VƯƠNG QUỐC HÀ LAN VÀ VIỆC SÁT NHẬP VÀO PHÁP
VƯƠNG QUỐC HÀ LAN (1806-1810)
Louis Napoleon đã đưa vào Hà Lan đồng tiền thống nhất và cho soạn bộ luật hình sự, phần lớn dựa theo luật hình sự của Pháp. Ông ta cũng cố gắng cải thiện tình hình y tế và giáo dục tại đây. Sau một thời gian, tiếng tăm của ông đã lan tỏa khắp nơi.
Năm 1806 Hà Lan đã tổ chức cuộc phong tỏa nước Anh. Năm 1807 nước này đã sát nhập hạt East Frisia. Năm 1808 Học viện Hoàng gia về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật đã được thành lập tại Amsterdam, Thư viện Hoàng gia được thành lập tại Den Haag và Bảo tàng Hội họa Nhà nước cũng đi vào hoạt động. Năm 1809 một bộ luật dựa theo luật dân sự của Pháp cũng được soạn thảo. Năm 1809 người Anh đã xâm lược Waicheren (Zeeland) nhưng không thành công.
Tháng 3 năm 1810 Vương quốc Hà Lan đã nhượng lại các khu vực ở phía Nam Waal và Merwede cho Pháp. Ngày 1 tháng 7 cùng năm Louis Napoleon đã thoái vị, và đến ngày 9 tháng 7 nước Pháp đã dùng sắc lệnh Rambouillet để sát nhập toàn bộ vương quốc này.
MỘT TỈNH CỦA PHÁP (1810-1813)
Charles-Francois Lebrun đã được cử làm toàn quyền xứ này, và Amsterdam được công bố là thủ đô thứ ba của đế quốc Pháp. Trong khi đó, năm 1811, Java vốn là trung tâm của thuộc địa Hà Lan, đã bị Stamford Raffles của Anh chiếm đóng. Tháng 11 năm 1813 quân đội Pháp đã rút lui và ngày 15 tháng 11 một chính quyền lâm thời đã được thành lập ở Amsterdam.
BẮC HÀ LAN THỜI KỲ 1815-1830
Hội nghị Vienna đã thành lập Vương quốc Hà Lan, với cả Amsterdam và Brussels là thủ đô. Nước Hà Lan hợp nhất này có dân số 5,5 triệu người, trong đó 40% sống ở miền Bắc và 60% sống ở miền Nam, cả hai miền đều có số đại biểu bằng nhau. Ở miền Bắc, mặc dù được hiến pháp ưu đãi, đa số người lớn vẫn không có quyền bầu cử.
Tuy nhiên vua Willem I nhớ lại rằng vị trí yếu kém của các thống đốc đã dẫn tới sự suy yếu của nền cộng hòa, nên đã theo đuổi một chính sách chuyên chính mới. Chính sách của Willem I tập trung vào việc thống nhất đất nước. Tiếng Hà Lan đã được đưa vào làm ngôn ngữ hành chính duy nhất, hệ thống thuế má của miền Bắc đã mở rộng đến cả miền Nam và làm cho lượng tiền thuế thu được ở đây gia tăng. Willem I đã có tham vọng là Hà Lan trở thành một cường quốc kinh tế, trong đó kinh tế của miền Bắc dựa trên mậu dịch, và miền Nam dựa trên công nghiệp.
BẮC HÀ LAN THỜI KỲ 1830-1848
Nước Bỉ tuyên bố độc lập năm l820. Hà Lan đã phản ứng bằng cách cử quân đội đến, nhưng quân Pháp đã can thiệp và quân Hà Lan phải rút lui. Sự độc lập và trung lập của nước Bỉ đã được công nhận vào năm 1839. Vùng lãnh địa Luxemburg được chia thành hai phần: phần phía Tây hà tỉnh Luxemburg thuộc Bỉ và phần phía Đông hợp nhất với Hà Lan. Tỉnh Limburg cũng được chia hai, một nửa thuộc về Hà Lan và một nửa thuộc về Bỉ.
Năm 1840 vua Willem I thoái vị để lấy nữ bá tước d'Oultremont, một người Thiên chúa giáo. Năm 1840 hiến pháp Hà Lan đã được sửa đổi. Vua Willem II (1840- 1849) lo sợ có cách mạng nên đã triệu tập nội các vào năm 1848, dưới quyền của Donker Curtius.
Về mặt công nghiệp hóa thì Hà Lan đi sau nước Bỉ láng giềng ở phía Nam. Không giống như Bỉ, Hà Lan có rất ít than và không có quặng sắt, vốn là những tài nguyên chính trong thời kỳ đầu của cuộc công nghiệp hóa. Thêm vào đó, việc xây dựng các tuyến đường sắt đối với những người cai trị ở Hà Lan lại tỏ ra không có gì bức thiết.
BẮC HÀ LAN THỜI KỲ 1848-1870
Năm 1853 một luật mới về nhà thờ đã cho phép việc tái thiết lập hệ thống thứ bậc trong nhà thờ. Địa hạt giám mục Utrecht được hình thành, với các địa hạt phụ ở Haarlem, Den Bosch, Breda và Roermond. Những người Thiên chúa giáo (chiếm đa số ở các tỉnh phía Nam) đã tham gia vào chính trị cho đến khi giáo hoàng ra một thông tri chỉ trích nhà nước. Nhiều đạo luật được thông qua để cho phép các cuộc hội họp hòa bình, và một cuộc cải cách về pháp lý đã được tiến hành.
Hà Lan đã trải qua một cuộc hiện đại hóa và mở rộng các đội thương thuyền. Những trở ngại như Đạo luật Hàng hải của Anh cuối cùng đã biến mất, mở ra những thị trường cho việc vận tải đường biển của Hà Lan. Năm 1863 chế độ nô lệ đã bị bãi bỏ ở các thuộc địa của nước này. Dịch vụ bưu chính đã được tổ chức lại, và năm 1852 Hà Lan đã phát hành bộ tem thư đầu tiên của mình.
Hà Lan thời kỳ 1870-1887
Năm 1868 các giám mục Thiên chúa giáo đã phủ nhận các trường học công lập của nhà nước; nhà thờ Thiên chúa giáo đối đầu với chính phủ, một tình trạng còn nghiêm trọng hơn nữa khi đến năm 1871 Hà Lan đã rút sứ thần của mình ra khỏi xứ sở của giáo hoàng. Liên đoàn Lao động Hà Lan được thành lập năm 1871. Năm 1874 những trẻ em dưới 12 tuổi bị cấm không cho làm việc trong các nhà máy. Năm 1878 Đảng Phản Cách mạng (cánh theo tôn giáo Can-vin) được thành lập, với chính trì gia Abraham Kuyper làm lãnh tụ. Năm 1881 Liên đoàn Dân chủ Xã hội được thành lập, đến năm 1885 là Liên đoàn Tự do. Năm 1887 hiến pháp lại được sửa đổi, trong đó quyền bầu cử dựa trên trình độ giáo dục và tài sản. Chế độ đại nghị được phục hồi, và thượng viện được mở rộng đến 100 đại biểu với nhiệm kỳ 4 năm.
Năm l875 Hà Lan đã đưa ra chế độ kim bản vị. Năm 1876 kênh đào Biển Bắc được xây dựng, làm ngắn đi đường giao thông giữa Amsterdam và Biển Bắc. Độ ngũ thương nhân đường biển của Hà Lan trở nên một trong những đội ngũ hùng hậu nhất thế giới. Nông nghiệp đã được hiện đại hóa, với sự chuyên canh về các loại hoa (hoa tulip, hạt giống hoa), trái cây và các sản phẩm từ sữa (phó mát).
Hà Lan thời kỳ 1887-1914
Cuộc cách mạng công nghiệp đã diễn ra ở Hà Lan vào khoảng năm 1895. Năm 1891 hãng làm bóng đèn Philips được thành lập. Năm 1892 một nhà máy sản xuất xe đạp đã được mở ra, và xe đạp đã trở thành một phần không thể thiếu của xã hội Hà Lan. Năm 1907 Công ty Xăng dầu Hoàng gia Hà Lan (Shell) được thành lập. Năm 1903 một cuộc đình công đã nổ ra vì sự sa thải công nhân ở bến cảng Amsterdam.
Hà Lan trong Thế chiến Thứ nhất (1914-1918)
Trong Thế chiến thứ I Hà Lan đứng ở thế trung lập. Cuộc phong tỏa của người Anh và cuộc chiến tranh tàu ngầm của Đức đã làm cho các tàu bè đi đến Đông Ấn Độ phải đi vòng qua hòn đảo Anh Quốc. Thực phẩm trở nên khan hiếm, tem phiếu đã được đưa vào sử dụng (tem phiếu mua bánh mì đưa vào năm 1915). Một số lượng lớn những người tị nạn, chủ yếu là người Bỉ, đã chạy sang Hà Lan. Năm 1916 những trận lụt nghiêm trọng đã tàn phá nhiều vùng trong lãnh thổ Hà Lan. Năm 1917 hiến pháp lại được sửa đổi lần nữa, trong đó mở ra quyền phổ thông đầu phiếu cho mọi công dân nam giới.
Hà Lan thời kỳ 1918-1929
Với sự đầu hàng của Đức năm 1918 và các cuộc cách mạng nổ ra ở Đức, Nga, Hungary và những nơi khác, lãnh tụ của Đảng Công nhân Dân chủ Xã hội (SDAP) đã cố gắng lật đổ chính quyền. Tuy nhiên, vì ít có sự hỗ trợ nên cuộc cách mạng đã thất bại. Từ đó SDAP đã không được tin tưởng và coi như không trung thành với nhà nước. Quyền phổ thông đầu phiếu cho các công dân nữ đã được thiết lập từ năm 1919.
Cấu trúc xã hội của Hà Lan thời bấy giờ bao gồm 4 thành phần chính: những người theo chủ nghĩa tự do, những người theo chủ nghĩa Can-vin, những người Thiên chúa giáo và những người lao động. Năm 1920 Hà Lan gia nhập Hội Quốc liên. Thời gian từ 1921 đến l924 đất nước này đã trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế. Thập kỷ 1920 đã có sự mở rộng của các khối kinh doanh như Shell và Philips. Năm 1928 Đại hội Olympic mùa Hè lần thứ 9 được tổ chức tại Amsterdam, và lần đầu tiên phụ nữ được thi đấu.