Tài liệu: La Habana

Tài liệu
La Habana

Nội dung

LA HABANA

 

Khi đặt chân lên hòn đảo Cuba trong cuộc hành trình tìm thế giới mới. Christophe Colombo đã phải thốt lên: ''Đây là đảo đẹp nhất thế gian mà con người tìm thấy được!”. Hòn ngọc trái tim của hòn đảo chính là thủ đô La Habana.

Khi máy bay hạ dần độ cao, du khách thấy hiện ra dưới cánh một thành phố lớn, trẻ trung đẹp và cổ kính. Từ sân bay Quốc tế mang tên người anh hùng dân tộc Hôxe Mácti nằm ở phía ngoại vi Tây Nam, xe đưa mọi người về Trung tâm La Habana - nơi đặt tượng đài kỷ niệm vị anh hùng. Thang máy từ bề mặt tượng đài dâng khách lên đỉnh cao để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời của thành phố được chia thành 6 vùng: Máctanao, Plaxa, La Habana Trung tâm, Guarlabakoa, Cách mạng tháng Mười và Bôixerôx.

La Habana hình thành và phát triển cùng với toàn đảo và có dấu ấn ngay từ thế kỷ XVI. Nó trở thành cảng chính. Thực dân Tây Ban Nha vừa xây dựng, vừa khai thác đồng thời nắm quyền sở hữu. Các khu phố cổ, các công trình kiến trúc được Vua Philippe II ra sắc lệnh xây dựng. Đó là Pháo đài Enmôrô, tòa Thị chính, nhà Bưu điện, Nhà thờ ở Quảng trường Plaxađơla Latêđran.

Cùng với nét cổ kính hơn 400 năm, thủ đô La Habana đã trỗi lên hiện đại. Từ thành phố nhìn ra biển là những tòa nhà 15 - 30 tầng, các trụ sở đồ sộ của các cơ quan bảo hiểm xã hội, khách sạn lớn Halabana Librơ và Lahabana Riviera. Lui vào trên Quảng trường Cách mạng, cùng với tượng đài Hôxê Mácti là tòa nhà chọc trời của Viện cải tạo đất đai, Trường Đại học Tổng hợp. Các đại lộ dài, thẳng tắp với nhiều làn xe ngược xuôi còn đưa khách tới thăm những công trình khác. Tiêu biểu là toà nhà Capitol, theo quy mô chỉ sau tòa nhà Capitol ở Washington. Cách đó không xa là Phủ Chủ tịch có nhiểu tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bao quanh và nhiều trung tâm văn hóa giáo dục hoàn chỉnh như: Thư viện quốc gia Hôxê Mácti, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Nhân chủng học trưng bày các hiện vật của một nền văn hóa, nghệ thuật lâu đời của các dân tộc trên thế giới. Thành phố còn có Khu đại học, Viện Hàn lâm khoa học, Trường Nghệ thuật, Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia.

Trong quá trình cách mạng, La Habana còn tự mình trở thành một Trung tâm kinh tế. Trước kia, thủ đô chỉ là một nơi buôn bán, dịch vụ du lịch và có một số cơ sở sơ chế. Giờ đây trên thành phố đã mọc lên các xí nghiệp công nghiệp lớn: tổ hợp luyện kim Hôxê Mácti công suất 400.000 tấn/năm, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp dệt, xí nghiệp hoá chất, lọc dầu, sửa chữa tàu biển, chế biến dược phẩm, thuộc da, may mặc, chế biến hải sản v.v... Các nhà máy xí nghiệp này sản xuất gần 112 sản phẩm công nghiệp của cả nước.

Nền kinh tế kế hoạch hóa ở đây còn bước đi cân bằng cả về nông nghiệp nữa. Ngoại thành La Habana trải dài những đồng mía xanh tốt từ các đồn điền cũ được quốc hữu hoá và mở rộng. Mùa thu hoạch, trên 50% công việc được cơ giới hóa. La Habana còn là một cảng tự nhiên, thuận tiện cho tàu lớn từ bốn phương tới và từ đó tỏa đi năm châu. Qua La Habana còn có các tuyến đường sắt và ôtô nối các vùng phía Đông và phía Tây của đất nước. Tuyến đường Trắng (Via Blanca) từ thủ đô đến phía Đông nơi có khu an dưỡng nổi tiếng Varadêro và sang phía Tây tới thành phố Maner đã được mở. Có người đã gọi thành phố đẹp nhất Tây bán cầu này là ''Paris của Châu Mỹ”.

GIANG HÀ VY




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1058-02-633389313055190778/Nhung-thanh-pho-thu-do-cong-vien-truong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận