàn, có tinh thần quả cảm, có sức chiến đấu dẻo dai, nhưng do những hạn chế nhất định về nhận thức cũng như về phương pháp nên không có khả năng thống nhất các cuộc nổi dậy riêng lẻ của từng vùng, của các dân tộc thành một phong trào chung.
Trong thời kì này, đội ngũ công nhân Việt Nam cũng đã có bước phát triển mới. Trong đấu tranh, công nhân Việt Nam không chỉ đòi hỏi cải thiện điều kiện lao động và sinh hoạt hằng ngày, mà trong một số trường hợp còn tham gia vào phong trào dân tộc. Nhưng vẫn là những cuộc đấu tranh tự phát, những bước đi đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Trên đà đó, sau chiến tranh giai cấp công nhân sẽ có bước trưởng thành mới về số lượng và chủ yếu về chất lượng. Trên cơ sở đó, chính đảng vô sản sẽ ra đời, đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc.
Phong trào yêu nước trong những năm Chiến tranh thế giới thứ nhất mặc dù thất bại đã tô đậm truyền thống đấu tranh bất khuất giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu và có ý nghĩa lịch sử lớn lao.