Sự chuyển biến về hình thái kinh tế - xã hội
1. Về kinh tế
Thời Hùng Vương do kĩ thuật luyện kim ngày càng phát triển, nên công cụ lao động bằng đồng thau ngày càng chiếm ưu thế và thay thế dần công cụ bằng đá.
Ở giai đoạn đầu (giai đoạn Phùng Nguyên), công cụ bằng đá còn chiếm ưu thế, nền kinh tế còn mang tính chất nguyên thủy. Sang đến giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun và nhất là Đông Sơn, nhiều loại hình công cụ bằng đồng ra đời và ngày càng phong phú như lưỡi cuốc, lưỡi cày, lưỡi thuổng, lưỡi xẻng, lưỡi rìu v.v... Mỗi loại hình công cụ sản xuất cũng có các kiểu dáng khác nhau. Trong khoảng 200 chiếc lưỡi cày bằng đồng có tới 4 kiểu dáng, đó là lưỡi cày hình tam giác có họng tra cán to khỏe được phân bố ở dọc sông Thao, lưỡi cày hình bầu dục, hình thoi được phân bố ở vùng đồng bằng Bắc bộ, lưỡi cày hình thoi được phân bố tập trung ở vùng sông Mã, lưỡi cày hình xẻng vai ngang phân bố ở vùng Làng Vạc. Cuốc bao gồm lưỡi cuốc có lỗ tra cán, cuốc hình tam giác, cuốc có vai. Cuốc chữ U, cuốc hình quạt v.v... Lưỡi rìu có rìu hình chữ nhật, rìu tứ diện lưỡi xòe, rìu hình lưỡi xéo, hình bàn chân, rìu lưỡi lệch. Ngoài ra còn có lưỡi liềm đồng, công cụ lao động bằng sắt. Sự tiến bộ của công cụ sản xuất đã thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển, đạt đến một trình độ khá cao. Nền kinh tế bao gồm nhiều ngành, nghề, trong đó nông nghiệp trồng lúa nước chiếm địa vị chủ đạo, phổ biến rộng rãi khắp lãnh thổ từ trung du đến đồng bằng, ven biển.
Với việc chế tạo ra lưỡi cày và nông nghiệp dùng cày đã thay thế cho nền nông nghiệp dùng cuốc, đánh dấu bước phát triển mới, mạnh mẽ trong nền kinh tế thời Hùng Vương. Với việc ra đời nhiều loại hình công cụ sản xuất bằng đồng còn chứng tỏ bước tiến về kĩ thuật canh tác của cư dân bấy giờ. Nông nghiệp dùng cày là nguồn cung cấp lương thực chính nuôi sống xã hội, trở thành cơ sở chủ yếu của mọi hoạt động khác.
Những di cốt trâu bò nhà tìm thấy trong cùng một di tích văn hóa Đông Sơn, hình bò khắc hoạ trên mặt trống đồng chứng tỏ dân cư thời Hùng Vương đã sử dụng trâu bò làm sức kéo trong nông nghiệp. Những dấu tích thóc gạo, những công cụ gặt hái tìm thấy ở các di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn chứng tỏ sự phổ biến và phát triển mạnh mẽ của nghề nông trồng lúa nước thời Hùng Vương.
Sự phát triển của nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước đòi hỏi ngày càng bức thiết phải làm công tác thủy lợi, khai khẩn đất đai, mở rộng diện tích canh tác. Đã có một số tài liệu cho thấy cư dân bấy giờ đã biết sử dụng biện pháp tưới, tiêu “theo nước triều lên xuống”.
Với những công cụ bằng kim khí, cư dân Đông Sơn đã mở rộng địa bàn cư trú, đẩy mạnh công cuộc khai khẩn đất đai, chinh phục vùng đồng bằng, ven biển Bắc bộ và bắc Trung bộ. Cư dân đồng thời đã trồng lúa trên các loại ruộng nước, bãi và nương rẫy với những hình thức canh tác phù hợp với địa hình và đất đai từng vùng. Lúa gồm có lúa tẻ và lúa nếp. Ngoài trồng lúa nước là chủ yếu, người đương thời còn phát triển nghề làm vườn, trồng rau củ, cây ăn quả để làm phong phú cho nguồn lương thực. Khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của các loại bầu bí, đậu, khoai, sắn.
Thu hoạch trong nông nghiệp ngày càng cao. Sự tích “Bánh chưng bánh giầy” đã nói lên bước phát triển của nền nông nghiệp trống lúa thời đó. Sử cũ của Trung Quốc cho biết vào năm 111 tr.C.N, sứ giả nhà Triệu đã cống cho tướng Hán là Lộ Bác Đức 1000 hũ rượu, 100 con bò. Sự kiện đó cũng chứng tỏ sự phát triển nói trên.
Cùng với trồng trọt còn có chăn nuôi, đánh cá và thủ công nghiệp cũng rất phát triển.
Để phục vụ cho trồng trọt, cư dân bấy giờ đã đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò để lấy sức kéo và phân bón. Nhiều di tích văn hóa Đông Sơn có xương trâu, bò. Các gia súc, gia cầm cũng được nhân dân chăn nuôi rộng rãi, như lợn, gà, chó v.v... Nghề thủ công đạt được bước tiến rất quan trọng từ khi cư dân Phùng Nguyên phát minh ra nghề luyện kim, đúc đồng, tiến lên nghề luyện sắt ở giai đoạn Đông Sơn. Việc phát hiện được những khuôn đúc đồng và xỉ đồng đã khẳng định nghề luyện kim do cư dân Hùng Vương sáng tạo ra. Kĩ thuật luyện đồng của người Việt cổ thời Đông Sơn đã đạt đến trình độ điêu luyện khiến cho các học giả nước ngoài kinh ngạc và phủ nhận tính bản địa của nó. Trống đồng, thạp đồng là những hiện vật tiêu biểu nhất cho trí tuệ và tài năng, thẩm mĩ của người thợ thủ công đúc đồng bấy giờ. Thực tế cho thấy từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn không những số lượng các công cụ bằng đồng ngày càng tăng nhanh chóng mà còn phong phú, đa dạng loại hình và sự tiến triển về trình độ kĩ thuật, mĩ thuật.
Việc nghiên cứu và nấu luyện hợp kim đồng phù hợp với các loại hình công cụ khác nhau là một thành tựu lớn của người thợ thủ công đúc đồng bấy giờ. Việc cấu tạo hợp kìm để chế tạo công cụ thời Hùng Vương đã trải qua 2 giai đoạn, mà giai đoạn 2 lại tốt hơn, tạo ra được những công cụ bền, chắc hơn. Ở giai đoạn đầu hợp kim gồm có đồng - thiếc. Còn giai đoạn sau hợp kim gồm có đồng - chì - thiếc với tỉ lệ đồng 80 - 90%, thiếc, chì chiếm từ 10 - 20%. Để làm nóng chảy hợp kim nói trên, các thợ đúc đồng đã tạo nên một nhiệt độ trong lò luyện từ 12000 đến 12500C và bản thân lò phải chịu được nhiệt độ 14000C. Để làm được điều đó không phải dễ đối với người Việt cổ cách đây mấy ngàn năm khi khoa học kĩ thuật còn chưa phát triển.
Với kĩ thuật luyện đồng, cư dân bấy giờ đã tạo nên bước ngoặt, loại trừ hẳn đồ đá.


Trong một số di tích thời Hùng Vương như Tiên Hội, Đường Mây, Gò Chiền Vậy, Đồng Mõm, Vinh Quang tìm thấy các di vật bằng sắt. Tại khu Cổ Loa tìm thấy dấu tích chế tạo đồ sắt. Người Đông Sơn chế tạo đồ sắt bằng cách luyện ra sắt xốp, rèn sắt đến phương pháp đúc.
Sự phát triển của trình độ kĩ thuật luyện kim nói riêng và nghề luyện kim nói chung thời Hùng Vương không những đã làm thay đổi về chất và nâng cao hiệu quả của công cụ sản xuất, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế mà còn tạo nên bước chuyển biến quan trọng trong quan hệ sản xuất - xã hội, đưa đến sự phân công lao động trong xã hội. Một số thợ thủ công tách khỏi nông nghiệp.
Nghề làm gốm cũng phát triển lên một bước. Nghệ thuật nặn gốm bằng bàn xoay được cải tiến. Người thợ gốm bấy giờ còn biết dùng phương pháp tạo hình bằng cách đổ khuôn và nung trong lò kín chuyên dụng. Chất lượng gốm ngày càng cứng và ít thấm nước hơn, độ mịn ngày càng tăng. Trình độ tạo hình cũng ngày càng cao hơn (các bình gốm ở phần miệng, rìa miệng, đoạn co thắt ở cổ đều đặn, song song chạy quanh thân gốm, loại hình sản phẩm gốm phong phú, đa dạng).
Tuy nhiên, nghề làm gốm bấy giờ vẫn chưa vượt qua được giới hạn của gốm thô. Vào cuối thời Hùng Vương đồ gốm trở nên đơn điệu và ít được chú ý đến việc gia công trang trí.
Các nghề thủ công khác như mộc, đan lát, kéo tơ, dệt vải, lụa, đóng thuyền vẫn tiếp tục phát triển. Nghề sơn đã xuất hiện và đạt đến trình độ kĩ thuật khá cao vào thời Đông Sơn (sơn có nhiều màu và trang trí đẹp). Sự phát triển của nền kinh tế trên nhiều mặt là cơ sở cho sự mở rộng trao đổi hàng hóa với nước ngoài. Hiện tượng một số trồng đồng loại I Hêgơ của nước Văn Lang ở Thái Lan, Malaixia... cũng như sự có mặt của những lưỡi qua đồng Chiến quốc ở nhiều di tích văn hóa Đông Sơn đã chứng tỏ có sự buôn bán giữa người Việt cổ đương thời với các quốc gia quanh vùng. Một số đồ trang sức, trâu, bò cũng đã trở thành hàng hóa trong việc buôn bán giữa Văn Lang - Âu Lạc với các nước lân bang.
2. Sự chuyển biến xã hội
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, sự phân công lao động xã hội giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp, sự trao đổi sản phẩm và các nguyên liệu giữa các địa phương ngày càng mở rộng dưới thời Hùng Vương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tăng thêm nguồn của cải xã hội. Sản phẩm thừa xuất hiện ngày càng nhiều hơn, đã tạo nên cơ sở cho sự phân hóa xã hội. Những của cải chung của xã hội (do lao động công ích, do thu nhập từ ruộng đất công cộng của chiềng, chạ) dần dần bị một số người tìm cách chiếm đoạt biến thành của riêng. Chế độ tư hữu tài sản ra đời và ngày càng phát triển theo sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời cũng dẫn đến một chuyển biến xã hội quan trọng là xã hội phân hóa thành kẻ giàu, người nghèo. Từ thời Phùng Nguyên, hiện tượng phân hoá xã hội đã xuất hiện, nhưng chưa đáng kể. Trong số 12 ngôi mộ khai quật ở Lũng Hòa (Phú Thọ) có 2 mộ chỉ có 2 hiện vật chôn theo người chết, 2 mộ có tới 20 hiện vật và 24 hiện vật phổ biến là số mộ còn lại đều có từ 3 đến 13 hiện vật. Đồ tùy táng giống nhau gồm công cụ, đồ dùng bằng đá, gốm. Như vậy là, ở giai đoạn đầu thời Hùng Vương quan hệ cộng đồng nguyên thủy mới bước vào quá trình tan rã.
Từ giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn, mức độ phân hóa xã hội ngày càng rõ nét hơn. Ở khu mộ táng Làng Cả (Việt Trì - Phú Thọ) thuộc giai đoạn Đông Sơn có 307 mộ táng thì số mộ nghèo không có hiện vật tùy táng tới 84,1%. Số mộ có từ 1 đến 2 hiện vật có 10,1%. Số mộ có từ 11 đến 15 hiện vật có 11,8%. Số mộ có từ 16 hiện vật trở lên chiếm 1%. Ngôi mộ có hiện vật nhiều nhất là 28 trong đó có 15 giáo, 1 dao găm, 2 rìu, 1 thuổng, 1 thạp, 1 vò gốm, 1 bộ khóa thắt lưng có tượng rùa. Di tích mộ táng Làng Cả cho thấy hiện tượng phân hóa xã hội ở đây khá rõ rệt. Người nghèo chiếm tuyệt đại bộ phận trong xã hội.
Tại khu mộ Thiệu Dương (Thanh Hóa) có 115 mộ thuộc giai đoạn Đông Sơn thì 2 mộ không có hiện vật chôn theo, 53 mộ chỉ có đồ gốm, 20 mộ có từ 5 đến 20 hiện vật, 4 mộ có trên 20 hiện vật, đặc biệt có một số mộ lên tới 36 hiện vật. Trong số 5 mộ hình thuyền ở Việt Khê (Hải Phòng) có 4 mộ không có hiện vật, 1 mộ có 107 hiện vật trong đó có 93 hiện vật bằng đồng (bao gồm công cụ sản xuất, nhạc khí, đồ dùng quý giá, vũ khí). Cũng có một số khu mộ lại không thấy có hiện tượng khác nhau về số hiện vật. Theo tài liệu thống kê 714 mộ có niên đại Đông Sơn cửa 5 khu mộ táng nổi tiếng là Đông Sơn (102 mộ), Vinh Quang (51), Làng Vạc (226), Làng Cả (219), Thiệu Dương (116 mộ) thì số ngôi mộ của người nghèo (không có hay chỉ có một ít đồ gốm và đồ trang sức bằng đá đơn giản chiếm phần lớn (51,9%). Những ngôi mộ của người trung bình, có một số đồ đá, gốm, có thêm một ít công cụ và vũ khí bằng đồng, hoặc có thêm công cụ sắt (chiếm 41,4%). Những ngôi mộ của người giàu có, chôn theo nhiều đồ đồng, đồ sắt, những đồ sang trọng chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (6,5%).
Từ sự phân tích các hiện vật trong các khu mộ táng thời Hùng Vương cho thấy xã hội bấy giờ đã có hiện tượng phân hóa thành các tầng lớp giàu, nghèo khác nhau. Sự phân hóa đó đã diễn ra từ từ, ngày càng rõ nét trải qua một quá trình lâu dài từ Phùng Nguyên đến Đông Sơn. Tuy nhiên, sự phân hóa xã hội thành hai cực bấy giờ chưa sâu sắc. Sự phân hóa tài sản là biểu hiện của sự phân hóa xã hội. Gắn liền với hiện tượng này là sự ra đời của nô lệ gia trưởng, dẫn tới sự hình thành các tầng lớp xã hội khác nhau:
- Quý tộc (gồm có các tộc trưởng, tù trưởng bộ lạc, thủ lĩnh liên minh bộ lạc và những người giàu có khác).
- Nô tì
- Tầng lớp dân tự do của công xã nông thôn là tầng lớp Đông đảo nhất trong xã hội, giữ vai trò lực lượng sản xuất chủ yếu.
Tầng lớp trên của xã hội ngày càng giàu có và nắm giữ các cương vị quản lí công việc công cộng của chiềng, chạ...
Như vậy, những tiền đề đầu tiên cho sự hình thành quốc gia và nhà nước thời Hùng Vương vào giai đoạn cuối Đông Sơn đã xuất hiện.