Tài liệu: Kiến trúc Rôman

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Cuối thế kỉ X, tình hình các nước Tây Âu trở lại yên tĩnh. Các cuộc xâm phạm cướp phá từ bên ngoài, vốn từng gây ra bao cảnh tàn phá và gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp cả lục địa suốt từ thế kỉ V, nay không còn nữa.
Kiến trúc Rôman

Nội dung

Kiến trúc Rôman

Bối cảnh lịch sử

Cuối thế kỉ X, tình hình các nước Tây Âu trở lại yên tĩnh. Các cuộc xâm phạm cướp phá từ bên ngoài, vốn từng gây ra bao cảnh tàn phá và gieo rắc nỗi kinh hoàng khắp cả lục địa suốt từ thế kỉ V, nay không còn nữa. Người dân bây giờ đã có thề yên tâm tạo dựng một cuộc sống ổn định. Những gì được dựng lên từ bàn tay và công sức lao động của họ nay không còn bị cướp phá và hủy bỏ.

Dân số các nước Tây Âu tăng lên. Nhiều cánh rừng được khai phá, nhiều mảnh đất được khai hoang để tăng diện tích canh tác. Đời sống vật chất được khá lên. Điều kiện ăn ở được cải thiện. Nhưng thực ra khả năng chế ngự tự nhiên của con người vẫn còn rất hạn chế, tính mạng của họ vẫn thường xuyên bị thiên tai và dịch họa đe dọa. Trong hoàn cảnh như vậy, con người dưới tác động mạnh mẽ của Giáo hội đã hướng toàn bộ sinh hoạt tâm linh vào các việc như cầu xin sự che chở của ơn Trên, tạ ân phúc lành của Thượng Đế ... Do đó, họ muốn rằng những nơi thờ phụng Chúa phải là chốn đẹp dẽ nhất, uy nghiêm nhất. Tóm lại, chúng phải xứng với địa vị tôn quý của Chúa. Vả chăng, Giáo hội, trong tư cách là lực lượng giàu có nhất về kinh tế, là tổ chức nắm giữ hầu hết mọi di sản văn hóa thời Hy-La, là thế lực có ảnh hưởng mạnh nhất về tinh thần, chẳng đã hội đủ những điều kiện về vật chất và tinh thần để dựng lên những công trình kiến trúc tôn giáo tuyệt tác hay sao? Một nhà viết sử biên niên đương thời đã nhận xét rằng các nước châu Âu được bao phủ ''bởi một áo choàng trắng gồm toàn các nhà thờ mới''. Người ta xây dựng nhà thờ ở khắp nơi: xây lại những nhà thờ cũ bị nạn binh đao kéo dài nhiều thế kỉ tàn phá, dựng lên những nhà thờ mới ở các vùng đất mới khai phá, dựng thêm các tu viện để dào tạo thêm giáo sĩ, thiết kế các nhà nguyện mới hầu đáp ứng lòng mộ đạo của tín đồ.

Dân số tăng nhanh đã cung cấp một lượng nhân công không nhỏ cho công việc xây dựng. Nhiều người đã lao động không công vì lòng mộ đạo hoặc do bị chế độ lao dịch cưỡng bức. Nhưng bên cạnh đó, có không ít nhà chuyên môn: thợ đẽo đá, thợ làm hồ, thợ trang trí..., các kiến trúc sư đồng thời cũng là những nhà xây dựng.

Những nhà chuyên môn trên đã sử dụng nhiều tiến bộ kĩ thuật đương thời và các công trình xây dựng mới: guồng quay nước có mặt ở khắp nơi trong các thế kỉ XI - XIII, cách thắng ngựa hoặc bò vào xe được cải tiến cho phép chở các vật nặng hơn, đã có máy nâng đá lên cao, việc sử dụng sắt phổ biến đã cho phép chế tác những công cụ sắc bén và chắc chắn hơn, dùng phương pháp đẽo đá mới theo cạnh thay vì theo chính diện... Những kĩ thuật mới này cho phép nâng cao năng suất lao động, xây dựng những công trình đổ sộ hơn, chắc chắn hơn và đẹp hơn.

Thực vậy, ảnh hưởng của Công giáo giờ đây lớn đến mức người ta không thể quan niệm nổi còn một người dân nào - dù thuộc tầng lớp, giai cấp nào - lại không phải là tín đồ của nó. Tôn giáo và cuộc sống hòa lẫn làm một. Thánh đường trở thành căn nhà chung cho tất cả. Người ta đến đó cầu nguyện, hành lễ, nhảy múa và khi đêm xuống, nhà thờ trở thành chỗ ngủ của người nghèo và khách hành hương.

Vậy nhà thờ cần phải rộng, cao và chắc chắn hơn. Những nhà thờ cũ chẳng đã bị phá hủy dễ dàng trong cơn binh đao hoặc bởi thiên tai, vì bộ sườn ở gian chính chỉ toàn bằng gỗ đó sao? Phải dùng đá thay gỗ. Mặt khác, những bài thánh ca tuyệt vời mà dàn đồng ca cử lên trong các dịp lễ long trọng cần phải đến tai tất cả những người đang dự lễ. Muốn vậy, khoảng không gian trong giáo đường phải kín và được uốn lượn sao cho âm thanh không bị loãng vào không khí mà vẫn giữ nguyên độ vang và độ rõ ban đầu của nó.

Nghệ thuật kiến trúc Rôman

Để đáp ứng điều kiện trên, vòm nhà thờ phải được xây bằng đá và uốn theo hình bán nguyệt. Làm cách nào để xây được một cái vòm như vậy? Đó là vấn đề chính mà các kiến trúc sư phải giải quyết khi xây những nhà thờ mới.

Thực ra, kĩ thuật xây vòm đá hình bán nguyệt đã được biết đến dưới thời Đế chế La Mã. Nay nó được các nhà xây dựng thời Trung cổ dùng lại với nhiều cải tiến. Trước hết, nó được dùng để đỡ bộ sườn mà giờ đây cũng được xây bằng đá. Kế đó, nó được xây kéo dài ra, nghĩa là trần nhà thờ giờ đây là một vòm bán nguyệt liên tục (giống như trần đường hầm trong lòng đất). Do gốc tích của nó, nghệ thuật kiến trúc này gọi là ''Rôman''.

Lúc đầu nhà thờ kiểu Rôman được xây một cách rất đơn giản ở miền Trung và Nam nước Pháp. Hai bức tường chạy song song được dựng lên. Trên đó, người ta đặt các viên đá chồng lên nhau theo hình vòng cung sao cho cuối cùng chúng gặp nhau để tạo thành hình bán nguyệt. Hậu cung (điện) cũng được xây theo nguyên tắc trên, nhưng theo hình tròn. Còn ở hai gian bên, vòm được xây theo hình xương cá.

Một cái vòm bằng đá như vậy tất nhiên rất nặng. Sức đè của nó lên tường của hai gian bên là rất lớn. Do vậy, nhà thờ chỉ có thể xây thấp, rất tối và chật. Phải làm sao để tránh sức ép này, mà vẫn không ảnh hưởng đến thế cân bằng của cả công trình và vẫn có thể khắc phục được các nhược điểm vừa kể?

Từ giữa thế kỉ XI, các nhà xây dựng đã bỏ nhiều công sức theo hướng trên. Chẳng hạn, người ta tìm cách nới rộng các bức tường ra, gia cố chúng bằng các cột, mà trên đó người ta sẽ xây vòm hình bán nguyệt. Như vậy, toàn bộ nóc vòm sẽ được tựa trên các dãy cột. Còn ở bên ngoài, người ta sẽ xây thêm các tường ốp bằng gạch thật chắc. Việc rọi sáng bên trong được thực hiện hoặc bằng cách gián tiếp bởi các cửa sổ của hai gian bên, hoặc trực tiếp (hiếm hơn) bởi các cửa sổ trên cao của gian chính. Dù vậy, ánh sáng vẫn thường không đủ. Nhưng chính điều này đã tạo ra một bầu không khí thích hợp cho công việc cầu nguyện và tịnh tâm.

Từ năm 1075, kĩ thuật xây dựng trên đã được hoàn thiện. Tám mươi năm sau đó là thời kì phát triển cực thịnh của nghệ thuật kiến trúc Rôman.

Hình 81: Nóc vòm hình bán nguyệt của kiến trúc Roman

Hình 82: Sơ đồ kiến trúc Rôman.

Chính ở các tỉnh miền Nam Pháp, nghệ thuật Rôman đã phát triển mạnh nhất với một số công trình tiêu biểu, như: nhà thờ Saint-Sernin ở Toulouse (tỉnh Languedoc), Notre-Dame du Port ở Clermont-Ferrand (tỉnh Auvergne), nhà thờ Notre-Dame Le Ruy  ở tỉnh Velay.

Nhà thờ Saint-Sernin ở Toulouse (tỉnh Languedoc) vốn là một phần của tu viện, mà ngày nay đã bị phá hủy. Nó được xây dựng từ năm 1080. Năm 1096, trước khi cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất bắt đầu, Giáo hoàng Urbain II đã sắc phong cho nhà thờ. Lúc này, gian chính vẫn chưa được xây vòm và gác chuông vẫn chưa được nâng cao. Phải đợi đến năm 1201, gian chính và mặt tiền mới được hoàn tất. Những phần cuối cùng của gác chuông được xây theo kiểu Gôtích trong thế kỉ XIV. Còn mũi tên được xây trong thế kỉ XVI.

Đây là nhà thờ Rôman duy nhất còn giữ được phần lớn kết cấu kiến trúc ban đầu của nó. Tuyệt đại đa số những nhà thờ Rôman khác trong quá trình trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới đều bị sửa lại theo kiểu Gôtích. Còn sót lại chăng là hình dáng bên ngoài của chúng, như những bức hình chụp sau đây sẽ cho thấy (Hình 83). Ở miền Bắc Pháp, các nhà thờ Rôman không được bảo quản tất bằng miền Nam.

Nhiều công trình đã được trùng tu trong các thế kỉ XII-XIII theo nghệ thuật Gôtích. Do vậy, ở Pháp không còn tồn tại bao nhiêu công trình thuần túy Rôman.

Đầu thế kỉ XII, những kiến trúc sư vùng Normandie đã tìm cách gia cố vòm xương cá bằng hai vòng cung giao nhau: đó là các gân cung giao nhau. Khám phá này sẽ là bước khởi đầu từ năm 1140 cho một loại hình kiến trúc mới: kiến trúc Gôtích.

Hình 83: Những công trình tiêu biểu cho kiến trúc Rôman

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4207-02-633716062586250000/Kien-truc-tieu-bieu-cho-nen-van-minh-Chau...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận