Tài liệu: London thủ đô vương quốc Anh, thành phố sương mù

Tài liệu
London thủ đô vương quốc Anh, thành phố sương mù

Nội dung

LONDON – THỦ ĐÔ VƯƠNG

QUỐC ANH, THÀNH PHỐ SƯƠNG MÙ

 

Từ những năm 40 đến 60 đầu Công nguyên, trên địa phận London ngày nay hình như có tồn tại nơi cư trú của bộ tộc người Kelt, một nhánh của bộ tộc người Ấn - Âu. Đó là thời kỳ La Mã chưa xâm chiếm nước Anh. Trong thời kỳ La Mã đô hộ London (Londinium), lúc đầu London là trại đóng quân, về sau là cảng sông và cảng biển. Từ giữa thế kỷ IV, London mới trở thành một Trung tâm chính trị đáng kể của nước Anh thời La Mã đô hộ. Đến thế kỷ V - VI trong thời kỳ nước Anh bị các bộ tộc người Anglo - Saxon xâm chiếm, London bị phá hủy; nhưng một thời gian sau được khôi phục lại và đến đầu thế kỷ VII, London trở thành một Trung tâm thương mại và chính trị quan trọng. Đến năm 1066, phong kiến xứ Normandie (Bắc nước Pháp) đứng đầu là Quận chúa William (khoảng 1027-1087) đem quân sang xâm chiếm nước Anh, đánh tan quân Anglo-Saxon của Vua Harold II và trở thành Hoàng đế nước Anh. Từ thời kỳ này trở đi, London mở rộng các mối giao lưu thương mại, ở London xuất hiện nhiều phường buôn và các phân xưởng thủ công. Đến cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, London chính thức trở thành thủ đô nước Anh.

Thời Trung cổ, ở London thường xảy ra các cuộc phản đối và nổi dậy của người dân thành phố, chống lại giới chóp bu giàu có của thành phố và giới cầm quyền Hoàng gia (năm 1196 và những năm khác); một bộ phận thợ thủ công và tầng lớp dân nghèo thành phố đã liên kết lại, ủng hộ cuộc khởi nghĩa nông dân của Wat Tyler (Oát Tailơ) và John Ball (Giôn Bơi) năm 1381. Tháng sáu 1381 được sự ủng hộ và hợp tác của tầng lớp dân nghèo thành phố, quân khởi nghĩa tiến vào London. Trước sức mạnh của quần chúng, Hoàng đế Anh buộc phải ngồi vào bàn đàm phán với quân khởi nghĩa. Kết quả đạt được của cuộc khởi nghĩa là nhà Vua Anh phải loại bỏ chế độ nông nô và chế độ lao dịch, mặc dù cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Cuộc khởi nghĩa tiếp theo cũng nổ ra ở London 70 năm sau (1450 - 1451) là cuộc khởi nghĩa của tầng lớp thợ thủ công, thương nhân, tiểu quý tộc và nông dân do Jack Cade (Giắc Kêđơ) lãnh đạo đã đưa ra yêu sách đòi giảm thuế, cải cách tư pháp và hành chính, chấm dứt nội chiến huynh đệ tương tàn.

Đến giữa thế kỷ XV, dân số London khoảng 50 nghìn, giữa thế kỷ XVI là 80 nghìn và đến năm 1666 đã lên đến khoảng nửa triệu dân. Ở thế kỷ XVI với sự phát triển các mối quan hệ tư bản chủ nghĩa, nhiều hãng và công ty thương mại lớn đã xuất hiện ở thủ đô London. Năm 1571, khai trương thị trường chứng khoán London. Cảng London từ thế kỷ XVII là cảng lớn nhất nước Anh, 2/3 ngành thương mại nước Anh lưu thông qua cảng London, vì vậy ngay từ thời bấy giờ cảng London đã có ý nghĩa Quốc tế trên thương trường.

Trong cuộc cách mạng tư sản Anh ở thế kỷ XVII cuộc cách mạng đầu tiên trên quy mô Châu Âu, quần chúng Châu Âu đã đóng vai trò rất to lớn. Cuộc cách mạng tư sản Anh thế kỷ XVII đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân mà lực lượng chủ yếu là nông dân và tầng lớp dưới ở thành thị. Kết quả đạt được của cuộc cách mạng tư sản Anh là xoá bỏ được hình thái phong kiến tư bản chủ nghĩa.

Từ cuối thế kỷ XVIII, London trở thành một cảng biển lớn nhất trên thương trường Quốc tế, đồng thời là một Trung tâm thương mại và tài chính lớn trên thế giới. Đây là một bước ngoặt về công nghiệp của London, điều chủ yếu đưa Vương quốc Anh lên hàng cường quốc công nghiệp và thương mại. Trong quá trình công nghiệp hóa đất nước, những vùng giàu than đá và quặng sắt trở thành vùng trọng điểm. Cùng với việc phát triển công nghiệp, dân số London tăng nhanh.

Đầu thế kỷ XIX, dân số London đã vượt quá một triệu người, cuối thế kỷ XIX đã tăng vọt đến 4,7 triệu. Từ đầu thời kỳ của chủ nghĩa đế quốc, London đã trở thành một cảng biển lớn, một Trung tâm thương mại và tài chính lớn trên thế giới nhưng bị New York đẩy xuống vị trí thứ hai.

Trong những năm thế chiến lần thứ nhất (1914-1918) và các năm sau đó, nhiều ngành công nghiệp mới ở London như chế tạo kim loại,  cơ khí, ô tô, hàng không, cơ điện v.v. . . đều phát triển. Trong thế chiến thứ hai (1939-1945) đặc biệt là năm 1940 và 6 tháng đầu năm 1941, London bị không quân phát xít Đức oanh tạc rải thảm làm hơn 30 nghìn người chết và hơn 50 nghìn người bị thương. Sau đó là khởi đầu thời kỳ tái thiết nền công nghiệp ở London; ngành công nghiệp quân sự, nhất là hàng không và các ngành khoa học ở London được mở rộng rất nhanh.

London là một trung tâm lớn của phong trào công nhân. Năm 1847, ở London diễn ra các Đại hội lần thứ I và II của Liên đoàn những người Cộng sản; năm 1864 thành lập Quốc tế Cộng sản đệ I. Ngày 4-5-1890, ngày Chủ nhật đầu tiên của tháng 5, công nhân London đã tiến hành biểu tình tuần hành đầu tiên kỷ niệm ngày Quốc tế lao động. Năm 1900, ở London đã thành lập Công đảng Anh. Từ 31-7 đến 1-8-1920, Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Anh diễn ra ở London. Giai cấp công nhân London đã tích cực tham gia vào cuộc Tổng bãi công năm 1926. Sau thế chiến lần thứ hai, London đã từng là nơi diễn ra nhiều cuộc đình công của công nhân bốc vác, công nhân đóng tàu, công nhân viên chức ngành giao thông đô thị, ngành đường sắt, công nhân cơ khí, viên chức tòa thị chính, nhất là năm 1970-1973 đã nổ ra những cuộc đình công có quy mô lớn, phản kháng bộ luật chống lại công đoàn.

Về mặt địa lý, London nằm ở độ cao trên 5m so với mực nước biển, trong vùng đồng bằng xung quanh có sườn đồi bao bọc từ ba phía Bắc, Đông, Nam trải dải trên cả hai bờ dải đất hình phễu nhô ra của sông Thames (sông Thêm) đổ ra Biển Bắc. Khí hậu biển, mùa Đông không rét lắm và mùa Hè không nóng bức. Nhiệt độ bình quân của tháng lạnh nhất (tháng Giêng) là 50C, tháng nóng nhất (tháng bảy) là 180C, lượng mưa bình quân là 645mm/năm. Sương mù thường xuyên dày đặc trong không trung tạo nên màn sương mờ ảo, làm cho thành phố London cổ kính có nét đặc trưng thiên nhiên không trộn lẫn với bất cứ nơi nào trên thế giới.

Về mặt hành chính từ năm 1964, nội đô và vùng ngoại vi London hợp thành Greater London (London Lớn) tính cả địa phận của đất Bá tước gồm 32 quận của Thủ đô và khu Trung tâm kinh doanh thương mại (City). Diện tích 1.800km2. Dân số 7 triệu 4 (số liệu 1971). Năm 1979, giảm xuống 7 triệu dân.

Quá trình Đô thị hóa Greater London thu hút khoảng 117 dân số nước Anh, chủ yếu được mở rộng ở ngoại vi những vùng quanh vành đai tuyến xe điện ngầm. Vùng ngoại vi mở rộng được xây dựng để tiếp nhận một bộ phận dân cư và một số xí nghiệp công nghiệp di chuyển đến trong khuôn khổ đô thị hóa theo quy hoạch. Dân số vùng mở rộng, ngoại vi London tăng nhanh nhất nước Anh, từ 1951-1971 tăng 53%, trong khi đó thì dân số Greater London từ giữa thế kỷ XX lại giảm (8,2 triệu người dân năm 1951 so với 7,8 triệu dân năm 1961). Người nước ngoài sống ở Greater London chiếm 1/10 kiều dân sống ở nước Anh.

Cơ quan điều hành Thành phố là Hội đồng thị chính Greater London gồm 100 thành viên được bầu và không quá 16 thành viên do Hội đồng chỉ định bổ sung. Thành viên Hội đồng thị chính 3 năm bầu một lần, thành viên chỉ định có quyền hạn 6 năm, nhưng cứ 3 năm thì 1/2 số thành viên chỉ định phải bầu lại. Hội đồng thị chính hàng năm bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch, thành lập các Ban thường trực theo dõi công việc của các Vụ, các Phòng thuộc bộ máy hành chính của Hội đồng.

Các quận và khu trung tâm kinh doanh thương mại có các cơ quan thị chính riêng.

Hội đồng thị chính Greater London và Hội đồng các quận thực hiện phần lớn các chức năng điều hành thành phố. Chỉ một số vấn đề như phòng cháy chữa cháy, cấp cứu, là thẩm  quyền của Toà thị chính thành phố. Hội đồng các quận thì lo những vấn đề bảo hiểm xã hội, thư viện, tổ chức các đội kiểm tra vệ sinh,v.v… Một số các cơ quan không trực thuộc chính quyền thành phố được thành lập đề lo việc cung cấp nước và quản lý Cảng London. Sở cảnh sát thủ đô London trực thuộc Bộ Nội vụ.

Về kinh tế, Greater London là một Trung tâm công nghiệp lớn nhất nước Anh, cung cấp 1/6 sản phẩm công nghiệp chế biến của cả nước. Phần lớn các ngành công nghiệp phát triển được đều là nhờ gắn liền với việc thỏa mãn nhu cầu nhân dân thủ đô London, với việc chế biến nguyên liệu nhập của nước ngoài được vận chuyển qua cảng biển London.

Greater London là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, là Trung tâm Quốc tế quan trọng của các tuyến hàng không. Cảng London là một trong những cảng lớn nhất thế giới về khối lượng hàng hóa lưu thông, trong đó khối lượng hàng hóa nhập gấp 5 lần so với hàng hóa xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu gồm dầu mỏ, lương thực, nguyên liệu gỗ, các nguyên liệu khác và các bán thành phẩm, giấy và các sản phẩm công nghiệp; hàng hóa xuất khẩu gồm các sản phẩm công nghiệp của vùng ngoại vi đô thị hóa và của các địa phương khác trong nước.

Đường xe điện ngầm ở London cổ nhất thế giới (được xây dựng từ năm 1860 - 1863).

Ở London tập trung nhiều ngân hàng và các cơ quan tài chính, các trụ sở chính của nhiều tổ chức tài chính nước Anh và Quốc tế, các chi nhánh tập đoàn tài chính và ngân hàng nước ngoài, các thị trường chứng khoán.

