Tài liệu: Hàn Quốc - Tôn giáo

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Không giống như những nền văn hóa trong đó chỉ có một tôn giáo chiếm ưu thế, văn hóa Triều Tiên bao gồm một dải rộng các tôn giáo khác nhau,
Hàn Quốc - Tôn giáo

Nội dung

Tôn giáo

Không giống như những nền văn hóa trong đó chỉ có một tôn giáo chiếm ưu thế, văn hóa Triều Tiên bao gồm một dải rộng các tôn giáo khác nhau, đã hình thành cách suy nghĩ và ứng xử của người dân. Trong những giai đoạn đầu của lịch sử Triều Tiên, các chức năng tôn giáo và chính trị được hợp nhất, nhưng sau đó đã tách biệt.

Về mặt lịch sử, người Triều Tiên sống dưới ảnh hưởng của Shaman giáo, Phật giáo, Lão giáo hoặc Khổng giáo, và trong thời hiện đại, Cơ đốc giáo đã thâm nhập mạnh mẽ vào đất nước này, mang theo một nhân tố quan trọng có thể làm thay đổi bối cảnh tinh thần của người dân. Tốc độ công nghiệp hóa xảy ra ở Hàn Quốc trong vòng hai thập kỷ có thể so sánh với hai thế kỷ ở phương Tây, đã mang đến nhiều đau khổ và chán ghét làm tan đi sự bình yên về tâm hồn của người Triều Tiên, thúc đẩy họ đi tìm sự an ủi trong các hoạt động tôn giáo. Kết quả là số tín đồ của các tôn giáo đã mở rộng đáng kể với những cơ sở về tôn giáo nổi lên như những tổ chức có ảnh hưởng về mặt xã hội.

Quyền tự do tín ngưởng đã được đảm bảo bằng Hiến pháp Triều Tiên. Theo một cuộc thống kê xã hội năm 1995, 50,7%. người Triều Tiên có theo một tín ngưỡng nào đó. Phật giáo chiếm khoảng 46%, sau đó đến đạo Tin lành chiếm 39% và đạo Thiên chúa chiếm 13% trong số những người có tín ngưỡng.

SHAMAN GIÁO

Shaman giáo là một tôn giáo sơ khai, không có một cơ cấu hệ thống, nhưng đã thâm nhập vào đời sống hàng ngày của người dân qua phong tục và truyền thống. Những người của thời kỳ Đồ đá mới ở Triều Tiên có một niềm tin theo thuyết vật linh là bất kỳ một vật thể nào trên thế giới cũng có một linh hồn. Con người thì được tin rằng có một linh hồn không bao giờ bị hủy diệt. Do đó những xác chết được đặt đầu về hướng Đông là hướng mặt trời mọc. Những người thời kỳ đó tin rằng trong khi những linh hồn tốt chẳng hạn như mặt trời mang vận may đến cho con người thì những linh hồn xấu sẽ mang đến sự rủi ro.

Shaman giáo dần dần đã nhường bước cho Khổng giáo và Phật giáo như là một công cụ để chi phối con người, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn kéo dài. Các pháp sư, gọi là mudang  trong tiếng Triều Tiên, là những người trung gian có thể liên kết người sống với thế giới linh hồn của những người chết. Pháp sư được coi là có khả năng đảo ngược sự rủi ro, chữa các bệnh tật và đảm bảo một con đường thông suốt để đi từ thế giới này sang thế giới bên kia. Người ta cũng tin rằng các pháp sư có thể giải quyết những xung đột và căng thẳng có thể xảy ra giữa người sống với người chết.

Shaman giáo của người Triều Tiên bao gồm cả việc thờ cùng hàng ngàn linh hồn và ma quỷ mà người ta tin rằng chúng ngự trị trên mỗi vật thể trong thế giới này, kể cả đá, cây núi và sông suối, cũng như những vật thể thuộc về trời. Shaman giáo trong thời cổ xưa của Triều Tiên là một tôn giáo của sự kính sợ và mê tín, nhưng đối với những thế hệ hiện đại, nó tồn tại như một thành phần đầy màu sắc và tính nghệ thuật trong nền văn hóa của họ. Một nghi lễ của Shaman giáo, phong phú với những yếu tố phù phép, đã thể hiện những yếu tố sân khấu với nhạc và múa. Sự xuất hiện của những tôn giáo tinh tế hơn như Lão giáo, Khổng giáo và Phật giáo đã không dẫn đến chỗ loại bỏ những niềm tin và việc thực hành Shaman giáo. Người ta đã tiêu hóa các yếu tố của niềm tin Shaman giáo và chung sống với nhau một cách hòa bình. Shaman giáo vẫn tồn tại là một tôn giáo cơ bản của người Triều Tiên cũng như là một khía cạnh sinh động trong nền văn hóa của họ.

PHẬT GIÁO

            Đạo Phật là một tôn giáo có tính triết lý và kỷ luật cao, trong đó nhấn mạnh sự cứu rỗi linh hồn qua việc đầu thai trở lại trong vòng luân hồi bất diệt.

            Phật giáo được du nhập vào Triều Tiên năm 372 dưới triều đại của vương quốc Kogury bởi một vị sư tên là Sundo đến từ Trung Hoa. Đến năm 384 sư Malananda đưa đạo Phật vào Paekche. Ở Silla đạo Phật được phổ biến bởi sư Ado của Koguryo vào khoảng giữa thế kỷ thứ 5. Phật giáo xem ra được sự ủng hộ cao độ của những người lãnh đạo thời Ba Vương quốc vì nó phù hợp với việc hỗ trợ tinh thần cho cơ cấu cai trị, với Phật tổ là hình tượng duy nhất để cúng bái giống như vua là hình tượng duy nhất của quyền lực. Dưới sự bảo trợ của hoàng gia, nhiều chùa chiền và tu viện đã được xây dựng và số tín đồ gia tăng đều đặn. Vào thế kỷ thứ 6, nhiều nhà sư và thợ thủ công đã nhập cư vào Nhật với kinh kệ và các vật dụng tôn giáo để hình thành nền móng của nền văn hóa Phật giáo tại đó.

            Vào thời gian Silla thống nhất bán đảo vào năm 668, quốc gia này đã coi đạo Phật như là quốc giáo, mặc dù hệ thống chính quyền đang theo Khổng giáo. Sự ưu ái của hoàng triều đối với Phật giáo trong thời kỳ này đã tạo ra sự nở rộ của nghệ thuật và kiến trúc chùa chiền Phật giáo, trong đó có chùa Pulguk-sa và những di tích khác ở Kyngju, thủ đô của Silla. Sau đó sự sùng kính đạo Phật của quốc gia bắt đầu phai nhạt vì giới quý tộc sa vào lối sống xa xỉ. Đạo Phật lúc đó thành lập môn phái Son để tập trung vào việc đi tìm chân lý qua cuộc sống thanh đạm.

            Những nhà lãnh đạo của triều đại Koryo sau đó còn nhiệt tâm hơn trong việc ủng hộ đạo Phật. Trong thời kỳ Koryo, nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo tiếp tục nở rộ với sự hỗ trợ không hạn chế của giới quý tộc. Bộ kinh Tam giác (Tripitaka) của Triều Tiên được hình thành trong thời gian này. Khi Yi Song-gye, người sáng lập triều đại Choson, làm một cuộc cách mạng và tự xưng vương năm 1392, đã tìm cách loại bỏ mọi ảnh hưởng của Phật giáo ra khỏi chính quyền và áp dụng Khổng giáo như là nguyên tắc quản lý và nghi thức về đạo đức của đất nước. Trong suốt 5 thế kỷ của triều đại Choson, bất kỳ nỗ lực nào nhằm chấn hưng Phật giáo đều gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của các học giả và quan chức Khổng giáo.

            Khi người Nhật thôn tính Choson vào năm 1910, họ đã nỗ lực đồng hóa các môn phái Phật giáo của Triều Tiên với các môn phái ở Nhật Bản. Tuy nhiên những nỗ lực này đã thất bại và ngược lại còn tạo ra sự quan tâm đến Phật giáo của đất nước trong nhân dân Triều Tiên. Vài thập kỷ trôi qua đã chứng kiến cảnh Phật giáo phục hưng theo đường lối thích nghi với xã hội hiện đại. Trong khi đa số các nhà sư ở lại trong các vùng núi non, đắm mình trong sự tự kỷ và thiền định, một số nhà sư khác đã đến các thành phố để truyền bá đạo pháp. Có rất nhiều nhà sư nghiên cứu về học thuật của tôn giáo tại các trường đại học và ở hải ngoại. Phật giáo theo môn phái Son (thiền định) đã lớn mạnh đáng kể với nhiều người nước ngoài theo chân những nhà sư người Triều Tiên được sùng kính để tu luyện tại chùa Songgwang-sa ở phía Nam tỉnh Cholla và tại những trung tâm Son ở Seoul và các thủ phủ của tỉnh.

KHỔNG GIÁO

            Khổng giáo là niềm tin về đạo đức và tôn giáo do Khổng tử sáng lập vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Về cơ bản, đó là một hệ thống về những đối tượng tri giác về đạo đức - lòng từ thiện, tính trung trực, sự đúng mực và sự lãnh đạo khôn ngoan - được hình thành nhằm lưu truyền và duy trì sự quản lý tốt trong gia đình và trong xã hội.

            Khổng giáo đã được du nhập vào cùng với những mẫu chữ viết cổ nhất của Trung Hoa vào khoảng đầu của kỷ nguyên Thiên chúa. Cả ba vương quốc Kogury, Paekche và Silla đều để lại những tài liệu ghi nhận về sự hiện diện của những ảnh hưởng Khổng giáo. Ở Kogury, một trường đại học quốc gia gọi là T’aehak-kam đã được thành lập năm 372 và những học viện Khổng giáo đã được thành lập trong tỉnh. Paekchc thì đã thành lập những học viện như vậy còn sớm hơn nữa.

            Nước Silla thống nhất đã cử những học giả sang Trung Hoa vào đời Đường để quan sát cách hoạt động của những học viện Khổng giáo và đã mang về rất nhiều những văn tự về các hoạt động này. Đối với triều đại Kory vào thế kỷ thứ 10, Phật giáo là quốc giáo, và Khổng giáo hình thành cơ sở về cấu trúc và triết lý của đất nước. Các cuộc thi mô phỏng theo hệ thống của Trung Hoa vào cuối thế kỷ thứ 10 đã khích lệ cho việc học tập theo Khổng giáo và khắc sâu những giá trị của Khổng Tử trong tâm trí người Triều Tiên.

            Triều đại Choson, được thành lập năm 1392, chấp nhận Khổng giáo như là ý thức hệ chính thức và phát triển hệ thống Khổng giáo về giáo dục, nghi lễ và quản trị dân sự. Khi Hàn Quốc bị xâm chiếm bởi một số nước Tây Âu và Nhật Bản vào cuối thế kỷ thứ 19, những người theo đạo Khổng đã thành lập đội quân chính nghĩa để chiến đấu với quân xâm lược. Nhiều nỗ lực cũng được thực hiện để cải tổ Khổng giáo nhằm thích nghi nó với những điều kiện thay đổi trong thời gian đó.

            Những nhà cải cách này đã tiếp nhận văn minh phương Tây và nỗ lực thành lập một chính quyền độc lập hiện đại. Ngoài ra, trong thời gian người Nhật chiếm đóng Hàn Quốc, những nhà cải cách này đã tham gia nhiều phong trào độc lập để chiến đấu chống lại đế quốc Nhật. Ngày nay, việc thờ cúng tổ tiên theo Khổng giáo vẫn còn thịnh hành và đạo hiếu của người làm con vẫn được sùng kính như một đức tính của xã hội Triều Tiên.

THIÊN CHÚA GIÁO

            Làn sóng truyền giáo của đạo Thiên chúa đã đến Hàn Quốc vào thế kỷ 17, khi những bản sao của các tác phẩm của nhà truyền giáo Matteo Ricci viết bằng tiếng Hán được mang từ Bắc Kinh đến cho hoàng đế Trung Hoa như một vật phẩm cống nạp. Cùng với học thuyết về tôn giáo, những quyển sách này còn có cả những mặt học thuật của phương Tây như lịch theo mặt trời và những vấn đề khác thu hút sự chú ý của các học giả thời Choson của Sirhakp, tức là Trường học Thực tiễn.

            Vào thế kỷ thứ 18, có một số học giả Triều Tiên cùng với gia đình họ đã cải giáo sang Thiên chúa giáo. Không có linh mục nào vào Hàn Quốc mãi cho đến năm 1794, khi linh mục người Hoa là James Chu Munmo đến viếng đất nước này. Số lượng người cải giáo ngày càng gia tăng, mặc dù việc truyền bá một thứ tôn giáo nước ngoài vào đất Triều Tiên là vi phạm luật lệ tại đây và thực tế thỉnh thoảng cũng có những vụ ngược đãi các nhà truyền giáo. Đến năm 1865 đã có khoảng một chục linh mục chủ trì cho một cộng đồng giáo dân khoảng 23.000 người.

            Với sự bổ nhiệm quan nhiếp chính Taewon’gun vào năm 1863, những cuộc ngược đãi bắt đầu trở lên ráo riết hơn và tiếp tục cho đến năm 1873. Năm 1925, 79 người Triều Tiên bị hành hình vì đạo dưới triều đại Choson đã được quyền phúc tại St. Peter’s Basilica ở Rome, và năm 1968 thêm 24 người nữa cũng được tuyên phúc như vậy.

            Trong và sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953), số lượng các tổ chức cứu tế Thiên chúa giáo và các nhà truyền giáo đã gia tăng. Nhà thờ Thiên chúa Triều Tiên lớn mạnh và hệ thống của nó được hình thành năm 1962. Năm 1984 Nhà thờ Thiên chúa La mã tại Triều Tiên tổ chức kỷ niệm 2 thế kỷ ngày thành lập với sự viếng thăm của đức giáo hoàng John Paul II và lễ phong thánh 93 người Triều Tiên và 10 người Pháp là những nhà truyền giáo đã bị hành hình. Đây là lần đầu tiên lễ phong thánh được tổ chức ngoài phạm vi Vatican. Điều này làm cho Triều Tiên trở thành nước đứng hàng thứ tư trên thế giới về số lượng thánh Thiên chúa giáo, mặc dù sự tăng trưởng số lượng giáo dân còn chậm.

ĐẠO TIN LÀNH

            Năm 1884, Horace N.Allen, một bác sĩ người Mỹ và là nhà truyền giáo của Hội Trưởng lão đã đến Hàn Quốc. Horace G. Underwood thuộc cùng môn phái và Henry G. Appenzeller là nhà truyền giáo của Hội Giám lý cũng đã từ Mỹ đến vào năm sau. Sau đó là những đại biểu khác của đạo Tin lành cũng đã đến Hàn Quốc. Những nhà truyền giáo này đã đóng góp cho xã hội Triều Tiên bằng cách thực hiện các dịch vụ về y tế và giáo dục như là một phương tiện để truyền bá giáo lý của họ. Những người Triều Tiên theo đạo Tin lành như bác sĩ So Chae’pil, Yi Sang-chae và Yun Ch’i-ho, tất cả đầu là những nhà lãnh đạo độc lập, đã cống hiến cho các mục tiêu chính trị.

            Những trường tư thục của đạo Tin lành, như trường Yonhi và Ewha, có chức năng  nâng cao tư tưởng quốc gia trong quần chúng. Hội Cơ đốc giáo Thanh niên Seoul (YMCA) được thành lập năm 1903 cùng với những tổ chức Cơ đốc giáo tương tự như vậy. Những hội này đã thực hiện các chương trình xã hội - chính trị một cách năng động, khích lệ cho sự ra đời của những nhóm thanh niên Triều Tiên có cùng mục tiêu. Những nhóm này theo đuổi không phải chỉ các mục tiêu về chính trị và giáo dục mà thức tỉnh xã hội đối với những hoạt động mê tín và những thói quen xấu, đồng thời xúc tiến sự bình đẳng giữa nam và nữ, xóa bỏ chế độ vợ lẽ, và đơn giản hóa các nghi lễ. Các nhà thờ Tin lành ở Triều Tiên đã chứng kiến sự ra đời của các buổi hội thảo quy mô về kinh thánh năm 1905. Bốn năm sau, chiến dịch 'Một triệu linh hồn cho Chúa' được khởi sự để khích lệ một số lượng lớn những người cải giáo theo đạo Tin lành. Đạo Tin lành đã được tiếp nhận một cách nồng nhiệt, không những chỉ như là một cương lĩnh tôn giáo và còn với những khía cạnh về chính trị, xã hội, giáo dục và văn hóa của nó.

ĐẠO CH’ONDOGYO

            Đạo Ch’ondogyo được hình thành như là một phong trào xã hội và công nghệ chống lại sự cạnh tranh thô bạo và sự xâm lấn của ngoại bang vào thập kỷ 1860. Vào thời đó nó được gọi là Tonghak (Đông học) để tương phản với Sohak (Tây học). Nguyên tắc của đạo Ch’ondogyo là Innacch’on, tức là con người thì đồng nhất với ‘Hanulnim’, vị thần của Ch’ondogyo. Mỗi người đều có ‘Hanulnim’, vị thần của Ch’ondogyo, trung tâm trí và điều này là nguồn gốc của phẩm giá của người đó, trong khi sự rèn luyện linh hồn sẽ làm cho người đó trở thành một thành viên của thần thánh.

HỒI GIÁO

            Những người Triều Tiên đầu tiên đến với Hồi giáo là những người di chuyển đến miền Bắc Trung Quốc vào đầu thế kỷ 20 dưới chính sách thực dân của Nhật Bản.

            Một nhóm người đã cải giáo trở về quê hương sau Thế chiến thứ II, nhưng họ không có nơi thờ cúng cho đến khi những đội quân Thổ Nhĩ Kỳ đến cùng với lực lượng của Liên hiệp Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và cho phép họ tham gia vào các buổi tế lễ.

            Buổi lễ khánh thành của Hồi giáo Triều Tiên được tổ chức vào tháng 9 năm 1955, sau đó là cuộc bầu cử thầy tế (giáo sĩ) người Triều Tiên đầu tiên. Xã hội Hồi giáo người Triều Tiên đã mở rộng và được tổ chức lại thành Liên đoàn Hồi giáo Triều Tiên năm 1967, và nhà thờ Hồi giáo trung tâm đã được khánh thành tại Seoul năm 1976.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/2276-02-633500923184375000/Van-hoa---xa-hoi/Ton-giao.htm


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận