Tài liệu: Hàn Quốc - Phong tục tập quán

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Những thay đổi to lớn đi qua châu Á và phần còn lại của thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20 đã để lại dấu ấn trong đời sống hàng ngày của người Triều Tiên.
Hàn Quốc - Phong tục tập quán

Nội dung

Phong tục tập quán

Những thay đổi to lớn đi qua châu Á và phần còn lại của thế giới trong nửa sau của thế kỷ 20 đã để lại dấu ấn trong đời sống hàng ngày của người Triều Tiên. Những phong tục truyền thống và nhiều thứ khác đã phải trải qua nhiều thay đổi do sự hiện đại hóa nhanh chóng của xã hội. Tuy nhiên, bất kể những thay đổi này, vẫn còn những người duy trì Triều Tiên như là một trong những quốc gia theo Khổng giáo mạnh nhất trên thế giới. Những lối sống truyền thống của quá khứ và những phong tục đã được nuôi dưỡng lâu đời vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến phong cách hiện đại mà người Triều Tiên vừa mới thu nhận.

Trước đây, nhiều thế hệ thường sống chung với nhau dưới một mái nhà. Sự việc hàng chục người hay nhiều hơn nữa cùng chia sẻ cuộc sống trong một căn nhà là điều rất bình thường. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc di chuyển đến các khu vực đô thị và cùng với lối nhà ở phổ biến theo kiểu chung cư đã dẫn đến việc những cặp vợ chồng mới cưới có khuynh hướng sống riêng với nhau hơn là chia sẻ một góc nhà với những thành viên khác trong gia đình. Phong trào này đã dẫn tới việc gia tăng số lượng các gia đình hạt nhân ở Triều Tiên.

Theo truyền thống, người lớn tuổi nhất trong gia đình được coi như có quyền lực cao nhất. Tất cả những thành viên trong gia đình đều phải phục tùng mệnh lệnh của người này. Những cơ chế nghiêm ngặt phải được tuân thủ, không hề có sự phản đối. Con hay cháu trong nhà chống đối lại người lớn tuổi hơn là điều không thể tưởng tượng được trong xã hội Triều Tiên. Ngoài ra, theo Khổng giáo, lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ là đức tính được đề cao nhất. Mặt khác, người gia trưởng phải công bằng trong mọi việc liên quan đến kỷ luật của những thành viên trong gia đình.

Câu châm ngôn với ý là người đàn ông phải tu thân, tề gia, sau đó mới đến trị quốc và bình thiên hạ đã phản ánh trật tự xã hội ẩn khuất đằng sau lý tưởng của Khổng giáo. Với hệ thống trật tự này, người đàn ông có trách nhiệm đại diện, làm cột trụ và bảo vệ gia đình của mình. Nếu người đàn ông đó không phát huy được sức mạnh và thể hiện vai trò đầu đàn một cách khôn ngoan, ông ta sẽ bị mất mặt. Trật tự trong gia đình được duy trì theo nguyên tắc thứ bậc, trong đó con cái nghe lời cha mẹ, vợ nghe lời chồng và tớ nghe lời chủ.

Căn nhà của người Triều Tiên, dù cũ hay mới, được xây dựng để che chở các thành viên trong gia đình trước những thế lực bên ngoài. Nhà của người Triều Tiên nhìn chung là thấp, với các phòng tương đối nhỏ, và không có nhiều cửa sổ hay cửa ra vào. Một số phòng có sàn kiểu ondol, tức là có hệ thống sưởi ấm nằm phía dưới sàn. Kiểu sưởi ấm này đã ăn sâu vào đời sống của người Triều Tiên đến nỗi ngay cả những căn nhà hiện đại nhất được xây dựng theo kiểu phương Tây cũng có vài phòng được sưởi ấm từ dưới sàn nhà. Cùng với điều này, nhiều người Triều Tiên vẫn còn thích ngồi hay nằm trên nệm hoặc chiếu dày trải trên sàn nhà.

Trong những căn nhà truyền thống, có rất ít đồ đạc và người ta thường ngồi dưới sàn. Phòng ngủ và phòng ăn không được phân biệt rõ ràng; một phòng khách cũng làm nhiệm vụ của phòng ngủ và phòng ăn. Phòng dành cho nữ giới được bố trí phía sau nhà và được dùng làm nơi tụ tập cả gia đình. Trái lại, người chủ gia đình sinh hoạt ở phía trước căn nhà, nơi  cũng được dùng để tiếp khách. Nếu là người có học, căn phòng của anh ta sẽ được trang bị với bàn giấy, kệ, sách vở và vài cái gối. Bình thường, buổi tối anh ta sẽ rút vào phòng của vợ.

Y phục truyền thống của người Triều Tiên, gọi là hanbok mặc rất thoải mái và phù hợp với kiểu phòng truyền thống ondol (sưởi ấm từ dưới sàn). Ngày nay vẫn còn nhiều người, nhất là đàn ông, mặc loại y phục này về nhà vào buổi tối sau khi tan sở. Y phục kiểu phương Tây thường được sử đụng khi đi ra ngoài. Tuy nhiên vào những ngày lễ đặc biệt như Ch’usok hay ngày Tết, cả gia đình đều mặc những bộ hanbok đẹp nhất.

Bữa ăn tại nhà là thời điểm tụ tập cả gia đình. Lương thực chính của người Triều Tiên là gạo, thường độn thêm một số loại hạt khác như lúa mạch, kê, bo bo hay đậu. Canh là món ăn không thể thiếu và kim chi là một món ăn thêm thường xuyên. Nước tương, ớt khô, tương ớt hoặc tương đậu thường được dùng làm gia vị.

Người Triều Tiên thích loại rượu gạo truyền thống và thường thích uống trước bữa ăn. Đãi khách bằng loại rượu truyền thống là một phong tục ở đây. Trong khi đối với người phương Tây, việc đòi châm thêm rượu thường xuyên cho khách được coi là một sự quấy rầy thì đối với người Triều Tiên, nếu khách không được mời châm rượu thường xuyên thì người ta sẽ cho là chủ không được tế nhị. Việc chia sẻ từng cốc rượu với nhau trong không khí bầu bạn hợp ý với nhau là một điều quan trọng đối với người Triều Tiên. Trong những dịp tụ tập như vậy, thứ bậc trên dưới trong quan hệ xã hội vẫn được duy trì. Những người nhỏ tuổi không được uống rượu hay hút thuốc trước mặt người lớn tuổi.

            PHONG TỤC TRONG HỌ HÀNG

Đối với người Triều Tiên, có một mối quan hệ rất chặt chẽ giữa thành viên trong họ hàng hay trong thị tộc với nhau. Gắn liền với truyền thống gia đình là trung tâm, những gia đình mở rộng là nơi đầu tiên người ta tìm đến mỗi khi gặp chuyện rắc rối. Trước kia, anh em thường vẫn sống chung trong một nhà sau khi đã lấy vợ, và có những trường hợp anh em họ cũng ở chung trong một nhà. Mặc dù ngày nay tình trạng một gia đình lớn như vậy sống chung trong một căn nhà là hiếm, những thành viên trong cùng gia đình thường ở gần nhau và đi lại với nhau thường xuyên. Những người phải sống ở xa cũng tụ tập về trong những dịp đặc biệt như đám cưới, mừng thọ 60 tuổi, 70 tuổi, sinh nhật của một đứa trẻ, và trong các ngày lễ truyền thống. Vào những dịp đó mọi người đều lao vào để chuẩn bị cho các nghi lễ.

Lòng tôn kính tổ tiên là một điểm quan trọng của hệ thống thị tộc gia đình. Những cuộc giỗ người đã khuất thường được tổ chức tại nhà, vào khoảng 1 - 2 giờ sáng. Con cháu ở thế hệ thứ năm trở đi đối với người chết thường tổ chức giỗ mỗi năm một lần vào ngày Ch’usok (Lễ hội Thu hoạch), ngày rằm tháng 8, hoặc vào một ngày tết được chọn trước. Vào ngày này, con cháu tề tựu tại nấm mồ của tổ tiên để cúng giỗ. Việc cúng giỗ này quan trọng đến độ ngay những người đang đi xa cũng về dự. Thành viên của các thị tộc thường kết hợp những dịp này để tổ chức cuộc họp hàng năm. Một thị tộc có nhiều nhánh và nhiều thành viên có thể chia thành nhiều đơn vị nhỏ hơn, mỗi đơn vị có quỹ và tài sản riêng. Cuộc họp này thường được tổ chức để quyết định và thực hiện những việc mà mọi người quan tâm, chẳng hạn như việc bảo trì các ngôi mộ của tổ tiên và việc quản lý tài sản chung của thị tộc.

Người Triều Tiên duy trì một lòng tôn kính sâu đậm đối với lịch sử gia đình của họ, và ghi chép tỉ mỉ gia phả, mà trong nhiều trường hợp bao gồm hàng mấy mươi đời. Họ cũng ghi chép đầy đủ về thứ bậc, những thành tựu đạt được, những biểu dương cửa triều đình, vị trí mộ phần và nhiều thông tin khác về người quá cố.

Khi những người mang cùng họ lần đầu gặp nhau, điều đầu tiên để làm là xác định xem có phải họ thuộc về cùng một thị tộc hay không. Nếu phải, họ sẽ tham khảo gia phả đế biết mối quan hệ với nhau. Nếu như một người thuộc hàng cao hơn, người kia phải tỏ lòng kính cẩn bằng cách xưng hô và những từ ngữ cụ thể sử dụng trong thị tộc.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2276-02-633500918738750000/Van-hoa---xa-hoi/Phong-tuc-tap-quan.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận