THỜI KỲ NAPOLEON
Năm 1796, Napoleon Bonaparte, sau này là hoàng đế Napoleon I của Pháp, đã xâm lăng Italia. Chiến thắng của ông ta đã dẫn tới hiệp ước Campo Formio năm 1797, thành lập các nước cộng hòa Cisalpine và Ligurian, với các thủ đô đặt tại Milan và Genoa. Thành phố Venice được trao vào tay người Áo. Napoleon được phong làm hoàng đế Italia tại Milan năm 1805.
Năm sau, Napoleon lại chiếm hữu vương quốc Naples. Đảo Sicily lại được dành cho quân đội của người Anh. Naples sau đó được giao cho em của Napoleon là Joseph và rồi lại được giao cho em rể là Joachim Mulat. Đến năm 1810, ngay cả Rome cũng được sát nhập vào đế quốc Pháp.
Quyền lực của Napoleon đã suy yếu từ thất bại của ông ở Leipzig năm 1813, khi người Áo xâm lược phía Bắc Italia và hạm đội của Anh chiếm đóng Genoa. Đại hội Vienna (1814-1815) đã dẫn tới sự phục hồi quyền lực của người Áo trên bán đảo này.
PHONG TRÀO RISORGIMENTO
Sự phản kháng của người Italia đối với sự thống trị của người Áo, biểu hiện bằng phong trào đòi thống nhất và độc lập quốc gia ngày càng lớn mạnh, đã được gọi tên là phong trào “Risorgimento”. Mặc dù có những biện pháp đàn áp của những ông vua chuyên chế dựa vào chính sách của người Áo để củng cố quyền hành của họ, một mạng lưới các hội kín đã xuất hiện, thách thức trật tự truyền thống ở đây. Những hội kín này, đặc biệt là hội Carbonari ở miền Nam Italia, đã đóng một vai trò chủ yếu trong cuộc cách mạng năm 1820, vốn đã bị người Áo cố tình đàn áp.
NHỮNG PHONG TRÀO QUỐC GIA
Cuộc cách mạng tháng 7 năm 1820, vốn đã truất phế dòng họ Bourbon ra khỏi ngai vàng ở Pháp, đã có tiếng vang tại Italia. Năm 1831, những cuộc khởi nghĩa đã nổi lên ở các vùng đất của giáo hoàng. Một hội nghị đại biểu nhóm họp tại Bologna đã thông qua một hiến pháp thành lập một chính quyền theo dạng cộng hòa. Đáp ứng lại yêu cầu của giáo hoàng Gregory XVI, Áo đã can thiệp để đàn áp phong trào cách mạng ở các khu vực của giáo hoàng và đặt Bologna dưới sự giám sát của quân đội.
Sau cái chết của vua Sardinia là Charles Felix vào năm 1831, ngai vàng được truyền lại cho Charles Albert, hoàng tử của xứ Savoy và Piedmont, người đã có ý định cho dân chúng có được một hiến pháp từ năm 1821. Tin tưởng rằng Charles Albert vẫn có quan điểm tự do, nhà ái quốc của Italia là Giuseppe Mazzini đã ủng hộ vị vua mới, coi như người giải phóng cho đất nước Italia. Nhưng trớ trêu thay, vị vua này đã đáp ứng lại bằng cách ra lệnh bắt giữ Mazzini. Tuy thế, những người yêu nước tại Italia vẫn coi nền quân chủ Sardinia là lãnh đạo của họ.
Khi được phóng thích khỏi Marseille trên đất Pháp, năm 1831 Mazzini đã thành lập một tổ chức gọi là “Giovane Italia” (Nước Italia Trẻ) để truyền bá những lý tưởng của chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng hòa cho người Italia. Mục tiêu của tổ chức này là giáo dục và khởi nghĩa. Nó đã dấy lên vài cuộc cách mạng. Khi những cuộc nổi dậy này bị đàn áp, một số người Italia đòi hỏi thực thi một sách lược cấp tiến, muốn cho phong trào quốc gia này có một sự lãnh đạo mang tinh thần trách nhiệm cao hơn.
Trong khi đó phong trào neo-Guelph tại đây tìm cách thiết lập một trật tự theo đó giáo hoàng sẽ đóng vai trò lãnh đạo về cả chính trị lẫn tinh thần tại Italia. Năm 1846 các phong trào quốc gia và phong trào neo-Guelph đã được thúc đẩy bởi việc bầu giáo hoàng Pius IX, người được coi là một nhà giải phóng và theo chủ nghĩa quốc gia. Giáo hoàng lập tức khởi sự một chương trình cải cách mở rộng trên các địa phận của ông. Tự do báo chí được khởi xướng, những chức vụ cao nhất trong chính quyền được mở ra cho thường dân, và một viện tư vấn đã được thành lập để đề xuất ý kiến cho những cuộc cải cách mới.
Gương của Giáo hoàng được các nhà lãnh đạo ở Lucca, Tuscany và Piedmont noi theo. Tuy nhiên, thay vì làm dịu đi phong trào cách mạng, những cuộc cải cách vào năm 1846 và 1847 chỉ đổ dầu thêm vào lửa. Tháng Giêng năm 1848 người Palermo đã truất phế các lực lượng của Ferdinand II, vua của xứ Sicily, người đã đáp ứng cho cuộc cách mạng bằng cách cho thần dân người Italia của mình có được một bản hiến pháp.
Cùng lúc đó, Leopold II, đại công tước ở Tuscany đã thiết lập một hiến pháp trong vùng đất của mình. Ở Turin, Charles Albert cũng hứa hẹn ban hành một bản hiến pháp. Giáo hoàng Pius IX đã phải miễn cưỡng chấp thuận một bản hiếp pháp trong các vùng đất của ông.