Tài liệu: Hàn Quốc - Lịch sử phát triển giáo dục ở Hàn Quốc

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Người Hàn Quốc đã được thế giới biết đến nhiều với nhiệt huyết cao đối với giáo dục. Trong sự thiếu thốn các nguồn tài nguyên khác,
Hàn Quốc - Lịch sử phát triển giáo dục ở Hàn Quốc

Nội dung

Lịch sử phát triển giáo dục ở Hàn Quốc

ĐÓNG GÓP CỦA GIÁO DỤC

ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN QUỐC GIA

            Người Hàn Quốc đã được thế giới biết đến nhiều với nhiệt huyết cao đối với giáo dục. Trong sự thiếu thốn các nguồn tài nguyên khác, nguồn tài nguyên về chất lượng con người được sản sinh từ giáo dục nổi bật lên là một nhân tố quyết định đằng sau sự phát triển về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của Hàn Quốc.

Phát triển về Chính trị

Trong mối quan hệ với sự phát triển về chính trị, giáo dục đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng  cho các nguyên tắc và các thể chế dân chủ. Đặc biệt, giáo dục đã đóng vai là phương tiện cho việc xã hội hóa chính trị  qua việc quảng bá kiến thức, thay đổi các cách ứng xử và hình thành các thái độ về giá trị, quốc gia và thế giới. Nó tạo ra sự nhận thức chung về việc thân gia vào chính trị. Nó cũng làm tăng cường phẩm chất và năng lực của các nhà lãnh đạo chính trị cũng như đào tạo ra những nhà chính trị, những quan chức hành chính, những thành viên của các đảng phái chính trị, các nhà báo, và nhiều thành phần khác nữa.

Phát triển về Kinh tế

Giáo dục đã là nguồn lực chính để đào tạo lực lượng lao động trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đào tạo các cấp độ kỹ năng cần thiết cho việc phát triển kinh tế và được công nhận là đã đóng góp cho việc làm gia tăng GNP (tổng sản phẩm quốc gia) cho quốc gia. Lực lượng lao động được đào tạo, cùng với những người có khả năng chuyên môn cao đã đóng góp nhiều vào sự tăng tiến năng suất và sự nâng cao cơ cấu công nghiệp. Nó cũng đóng góp cho việc nâng cao đời sống và việc tăng cường phúc lợi xã hội do việc gia tăng các cơ hội việc làm và gia tăng thu nhập. Nó đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế qua việc mở rộng nền công nghiệp giáo dục. Sự mở rộng về số lượng cũng như chất lượng của ngành giáo dục đã hình thành một nhu cầu rất lớn về giáo viên, các phương tiện và nhiều loại trang thiết bị giảng dạy khác, điều đó đã đóng một vai trò trực tiếp trong sự tăng trưởng về kinh tế.

Phát triển về Xã hội và Văn hóa

Giáo dục đã đóng góp vào sự tiếp thu những giá trị mới đối với người Triều Tiên bằng cách cho họ một sự định hướng tới tương lai và truyền dẫn ý nghĩa của việc hiện đại hóa và bổn phận công dân. Nó cũng đóng góp vào việc tăng cường những thay đổi về xã hội. Cơ cấu giai cấp xã hội đã thay đổi do kết quả của các cơ hội giáo dục, từ đó giai cấp trung lưu đã mở rộng và khuynh hướng phát triển đi lên của xã hội đã được gia tăng.

Về mặt văn hóa, giáo dục đã đóng vai trò của nó trong việc phát hiện lại và trân trọng những giá trị truyền thống để đối phó với những làn sóng mới của văn hóa nước ngoài. Mục  tiêu của nó là thiết lập một sự tổng hợp mới của văn hóa Hàn Quốc, mà nền văn hóa này sẽ đóng góp vào sự phát triển đất nước và sự tiến bộ của văn minh con người.

GIÁO DỤC THỜI KỲ TIỀN HIỆN ĐẠI

(THẾ KỶ THỨ 4 - THẾ KỶ THỨ 19)

Từ triều đại Ba Vương quốc đến triều đại Joscon, Khổng giáo đã là tác nhân kích thích để biến những nỗ lực không định hướng trong giáo dục thành một cơ chế  có hệ thống để đào tạo những thanh niên trong giai cấp cao trở thành những quan chức chính quyền. Năm 372, Goguryeo đã thành lập ‘taehak’, được coi như hình thức đầu tiên của cơ sở giáo dục chính thức. Những trường này thực sự là chỗ để trẻ em ở tầng lớp trên chuẩn bị cho việc bước vào thế giới quan lại, một công việc được trọng vọng nhất vào thời xưa.

Vào triều đại Goryeo và triều đại Joseon, ở các thành phố lớn có trường gọi là ‘obuhakdang’ và các trường tư thục, và ở các tỉnh thì có các trường ‘Hyanggyo’, tất cả các trường này đều phục vụ cho nhu cầu giáo dục của nhân dân ở dưới giai cấp thượng lưu. Trong triều đại Goryeo người ta nỗ lực quảng bá cho việc học bằng cách hình thành quỹ học bổng như quỹ ‘Yanghyeongo’. Đến thời Joseon thì các thư viện và các học viện nghiên cứu được thành lập. Những cơ sở giáo dục tư thục nổi bật nhất là ‘sibido’ của triều đại Goryeo và ‘seoweon’ của triều đại Hậu Joseon, có chất lượng giáo dục ngang hàng với những cơ sở giáo dục cao nhất của nhà nước.

Để giáo dục cho thường dân, vương quốc Goguryeo đã thành lập nhiều ‘Gyeongdang’, giảng dạy chủ yếu về võ thuật và việc đọc các văn bản cổ. ‘Gyeongdang’ phát triển thành các ‘seodang’ trong triều đại Goryeo, đóng vai trò là những cơ sở giáo dục cơ bản thịnh hành nhất. Những  ‘Scodang’ có mặt ở hầu hết các vùng trong những năm cuối của triều đại Joseon, đóng góp rất lớn cho việc giáo dục và truyền bá đối với nhân dân địa phương. Trải qua những biến đổi và đổi mới, những ‘seodang’ tiếp tục đóng vai trò là những cơ sở giáo dục địa phương trong một thời gian rất dài sau khi hệ thống giáo dục hiện đại đã được thành lập.

Wonhyo của triều đại Silla, Ahn Hyang của triều đại Goryeo, Yi Hwang và Yi Yulgok của triều đại Joscon. Là những triết gia lớn. Cụ thể là Yi Hwang đã được biết đến rộng rãi trong số những triết gia Khổng giáo và lý thuyết về học thuật của ông vẫn được học một cách đại trà ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và nhiều nước khác.

THỜI KỲ GIÁO DỤC HIỆN ĐẠI (1880 - 1945)

Những cơ sở đầu tiên của các trường hiện đại gồm có Học viện Weonsan (1883) (là trường tư thục đầu tiên), Trường Anh ngữ do nhà nước thành lập (1883), trường Yugyeong Gongweon (1886), và Học viện Paejae (1885), Trường Nữ sinh Ehwa ( 1886). Hai trường sau cùng đều là các trường Thiên chúa giáo. Trong số những trường đó, Học viện Weonsan là đặc biệt nổi bật vì nó ra đời bằng nhiệt huyết yêu nước của những người dân địa phương vùng cảng, mở ra cho những tàu bè nước ngoài. Trường Anh ngữ và trường Yugyeong Gongweon do nhà nước thành lập, phản ánh quyết tâm hướng theo những tư tưởng mới của nền văn minh phương Tây. Học viện Paejae và trường Nữ sinh Ehwa là nơi nền giáo dục phương Tây được truyền đạt bởi những nhà truyền giáo nước ngoài.

Như là một phần của phong trào ánh sáng nhắm vào việc hiện đại hóa đi theo phương Tây sau việc mở cửa các cảng của Hàn Quốc vua Gojong công bố một sắc lệnh về giáo dục cho tương lai đất nước vào năm 1895. Trong sắc lệnh đó sự quan trọng của giáo dục được nhấn mạnh, tập trung vào sự thông minh, đức hạnh và năng lực cơ thể nhằm vào mục đích đào tạo những con người có khả năng và đề cao việc phục hồi quốc gia. Theo tinh thần của sắc lệnh này, những trường học hiện đại thuộc nhiều dạng khác nhau như các trường tiểu học, trường phổ thông và trường dạy nghề đã được thành lập tại Seoul và các địa phương bởi nhà nước cũng như nhân dân. Từ giai đoạn này, những trường truyền giáo tư thục do các nhà truyền giáo phương Tây thành lập đã xuất hiện ở cả nước, không những chỉ tại Seoul mà còn ở các thành phố tỉnh như Pyeongyang và Daegu. Những trường này dạy các môn cần thiết cho hoạt động truyền giáo như Kinh thánh, kịch, tiếng Anh, và âm nhạc; đồng thời cũng có các môn thực tiễn như tiếng Hàn, đạo đức và khoa học.

Vào thời gian đó, những người lãnh đạo đất nước chống lại sự xâm lược của Nhật Bản đã nhấn mạnh đến ‘phong trào cứu nước qua giáo dục’ bằng cách thành lập nhiều trường khác nhau ở Seoul và các tỉnh, như trường Honghwa, trường Oan, trường JEOMJIN, trương Daeseong. Những trường này tượng trưng cho phong trào ánh sáng yêu nước nhằm vào mục đích khôi phục chủ quyền quốc gia. Những cơ sở giáo dục cấp cao trong thời kỳ này bao gồm các trường của nhà nước như Trường Y khoa Gyeongseong, và các trường cao đẳng do tư nhân mở như Cao đẳng Boseong, Cao đẳng Chosun, Cao đẳng Sungsil. Thời kỳ này được gọi là bình minh của nền giáo dục hiện đại tại Hàn Quốc, khi lần đầu tiên nhiều trường thuộc dạng hiện đại được xây dựng với mục tiêu cứu nước và khôi phục chủ quyền quốc gia qua sức mạnh của giáo dục. Tuy nhiên, sự phát triển độc lập của nền giáo dục hiện đại Hàn Quốc đã bị gián đoạn trong suốt 35 năm do cuộc thôn tính của người Nhật năm 1910. Chính quyền Nhật Bản đã bắt đầu một nền giáo dục thực dân tại đây qua việc cấy ghép gượng ép hệ thống giáo dục tại Nhật vào Hàn Quốc, mà điển hình là tinh thần các nghị định như Nghị định Giáo dục  Chosun và Nghị định về Trường Tư thục. Những nghị định về giáo dục của thực dân, đã trải qua mấy lần sửa đổi, không phải được soạn ra để mang lai sự phát triển về giáo dục cho Hàn Quốc, theo đó mỗi lần sửa đổi lại càng thể hiện rõ hơn mức độ tinh vi trong chính sách giáo dục áp bức đối với thuộc địa.

Trong những thập kỷ 1930 và 1940, người Hàn Quốc bị cấm sử dụng tiếng Triều Tiên. Thay vào đó họ bị buộc phải dùng tiếng Nhật, theo kế hoạch tẩy xóa bản sắc văn hóa Triều Tiên của người Nhật. Môn Lịch sử Hàn Quốc bị loại ra khỏi chương trình. Học sinh bị buộc chỉ học lịch sử của Nhật. Thêm vào đó, người Triều Tiên bị buộc phải đổi tên của họ thành tên Nhật. Để duy trì quyền cai trị thực dân của họ, những nhà thực dân người Nhật đã đòi hỏi sự trung thành và phục tùng ở người dân Triều Tiên. Họ đã hạn chế các cơ hội học hành vì cho rằng sẽ là điều nguy hiểm nếu để cho nền giáo dục được phổ biến ở Hàn Quốc. Do đó, các chuẩn mực về giáo dục là thấp về mọi mặt.

GIÁO DỤC SAU NĂM 1945 (THỜI KỲ TỰ DO)

Sự Thành lập nền Giáo dục Dân chủ (1945 - 1950) Hàn Quốc được giải phóng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, một ngày có ý nghĩa lớn lao đối với nhân dân Triều Tiên. Đó là giao điểm từ hệ thống chính trị thực dân sang hệ thống chính trị dân chủ, và từ một một xã hội khép kín sang một xã hội mở cửa, ở đó người dân có các cơ hội học tập mà người Nhật đã cấm đoán. Những nỗ lực đã được thực hiện nhằm phát triển nền giáo dục Hàn Quốc qua việc giảng dạy và phổ biến tiếng Hàn.

Nhằm đặt nền móng cho nền giáo dục dân chủ sau khi  được tự do, những chính sách giáo dục được hướng về các mặt (1) soạn thảo và phân phối sách giáo khoa tiểu học, (2) bồi dưỡng tại chỗ cho các giáo viên, (3) sửa đổi hệ thống giáo dục, từ một hệ thống đa dạng thành một hệ thống đuy nhất theo hệ 6-3-3-4 (6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông và 4 năm đại học), (4) tiến hành giáo dục cho người lớn để mọi người đều biết chữ (5) sự phân quyền trong hành chính giáo dục (6) thực thi chế độ cưỡng bách giáo dục (7) mở rộng các cơ hội học tập ở trung học và giáo dục cấp cao, và (8) thành lập các trường sư phạm. Hiến pháp đã được công bố không lâu sau khi thành lập nước Cộng hòa Triều Tiên, trong đó có các điều khoản cho  phép tất cả mọi công dân được hưởng một nền giáo dục miễn phí ở cấp sơ đẳng và các cơ hội bình đẳng trong những cấp cao hơn. Trong khuôn khổ của bản Hiến pháp, Luật Giáo dục đã được ban hành vào năm l949. Luật Giáo dục mới ra đời công bố những lý tưởng và mục tiêu của ngành giáo dục và đưa ra các nguyên tắc và tiêu chuẩn để hướng dẫn cho việc quản trị và quản lý hệ thống giáo dục.

Trong số các điều khoản của Luật Giáo dục, những điều khoản về tự quản giáo dục và chế độ cưỡng bức giáo dục là thu hút nhiều nhất sự chú ý của quần chúng, vì tự quản giáo dục là nhân tố chủ đạo cho việc thực hiện một nền giáo dục dân chủ. Điều khoản này nhắm vào việc tách rời sự quản trị giáo dục ra khỏi sự quản trị chung, do đó đảm bảo cho sự tách rời của giáo dục khỏi những ảnh hướng chính trị. Sau nhiều năm nỗ lực, việc quản trị giáo dục đã đạt được sự tự quản. Điều khoản về giáo dục miễn phí đã trở thành nền tảng cho việc thực hiện các cơ hội bình đắng về giáo dục thông qua việc đảm bảo bằng luật pháp quyền được học tập của mọi người.

Sự Mở rộng nền Giáo dục Dân chủ trong Thập niên 1950

Ngay cả trong cuộc Chiến tranh Hàn Quốc bi thảm, giáo dục vẫn tiếp tục không ngừng nghỉ trong các trại lính tạm thời và ở các lớp học ngoài trời. Trong khi trải qua những ngày đen tối, nền giáo dục có định hướng chức năng của nó, tập trung vào vai trò phục hồi nền giáo dục Hàn Quốc để hoàn thành nhiệm vụ vượt qua cuộc khủng hoảng quốc gia và hướng tới việc tái thiết. ‘Đạo luật Giáo dục Khẩn cấp Thời chiến’ được ban hành năm 1951 thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của nhân dân ở chỗ họ không ngừng giáo dục con em họ ngay cả trong sự hỗn loạn của chiến tranh.

Nhiều nỗ lực đã được thực hiện thông qua các việc (1) tái tổ chức hệ thống trường trung học, (2) mở kỳ thi tiêu chuẩn quốc gia tuyển sinh vào trung học cơ sở, (3) thành lập các trường đại học quốc gia và công lập, (4) khởi xướng dự án cải tổ chương trình học, (5) nâng cao chất lượng giáo viên, (6) tăng cường các phương tiện giảng dạy, (7) mở rộng ,việc cưỡng bách giáo dục. Những điều này đòi hỏi phải thường xuyên nhận định lại các nhu cầu, lý tưởng, phương pháp và nội dung của giáo dục và nâng cấp chúng trên cơ sở phát hiện ra những điểm yếu kém và khiếm khuyết. Chế độ giáo dục cưỡng bách miễn phí, bị trì hoãn bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên, đã được thực hiện vào năm 1959, và 96% dân số trong độ tuổi đã được đến trường.

Việc cải tổ chương trình, lấy đặc điểm dân tộc làm chính, đã tập trung vào giáo dục đạo đức và giáo dục dạy nghề. Việc giáo dục dạy nghề, phản ánh nhu cầu quốc gia trong việc xúc tiến sự tăng trưởng kinh tế như là con đường thoát khỏi nghèo đói do chiến tranh để lại, do đó các chương trình đào tạo được thực hiện ở quy mô rộng lớn từ 1952 đến 1958 để đào tạo mới cũng như bồi dưỡng thêm cho các giáo viên dạy nghề. Kế hoạch Năm năm cho việc Phát triển Giáo dục Dạy nghề bắt đầu được tiến hành từ năm 1958.

Sự Mở rộng số lượng vào Thập niên 1960

Như Liên Hiệp Quốc đã xác định thập kỷ 1960 là ‘thập kỷ của sự phát triển’, mười năm này đã chứng kiến một sự tăng trưởng kinh tế đáng kể ở Hàn Quốc với sự tăng trưởng nhanh chóng về kinh tế nhiều thay đổi lớn lao đã xuất hiện trong nhiều mặt của cuộc sống. Với những thay đổi đó, người ta đã có nhiều nỗ lực để làm thay đổi và tiến bộ trong sự tăng trưởng nhanh chóng về số lượng trong lĩnh vực giáo dục. Mặt nổi bật nhất trong sự phát triển giáo dục ở Hàn Quốc là sự mở rộng về số lượng trong thập kỷ 1960. Việc hoàn thành kế hoạch 6 năm cưỡng bách giáo dục đã đưa tất cả trẻ em trong độ tuổi đến trường, và số lượng học sinh trung học đã tăng gấp ba lần so với thập kỷ trước. Với sự phổ cập giáo dục ở cấp trung học, số lượng sinh viên ở cấp độ giáo dục cấp cao gia tăng nhanh chóng hơn hẳn so với các cấp học khác.

Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng học sinh đó đã tất nhiên dẫn đến hiện tượng các lớp học quá đông, các trường dư thừa học sinh, đồng thời với hiện tượng thiếu giáo viên và các phương tiện học tập cũng như hiện tượng cạnh tranh gắt gao trong việc thi tuyển vào đại học. Những hiện tượng này là nguyên nhân dẫn đến sự cải tổ trong hệ thống thi tuyển để bình thường hóa giáo dục ở tất cả các cấp học. Để hài hòa với các thay đổi về chính trị và xã hội, nhiều cuộc cải tổ giáo dục đã được tiến hành để dân chủ hóa các cơ sở giáo dục, phân quyền quản trị trong giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Giữa những thay đổi nhanh chóng đó, đã có nhiều nỗ lực nhằm làm cho các mục tiêu của giáo dục ăn khớp với những thay đổi về xã hội. Những điều này đã thể hiện cao điểm của chúng ở việc ban hành Hiến chương Giáo dục Quốc gia vào tháng 12/1968, trong đó xác định các đặc điểm của mục tiêu giáo dục cho những năm sắp tới. Năm 1962 nhiều trường trung học phổ thông đã được nâng cấp thành trường sư phạm chương trình 2 năm để đào tạo các giáo viên tiểu học. Cũng trong năm này, những cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên trung học được nâng cấp thành các trường cao đẳng sư phạm chương trình 4 năm.

Học viện Nghiên cứu Quản trị Giáo dục gắn với Khoa Sư phạm của Đại học Quốc gia Seoul được thành lập để đào tạo tại chỗ các nhà quản trị giáo dục. Năm 1963 bộ phận Sau Đại học về Sư phạm được thành lập để thực hiện chức năng đào tạo các giáo viên. Ngoài ra, nhiều khóa học bồi dưỡng đã được tổ chức để nâng cao chất lượng và tăng cường trình độ nghiệp vụ cho giáo viên.

Để bình thường hóa giáo dục ở bậc tiểu học, năm 1968 kỳ thi tuyển vào trung học cơ sở đã được bãi bỏ. Trong khi đó, một cuộc nghiên cứu đã được tiến hành về kỳ thi tuyển vào đại học, với kết quả là sự thể chế hóa các kỳ thi này vào tháng 10 năm 1968. Về giáo dục ở bậc trung học, người ta cũng tập trung vào việc cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho các kỳ thi lên lớp.

Việc Cải tổ Giáo dục vào Thập niên 1970

Thập kỷ 1970 được mệnh danh là ‘thập kỷ của sự cải tổ nền móng’ trong lĩnh vực kinh tế và giáo dục. Trong lĩnh vực giáo dục, những cuộc cải tổ được hướng đến mục tiêu tối thượng là đào tạo những con người Triều Tiên biết tự định hướng tương lai cho mình.

Tiên phong trong các cuộc cải tổ giáo dục là kế hoạch bình thường hóa giáo dục ở cấp tiểu học và trung học. Việc bãi bỏ kỳ thi tuyển vào trung học cơ sở đã thủ tiêu tình trạng cổ chai đối với cấp trung học phở thông. Việc học tập ở trung học cơ sở được giảm thiểu đến mức chỉ như là một sự chuẩn bị để vào trung học phổ thông, và bất kỳ cuộc cải tổ nào đối với chương trình này đều căn cứ vào các cuộc cải tổ đối với kỳ thi tuyển vào trung học phổ thông. Hệ thống mới này hạn chế sự chọn lựa trường trung học phổ thông trong phạm vi huyện của học sinh đang cư trú, và việc học sinh vào trường nào sẽ được quyết định qua cuộc bốc thăm. Hệ thống này được thực hiện dần dần theo kiểu cuốn chiếu, bắt đầu từ năm 1974.

Bước vào thập kỷ 1970, một cuộc thảo luận đã trở nên sôi nổi về việc điều hành giáo dục cấp cao. Từ đó, các cuộc cải tổ về giáo dục đã hướng đến việc giải phóng khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Đại học Quốc gia Seoul đã bắt tay vào một kế hoạch phát triển đầy tham vọng, và việc thực hiện kế hoạch này đã gom nhiều trường đại học riêng lẻ vào trong một khuôn viên. Những chương trình tiên phong đã được các trường đại học phát triển, với sự tham khảo đến các nhu cầu của một xã hội công nghiệp hóa. Việc đổi mới bao gồm các đặc điểm (1) giảm bớt số lượng tín chỉ để tốt nghiệp, (2) yêu cầu thêm một số tín chỉ đối với một số ngành đặc biệt, (3) tuyển sinh vào các lĩnh vực rộng, không tuyển vào từng ngành cụ thể như trước, (4) thực hiện chế độ cho tốt nghiệp sớm dựa theo năng lực của sinh viên. Thập kỷ này cũng chứng kiến sự đa dạng của các cơ sở giáo dục cấp cao. Vì các trường cao đẳng sơ cấp chiếm một tỉ lệ khá lớn trong giáo dục cấp cao, chương trình của các trường này cũng được đa dạng hóa để đáp ứng cho các nhu cầu công nghiệp. Điều này dẫn đến hệ quả là thời gian học cũng khác biệt, hoặc 2 năm hoặc 3 năm.

Tốc độ thay đổi nhanh về mặt kinh tế và xã hội đã hình thành những khái niệm mới, chẳng hạn như giáo dục cả đời và giáo dục người lớn. Để hỗ trợ cho việc cải tổ giáo dục và hình thành các chính sách, những viện nghiên ở cấp độ quốc gia đã được thành lập. Năm 1972, Học viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc được thành lập với mục tiêu tìm ra một hệ thống giáo dục mới khả thi trong bối cảnh độc đáo của Hàn Quốc và phù hợp với những nhu cầu về giáo dục. Học viện này không những chỉ tìm con đường giải quyết những vấn đề đang ám ảnh nền giáo dục Triều Tiên mà còn đi vào tận gốc rễ của các vấn đề đó ở góc độ lâu dài.

Sự Phát triển Chất lượng trong Thập kỷ 1980

Những nỗ lực của thập kỷ trước nhằm hiện đại hóa hệ thống giáo dục được tiếp tục chuyển sang thập kỷ 1980, đặc biệt là việc bình thường hóa giáo dục và sự nâng cao chất lượng giáo dục. Chính quyền ở nền Cộng hòa Thứ Năm đã thực hiện một chính sách giáo dục đặt trọng tâm là sự thành công trong việc giáo dục một công dân có thể trở thành lực lượng chủ yếu cho sự phát triển quốc gia. Dưới ánh sáng của chính sách này, những điều khoản về việc xúc tiến giáo dục cả đời đã được đưa vào Hiến pháp. Sự đổi mới giáo dục được chọn là một trong số bốn tiêu chuẩn chính của chính sách nhà nước, và những biện pháp đa dạng đã được tiến hành với mục đích cải tổ giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc hình thành một nhân cách hoàn chỉnh qua giáo dục được đặt ra như một trong số những ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Giáo dục nhắm vào mục đích hoàn thiện nhân cách và phát huy các triển vọng về con người được đặt vào một trọng tâm mới. Việc giảng dạy khoa học là để chuẩn bị cho các thanh niên một cuộc sống trong lĩnh vực tiến bộ của khoa học và công nghệ. Giáo dục cả đời là để chuẩn bị cho tương lai bằng cách bồi dưỡng cho việc học có định hướng.

Năm 1980, nhà nước đã đưa ra một biện pháp để giải quyết vấn đề bức xúc trong việc học tư và để bình thường hóa việc giáo dục trong nhà trường. Tác động tức thời của cuộc cải tổ giáo dục thể hiện trong vấn đề muôn thuở của những giờ học thêm ở ngoài, vì cả phụ huynh lẫn học sinh đều muốn có thêm sự đảm bảo trong các kỳ thi mang tính cạnh tranh cao độ. Nhằm làm giảm bớt những tác động nguy hại đối với học sinh, hệ thống thi tuyển đã được cải tổ như là một phần của chương trình cải tổ. Cuộc thi tuyển chính vào đầu các cấp học được bãi bỏ, chương trình học được điều chỉnh trên cơ sở khối lượng kiến thức, các chương trình phát thanh được tăng tỉ lệ so với cán bộ chương trình học, việc giảng dạy cả ngày được tiến hành ở các trường đại học, chỉ tiêu tuyển sinh được nới rộng, các trường sư phạm được nâng cấp lên chương trình 4 năm, thuế giáo dục được đặt ra để làm nguồn tài chính cho cuộc cải tổ giáo dục, các cơ sở vật chất ở các trường đại học được mở rộng và thay mới, và giáo viên được khích lệ nhiều hơn.

Điều nổi bật nhất là việc thành lập ủy ban Cải tổ Giáo dục để xác định khuôn thước cho những cuộc cải tổ giáo dục. Ủy ban này được thành lập như một cơ quan tư vấn cho tổng thống và đã chấm dứt nhiệm vụ vào năm 1985. Sau đó, nó được thay thế bởi Hội đồng Tư vấn cho Chính sách Giáo dục vào năm 1988. Để phụ tá chơ tổng thống về những vấn đề liên quan đến giáo đục, ủy ban Tổng thống về Giáo dục đã được thành lập vào tháng 2 năm 1989, và tiếp tục nhiệm vụ  cho đến năm 1992.

Giáo dục Chuẩn bị cho Xã hội Tương lai vào Thập kỷ 1990

Nền giáo dục Hàn Quốc vào thập kỷ 1990 tập trung vào việc giáo dục con người để chuẩn bị cho tương lai trên cơ sở phát huy chất lượng giáo dục của thập kỷ l980. Có hiệu lực làm việc từ tháng 12 năm 1990, Bộ Giáo dục đã sắp xếp tổ chức của mình với việc làm rõ vai trò của Bộ. Những đạo luật mới phân quyền tự trị cho địa phương đã được ban hành năm 1991, và các văn phòng giáo dục cấp huyện được bổ nhiệm ở cấp tỉnh, đánh dấu một bước mới trong quá trình dân chủ hóa và địa phương hóa của ngành giáo dục.

Chương trình học đổi mới lần thứ sáu đã được duyệt và ban hành vào năm 1992 và được thực hiện từ năm 1995. Chương trình thi lấy bằng cử nhân dành cho những người tự học đã được thực hiện từ năm l990. Sau bốn năm nghiên cứu, nhẩm bình thường hóa giáo dục ở trung học và tăng quyền tự trị ở đại học, một hệ thống thi tuyển mới vào đại học đã được công bố vào năm 1991, và được thực hiện từ 1994. Trong công cuộc cải tổ xã hội nói chung và thể theo nguyện vọng của nhân dân, chính quyền đã thành lập lại ủy ban về Cải tổ Giáo dục để hình thành một ‘Hàn Quốc mới’.

Ủy ban này là một cơ quan tư vấn cho tổng thống, có nhiệm vụ xác định những hướng đi cơ bản cho nền giáo dục trong thế kỷ 21 và xét duyệt các kế hoạch giáo đục  ngắn ngày cũng như dài ngày và tiến trình cải tổ giáo dục ở cấp độ quốc gia. Ngày 25 tháng 2 năm 1994, ủy ban được thành lập với 25 thành viên. Tháng 9 năm 1994, ủy ban đã báo cáo lên tổng thống về 11 nhiệm vụ của cuộc cải tổ giáo dục, trong đó có 'gia tăng tài chính giáo đục', 'tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của giáo dục đại học', và 'nâng cao tính tự quản và trách nhiệm của các trường tư thục'. Trong nỗ lực hình thành cơ sở chơ hệ thống 'Hàn Quốc mới, Nền Giáo dục mới' tượng trưng cho quá trình toàn cầu hóa của Hàn Quốc, ủy ban đã để các bộ phận bên dưới duyệt lại kế hoạch 11 nhiệm vụ và thu thập ý kiến từ nhiều thành phần khác nhau trong xã hội cũng như từ những hội nghị của các chuyên gia, và đến ngày 31 tháng 3 năm 1995 đã công bố 'Các Biện pháp Cải tổ để Hình thành Hệ thống Giáo dục mới' nhằm hướng tới kỷ nguyên toàn cầu hóa và kỷ nguyên thông tin.

'Chính quyền Nhân dân' được hình thành năm 1988 đã tiếp tục những chính sách giáo dục được khởi xướng từ trước, nhắm vào việc tìm kiếm sự nhất quán trong chính sách giáo dục, và thực hiện các biện pháp giáo dục mới nhằm thích ứng với những thay đổi về xã hội. Như là một phần của nỗ lực tiếp tục công cuộc cải tổ giáo dục, tháng 7 năm 1998, chính quyền đã thành lập 'ủy ban Tổng thống cho Cộng đồng Giáo dục Mới', một cơ quan tư vấn cho tổng thống.

Duy trì tinh thần cơ bản của cuộc cải tổ giáo dục thực hiện bởi chế độ trước, ủy ban Tổng thống đã tập trung vào việc xét duyệt và đánh giá tiến trình cải tổ giáo dục, đồng thời thực hiện việc đào tạo cho cuộc cải tổ và thúc đẩy các phong trào nhân dân trong việc xúc tiến công cuộc cải tổ. Ủy ban đã có kế hoạch tạo ra những thay đổi ở các trường học và các địa phương bằng cách hình thành các cộng đồng giáo dục với sự tham gia của nhân dân thuộc các lĩnh vực khác nhau như giáo viên, phụ huynh học sinh, các đoàn thể nhân dân.

Ủy ban này đã chấm dứt nhiệm vụ vào tháng 7 năm 2000. Trong thời gian hoạt động của ủy ban, những hoạt động cụ thể của cuộc cải tổ giáo dục đã được quản lý bởi bốn tiểu ban: tiểu ban thứ nhất phụ trách về việc xét duyệt và đánh giá tiến trình cải tổ giáo dục ở trường tiểu học và trung  học, đồng thời công khai hóa việc cải tổ qua nhiều hoạt động đa dạng, trong đó có cả các chương trình đào tạo; tiểu ban thứ hai chuyên tìm những biện pháp cho việc cải tiến giáo dục dạy nghề; tiểu ban thứ ba hỗ trợ cho các phong trào nhân dân trong cộng đồng giáo dục; và tiểu ban thứ tư là tiểu ban về đại học, chuyên hình thành các biện pháp cải tiến khả năng của hệ thống giáo dục đại học để thích nghi với một xã hội dựa trên cơ sở kiến thức.

 

 

 

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2278-02-633500925980312500/Giao-duc/Lich-su-phat-trien-giao-duc-o-Ha...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận