Di tích Fatehpur Sikrl
Di tích Fatehpur Sikri còn gọi là tòa “Thành chết”, tòa thành chết Fatehpur không chỉ mang đến cho chúng ta những điều kì diệu mà còn để lại cho con người bao điều bí ẩn, mà ngày nay người ta chưa sao lý giải được.
Sử sách ghi rằng sau khi đánh thắng các tiểu vương quốc Ấn Độ, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn là Geilah Muhamet đã lên ngôi vua lấy vương hiệu là Acbar và trị vì Ấn Độ kéo dài trên 50 năm từ 1556 đến 1605, vị hoàng đế mới này đã ra lệnh xây thủ đô mới cho mình trên một vùng đất khô cằn, bên một cái hồ nhỏ, cách thành phố Agra khoảng 36 km về phía Tây và gọi thủ đô mới là Fatehpur, theo tiếng Ấn Độ đó là thành phố chiến thắng. Để xây dựng đô thành mới này, người ta đã xua đến đây 20 nghìn tù binh và nô lệ khốn khổ làm việc suốt ngày đêm dưới làn roi vọt của kẻ thống trị. Với chế độ làm việc khổ sai đó, chỉ sau một thời gian rất ngắn, một đô thành tráng lệ bằng đá sa thạch đỏ đã được mọc lên.
Đô thành Fatehpur được xây trên đỉnh một ngọn núi, muốn vào thành phải qua chiếc cổng độc đáo Bunvan Darvasa (cổng thắng lợi). Trong thành, người ta xây dựng một loạt các công trình kiến trúc hoa lệ như cung điện, dinh thự, lâu đài... được nối với nhau qua một quãng sân lớn. Tại chính giữa đô thành là cung điện lớn của nhà vua Acbar.
Tòa cấm điện, nơi hội họp của Hội đồng quốc gia bí mật của nhà vua, được xây dựng độc đáo nhất. Tòa cấm điện có cấu trúc như một ban công tròn lớn, dựng trên đỉnh một chiếc cột đá sa thạch đỏ cao. Tại ban công cao chót vót này, hoàng đế Acbar cùng triều thần đã tiến hành nhiều cuộc họp bí mật bàn những công việc đại sự của đế quốc Mông Cổ.
Tại trung tâm lâu đài lớn có một sân chơi cờ lớn Pasiri, một loại cờ tướng Ấn Độ, của nhà vua. Bàn cờ khá lớn và rất đẹp, còn quân cờ là những nam thanh, nữ tú, ăn mặc sặc sỡ. Cách trung tâm đô thành một quãng khá xa, người ta xây một khu sân lớn gọi là sân voi, xung quanh sân được bao bọc bởi những ngọn tháp cao. Sân voi là nơi dùng để hành quyết các tội nhân, bằng cách cho voi dày. Trong khi bị voi dày, tội nhân nào thoát chết được coi là vô tội, tha bổng, mỗi lần hành quyết các tội nhân, nhà vua, gia đình hoàng gia cùng triều thần lên các tháp cao ngồi xem các cuộc hành quyết. Đặc biệt trong đô thành Fatehpur Sikri, người ta còn xây một lâu đài Pansomahan cao 5 tầng, dành cho các cung nữ. Ngoài ra còn có tòa nhà 2 tầng xây theo kiểu kiến trúc Ba Tư dành cho nhà thơ Biroban, bạn thân của hoàng đế Acbar và một ngôi lăng mộ nhỏ của Salimsisti, vị quân sư của vua Acbar. Quy mô lăng tuy không lớn nhưng cực kỳ rực rỡ, được xây bằng đá cẩm thạch trắng, nó là hình mẫu để sau này người ta xây dựng các lăng mộ quan trọng khác trong đó có lăng mộ Ta Mahahi.
Nhưng đô thành Fatehpur chỉ sử dụng được 14 năm, vì nó nằm trên một vùng khô cằn không có nước. Và từ khi đô thành bị bỏ hoang phế từ năm 1588 đến cuối thế kỷ XIX, đã trở thành một rừng rậm, nơi ở của những loài muông thú. Và cũng từ đó không có một bóng người qua lại. Chính vì vậy người ta mới gọi là tử thành hay thành chết là vậy. Mãi đến 300 năm sau khi hoàng đế Acbar qua đời, tòa thành chết Fatehpur mới được phát quang và được tu sửa lại trở thành một trong những di tích nổi tiếng của Ấn Độ. Đô thành Fatehpur tuy không đồ sợ lớn lao nhưng nó thể hiện được nhiều sắc thái của nghệ thuật Hồi giáo Ấn Độ.