Lễ hội
LỄ HỘI JAGALCHI
Được tổ chức vào tháng 10 hàng năm. Lễ hội này kéo dài vài ngày để kỷ niệm nghề hải sản tươi sống. Sau lễ khai mạc, trong đó có cuộc diễn hành của các công nhân ăn mặc hóa trang thành cá và các loại hải sản khác, là các tiết mục lễ hạ thủy tàu, triển lãm múa cá và đốt pháo. Ngoài ra người ta còn tổ chức các cuộc thi như đua lươn, thi nấu ăn các món nước ngoài, cùng với đám rước Jagalchi. Sau đó người ta ăn các món hải sản và uống rượu soju.
LỄ HỘI RƯỚC ĐÈN
Lễ hội được tổ chức vào ngày Chủ nhật trước Phật đản. Tất cả các khu vực quanh các chùa chiền khắp cả nước người ta treo những lồng đèn hoa sen đủ màu sắc. Lễ hội rước đèn dành để kỷ niệm ngày sinh của đức Phật Thích ca, người đã giảng về lẽ phải và lòng nhân từ ở Ấn Độ cách đây 2.600 năm. Ngày Phật đản nhằm ngày 8 tháng 4 Âm lịch, và cuộc rước đèn diễn ra một cách tráng lệ trên các đường phố vào ngày Chủ nhật trước ngày Phật đản.
LỄ HỘI MAPO-NARU (NGÀY 5 THÁNG 5)
Lễ hội được tổ chức vào một ngày tốt xung quanh, ngày 5 tháng 5 Âm lịch, gọi là Tano. Từ những ngày xa xưa của triều đại Choson, Map’o đã là một bến tàu quan trọng trên sông Hangang. Bến tàu này luôn dày đặc những thuyền đánh cá và các tàu vận tải đến từ các vùng biển khác, chỉ trừ những ngày nước đóng băng. Mỗi năm, xung quanh ngày Tano dân chúng địa phương tiến hành lễ Map’o-raru-gut, một nghi lễ tôn giáo để cầu nguyện cho sự an toàn của tàu bè qua lại trên sông Hangang. Buổi lễ được tiến hành tại bến phà trong Công viên Thị dân Sông Hangang, vùng Mangwon.
ĐÁM CƯỚI VUA KOJONG
Lễ hội này được tổ chức vào một ngày thứ bảy của tháng 4 và tháng 10 hàng năm tại cung điện Unhyeon. Đây là đám cưới giữa vua Kojong và hoàng hậu Consort Myongsong, được tái hiện mỗi năm vài lần. Dưới triều đại Choson, các nghi thức đám cưới của hoàng gia được tiến hành một cách nghiêm ngặt theo luật lệ quốc gia. Khi một hoàng tử đến tuổi hôn nhân, một qui tắc cho đám cưới hoàng tộc được ban hành, cấm tất cả mọi hoạt động hôn nhân trong dân chúng cho đến khi ba bước tuyển vợ cho hoàng tử được hoàn tất.
LỄ HỘI TƠ LỤA HOÀNG GIA
Lễ hội này được tổ chức vào mỗi mùa Thu cho đến năm 1924, gọi là Chimjam-rye (Nghi lễ Nuôi tằm của Hoàng hậu). Trong nghi lễ này hoàng hậu đứng ra ban phúc và khuyến khích nghề tơ tằm ở Triều Tiên. Hoàng hậu cũng tham gia vào việc hái dâu, nuôi tằm và dệt ra những tấm lụa đẹp nhất cho nhà vua. Sau hơn 70 năm, lễ hội này đã được phục hồi. Trong lễ hội khoảng có 200 cô gái mặc những bộ y phục truyền thống của hoàng cung, được may lại đúng theo kiểu cách mô tả trong sách vở.
LỄ HỘI YANGNYONGSHI
Được tổ chức vào đầu tháng 6 hàng năm. Người Triều Tiên tự hào về truyền thống y học Đông phương của họ mà nền Tây y không thể thay thế được. Ngày này, y học Đông phương được cải tiến đã thu hút sự chú ý của mọi người trên thế giới. Ngày Kyongdong Yangnyongshi được tổ chức bởi Hội Y học Triều Tiên Kyongdong để kỷ niệm tinh thần nhân đạo của Pojewon (người đã chữa bệnh miễn phí và cung cấp chỗ ở cho những người khó khăn dưới triều đại Choson) và quảng bá những mặt ưu việt của y học truyền thống phương Đông.
LỄ HỘI YEONGSAN-JAE
Được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch. Trong lễ hội này người ta tiến hành các nghi thức và biểu diễn múa. Lễ hội nhằm tái hiện những bài thuyết pháp của Phật Thích ca. Ngày nay trong lễ hội người ta cũng cầu nguyện cho việc thống nhất giữa Nam và Bắc Triều Tiên và cho hòa bình thế giới. Người tham dự lễ hội sẽ có dịp quan sát nhiều mặt của nền văn hóa Phật giáo đích thực của người Triều Tiên.