Hàn Quốc ở thế kỷ 19
Đầu thế kỷ thứ 19 đã chứng kiến một sự suy sụp nhanh chóng của Hàn Quốc, làm tiêu tan hết những phát triển vừa có được Sự khủng bố gắt gao đối với Thiên chúa giáo La Mã bắt đầu vào năm 1801, và sản lượng nông nghiệp giảm sút, buộc nhiều nông dân phải theo lối du canh du cư ở vùng đồi núi. Những cuộc nổi dậy của quần chúng bắt đầu năm 1811 và thỉnh thoảng lại tiếp tục, kéo dài cho đến hết thế kỷ. Những cuộc nổi dậy này lên đến cực điểm của nó là Phong trào Tonghak của thập niên 1860, phong trào này đã dấy lên cuộc nổi loạn vào thập kỷ 1890.
Những nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã biết rằng vị trí của Trung Hoa đã thay đổi khi có sự xuất hiện của các tàu chiến hùng mạnh và các nhà buôn của phương Tây, nhưng họ đã phản ứng đối với cuộc Chiến tranh Thuốc phiện (1839 - 1842) giữa Trung Hoa và Anh Quốc bằng cách đóng chặt hơn nữa cánh cửa vào Hàn Quốc. Năm 1853 thiếu tướng hải quân Mỹ là Matthew C. Perry và hạm đội của ông ta đã vào vịnh Edo, bắt đầu tiến trình mở cửa nước Nhật cho việc mậu dịch quốc tế. Tuy nhiên Hàn Quốc vẫn tiếp tục chính sách cô lập của mình.
Những cuộc cải tổ ở Hàn Quốc từ năm 1864 đến 1873 được tiến hành bởi một nhà lãnh đạo đầy quyền lực tên là Taewn’ gun, hay Yi Ha-ung (1821 - 1898). Yi Ha-ung đã cải tổ chính sách quan liêu, đưa vào nhiều nhân tài, đặt ra những loại thuế mới, và ngăn ngừa những nước đế quốc. Tuy nhiên sau đó Hàn Quốc rơi vào tình trạng rối loạn với các mối thù địch đế quốc, khi nước Nhật đã ký một hiệp ước bất bình đẳng theo kiểu phương Tây vào năm 1876, xác định những đặc quyền ngoại giao của họ và mở ba cảng của Hàn Quốc cho người Nhật đến buôn bán. Trong khi đó, nhiều phong trào cải tổ của người Triều Tiên đã bắt đầu manh nha. Những phong trào này chịu ảnh hưởng của những tiến bộ của Nhật và Mỹ.
Nhật đã chấm dứt ảnh hưởng của Trung Hoa trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1894 - 1895, tiếp sinh lực thêm cho Phong trào Tonghak, và phong trào này đã dẫn đến một cuộc nổi loạn lớn năm 1894. Những nông dân liên kết với nhau chống lại áp lực của phương Tây, sự thâm nhập kinh tế ngày càng gia tăng của Nhật và một chính quyền thiếu hiệu quả. Cuộc nổi loạn đã lan tràn từ vùng Tây Nam đến vùng trung tâm của bán đảo, đe dọa cả Seoul.
Triều đình đã mời đến Trung Hoa để đưa quân sang dẹp loạn, trong khi đó Nhật cũng có lý do đưa quân sang Hàn Quốc. Sau khi đánh bại quân Trung Hoa, người Nhật đã tuyên bố Hàn Quốc độc lập, chấm dứt quan hệ cống nạp của nước này đối với Trung Hoa. Từ đó, người Nhật đã tiến hành những cuộc cải tổ để chấm dứt hệ thống thi tuyển làm công chức tại đây, bãi bỏ sự phân biệt giai cấp truyền thống, xóa sổ chế độ nô lệ, và thiết lập một cơ chế hiện đại về tài chính và tòa án.
Người Triều Tiên dần dần trở nên thù địch với người Nhật. Năm 1897 vua Kojong đã tránh những âm mưu của người Nhật, tiếp nhận công sứ của Nga. Ông đã điều khiển công việc quốc gia tại đó trong một năm và sau đó đã tuyên bố Hàn Quốc là ‘Đế quốc Triều Tiên Vĩ đại’.
Nga và Nhật đầu tiên chia sẻ quyền lợi của họ Triều Tiên, đã đề xuất ra vĩa tuyến 38 là là ranh giới để chia đôi ảnh hưởng của họ. Sự thù địch của họ đã dẫn đến cuộc chiến tranh Nga-Nhật(1904-1095), khi người Nhật đột ngột mở một cuộc tấn công vào hạm đội Nga ở cảng Arthur. Người Nhật đã làm cả châu Á ngạc nhiên khi trở thành nước đầu tiên không thuộc giống da trắng đã khuất phục được một trong các ‘siêu cường’.
Trong hiệp ước hòa bình được ký năm 1905, Nga công nhận các quyền tối cao của Nhật tại Triều Tiên. Theo hiệp ước này, Nhật sẽ không thắc mắc gì đến quyền hạn của Mỹ ở thuộc địa Phil1ppines, và Mỹ cũng không can thiệp gì vào nước bảo hộ mới của Nhật, được thành lập năm 1905 để kiểm soát các chính sách đối ngoại của Triều Tiên. Sau đó người Nhật đã truất phế vua Kojong. Với cuộc truất phế này, những phản ứng đáng kể của người dân Triều Tiên đã lan tràn qua nhiều tỉnh và biến thành chiến tranh du kích chung lại người Nhật. Đến năm 1910 Nhật Bản đã biến Triều Tiên thành thuộc địa của họ.