Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1997
Tháng 10 năm 1997, thị trường chứng khoán Hàn Quốc bắt đầu đi xuống, theo sau là sự sụt giá đồng Won so với Đô la. Các nền kinh tế ở Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia đã phát triển một cách không ổn định, và những thay đổi xuất hiện ở Hàn Quốc như là một sự lây lan xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở Đông Nam Á. Vào tháng 11, lượng dự trữ nước ngoài của Hàn Quốc đã suy kiệt, và để tránh một sự sụp đổ hoàn toàn về kinh tế, chính quyền đã công bố là cần phải vay nợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để vượt qua những khó khăn trong thị trường về tài chính và tiền tệ.
NGUYÊN NHÂN CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
Trong suốt thập kỷ 1990, cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc ngày càng nhậy cảm với những thay đổi bất lợi từ bên ngoài. Sự nhậy cảm này có hai nguồn gốc. Đầu tiên là cơ cấu nợ ngắn hạn quá lố đối với nước ngoài và lượng dự trữ trao đổi với nước ngoài không đủ. Tỉ lệ giữa nợ nước ngoài so với tổng sản lượng nội địa đã gia tăng nhanh chóng và liên tục kể từ năm 1994, khi bắt đầu bãi bỏ những quy định về lài chính. Sự gia tăng nhanh chóng trong lĩnh vực vay tư nhân, bao gồm cả phần vay từ các doanh nghiệp và phần vay của ngân hàng để hỗ trợ tài chính cho việc đầu tư của các doanh nghiệp, các phần này đã chiếm hầu hết trong lượng gia tăng nợ nước ngoài.
Khi tỉ lệ nợ nước ngoài so với tổng sản phẩm nội địa lên đến mức 25% sự gia tăng nhanh chóng của các món nợ ngắn hạn là dấu hiệu rõ ràng của những vấn đề thanh toán với nước ngoài. Vào cuối năm 1996, tỉ lệ của nợ ngắn hạn so với tổng số nợ nước ngoài lên đến đỉnh điểm là 58%, trong khi đó lượng dự trữ trao đổi với nước ngoài vẫn còn thấp.
Nhân tố thứ hai đằng sau sự nhậy cảm của nền kinh tế Hàn Quốc là cơ cấu tài chính đòn bẩy quá cao. Tỉ lệ giữa nợ của các doành nghiệp so với tổng sản phẩm nội địa là thấp nhất trong những năm 1987 - 1988 khi Hàn Quốc có thặng dư tiền gửi. Tuy nhiên, kể từ thời gian đó, tỉ lệ này đã gia tăng về cơ bản để lên đến mức 1,6% năm 1996. Do cơ cấu tài chính đòn bẩy cao, phần lớn tạo thành do sự đầu tư quá mức vào các khối mậu dịch Hàn Quốc, gọi là chaebol, các doanh nghiệp đã trở nên ngày càng nhậy cảm với những thay đổi bất lợi.
Những thiếu hụt trong cơ cấu kinh tế Hàn Quốc, đó là di sản của quá trình phát triển trong quá khứ. Thời gian 30 năm của quá trình tăng trưởng do sự lèo lái của chính quyền đã tạo ra một mối quan hệ chặt chẽ và thông đồng giữa chính quyền với chaebol. Chaebol thường thực hiện các dự án do chính quyền đấu thầu, và đến lượt chính quyền lại bảo hiểm hoàn toàn cho sự thất bại của những dự án đó. Cả xã hội chấp nhận một sự trông đợi gọi là ‘quá lớn nên không thể thất bại’ . Với niềm tin đó, sự quan tâm của các doanh nghiệp đặt vào sự tăng trưởng về tầm vóc hơn là vào việc tạo ra lợi nhuận. Để chi tiêu cho sự mở rộng công việc kinh doanh, các doanh nghiệp thường chọn con đường tăng trưởng từ tiền nợ hơn là từ các khoản tiền hợp lý.
Những đột biến bất lợi về mậu dịch trong năm 1996 đã làm tổn hại nghiêm trọng các công ty của Hàn Quốc vào năm 1997. Hàng loạt những công ty bị phá sản, ngay cả đối với những chaebol lớn như Hanbo, Kia và Yuwon, đã làm gia tăng những món nợ chết đối với ngân hàng với một tốc độ kinh khủng. Sự suy thoái của các công ty biến thành sự suy yếu trong lĩnh vực tài chính. Những chính sách nghiêm ngặt trong việc cho vay của các cơ sở tài chính với nỗ lực giảm thiểu những tác động xấu đối với nền kinh tế lại tạo ra sự thiếu hụt về vốn, và sự thiếu hụt này lại làm tăng thêm số lượng những công ty phá sản.
Đáp ứng với tình hình kinh tế nhất thời này, chính quyền đã thành lập ủy ban Tổng thống Cải cách Tài chính để bắt đầu một cuộc cải cách toàn diện đối với thị trường tài chính. Trong thị trường lao động, một ủy ban Cải cách Lao động được thành lập năm 1997. Nhưng những hành động sớm sủa nhằm ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế này đã thất bại vì nhiều lý do. Trước hết là những xung đột đã nổ ra khi ủy ban Tổng thống Cải cách Tài chính và ủy ban Cải cách Lao động bắt đầu thực hiện những biện pháp cải cách ở từng lĩnh vực.
Trong khi đó, bộ máy hành chính của tổng thống Kim Young Sam, người gần hết nhiệm kỳ, không thể cung ứng một sự chỉ đạo cần thiết để hỗ trợ cho những nỗ Lực cải cách này. Thứ hai là những hành động độc đoán không có lý do xác đáng của chính quyền sau khi các khối mậu dịch Hanbo và Kia bị phá sản đã làm thất vọng các nhà đầu tư nước ngoài. Cuối cùng là sự xử lý không thấu đáo đối với cuộc khủng hoảng trao đổi với nước ngoài của Bộ Tài chính và Kinh tế.
Nói cách khác, những công ty không trả được nợ và những thể chế tài chính đã phá hỏng tín dụng ,của Hàn Quốc ở nước ngoài, dẫn đến việc mất tiền vốn đầu tư từ nước ngoài. Cái chu kỳ xấu của việc thiếu dự trữ trao đổi với nước ngoài và sự giảm giá trị của tín dụng đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng toàn bộ về trao đổi với nước ngoài vào cuối năm 1997.
NHỮNG THỬ THÁCH VÀ CÁC CƠ HỘI
Trên sáu tháng kể từ ngày chính quyền Hàn Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế thỏa thuận về các điều khoản của các khoản nợ dự trữ vào tháng 12/1997, chính quyền Hàn Quốc đã thực hiện vô số các biện pháp để ổn định tình hình. Chính quyền đã thuyết phục những người lãnh đạo của công hội và quần chúng nói chung cùng chia sẻ gánh nặng của việc phục hồi kinh tế bằng cách thành lập ủy ban Tay ba, bao gồm những nhà lãnh đạo lao động, những nhà lãnh đạo kinh doanh và các quan chức nhà nước. Ủy ban này đã đưa ra một thỏa thuận là bản Hiệp ước Tay ba, bao gồm 90 biện pháp chi tiết hình thành những nguyên tắc cơ bản của quá trình phục hồi kinh tế.
Vào tháng 4 năm 1998, 21,4 tỉ USD nợ nước ngoài ngắn hạn của các ngân hàng được chuyển thành nợ dài hạn do chính quyền bảo lãnh. Cùng tháng này, chính phủ Hàn Quốc đã thành công trong việc phát hành trái phiếu toàn cầu với tổng trị giá 4 tỉ USD. Những nhân tố này, cùng với sự cân đối tiền gửi ngân hàng, đã nâng mức dự trữ nước ngoài từ 8,9 tỉ USD vào cuối tháng 12/1997 lên 41 ,4 tỉ USD vào tháng 8/1998. Tỉ giá hối đoái giữa đồng Won và Đô la Mỹ đã ổn định ở mức 1.300 Won/USD.