CÁC CƠ QUAN KHÁC CỦA LHQ
CHƯƠNG TRÌNH LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI (PAM)
Thành lập năm 1961 với mục đích: sử dụng phần lương thực dư thừa của thế giới để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế thế giới; cùng với tổ chức lương thực và nông nghiệp của LHQ (FAO) cải thiện điều kiện dinh dưỡng, nâng cao mức sống, phát huy hiệu quả sản xuất và phân phối lương thực.
Hàng năm, PAM thường dành một phần quĩ để viện trợ khẩn cấp cho các vùng bị thiên tai tàn phá, những nơi khó khăn do tình hình chính trị phức tạp gây ra. Phần lớn viện trợ của PAM dành cho các nước nghèo với mục đích góp phần đẩy mạnh sự phát triển của các nước đó.
Qũi của PAM là do sự đóng góp tự nguyện của các nước bằng sản phẩm, bằng tiền hoặc bằng dịch vụ.
Cơ quan chỉ đạo chính sách, quản trị và điều hành PAM là Uỷ ban chính sách và chương trình viện trợ lương thực gồm đại biểu của 30 nước. Ban thư ký đảm nhận công tác hành chính - quản trị.
Từ năm 1975, Việt Nam đã có quan hệ với PAM và đã được tổ chức này giúp đỡ tích cực.
Trụ sở đặt tại Roma (Italia).
CHƯƠNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG CỦA LHQ (UNEP)
Cơ quan giúp việc của Đại hội đồng LHQ, thành lập năm 1972 với mục đích: tổ chức, động viên và phối hợp sự hợp tác quốc tế trong cuộc đấu tranh chống lại sự ô nhiễm và các dạng khác có thể gây tổn hại tới môi trường; khuyến khích và phối hợp những dự báo và đánh giá các vấn đề về môi trường có ý nghĩa toàn cầu; soạn thảo và phối hợp các chính sách và chương trình nhằm sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và môi trường; hoạt động bảo vệ môi trường, thông tin đào tạo cán bộ, thiết lập các cơ quan quốc gia v.v...
Cơ quan lãnh đạo là Hội đồng quản trị. Cơ quan chấp hành là Ban thư ký. UNEP lập ra Quĩ môi trường.
Trụ sở đặt tại Nairobi (Kenya).
CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LHQ (UNDP)
Cơ quan giúp việc của LHQ. UNDP hiện đang hoạt động ở 116 nước. Việt Nang tham gia tổ chức này từ năm 1977. Mục đích của UNDP là phối hợp kế hoạch hoá các chương trình hợp tác kỹ thuật được thực hiện trong hệ thống LHQ. Các viên chức đại điện UNDP thực hiện việc phối hợp toàn bộ sự trợ giúp nhiều bên theo con đường của các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống LHQ.
Cơ quan điều hành là Hội đồng quản trị. Chức năng hành chính do Ban thư ký đảm nhận.
Trụ sở đặt tại New York (Mỹ).
CƠ QUAN CAO ỦY LHQ VỀ NGƯỜI TỊ NẠN (UNHCR)
Cơ quan giúp việc của Đại hội đồng LHQ, bắt đầu hoạt động từ năm 1951. Năm 1976, Việt Nam tham gia tổ chức này.
Mục đích: thúc đẩy việc ghi nhận và phê chuẩn các công ước quốc tế về bảo vệ người tị nạn; theo dõi việc thực hiện các công ước đó; thúc đẩy việc thi hành các biện pháp nhằm cải thiện địa vị của người tị nạn; giúp đở các chính phủ và các tổ chức tạo điều kiện hồi hương tự nguyện của người tị nạn, cho cư trú hoặc di cư sang các nước khác v.v...
Cao ủy LHQ về người tị nạn do Đại hội đồng LHQ bầu ra nhiệm kỳ 5 năm. UNHCR đặt dưới sự giám sát trực tiếp của Đại hội đồng LHQ.
Cơ quan điều hành là Ban chấp hành.
Trụ sở đặt tại Geneva (Thụy Sĩ).
CƠ QUAN CỨU TRỢ THIÊN TAI CỦA LHQ (UNDRO)
Thành lập theo nghị quyết 2816 ngày 14 - 12 - 1971 của Đại hội đồng LHQ. Việt Nam có quan hệ hợp tác với UNDRO từ năm 1975.
Mục đích và hoạt động của tổ chức này là động viên, hướng dẫn, phối hợp hoạt động cứu trợ của các cơ quan và tổ chức trong hệ thống LHQ; phối hợp sự giúp đỡ cửa LHQ với sự giúp đỡ của các tổ chức liên chính phủ và các tổ chức phi chính phủ (đặc biệt là Hội chữ thập đỏ quốc tế); thúc đẩy việc nghiên cứu, phòng ngừa và dự báo thiên tai; cung cấp cho chính phủ các nước những chỉ dẫn về kế hoạch hóa trước khi xảy ra thiên tai; thu thập và phổ biến tin tức về cứu trợ thiên tai v.v...
Người đứng đầu UNDRO do Tổng thư ký LHQ chỉ định với nhiệm kỳ 5 năm. Hoạt động của tổ chức này dựa vào kinh phí của LHQ và sự tự nguyện đóng góp của mọi nguồn.
Trụ sở đặt tại Geneva (Thụy Sĩ).
CƠ QUAN NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ QUỐC TẾ (IAEA)
Tổ chức quốc tế chuyên ngành của LHQ, hiện có 112 nước thành viên. Việt Nam tham gia tổ chức này từ năm 1975.
Mục đích của IAEA là sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hoà bình, tăng cường sức khỏe con người và sự phồn vinh trên toàn thế giới; bảo đảm sự trợ giúp của IAEA không bị sử dụng vào mục đích quân sự dưới bất kỳ hình thức nào. IAEA hoạt động theo các hướng: trao đổi, phổ biến thông tin khoa học kỹ thuật, giúp đỡ các nước đang phát triển đào tạo cán bộ kỹ thuật, tiến hành công tác nghiên cứu khoa học, giúp đỡ vật liệu hạt nhân, soạn thảo qui tắc, luật lệ an toàn phóng xạ, bảo vệ môi trường.
Cơ quan cao nhất là Hội nghị toàn thể. Cơ quan điều hành giữa các kỳ hội nghị là Hội đồng quản trị Cơ quan thường trực là Ban thư ký.
Trụ sở đặt tại Vienna (Áo).
HỘI ĐỒNG LƯƠNG THỰC THẾ GIỚI (WFC)
Thành lập năm 1974, WFC có 36 nước thành viên đại diện cho các khu vực địa lý do ECOSOC giới thiệu và Đại hội đồng LHQ bầu ra, nhiệm kỳ là 3 năm. Mỗi năm bầu lại l/3 số nước thành viên.
Hội đồng có nhiệm vụ phối hợp phục vụ sản xuất lương thực, bảo đảm dinh dưỡng, an toàn cho lương thực; xem xét các vấn đề cấp bách ảnh hưởng tới tình hình lương thực thế giới, các bước giải quyết những vấn đề này ở các nước, ở các cơ quan của LHQ và đưa ra những kiến nghị thích hợp v.v...
Cơ quan cao nhất là hội nghị toàn thể.
Trụ sở đặt tại Roma (Italia).