Tình hình phân hóa các giai cấp xã hội
Vào thời kì này, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo trong toàn bộ nền kinh tế nên những lực lượng gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp vẫn là những bộ phận quan trọng trong cơ cấu xã hội.
1. Giai cấp địa chủ
Trong khi các thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa có những bước phát triển mạnh hơn thời kì trước thì thế lực của giai cấp địa chủ vẫn không bị suy giảm chút nào, trái lại còn được củng cố, phát triển lớn mạnh hơn trước. Thế lực đó được củng cố vững chắc nhất thông qua sự tập trung ngày càng cao ruộng đất - tư liệu sản xuất cơ bản trong nông nghiệp - vào tay giai cấp địa chủ dưới sự che chở của thực dân Pháp.
Ở Bắc Kì, do bình quân ruộng đất thấp, số chủ ruộng có từ 5 mẫu (1,8 ha) trở lên đã được tính là địa chủ và số chủ ruộng có từ 50 mẫu trở lên được coi là đại địa chủ. Vào thời điểm năm 1980, số địa chủ vừa và nhỏ (có từ 5-50 mẫu) chiếm 8,4% số chủ ruộng và khoảng 20% diện tích canh tác; có 1060 đại địa chủ (bằng 0,1% số chủ ruộng) chiếm tới 20% diện tích canh tác. Số chủ ruộng có diện tích dưới 1 mẫu (0,36 ha) chiếm 61% số chủ ruộng.
Ở Trung Kì, 39500 chủ đất (có từ 5-50 mẫu) chiếm 6% tổng số chủ ruộng và 15% diện tích canh tác; có 350 đại địa chủ có sở hữu trên 50 mẫu bằng 1,4% tổng số chủ ruộng, chiếm 10% diện tích canh tác.
Ở Nam Kì, diện tích đất canh tác tăng nhanh và mức độ tập trung ruộng đất rất cao so với Bắc và Trung Kì. Cũng vào thời điểm năm 1930, số chủ ruộng có từ 5-100 ha là 69.000 người chiếm 25,7% số chủ ruộng, nắm trong tay 45% diện tích canh tác (khoảng 1.035.000 ha). Ngoài ra, có 2.449 đại địa chủ sở hữu từ 100-500 ha và 244 đại địa chủ có trên 500 ha.
Nói chung, lực lượng địa chủ vào thời kì này chiếm khoảng 7% cư dân nông thôn, nhưng đã nắm trong tay 50% diện tích canh tác. Đến những năm trước Chiến tranh thế giới thứ hai, trên lãnh thổ Việt Nam có khoảng 6.500 địa chủ có sở hữu trên 50 ha ruộng đất, trong đó Nam Kì có 6.200, Bắc Kì có 200 và Trung Kì có 100 người. Đó là những cơ sở tạo nên thế lực kinh tế, đồng thời là công cụ bóc lột của giai cấp này đối với nông dân.
Đa số địa chủ đem ruộng đất phát canh thu tô. Tô có thể bằng tiền hoặc hiện vật, chủ yếu là tô hiện vật gồm các sản phẩm thu được từ đất canh tác ở Nam Kì có tới 345.000 gia đình nông dân chuyên sống bằng lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, chiếm 57% tổng số hộ nông dân; 63% ruộng đất được đem phát canh và số chủ ruộng có phát canh lên đến 90.285 người. Ở Bắc Kì, số người lĩnh canh ruộng đất và tá điền là 275.000 người, chiếm 24% cư dân nông thôn. Còn ở Trung Kì, số tá điền và những người lĩnh canh ít hơn với khoảng 100.000 người, chiếm 13% cư dân nông nghiệp.
Ở các vùng miền núi, hình thức bóc lột chủ yếu của địa chủ đối với nông dân là địa tô lao dịch.
Do những quy chế của chính quyền thực dân đề ra qua các cuộc “cải lương hương chính”, như lựa chọn các thành phần có “tài sản và danh giá”, trung thành với chế độ thực dân v.v. đưa vào bộ máy chính quyền cơ sở nên địa vị của giai cấp địa chủ trong nông thôn được nâng cao và củng cố vững chắc. Giai cấp địa chủ chiếm đa số trong cơ cấu chính quyền các hương thôn (với các Hội đồng tộc biểu) Hội đồng kì mục, các chức vụ xã trưởng, tổng lí). Ngoài ra, thực dân Pháp còn tạo điều kiện và những cơ sở pháp lí cho giai cấp địa chủ tham gia vào các tổ chức chính quyền bên trên, như các Hội đồng dân biểu, Hội đồng quản hạt... Do đó sự cấu kết giữa giai cấp địa chủ với thực dân Pháp càng được củng cố vững chắc hơn.
2. Giai cấp nông dân là thành phần chiếm đại đa số trong xã hội, khoảng 90% dân số. Trong quá trình sản xuất, giai cấp nông dân cũng bị phân hóa dần thành ba tầng lớp: trung nông, bần nông và cố nông.
Tầng lớp trung nông có tương đối đủ ruộng đất và các công cụ sản xuất như trâu bò, nông cụ... để tự sản xuất và nuôi sống mình, không phải bán sức lao động, nhưng cũng không có khả năng tham gia vào việc bóc lột người khác. Song đây chỉ là giới hạn tương đối. Một số trung nông lớp dưới vẫn phải bán sức lao động (tùy thời điểm) và một số có tham gia bóc lột qua việc cho lĩnh canh ruộng đất dư hoặc phát canh lại ruộng lĩnh canh của địa chủ như ở Nam Kì.
Tầng lớp bần nông bao gồm những người thiếu ruộng đất canh tác, thiếu trâu bò và nông cụ sản xuất nên phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, thuê mướn trâu bò, nông cụ sản xuất và tiền vốn.
Cố nông là tầng lớp nghèo khổ nhất, bần cùng nhất trong giai cấp nông dân. Họ thường không có ruộng đất để cày cấy, không có trâu bò và nông cụ để sản xuất. Vì vậy nguồn sống chính của họ là lĩnh canh ruộng đất, đi làm thuê, làm mướn, đi ở cho nhà giàu. Theo số liệu của cuộc điều tra vào năm 1945 thì ở 16 tỉnh miền Bắc thời kì này có 11.785 hộ cố nông, chiếm 20,6% tổng số hộ nông dân, nhưng chỉ có trong tay 1.513 mẫu 7 sào ruộng, bằng khoảng 1,2% tổng số ruộng.
Như vậy, vào thời kì này, giai cấp nông dân chiếm tới 90% số hộ nông dân, nhưng chỉ có trong tay 42% diện tích ruộng đất canh tác. Họ bị bóc lột nặng nề, nhưng lại không có lối thoát. Một bộ phận trong số họ bị bần cùng hóa, phải bỏ quê hương ra các thành thị, hầm mỏ để tìm việc, song phần đông phải quay về vì không tìm được việc làm. Vào những năm khó khăn, nhất là trong thời kì khủng hoảng kinh tế, số nông dân ra đi càng nhiều và số phải quay về cũng nhiều. Đó là con đường bần cùng không lối thoát của nông dân Việt Nam dưới thời Pháp thuộc.
Bên cạnh các tầng lớp và giai cấp đại diện cho xã hội Việt Nam truyền thống, những giai cấp mới cũng có sự phát triển và phân hóa ngày càng rõ rệt hơn.
3. Giai cấp tư sản
Tư sản Việt Nam trước Chiến tranh thế giới thứ nhất mới chỉ là một tầng lớp nhỏ bé kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực thương nghiệp, hoạt động sản xuất còn hạn chế. Từ sau chiến tranh, hoạt động kinh doanh của tư sản Việt Nam được mở rộng và có quy mô lớn hơn. Họ kinh doanh trong hầu hết các ngành kinh tế, từ xay xát, in ấn, dệt, nhuộm, vận tải, sửa chữa cơ khí... cho đến sản xuất sơn, xà phòng, đường, nước mắm, đồ gốm v.v… Một số đã có trong tay những sản nghiệp lớn như mỏ, đồn điền, các công ti thương mại... Một số đã có những cơ sở sản xuất thu hút vài trăm công nhân, mở rộng và phát triển nhanh chóng về thế lực kinh tế. Tư sản Việt Nam đã thực sự hình thành một giai cấp xã hội vào những năm sau Chiến tranh thế giới thứ nhất. Tuy nhiên, do tác động của các điều kiện kinh tế - xã hội mới nên sau chiến tranh giai cấp tư sản tiếp tục phân hóa thành hai bộ phận: tư sản mại bản và tư sản dân tộc.
Bộ phận tư sản mại bản ngày càng đông đảo thêm cùng với tốc độ đầu tư của tư bản Pháp. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, hàng hóa của Pháp nhập vào Đông Dương tăng nhanh từ 1641 triệu phơrăng mỗi năm trong thời kì 1919 -1923 lên tới 2.253 triệu phơrăng trong những năm 1924-1928. Do đó, số người làm đại lí hàng hóa cũng tăng lên. Bắt đầu xuất hiện những công ti có quy mô lớn như công ti Tri Phú và Quế Dương ở Hải Phòng, hãng Đan Phong ở Hà Nội, hãng Thuận Hòa ở Chợ Lớn.
Số tư sản mại bản chuyên thầu khoán những công việc công chính, xây dựng cũng tăng lên nhiều. Tính riêng ở Bắc Kì từ 1923 đến 1927 đã có 449 nhà thầu khoán Việt Nam lĩnh trưng công việc công chính với số tiền là trên 4 triệu phơrăng. Ngoài ra, còn có một số người chung vốn với tư bản Pháp kinh doanh công và nông nghiệp như Vũ Duy Hình, Vũ Văn An, v.v...
Một số nhà tư sản Việt Nam đã có quan hệ buôn bán với nước ngoài: Miên, Lào, Trung Quốc, Hồng Công, Xingapo, Inđônêxia, Pháp. Hằng năm, các công ti thương mại của tư sản Việt Nam đã nhập khẩu vào thị trường trong nước từ 8000 đến 7000 tấn hàng hóa.
Bộ phận tư sản dân tộc sau chiến tranh có bước phát triển vượt bậc về cả số lượng và thế lực kinh tế. Nhiều cơ sở kinh tế đã có từ trước và trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, nay được mở rộng quy mô sản xuất và thiết bị kĩ thuật, như xưởng sơn của Nguyễn Sơn Hà, xưởng sửa chữa tàu của Bạch Thái Bưởi, xưởng dệt của Lê Phát Vĩnh v.v.. Nhiều đồn điền rộng hàng ngàn mẫu ở Nam Kì đã xuất hiện, thu hút hàng trăm công nhân.
Bên cạnh những cơ sở đã có từ trước, sau chiến tranh nhiều xí nghiệp và cơ sở sản xuất mới được thành lập như nhà máy gạch Hưng Ký ở Bắc Ninh, xí nghiệp dệt Vĩnh An ở Huế...
Nhìn chung, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, giai cấp tư sản Việt Nam đã lớn mạnh và trưởng thành rõ rệt. Đại diện cho thế lực kinh tế của tư sản Việt Nam là những người như Trương Văn Bền, Nguyễn Sơn Hà, Bạch Thái Bưởi, Lê Phát Vĩnh... Công ti tàu biển của Bạch Thái Bưởi đã có lúc sử dụng tới 30 chiếc tàu với 1.500 công nhân.
Tuy nhiên, địa vị kinh tế của tư sản Việt Nam còn rất nhỏ yếu và thấp kém so với tư bản nước ngoài, cũng như so với toàn bộ nền kinh tế. Tổng số vốn kinh doanh của họ chỉ bằng khoảng 5% số vốn của tư bản nước ngoài. Tư sản Việt Nam chủ yếu kinh doanh thương nghiệp, trong các ngành công nghiệp lực lượng của họ rất nhỏ: toàn bộ vốn đầu tư vào các ngành mỏ than, cơ khí và giao thông vận tải của họ chỉ bằng 1% vốn của tư bản Pháp trong các ngành đó. Toàn bộ lực lượng nòng cốt của giai cấp tư sản Việt Nam vào cuối những năm 20 đạt khoảng 2.000 người, chiếm 0,1% dân số cả nước.
Bên cạnh giai cấp tư sản ở thành thị, trong các vùng nông thôn, tầng lớp phú nông cũng phát triển rất chậm chạp, lực lượng kinh tế nhỏ yếu. Vào những năm 30, lực lượng phú nông chiếm khoảng 2% số hộ nông dân, nắm trong tay 7% diện tích ruộng đất. Nói chung, tầng lớp phú nông ở Việt Nam không có khả năng tập hợp tư liệu sản xuất trong tay, nhất là ruộng đất để phát triển thế lực kinh tế, họ không có sở hữu lớn về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác. Một bộ phận trong số họ - nhất là ở Nam Bộ - phải lĩnh canh ruộng đất của địa chủ, và khi đã tập trung được khá nhiều ruộng đất thì một số lại trở lại phát canh thu tô, thay cho việc phát triển hình thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp.
Một trong những nguyên nhân rất quan trọng khiến cho giai cấp tư sản Việt Nam phát triển “chậm một cách khác thường”, là vì họ luôn luôn bị chèn ép và cản trở từ nhiều phía. Tư bản Pháp, với uy thế của kẻ thống trị, đã ra sức chèn ép tư sản Việt Nam trong kinh doanh, nhất là trong sản xuất công nghiệp. Trong thương nghiệp, tư sản Việt Nam không những gặp phải tư sản Pháp mà còn gặp phải một lực lượng cạnh tranh nguy hiểm khác, đó là tư sản người Hoa. Các hoạt động thương mại, từ buôn bán thóc gạo, xay xát, vận chuyển và xuất nhập khẩu đều bị tư sản Hoa kiều lũng đoạn triệt để. Trong nông nghiệp, quan hệ tư bản chủ nghĩa lại bị giai cấp địa chủ với lối tổ chức sản xuất phong kiến cũ kìm hãm nặng nề.
Quá trình phát triển của tư sản Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ nhất là quá trình lớn mạnh và chuyển biến từ một tầng lớp xã hội sang một giai cấp xã hội, và bắt đầu bước lên vũ đài chính trị, góp phần mình vào các phong trào dân tộc. Tuy vậy, vì cơ sở kinh tế của giai cấp tư sản Việt Nam hết sức nhỏ yếu nên thái độ chính trị của họ rất bạc nhược. Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sau chiến tranh, vai trò chủ yếu thuộc về tầng lớp tiểu tư sản chứ không phải tư sản; và sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái (1930) bị dìm trong bể máu thì vai trò chính trị của giai cấp tư sản hầu như chấm dứt.
4. Giai cấp công nhân
Giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng đông đảo thêm theo đà phát triển đầu tư vào các ngành kinh tế. Tính đến 1929, riêng số công nhân trong các doanh nghiệp của người Pháp ở Đông Dương (chủ yếu Việt Nam) là 221.050 người. Ngoài ra, số công nhân làm việc trong các doanh nghiệp của tư sản Việt Nam và tư sản nước ngoài ước tính khoảng vài vạn người. Đồng thời, luôn luôn tồn tại một số đáng kể công nhân theo mùa vụ, hoặc theo các hợp đồng của tư sản.
Trong giai cấp công nhân Việt Nam, bộ phận đông nhất là công nhân đồn điền: 81.188 người, chiếm 36,8% tổng số công nhân. Lực lượng này phân bố chủ yếu ở các vùng cao nguyên Nam Trung Kì và ở miền Tây Nam Kì. Công nhân mỏ có 53.240 người, chiếm 24% tổng số công nhân, tập trung chủ yếu ở vùng Quảng Yên, Đông Triều. Công nhân các ngành công nghiệp nhẹ, giao thông vận tải và thương nghiệp gồm 86.622 người, chiếm 39,2% tổng số công nhân, tập trung ở các thành thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Sài Gòn, Chợ Lớn.
Một số công nhân qua con đường tuyển mộ cưỡng bức, nhất là số công nhân đồn điền. Một số chỉ vô sản hóa nửa vời, đúng hơn là bán vô sản, nhất là số công nhân theo mùa, phu công nhân. Trình độ văn hóa của công nhân Việt Nam rất thấp, số người mù chữ khá đông. Tính chất vô sản hiện đại của họ cũng bị hạn chế bởi việc sử dụng quá rộng rãi lao động thủ công trong các ngành sản xuất, kinh doanh. Hiện tượng phổ biến trong quá trình sản xuất là giới chủ sử dụng lao động chân tay một cách triệt để. Trong hầm mỏ, các công việc đào than, xúc, chuyển than... đều sử dụng sức lao động của con người là chủ yếu. Tính chung trong tất cả các ngành cho đến 1929, số công nhân kĩ thuật chỉ chiếm có 0,43% tổng số công nhân mà thôi. Điều kiện sống và lao động của công nhân nói chung rất cực khổ, họ thường phải làm việc 10 tiếng một ngày, cá biệt 12, 14, thậm chí 16 tiếng một ngày với đồng lương rẻ mạt, lại thường xuyên bị đốc công, cai... áp bức, đánh đập tàn nhẫn. Bị áp bức nặng nề như vậy nên giai cấp công nhân Việt Nam sớm có tinh thần đấu tranh. Mặc dù lực lượng của họ trong toàn bộ dân cư không lớn, nhưng họ lại sống khá tập trung tại các thành thị lớn, các trung tâm công nghiệp. Năm 1929, ở Hòn Gai - Đông Triều có tới 35.900 công nhân mỏ, ở Hà Nội có hơn 2 vạn công nhân trong tổng số 13 vạn dân (bằng khoảng 15% dân sổ ở đây); ở Vinh - Bến Thủy có 7.000 công nhân (chiếm 38% dần số ở đây). Tinh thần kỉ luật, ý thức đoàn kết của công nhân cũng được rèn giũa qua quá trình lao động và đấu tranh.
Do những đặc điểm trên, giai cấp công nhân Việt Nam đã sớm được giác ngộ ý thức giai cấp và nhanh chóng vươn lên nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Các phong trào đấu tranh do giai cấp công nhân tổ chức, tham gia ngày càng nhiều. Ý thức giác ngộ cách mạng của giai cấp công nhân ngày càng được nâng cao theo đà của các cuộc đấu tranh và của việc tăng cường tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Từ 1930, với việc thành lập chính đảng Cộng sản ở Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã chính thức giành được ngọn cờ lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
5. Giai cấp tiểu tư sản
Các tầng lớp tiểu tư sản thành thị thời kì này cũng ngày càng đông đảo cùng với quá trình mở mang các đô thị, tăng cường đầu tư phát triển kinh tế và giáo dục ở Việt Nam. Họ bao gồm các thị dân, thợ thủ công và học sinh – trí thức với địa bàn cư trú chủ yếu ở các thành thị. Họ được bổ sung liên tục qua quá trình ba mươi năm phát triển kinh tế - xã hội và đã hợp thành một tầng lớp rất đông đảo trong xã hội.
Giới trí thức và học sinh các trường là bộ phận quan trọng của đội ngũ tiểu tư sản. Vào thời điểm năm 1929, ước tính có khoảng 12.000 giáo viên các trường tiểu học và trung học. Số học sinh phổ thông các cấp là 335.545 người (trong đó có 828.000 học sinh tiểu học, 7.545 học sinh trung học). Ngoài ra còn có hàng trăm sinh viên các trường cao đẳng và đại học. Số viên chức đang làm việc trong các công sở gồm khoảng trên 23.000 người. Số người buôn bán nhỏ có đóng thuế môn bài thường xuyên là 130.000 người. Còn về hoạt động công nghiệp, theo ước tính của Gourou (P.) vào giữa những năm 30 của thế kỉ ở Việt Nam có khoảng 21,6 vạn thợ thủ công. Trong đó ở Bắc Kì là nơi tập trung đông nhất có 12 vạn, Trung Kì có 3,6 vạn và Nam Kì có 6 vạn. Đó là chưa kể số thợ thủ công không chuyên nghiệp trong các làng mạc mà việc thống kê khó có thể với tới được. Cũng theo sự ước tính của Gourou (P.), riêng số thợ thủ công đã chiếm tới 6-7% dân số, Bắc Kì có khoảng 40 vạn gia đình chuyên làm nghề thủ công. Đa số thợ thủ công làm việc ở nông thôn, họ tự mua nguyên liệu, tự tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, những thợ thủ công này không có khả năng chuyển các cơ sở sản xuất thành các công trường thủ công, mà chỉ giữ nguyên quy mô sản xuất nhỏ vốn có của mình.
Nói chung, thu nhập và đời sống vật chất của trí thức và giới công chức khá cao so với các bộ phận công nhân và nông dân. Trong các công sở, lương của một viên chức nhỏ là 49 đồng (cả năm) và một viên chức trung bình là 166 đồng (cả năm), trong khi giá gạo vào thời điểm lên cao như năm 1930 là 13,1 đồng/tạ. So với thu nhập của người Pháp thì thu nhập của công chức người Việt thấp hơn nhiêu lần (thu nhập của mỗi viên chức Pháp khoảng 5.000 đồng/năm, gấp 30 lần một viên chức trung bình và gấp 100 lần một viên chức nhỏ người Việt(!), Lương của một người gác cổng người Pháp cũng cao hơn 3,5 lần lương của một kĩ sư người Việt Nam. Sự đối xử bất bình đẳng đó đã gây một tâm lí bất mãn ngày càng sâu sắc trong giới công chức người bản xứ.
Do tác động của các chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, dân số thành thị tăng lên nhanh chóng. Trong vòng 8 năm từ 1913 đến 1921, Hà Nội tăng 10.000 người, Sài Gòn tăng 33.000 người, Hải Phòng tăng 40.000 người, và cho đến 1928 thành phố Nam Định đã có 38.000 dân, Hải Phòng 98.000 dân, Hà Nội 130,000 dân, Huế 41.600 dân, Sài Gòn 125.000 dân và Chợ Lớn 192.000 dân.
Nếu vào đầu những năm 20, số dân ở thành thị mới chiếm 3,6%(3) thì đến những năm 30, con số đó đã lên tới 8% - 10%. Cá biệt có nơi như ở khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, dân thành thị chiếm tới 14%.
Nhìn chung, trong thời kì sau chiến tranh, các tầng lớp, giai cấp mới, đại diện cho phương thức sản xuất mới đã có những bước tiến đáng kể, song vẫn còn quá chậm chạp so với yêu cầu của sự tiến bộ xã hội. Các lực lượng xã hội mới vẫn chỉ là thiểu số, nắm trong tay một tiềm lực kinh tế hết sức hạn hẹp. Cơ cấu xã hội cổ truyền tuy đã bị biến dạng và xáo trộn rất mạnh, nhưng vẫn chưa bị phá vỡ và thay đổi căn bản. Tính chất thuộc địa tư bản chủ nghĩa trở thành thuộc tính nổi bật của xã hội Việt Nam vào thời kì này.
Dưới tác động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa do tư bản Pháp du nhập vào, nền kinh tế Việt Nam dần dần chuyển biến từ nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự cung tự cấp sang nền kinh tế thuộc địa - tư bản chủ nghĩa. Có thể hình dung kết cấu kinh tế Việt Nam thời kì này có hai khu vực. Một khu vực hiện đại bao gồm công nghiệp hiện đại, thương nghiệp, các cơ sở tài chính và giao thông, các đồn điền công nghiệp; và một khu vực truyền thống tập hợp các phương thức hoạt động truyền thống như nông nghiệp và thủ công nghiệp. Việc sử dụng phương thức kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa đã tạo ra bước phát triển nhanh chóng của lực lượng sản xuất. Nền kinh tế hàng hóa đã bắt đầu hình thành và phát triển ở một số khu vực sản xuất. Các sản phẩm làm ra không phải chỉ bảo đảm các nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dùng để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhờ có các hoạt động kinh tế với nước ngoài mà lần đầu tiên nền kinh tế Việt Nam đã vượt khỏi biên giới quốc gia để tiếp cận và từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới.
Rõ ràng so với giai đoạn trước, nền kinh tế Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến những năm 80 đã có bước phát triển nhanh chóng và những chuyển biến căn bản. Quan hệ tư bản chủ nghĩa đã được mở rộng và giữ vị trí quan trọng trong nhiều ngành kinh tế.
Trên cơ sở những biến đổi về kinh tế, các thành phần giai cấp xã hội tương ứng cũng dần dần biến đổi theo. Những lực lượng đại diện cho xã hội cũ như địa chủ, nông dân ngày càng bị phân hóa sâu sắc: địa chủ thì giàu lên nhanh chóng, còn đa số nông dân thì rơi vào cảnh nghèo đói, bần cùng. Đồng thời, các lực lượng xã hội mới như tư sản, công nhân, tiểu tư sản cũng bắt đầu xuất hiện và từng bước trưởng thành nhanh chóng cùng với sự mở rộng của các thành phần kinh tế mới - TBCN. Dân số tăng nhanh, các thị trấn và thị xã được mở rộng nhiều so với trước, bộ mặt thành thị và cả một số vùng nông thôn ven thị cũng thay da đổi thịt. Một số cơ cấu xã hội mới đang trên đường định hình và phát triển theo thông tư bản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, quá trình tư bản hóa của Pháp ở Việt Nam còn để lại nhiều hạn chế và những hậu quả nặng nề, mà hạn chế lớn nhất là đã tạo ra một cơ cấu kinh tế què quặt mất cân đối và sự chuyển biến quá chậm của nền kinh tế, và do đó dẫn tới sự phân hóa thiếu triệt để của cơ cấu giai cấp xã hội.
Mặc dù vậy, sự ra đời và phát triển của các lực lượng xã hội mới đã tạo ra những tiền đề vật chất cần thiết cho sự tiếp thu các quan điểm và tư tưởng mới, làm cơ sở động lực thúc đẩy sự phát triển của phong trào dân tộc, đưa xã hội Việt Nam chuyển nhanh vào quỹ đạo vận hành của toàn nhân loại.