Công trình kiến trúc Ashanti
Vương quốc Ashanti xưa kia, vào thế kỷ XVIII, trải dài từ miền Trung của Ghana ngày nay đến tận Bờ Biển Ngà (Ivory Coast). Vương quốc Ashanti lần lượt chinh phục hết bộ lạc này đến bộ lạc khác. Và họ đã chọn Cumasi, nơi có những ngọn đồi bao quanh bên bờ sông Ovabi để định đô và cho xây dựng những toà nhà tráng lệ, những cung điện nguy nga. Vì vậy, nơi này được mệnh danh là “Thành phố vàng”. Hơn nữa, để tỏ rõ ân huệ của mình, các vị thần nhà trời đã gửi từ “Nhà Trời” xuống cho thành phố của vua Ausey một chiếc “ghế vàng”. Chiếc ghế làm bằng vàng ròng này đã trở thành biểu tượng sức mạnh và sự thống nhất của dân tộc Ashanti, nên “ghế vàng” đã được giữ gìn bảo vệ hết sức cẩn thận trong Điện Thánh của Hoàng cung.
Đầu thế kỷ XIX, trước sức tấn công mạnh mẽ của quân thực dân Anh xâm lược, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Ashanti bị dìm trong bể máu và cuối cùng đến năm 1900 thì sức mạnh của vương quốc này bị suy yếu tuy vậy người Anh vẫn không sao chiếm được ngai vàng và sở hữu được chiếc “ghế vàng”. Đến năm 1924, khi chính thể quân chủ được phép quay trở lại, thì chiếc “ghế vàng” thần kỳ xuất hiện. Ngày nay người ta chỉ còn có thể thấy chiếc ghế này trong những ngày đại lễ.
Một công trình quan trọng nữa là lăng mộ các vua chúa của thần dân Ashanti, nơi thiêng liêng thứ 2 sau chiếc “ghế vàng”, nhưng nó đã bị phá huỷ từ lâu, ngày nay đang có kế hoạch xây dựng lại theo mẫu lăng vua Breman - Các nhà khảo cổ cho rằng nơi đây còn có những chiếc quan tài bằng đá của 8 vị chúa tể của người Ashanti.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược chống lại người Ashanti, quân đội thực dân Anh đã phá hỏng thành phố cổ Cumasi. Không còn những công trình xây dựng huy hoàng xưa kia của người Ashanti, nhưng phong cách kiến trúc của nó sau này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kiến trúc Ghana hiện đại. Trong 13 ngôi làng ở gần Cumasi, thỉnh thoảng người ta còn nhìn thấy những ngôi nhà cổ truyền với mái lợp lá cọ và những bức tường bằng đất sét, cốt tường đan bằng cây sậy, được trang trí bằng nhiều loại hoa văn dân tộc.
Tại Viện bảo tàng Primpeh II, nơi có trồng một cây Edvene, biểu tượng cho sự sáng suốt, và lưu giữ một bản sao thu nhỏ ngôi nhà truyền thống của người Ashanti của một lãnh chúa. Ở đây còn có một công trình mang tên Insanaain, một ngôi nhà đựng các báu vật của vị thủ lĩnh đầu tiên của người Ashanti. Nhưng trong kho báu đó lưu giữ những thứ gì thì không một ai được biết, bởi lẽ ngôi nhà Insanaain huyền bí chỉ được mở cửa lần cuối cùng vào thế kỷ XVIII.