Tôn giáo
Phật giáo Tiểu thừa ảnh hưởng và uốn nắn tính cách người Lào mạnh hơn bất cứ một thế lực nào khác. Tiểu thừa có nghĩa là ''giáo lí của các trưởng lão''. Các tín đồ Phật giáo Tiểu thừa cho rằng Phật giáo của họ tinh túy hơn Phật giáo Đại thừa, rằng họ phải tuân thủ nghiêm ngặt những giáo huấn của Đức Phật trong Tam tự kinh hơn phái Đại thừa. Các tín đồ của Phật giáo Tiểu thừa tập trung ở Sri Lanka, Thái Lan. Malaysia, Campuchia và Lào.
Sự du nhập của Đạo Phật
Những mảnh vỡ của các pho tượng Phật tìm thấy ở Viên Chăn có niên đại từ thế kỉ VIII khi người Khmer chiếm cứ đất Lào. Nhiều tài liệu khẳng định rằng Đạo Phật được truyền bá vào đất Lào vào thế kỉ XI và XII. Như vậy không phải chỉ đến thời đại Fa Ngum và sự ra đời của vương quốc Lane Xang thì đạo Phật mới bắt rễ ở Lào như một tín ngưỡng tôn giáo có hệ thống.
Người Lào coi Fa Ngum như một Hộ pháp vĩ đại của tín ngưỡng Phật giáo. Chính Fa Ngum là người đã mang tượng Phra Bang, một tượng phật nhỏ bằng vàng, từ triều đình Khmer về nước. Tượng phật này vốn được đúc ở Sri Lanka trước khi được mang về Angkor. Nó có tầm quan trọng đối với người Lào vì người dân Lào xem đó như là biểu tượng của Phật giáo Lào.
Vua Sehathirat đứng đầu trong việc hoằng hóa Phật giáo vào thế kỉ XVI bằng việc xây dựng nhiều chùa chiền và tu viện. Trong thời kì hoàng kim của vương quốc Lane Xang, Viên Chăn trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng của Đông Nam Á. Vai trò quan trọng của Phật giáo đã dần dần bị mất đi sau khi người Thái Lan cướp phá thành phố và tiêu hủy nhiều chùa chiền vào đầu thế kỉ XIX.
Sau cách mạng 1975, Đạo Phật ngày càng mất dần địa vị quan trọng của mình. Dân chúng bị cấm không được bố thí cho các sư tăng và việc giảng dạy ở các trường tiểu học cũng bị cấm. Nhưng ngày nay, Đạo Phật lại đang được hồi sinh ở Lào. Chùa chiền trở thành trung tâm học tập và sinh hoạt tôn giáo của người dân. Nhiều ngôi chùa đang được tu sửa và trang hoàng lại.
Hành động bố thí
Phật tử Lào tích đức bằng nhiều cách. Thiện nghiệp, tức những hành động từ bi, hỉ xả và hiếu hảo là những cách thông thường để tích đức cho kiếp sau. Chùa (wat) là trung tâm cuộc sống của làng. Người ta có thể làm công đức bằng cách cúng tiền bạc cho tăng sĩ, đóng góp xây dựng chùa mới, bảo trợ một buổi cúng lễ, hay lo chi phí tổ chức lễ thụ pháp cho nhà sư. Đa số thanh niên sẽ phải đi tu một thời gian vào một giai đoạn nào đó trong đời người. Đây là cách hữu hiệu để người con trai tạo phúc cho những người trong gia đình, nhất là với mẹ và chị em gái, những người không thể đi tu được.
Sư sãi trông chờ vào sự bố thí của người dân địa phương để đáp ứng những nhu cầu vật chất của mình. Mọi người đều có cơ hội để tích đức mỗi buổi sáng bằng cách cúng phẩm vật cho các nhà sư khất thực dọc theo các đường phố vào lúc rạng sáng.
Ở Lào, người làm công việc này chủ yếu là phụ nữ, những người không thể lên chùa đi tu. Họ bỏ cơm, rau và các thức ăn khác vào chậu bát của các nhà sư khi họ đi qua.
Những hang động Pak Ou linh thiêng
Những hang động Pak Ou nằm đối diện với cửa sông Nam Ou, một nhánh của sông Mêkông, cách Luông Phrabăng khoảng 24 km về phía bắc. Chúng ẩn mình trên những vách đá vôi nhô ra sông Mêkông. Động Tham Phun ở trên cao, còn động Tham Thing ở dưới thấp. Hai động chính này là nơi thiêng liêng gìn giữ hàng ngàn pho tượng Phật.
Vua Sethathirat đã khám phá ra những hang động này vào thế kỉ XVI. Những pho tượng Phật làm bằng gỗ và vàng đã có trên 300 năm tuổi. Nhiều pho tượng được đưa tới đây cất giữ trong thời gian Luông Pharabăng bị tấn công. Các pho tượng ở đây có kích thước rất khác nhau, có chiều cao từ vài cm đến 2m. Nhiều pho tượng được tạc theo những tư thế cổ điển như bức ''Phật cầu mưa''.
Đã có thời kì nơi đây là nơi trú ngụ của các nhà sư. Ngày nay, người ta tin rằng các hang động này là nơi ở của các vị thần bảo hộ. Người Lào coi các hang động Pak Ou là chốn linh thiêng và đến viếng thăm nơi đây được coi như đi hành hương. Trước cách mạng, hàng năm vua Lào thường đến viếng những hang động này vào dịp hội Pi Mai và cử hành nghi lễ thắp nến. Ngày nay, vào dịp lễ hội này, hàng trăm người vẫn hành hương từ Luông Phrabăng đến đây để dâng lễ vật và thắp lên những ngọn nến trong bóng tối của nơi thánh địa.
Tượng Phật
Ở Lào, tượng Phật ít bị phá hoại do chiến tranh hơn là chùa chiền. Không giống như các Phế liệu chiến tranh, người Lào không bao giờ nấu chảy các tượng Phật dù làm bằng vàng hay bằng đồng. Tượng Phật được trưng bày rất nhiều trong chùa, tu viện và các hang động thiêng, được dựng dọc đường đi, trên đỉnh đồi, hoặc xếp thành hàng ở phía ngoài những gian sảnh của chùa.
Tượng Phật ngoài việc là những tác phẩm nghệ thuật, còn là vật để thờ phụng. Tượng được thể hiện với những tư thế (mudra) khác nhau. Những sách Kinh cổ bằng chữ Pali và thơ ca tiếng Phạn đã định hình một số đặc trưng tính cách của Đức Phật.
Phật thưởng được thể hiện với các tư thế đứng, ngồi, nằm hoặc đi (ít thông dụng hơn). Có khoảng 40 tư thế. Tượng Phật của Lào có những nét rất độc đáo: tai dài; mũi nhọn quặp; eo lưng thon thả đến ngạc nhiên. Dưới đây là một số mudra phổ biến nhất:
Chiêu Vũ Phật (Phật gọi mưa): Phật đứng hai tay xuôi chỉ xuống đất. Hình tượng này không thấy ở đâu khác ngoài Lào.
Bhumisparcamudra: còn gọi là ''chạm đất'' hoặc ''gọi thổ địa chứng kiến''. Tư thế này mô tả sự giác ngộ và chiến thắng quỷ vương Mara của Phật.
Trong tư thế này, bàn tay phải của Phật đặt trên đầu gối phải, các ngón tay chỉ xuống đất.
Dhyanamudra: Một hình tượng rất phổ biến. Phật đang thiền định, hai bàn tay đặt trong lòng, lưng bàn tay mở ra ngửa lên trên.
Abhayanudra: Có nghĩa là ''hộ trì'' hay ''vô úy'' Bàn tay phải của Phật giơ lên trước ngực như đang đẩy lùi cái ác.
Thần cây đa, ma cây gạo
Nếu đạo Phật là tôn giáo chính thống của người Lào miền xuôi, thì thờ vật linh là tín ngưỡng nổi trội của người dân miền núi. Với người Lào thì không có sự đối lập giữa đạo Phật và tín ngưỡng vật linh. Thậm chí đối với người Lào Lum, những người tin vào các phi (thần linh), thì mê tín và nghi lễ vẫn có thể tồn tại hòa hợp với đạo Phật.
Niềm tin vào các vị thần thường được kết hợp với việc thờ cúng tổ tiên. Về căn bản, người Lào chia ra làm hai loại thần: những vị thần ác và những vị thần phù hộ, bảo vệ cho họ. Những vị thần hung ác có thể là linh hồn người chết hoặc những con ma chiếm cứ một nơi nào đó. Người Lào thận trọng tránh việc đi một mình trong rừng hoặc những nơi hoang vắng vào ban đêm. Người Lào còn tin rằng ở trong rừng mà đi thành nhóm bốn người sẽ rất nguy hiểm vì sẽ bị ma hổ bắt; hoặc đi một mình dọc bờ sông vào ban đêm sẽ bị ma da tấn công. Ma da có thể làm cho người ấy tin rằng mình là một con cá và chỉ muốn nhảy xuống sông. Người ta phải cúng tế rất tốn kém cho ma da trong nhiều ngày thì may ra nó mới buông tha nạn nhân.
Người Lào dành nhiều thời gian để cúng tế xin các vị thần thiện phù hộ cũng như để xoa dịu các vị thần ác. Những nghi lễ cúng tế Nang Psakosob, vị thần lúa, phải được thực hiện rất cẩn thận khi thu hoặc được một mùa vụ bội thu. Hầu hết các bản làng đều có hai vị thần linh bảo hộ, đó là phi wat - vị phi của chùa để bảo vệ chùa miếu và phi tang - vị phi của làng (mường) bảo vệ làng.
Các tôn giáo khác
Hiến pháp năm 1991 của Lào bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Tuy vậy, đa số người Lào cảm thấy thoải mái và hài lòng với kiểu tín ngưỡng độc đáo của họ, đó là sự pha trộn giữa đạo Phật với tín ngưỡng vật linh.
Hiện nay ở Lào ước tính có khoảng 18.000 tín đồ Thiên Chúa giáo. Đa số là những người học tại các trường Pháp ở lại sau 1975 và một số sắc dân miền núi theo tín ngưỡng vật linh được cải đạo. Người ta cho rằng, một số lượng khá đông các nhà truyền giáo và linh mục đạo Thiên Chúa đang hoạt động ở những vùng xa xôi hẻo lánh, một số nằm dưới sự bảo trợ của các tổ chức phi chính phủ.
Đạo Hồi có rất ít ảnh hưởng đối với cuộc sống của người dân Lào. Chỉ có khoảng 200 tín đồ Hồi giáo sống ở Viên Chăn và Savannakhet. Một thánh đường Hồi giáo nhỏ ở Viên Chăn tổ chức các buổi lễ vào các ngày thứ Sáu. Đó cũng là nơi hội họp và đọc kinh Koran của người theo đạo Hồi ở thủ đô. Đa số tín đồ Hồi giáo ở Lào là người gốc Pakistan hoặc Bangladesh.