Tài nguyên nhân văn
Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên đất nước Campuchia còn có một nguồn tài nguyên nhân văn hết sức độc đáo đó là khu di tích Ăngkor Vát và Ăngkor Thom và hơn 1.080 di tích khác. Đó là những di sản văn minh do lịch sử để lại.
Campuchia có lịch sử hơn 2.000 năm văn hiến và một nền văn minh lúa nước rực rỡ của nhân loại. Cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, con người nơi đây đã sáng tạo nên những công trình văn hóa, kiến trúc, nhiều đền chùa, nhiều di tích lịch sử, nghệ thuật, những thuần phong mĩ tục, phong tục tập quán, nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian, tôn giáo, lễ hội, nghề thủ công đặc sắc, phong phú đa dạng... Tất cả những di sản đó đều là tài nguyên du lịch nhân văn được khách du lịch nước ngoài đặc biệt thích thú.
Các di tích lịch sử văn hóa là tài nguyên quan trọng hàng đầu của du lịch Campuchia. Hiện nay Campuchia có khoảng 60 khu văn hóa lịch sử cùng với 1080 đền tháp, 16 khu lịch sử, 41 khu nhân tạo và 3810 ngôi chùa đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử.
Khu liên hiệp Ăngkor (Ăngkor Complex) là linh hồn của người Khmer. Khu liên hiệp là biểu tượng về nghệ thuật và nền văn minh của Campuchia được xây dựng từ giữa thế kỉ VII đến giữa thế kỉ XIII bởi các vua Khmer đầy quyền lực (thể hiện sức mạnh và vị trí của vương quốc Campuchia từ năm 800-1430 tại khu vực Đông Nam Á).
Nghệ thuật kiến trúc cổ: kiến trúc cổ phù hợp với phong cảnh, văn hóa tín ngưỡng của người cổ xưa. Một nền kiến trúc có giá trị và được bố cục theo thuật phong thủy của triết học phương Đông (Ấn Độ và Trung Quốc). Nhiều kiến trúc tôn giáo mà điển hình là các công trình bằng đá mà nghệ thuật Khmer đã khai thác tất cả sự quyến rũ, sự giàu có và tính độc đáo của nó. Đó là các công trình trải dài qua nhiều thế kỉ. Di vậy, các đền này cũng có nhiều sự khác nhau giữa các giai đoạn mặc dù chúng có điểm chung.
Nghệ thuật đương đại: từ các di sản quá khứ cùng với sự khéo léo của các nghệ nhân nhiều kiến trúc cổ truyền đã được chuyển dịch thành kiến trúc đương thời: nghệ thuật sơn mài, tranh ảnh, đồ cổ và các đồ vật khác: tranh lụa, tranh khảm ngọc trai. Đặc biệt là nghệ thuật chạm trổ từ đá và tạc tượng.
Các di sản lịch sử này không chỉ bao gồm những di tích mà còn có cả một nền nghệ thuật truyền thống đặc sắc, gồm cả những tục lệ hay, độc đáo những di sản nối truyền từ đời này sang đời khác. Ngoài thủ đô Phnôm Pênh, tỉnh Siêm Riệp là một tỉnh có nhiều khu đền đài cổ xưa (hơn 50 khu) trong đó tiêu biểu là Ăngkor Vát và Ăngkor Thom. Ở một số nơi nó được xây dựng kết hợp với tự nhiên xung quanh tạo nên một cảnh đẹp thiên nhiên trù phú. Một số khác nằm ở trong bìa rừng, thậm chí ở hẳn trong rừng sâu. Có một số lại đứng sừng sững ngay giữa thành phố tạo nên nét đẹp cổ kính và huyền bí cho các thành phố này.