CAESAR – NHÀ ĐỘC TÀI KHOAN DUNG
Ngày 15 tháng 3 năm 44 tr.CN, trong sảnh đường của Viện nguyên lão Roma vang lên tiếng kêu thảm khốc của quan độc tài (dictator) Caesar. Mọi người nghe tiếng kêu chạy đến thì thấy ông nằm dưới chân Pompeius, chết bởi những lưỡi kiếm của các quý tộc phe Cộng hoà.
Julius Caesar (tiếng Pháp viết tắt là Ce’sar 100 - 44 tr.CN) là nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị lỗi lạc trong những năm cuối của chế độ Cộng hoà Roma. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc, sớm có tham vọng chính trị. Ông đã lôi kéo Pompeius và Crassius, hai người được cử làm quan chấp chính, cùng liên minh với mình, tổ chức chính quyền tay ba, khống chế cục diện chính trị Roma. Caesar, Pompeius và Crassius cùng chung nắm giữ mọi quyền bính trong tay. Trong lịch sử, chính quyền đó gọi là chế độ chuyên chính tay ba hay là chế độ Tam hùng lần thứ nhất (Triumvirat). Đứng về mặt tài sản, Caesar còn xa mới bằng người cùng thời Crassius, về mặt quyền thế, ông cũng kém xa Pompeius. Nhưng ông thành công hoàn toàn là do thường ngày ông chịu gần gũi tiếp xúc với tầng lớp binh dân.
Từ năm 62 đến năm 48 tr.CN, là thời kỳ huy hoàng nhất trong cuộc đời Caesar. Trong quãng thời gian này, ông lần lượt đảm nhiệm các chức quan toà, quan chấp chính, thống đốc xứ Gaule, thống lĩnh bốn quân đoàn đi chinh phục các miền thuộc nước Pháp và nước Bỉ ngày nay. Như vậy là Caesar đã hoàn thành công cuộc chinh phục xứ Gaule, biến toàn bộ xứ này thành một tỉnh của đế quốc Roma. Trong thời kỳ chinh phục xứ Gaule, Caesar đã từng hai lần vượt biển, xâm nhập đất Anh (năm 54 tr.CN) đánh bại các bộ lạc bản xứ, chinh phục cả một miền Đông Nam nước Anh. Caesar là người đầu tiên trong các tướng lĩnh Roma đổ bộ lên đảo Anh.
Lúc này, Caesar đã thống lĩnh mười mấy quân đoàn, trải qua mấy chục chiến dịch lớn, đánh chiếm 800 toà thành, thị trấn, chinh phục 300 bộ lạc, bắt làm tù binh và tiêu diệt hàng trăm vạn người, đem lại cho Roma số lượng rất lớn của cải và đất đai.
Thắng lợi rực rỡ của Caesar làm cho Pompeius và Viện nguyên lão lo ngại. Chúng ra lệnh cho Caesar phải từ chức và giải tán quân đội. Caesar liền thống lĩnh quân đội tiến thẳng về Roma để tranh cướp chính quyền. Năm 48 tr.CN, Caesar đánh tan quân của Pompeius, đối thủ chính trị của mình, lại đuổi theo truy kích tàn quân của Pompeius đến tận thành Alexandria, thủ đô Ai Cập. Caesar thừa cơ đánh chiếm Ai Cập, đưa Cleopatre lên làm nữ hoàng. Ba năm sau, Caesar toàn thắng trở về Roma, được đón tiếp như một vị anh hùng với nghi lễ long trọng chưa từng có. Caesar được tôn vinh làm quan độc tài (dictator) suốt đời, được cử giữ đủ các chức vụ cao quý nhất: quan bản dân vinh viễn, tổng tư lệnh quân đội, tăng lữ tối cao, tập trung mọi quyền lực như một ông vua không đội vương miện.
Caesar đã tiến hành một loạt cải cách chính trị xã hội quan trọng. Chế độ hành chính ở các địa phương được cải tổ lại. Ông mở rộng quyền công dân Roma cho dân tự do ở nhiều tỉnh. Đối với các đối thủ chính trị trước đây Caesar đã dùng chính sách khoan dung. Ông không truy cứu những người ủng hộ Pompeius, mà còn thăng quan chức cho một số người. Caesar còn ra sức cải cách cơ cấu chính phủ, mở rộng cơ sở thống trị. Cải cách của Caesar đã củng cố thêm một bước nền thống trị của giai cấp chủ nô Roma đối với nô lệ và nhân dân. hàng tỉnh, thúc đẩy nhanh chóng công cuộc Roma hoá ở các địa phương.
Công cuộc cải cách của Caesar không tránh khỏi phải hy sinh quyền lợi của một bộ phận nhỏ quý tộc thượng lưu. Chúng dần dần hình thành một nhóm chống đối Caesar với ý đồ khôi phục lại trật tự cũ. Cuối cùng, phe chống đối đã bày mưu sắp kế sẵn để giết hại Caesar trong cuộc họp của Viện nguyên lão. Kẻ giết Caesar lại chính là một viên tướng đã được Caesar khoan dung tha thứ trước đây.