Về kiến trúc xây dựng thành phố: Khác với nhiều thành phố lớn đông dân, London không phát triển từ một trung tâm nội đô duy nhất mà hình thành bằng con đường hợp nhất các thành phố và các khu dân cư, do đó bộ mặt kiến trúc của Greater London rất đa dạng. Các trung tâm lịch sử của London là: khu Westminster là khu cung điện và dinh thự của Hoàng gia, Nghị viện và các cơ quan Chính phủ; khu hầm mộ các Vua chúa Anh, các chính khách Nhà nước và các danh nhân (như I.Newton, Ch.Darwin, Ch.Dickens... ); khu trung tâm kinh doanh thương mại là nơi có các ngân hàng lớn, thị trường chứng khoán, văn phòng các tập đoàn tài chính. Giáp với khu trung tâm kinh doanh là Quận Tower (Taoơ) có Cung điện của Hoàng đế William the Conqueror (Vua William chiến thắng) trước đây là cung vua chúa nước Anh, sau là nhà tù giam cầm chính trị phạm (phần cổ nhất của cung điện Tower là Tháp Trắng được xây dựng khoảng 1078-1085). Trên địa phận khu Westminster có các khu Phố quý tộc ở phía Tây (West-End) với nhiều biệt thự sang trọng, các khách sạn, các phố lớn buôn bán, các trường học, các viện bảo tàng mang phong cách kiến trúc của những quần thể xây dựng thuộc nhiều thời đại đã qua. Còn khu lao động phía Đông (East - End) là khu dân cư với mật độ dân số quá cao và hầu như thiếu cây xanh. Tòa thị chính xây dựng khoảng 1411-1440, xây dựng lại năm 1788-1789. Nhà thờ xây kiểu Gothique (thế kỷ XIII - XVIII) với nhà cầu nguyện giáo phái Anh của Vua Heinrich VIII trong khu tu Viện Westminster. Các công trình xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ XX: Hội đồng công đoàn quốc gia công nhân bốc vác (1960), Ga hàng không (1960), Đại sứ quán Mỹ (1960), Tòa soạn Tạp chí Economist (Nhà kinh tế, (1964), Trung tâm nghệ thuật (1967) v.v. . . Trên địa bàn của Greater London đã xây dựng các phức hợp nhà ở theo kiểu hiện đại mang phong cách kiến trúc cảnh quan, xây dựng thể nghiệm các thành phố nhỏ vườn cây ở vòng ngoài. Tuy nhiên, sự phát triển của chính Greater London còn tự phát, tốc độ xây dựng hỗn loạn, giao thông đô thị gặp trở ngại - tất cả những điều đó đòi hỏi phải kịp thời điều chỉnh việc quy hoạch thành phố dưới sự chỉ đạo chung thống nhất.

Về văn hóa, giáo dục, khoa học: London có Trường Đại học Tổng hợp London, Trường Đại học Tổng hợp City, Trường Đại học Bách khoa City, Trường Đại học Bách khoa London Trung ương, Viện Hàn lâm nghệ thuật kịch Hoàng gia, Viện Hàn lâm âm nhạc Hoàng gia, Viện Hàn lâm âm nhạc và nghệ thuật kịch London, Viện Hàn lâm múa Hoàng gia, Trường Múa ba lê Hoàng gia, Viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia, đặc biệt Hội Hoàng gia London là một trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu nổi tiếng của nước Anh và châu Âu, thành lập năm 1660, hiện có hơn 800 hội viên. Một trong những nhà khoa học lãnh đạo Hội là I.Newton; từ năm 1665, Hội Hoàng gia London xuất bản Tạp chí Bút ký triết học, một trong những tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Ngoài ra, ở London còn tập trung nhiều Hội và cơ quan khoa học, kỹ thuật, nghệ thuật. Thư viện Bảo tàng Anh là một trong những thư Viện lớn trên thế giới, thành lập năm 1753; Karl Marx thường xuyên làm việc ở đây (những năm 50, 60 thế kỷ XIX) trong thời kỳ ông sống ở Lonđon. Ngoài ra, còn có Thư viện khoa học, kỹ thuật Quốc gia và nhiều thư viện lớn ở các trường Đại học, thư viện chuyên ngành khác.

Ở London hiện có trên 30 viện bảo tàng, trong đó, có những Viện bảo tàng lớn nổi tiếng thế giới như Viện bảo tàng Anh thành lập năm 1753. London hiện nay có trên 80 nhà hát và nhiều phòng hòa nhạc lớn.

London - Thủ đô của Vương quốc Anh, một trong 7 nước công nghiệp mới của thế giới, là một Trung tâm công nghiệp và thương mại phát triển có khu kinh doanh tài chính sầm uất và thị trường chứng khoán nổi tiếng châu Âu và thế giới. London còn nổi tiếng là một cảng biển lưu thông hàng hóa lớn và thuận tiện trên thế giới.

XUÂN HÒA




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1058-02-633389314098003278/Nhung-thanh-pho-thu-do-cong-vien-truong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận