Tài liệu: Hàn Quốc - Địa hình

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Lãnh thổ của Hàn Quốc trùng khớp với bán đảo Triều Tiên. Giữa bán đảo và vùng Mãn Châu là hai con sông lớn nhất ở vùng này,
Hàn Quốc - Địa hình

Nội dung

Địa hình

ĐỒI NÚI

            Lãnh thổ của Hàn Quốc trùng khớp với bán đảo Triều Tiên. Giữa bán đảo và vùng Mãn Châu là hai con sông lớn nhất ở vùng này, sông Amnokkang (Yalu) và sông Tu man- gang (Tumen), cả hai đều bắt nguồn từ núi Paektusan (2.744 mét) là ngọn núi cao nhất ở cả vùng Hàn Quốc và Mãn Châu. Ba mặt còn lại của bán đảo được bao quanh bởi các biển: Hoàng Hải, Biển Đông và Nam Hải.

            Gần 70% của bán đảo Triều Tiên được bao phủ bởi đồi núi. Nằm hầu hết ở vùng phía Nam và phía Tây, những ngọn đồi này được tiếp nối bởi những ngọn núi cao dần về phía Đông và phía Bắc. Nhìn chung, những sườn núi ở phía Tây và phía Nam của bán đảo thì rộng và có những đồng bằng và, những khu lòng chảo dọc theo các dòng sông, trong khi những sườn núi phía Đông thì hẹp vì những ngọn núi cao ôm sát lấy bờ biển của Biển Đông.

            Hầu hết các ngọn núi cao nằm trong dãy T’aebaeksan song song với bờ biển phía Đông, chạy gần như theo hướng Bắc Nam. Phía Tây đãy núi này là các lưu vực của sông Han-gang và sông Kumgang. Dãy núi này kéo dài đến dãy Nangnimsan ở phía Bắc Triều Tiên, tạo thành xương sống về địa lý và địa mạo của bán đảo và hình thành đường phân nước giữa sườn  phía Đông và sườn phía Tây của bán đảo. Núi Nangnimsan (2.014 mét), núi Kumgangsan (l.638 mét), núi Soraksan (1.708 mét) và núi Taebaeksan (1.567 mét) là một số những đỉnh cao nhất của những dãy núi này.

            Về phía Tây Nam của dãy T’aebaeksan là một dãy núi quan trọng khác, dãy Sobaeksan, với điểm cao nhất là đỉnh núi Chirisan (1.915 mét). Dãy này là bức vách ngăn cách vùng trung tâm và vùng phía Nam bán đảo, và cũng ngăn cách giữa các vùng phía Đông và vùng phía Tây của miền Nam. Do đó lưu vực sông Naklonggang nằm cô lập ở phía Nam Triều Tiên. Cái gọi là ‘mái nhà Triều Tiên’, cao nguyên Kaema, tọa lạc ở góc phía Tây Bắc của bán đảo, có độ cao trung bình 1.500 mét so với mặt biển.

            Đất của vùng bán đảo khá ổn định về mặt địa lý mặc dù nó nằm gần Nhật Bản. Ở đây không có núi lửa oạt động, cũng không có động đất lớn. Chỉ có vài ngọn núi lửa đã tắt, được hình thành từ kỷ pleitoxen. Núi Paektusan nổi tiếng với một hồ nước hình thành từ miệng núi lửa, tên là Ch’onji, có nghĩa là ‘Hồ Thiên Đàng’. Núi Chejudo là ngọn cao nhất ở Nam Triều Tiên. Trên ngọn núi này có một hồ nhỏ hình thành từ miệng núi lửa, hồ Paengnoktam.

            Khoảng hai phần ba bán đảo Triều Tiên bao gồm các loại đá biến chất thời tiền sử và đá granit. Mặc dù các loại đá trầm tích là rất hiếm, đá vôi lại có nhiều ở một số vùng, và một số hang động đá vôi đã hình thành, thu hút nhiều khách du lịch. Trong số những hang nổi tiếng nhất có các hang Kossigul, Kosugul và Songnyugul, tất cả đều có thạch nhũ và măng đá.

SÔNG VÀ ĐỒNG BẰNG

Hầu hết các sông ở Triều Tiên chảy vào Hoàng Hải và Nam Hải, tháo nước từ các sườn núi phía Tây và phía Nam của bán đảo. Triều Tiên có một số  lượng lớn những con suối, trong số đó có 6 suối đài trên 400 km. Lượng nước của các dòng sông dao động nhiều theo gió mùa. Vào mùa hè, những con sông ngập đầy nước mưa, thỉnh thoảng làm ngập những đồng bằng vùng thung lũng. Vào những mùa khác tương đối khô ráo hơn, mực nước sông xuống rất thấp và thường có nhiều con sông lộ cả đáy. Những cơn bão lớn đánh vào phía Nam bán đảo thường xuất hiện khoảng hai ba năm một lần, cũng đem theo một lượng mưa lớn vào cuối mùa Hè và đầu mùa Thu.

Hầu hết các đồng bằng là loại đồng bằng hẹp do nước lũ tạo thành dọc theo những con sông, đặc biệt là ở vùng hạ lưu. Những đồng bằng này là nơi sản xuất chính các loại lúa gạo. Những ngọn sóng thủy triều lớn tại cửa của những con sông đổ vào Hoàng Hải đã ngăn chặn sự phát triển của các đồng bằng châu thổ, mặc dù những con sông này mang theo một lượng lớn các trầm tích trong những cơn lũ. Chỉ có sông Maklonggang đổ vào Nam Hải là có một vùng châu thổ nhỏ ở cửa sông. Những vùng lòng chảo hình thành do sự xói mòn dọc theo các con sông trong những vùng đá granit vốn là những vùng nông nghiệp quan trọng từ thời cổ đại. Nhiều thành phố lớn như Ch’unch’oon, Ch’uongju và Wongju nằm trong các vùng lòng chảo đó.

BỜ BIỂN

Triều Tiên có một bờ biển dài so với diện tích của nước này, và bờ biển ở đây được chia thành các đoạn phía Đông, phía Tây và phía Nam. Bờ biển phía Đông có sóng thủy triều nhỏ, tối đa chỉ cao một phần ba mét và đường viền bờ biển tương đối bằng phẳng với một ít đảo ở ngoài khơi. Ở những nơi núi nhô ra khỏi rặng T’aebaeksan, bờ biển có đá, tuy nhiên cũng có một số bãi cát nơi đó có những dòng suối nhỏ mang phù sa từ các ngọn núi cao. Trong nhiều trường hợp, các bãi cát ở dạng những hố cát hay cồn cát bao quanh các phá, vốn là một đặc điểm nổi bật của bờ biển phía Đông. Dọc theo bờ biển ở đoạn giữa Wonsan và Kangnung có nhiều phá, trong số đó các phá Kyongp’o và Hwanjinpo nằm trong số những khu nghỉ mát nổi tiếng của bờ Đông. Do đường xa lộ nối liền Kangnung với Seoul đã được xây dựng từ thập kỷ 1970, bờ biển phía Đông đã quanh năm thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là vào mùa hè.

Bờ biển phía Nam và phía Tây không đều, với vô số những bán đảo nhỏ và các vịnh, cùng với nhiều đảo. Bờ biển phía Tây trông ra Hoàng Hải, rất cạn và có sóng thủy triều lớn, nhiều nơi cao trên 10 mét. Các bến tàu rất khó phát triển ở đây vì sóng thủy triều lớn. Các miền đầm lầy do sóng thủy triều tạo thành rất phổ biến ở bờ biển này, đặc biệt là trong các vịnh mà những con sông đổ phù sa vào trong những cơn lũ. Từ thời xưa những đầm lầy này đã là những cánh đồng lúa, nhưng từ thập kỷ 1970 việc cải tạo những đầm lầy này đã bước vào một kỷ nguyên mới về tầm cỡ. Dự án Saemangum đang được thực hiện là một dự án lớn nhất từ trước đến nay, sẽ cải tạo 40.000 héc ta đầm lầy cùng với việc xây dựng một con đê lớn dài 33 km.

Bờ biển phía Nam có chiều dài gấp gần tám lần so với khoảng cách theo đường chim bay, vì những chỗ lồi lõm của nó lớn hơn nhiều so với bờ biển phía Tây. Sóng thủy triều tương đối nhỏ, khoảng từ 2 đến 5 mét, và những miền đầm lầy do thủy triều tạo ra không rộng bằng so với bờ biển phía Tây. Mặc dù núi trông thắng ra biển, ở đây chỉ có ít bãi cát và vách đá, bởi vì vô số đảo đã ngăn sóng từ ngoài khơi đẩy vào. Đoạn hẹp ở giữa đất liền và các đảo có những dòng thủy triều cực nhanh. Ở đoạn từ Ultolmok đến điểm cực Tây của bờ biển phía Nam, những dòng thủy triều kéo dài đến 13 hải lý.

ĐỊA MẠO

Triều Tiên là một bán đảo có nhiều núi kéo dài xuống phía Nam Đông Nam từ phần Đông Bắc của lục địa Trung Hoa. Dãy núi Taebaeksanmaek hình thành theo hướng Bắc Tây Bắc - Nam Đông Nam, gần với bờ biển phía Đông. Các núi ở đây không cao, hiếm khi vượt quá độ cao 1.200 mét, nhưng có thể tìm thấy ở khắp nơi. Do đó địa hình ở đây trập trùng và dốc đứng. Chỉ ở gần bờ biển phía Tây và phía Tây Nam là có những đồng bằng đất bồi và những vùng đất với những ngọn đồi thấp.

Là một bán đảo nhiều núi, Triều Tiên có kiến tạo địa lý đa dạng. Nó được hình thành hầu hết bởi các loại đá tiền sử, như đá gơ nai granit và các loại đá biến chất khác. Hai khối địa tầng cổ được tìm thấy tại miền Nam và miền Bắc. Khối địa tầng ở miền Nam bao phủ rặng Taaebaeksanmaek, và khối địa tầng ở liền Bắc nằm gần Pyeongyang. Địa tầng trung đại được tìm thấy ở phía Đông Nam của bán đảo và địa tầng thuộc kỷ thứ ba thì có hạn chế ở một số vùng nhỏ rải rác khắp bán đảo. Các loại đá granit thuộc kỷ Jura và kỷ Phấn trắng xâm nhập vào những vỉa đá cổ hơn theo hướng Đông Bắc - Tây Nam ở một số nơi. Không giống như Nhật Bản ở gần đó, Triều Tiên là một mảnh đất ổn định, không có núi lửa hoạt động và ít động đất, mặc dù những hòn đảo Ulleungdo và Jejudo có nguồn gốc là núi lửa. Núi Baekdusan ở miền Bắc có một hồ vốn là hõm núi lửa, và núi Halla ở đảo Jejudo có một hồ nhỏ cũng là di tích của miệng núi lửa.

ĐỘNG ĐẤT

Có gần 2.000 trận động đất đã được ghi nhận trong các tài liệu lịch sử khác nhau trong những thời kỳ trước, từ năm 2 đến năm 1907 sau Công nguyên và có hơn 200 trận đã được ghi nhận một cách khoa học từ năm 1905 ở bán đảo Triều Tiên. Như vậy tổng số trận động đất đã được ghi nhận ở Triều Tiên là ít hơn 2.000, trong số đó có 48 trận là có sức tàn phá - ít hơn nhiều so với những con số ghi nhận được ở Nhật Bản và Mãn Châu. Tần số xuất hiện và cường độ của những trận động đất ở những vùng này tùy thuộc vào khoảng cách với Vành đai động đất Thái Bình Dương. Nhật Bản tọa lạc ngay trên vành đai này, trong khi đó Triều Tiên và Mãn Châu thì cách đó một đoạn. Do đó độ địa chấn ở Triều Tiên thì lớn hơn so với Mãn Châu, nhưng nhỏ hơn nhiều so với Nhật Bản.

Ở Triều Tiên động đất xảy ra chủ yếu trận các chỗ đứt đoạn của vỏ trái đất hay các phiến kiến tạo, nếu nhìn trên bề mặt là những dòng sông. Tuy nhiên trong thế kỷ vừa qua, động đất đã xảy ra thường xuyên hơn dọc theo các dãy núi như núi Jirisan. Nam Triều Tiên có cường độ địa chấn tương đối mạnh hơn Bắc Triều Tiên, và nửa phía Tây của bán đảo có cường độ mạnh hơn nửa phía Đông. Vùng lưu vực hạ lưu của những con sông chính đổ vào Hoàng Hải có nhiều tâm động đất hơn so với vùng trung lưu và thượng lưu. Tuy nhiên cả hai con sông Geumgang và Nakdonggang có cường độ động đất ở cả vùng hạ lưu và trung lưu. Mép phía Tây Nam của khối núi Gyeonggi ở vùng trung tâm bán đảo Triều Tiên có cường độ địa chấn mạnh hơn nhiều so với vùng nội địa và các vùng bờ biển phía Đông Bắc. Hầu như toàn bộ khu vực Okcheon đều có cường độ địa chấn cao.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2274-02-633500914090312500/Dia-ly/Dia-hinh.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận