Tài liệu: Viện bảo tàng Ermitage

Tài liệu
Viện bảo tàng Ermitage

Nội dung

VIỆN BẢO TÀNG ERMITAGE

 

Ermitage ở Saint Petersbourg (Liên bang Nga) là Viện bảo tàng nghệ thuật lớn nhất nước Nga hiện nay và đứng hàng thứ ba Thế giới sau Viện bảo tàng Louvre (Pháp) và Vatican (Italia).

Viện bảo tàng Ermitage được thành lập năm 1764, Ermitage trong tiếng Pháp có nghĩa là nơi tách biệt, phần nào cũng đúng với trường hợp của Viện bảo tàng này, bởi chính nó chiếm hẳn một khu những tòa nhà liền nhau vuông vức nằm trên bờ Sông Neva thơ mộng mà du khách mới đến thành phố này từ xa đã có thể nhận ra ngay.

Những tòa nhà của Ermitage cũng chính là những công trình kiến trúc tuyệt vời: cái vỏ hình thức rất phù hợp với nội dung chứa đựng bên trong là những tác phẩm nghệ thuật các thời đại và những di tích văn hóa cổ xưa.

Tòa nhà chính trong quần thể kiến trúc của ErmitageCung điện Mùa Đông. Đây là tác phẩm tuyệt vời của kiến trúc sư danh tiếng V.V. Rastrelli - thiết kế xây dựng từ thế kỷ XVIII trong khoảng thời gian từ 1754 - 1762. Cung điện Mùa Đông là một tòa nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc Barokko uy nghi mà tráng lệ, có sức mạnh thẩm mỹ cao. Du khách đến thăm Ermitage trước tiên đều bị thu hút bởi vẻ đẹp trang nghiêm của Cung điện này. Nội thất của Cung điện cũng là những gian phòng có nhiều kiểu kiến trúc độc đáo, ngoài kiến trúc sư Rastrelli còn có nhiều nhà kiến trúc sư danh tiếng khác tham gia trang trí nội thất theo các kiểu kiến trúc khác nhau tạo cho Cung điện Mùa Đông thêm đa dạng. Đó là kiến trúc sư J.Quarenghi (1744 - 1817), gốc người Italia đại diện cho trường phải kiến trúc cổ điển, Ogust Rikarede Monferran (1786 - 1858) gốc Pháp, K.I. Rossi (1755 - 1849), tác giả nhiều quần thể kiến trúc hoành tráng theo kiểu Cổ đại ở Petersbourg, A. P. Briullov (1798 - 1877), nhà kiến trúc Nga đại diện trường phái cổ điển thời hậu kỳ v.v. . .

Năm 1837, Cung điện Mùa Đông bị cháy, hư hại nhiều. Công việc phục chế lại được tiến hành dưới sự điều khiển của kiến trúc sư V. P. Stasov (1769 - 1848) đại diện cho trường phái kiến trúc theo kiểu Cổ đại. Đại tiền sảnh của Cung điện Mùa Đông và nội thất đều được phục chế như nguyên trạng, nhưng có nhiều gian phòng được xây dựng lại theo thị hiếu kiến trúc những năm 30 của Thế kỷ XIX.

Cho đến thời kỳ Cách mạng tháng hai năm 1917, Cung điện Mùa Đông là Dinh thự của Nga hoàng, sau đó là của Chính phủ lâm thời tư sản. Đêm ngày 7 tháng 11 năm 1917, các đội quân Cận vệ Đỏ và các đơn vị quân đội và hải quân đã nhất loạt tấn công và chiếm Cung điện Mùa Đông, bắt toàn bộ Chính phủ lâm thời tư sản.

Tòa nhà phía Bắc của Ermitage Nhỏ được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1764 - 1775 do hai nhà kiến trúc sư J.B.Valen Delamot, và lu.M.Felten, đại diện trường phái kiến trúc cổ điển sơ kỳ, thiết kế và chỉ huy. Lúc đầu Ermitage Nhỏ chỉ là những phòng tiếp đãi khách khứa, nơi nghỉ ngơi của Hoàng gia. Những tòa nhà tương tự khác cũng được gọi là những Ermitage (nơi tách biệt). Trên tầng hai có một số phòng nhỏ và một vườn mùa Đông gọi là Ngôi nhà kính (để trồng cây). Đến giữa thế kỷ XIX, những gian phòng của tầng hai được xây dựng lại theo thiết kế của kiến trúc sư A. I.Shtakenshneider (1802 - 1865), người đã thiết kế xây dựng các cung điện của Nga hoàng và các Đại quốc công. Phòng trưng bày N0204 có nội thất được trang bị lộng lẫy ở tầng hai của Ermitage Nhỏ.

Tòa nhà phía Nam của Ermitage Nhỏ có tiền sảnh nhìn ra Phố Khalturina do kiến trúc sư lu.M.Felten thiết kế xây dựng từ giữa Thế kỷ XVIII. Vườn treo ngang với tầng hai chiếm phần trung tâm của Ermitage Nhỏ, bên dưới trước đây là những chuồng ngựa và những gian nhà trống để xe ngựa (nay được cải tạo thành những phòng của bảo tàng). Dọc theo hai bên vườn treo là những galerie trưng bày tranh. Đến cuối thế kỷ XVIII, những bộ sưu tập đầu tiên của bảo tàng để tại đây.

Ermitage Cũ do kiến trúc sư lu. M. Felten thiết kế xây dựng trong khoảng thời gian từ 1771 - 1787, đến giữa thế kỷ XIX, nội thất của nó được kiến trúc sư A.I.Shtakenshneider thiết kế xây dựng lại.

Ermitage Mới là tòa nhà hiện nay của Viện bảo tàng được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1839 - 1850 do hai nhà kiến trúc sư V.P.Stasov và N.E.Efimov chỉ huy xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư người Đức Leofon Klenze (1784 - 1864) thuộc trường phái phỏng theo các kiểu kiến trúc Hy Lạp Cổ đại. Tòa nhà của Ermitage Mới được dành riêng làm các phòng trưng bày của Nga hoàng. Hành lang bậc thềm chính đi vào Ermitage Mới có dựng mười pho tượng toàn thân bằng đá hoa cương - công trình nghệ thuật của nhà điêu khắc A.I.Terebenev (1815 - 1859) đem lại dáng vẻ uy nghi, thâm trầm cho bảo tàng.

Nhà hát của Ermitage được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1783 - 1787 do kiến trúc sư J.Quarenghi thiết kế theo phong cách kiến trúc các nhà hát Italia thời kỳ Phục hưng. Chỉ có Hoàng gia được đến xem các vở diễn ở đây. Cứ một tháng hai lần các đoàn diễn viên nước ngoài, về sau có thêm diễn viên Nga xuất sắc, đến đây trình diễn. Hiện nay nhà hát được sử dụng làm hội trường để diễn thuyết, đăng đàn về những vấn đề thẩm mỹ, nghệ thuật và văn hóa. Phòng nghỉ giải lao (phòng N0 225) nằm trên con mương đào Mùa Đông nối liền nhà hát với Ermitage Cũ được trang trí nội thất theo thiết kế của kiến trúc sư Leonti Benoa (1856 - 1928) thuộc trường phái kiến trúc cổ điển.

Ermitage thành lập năm 1764 với 225 bức tranh của các họa sĩ và danh họa Tây Âu. Đây là bộ sưu tập tranh của nhà thương gia Berlin tên là Johann Ernest Gotzkovski phải bán để trả nợ ngân khố nước Nga lúc bấy giờ. Khi Ermitage thành lập bộ sưu tập tranh này được coi là sưu tập cá nhân của Nữ hoàng Ekaterina II. Chỉ có các quan chức trong triều đình mới được vào Ermitage xem tranh. 88 năm sau, năm 1852, sau khi Ermitage Mới xây dựng xong; Nga hoàng mới mở cửa cho dân vào xem, nhưng rất hạn chế.

Tác phẩm nghệ thuật và di tích văn hóa cổ xưa trưng bày ở Ermitage bao gồm sáu phần chính: Văn hóa nguyên khai, văn hóa và nghệ thuật Cổ đại, văn hóa và nghệ thuật các dân tộc phương Đông (thuộc Liên Xô và các nước ngoài), văn hóa Nga, nghệ thuật Tây Âu và cổ tiền học.

Với 225 bức tranh khi thành lập, Ermitage liên tục được bổ sung: ngoài những lần mua lẻ tẻ các tác phẩm nghệ thuật, Ermitage đã tiếp nhận những bộ sưu tập lớn của Bá tước Heinrich Bruchl (Dresden, 1769), của chủ nhà băng Kroz (Paris, 1771), của Huân tước Walpole (London, 1779), của Hoàng hậu Josephine (Paris, 1814), v.v...

Đến đầu Thế kỷ XX, bộ sưu tập của Ermitage đã lên đến 600 nghìn tác phẩm nghệ thuật và di tích văn hóa cổ xưa. Sau cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, bộ sưu tập của Ermitage tăng lên 4,5 lần.

Hàng năm, Ermitage thu hút hơn 3 triệu rưỡi lượt người vào xem. Những giá trị nghệ thuật vĩnh cửu của các tác phẩm sưu tập được và ngày càng bổ sung làm tăng thêm uy tín vốn có của Ermitage.

Riêng về nghệ thuật Tây Âu, khách đến xem có thể tìm thấy ở đây bộ sưu tập phong phú nhất về hội họa, điêu khắc, đồ họa bao gồm tất cả các trường phái và xu hướng thịnh hành thời bấy giờ ở Tây Âu (đầu thế kỷ XVIII). Thời gian này Đế chế Nga đã mở cửa bang giao với Tây Âu. Năm 1703 Piotr I xây dựng thành phố mới Petersbourg làm thủ đô nước Nga, không lâu sau đó, những kiểu và phong cách hội họa Tây Âu bắt đầu du nhập vào nước Nga. Đây là thời kỳ giao lưu văn hóa quan trọng của nước Nga với bên ngoài. Nhiều họa sĩ Nga sang Pháp và Italia du học, các họa sĩ Đức, Pháp, Thụy Sĩ sang Petersbourg làm việc. Ở Hà Lan và Bỉ thịnh hành việc mua bán tranh nghệ thuật. Bộ sưu tập của Piotr I và của Nữ hoàng Elizaveta Petrovna nằm trong bối cảnh đó.

Đầu thế kỷ XVIII (năm 1716), Piotr I mua 121 bức tranh ở Hà Lan và 117 bức tranh khác ở Brussels và Antwerp, phần lớn của người Hà Lan và dân xứ Flander (thuộc Pháp và Bỉ). Thị hiếu hội họa của Piotr I thiên về các tác phẩm của các danh họa như Rubens, Rembrandt, Van Dyck.

Bộ sưu tập Elizaveta Petrovna giữa Thế kỷ XVIII gồm 100 bức tranh phần lớn của Đức, Hà Lan và xứ Flander, một số của Pháp và Italia. Hai bộ sưu tập này có ý nghĩa khá quan trọng dẫn đến việc sưu tập 225 bức tranh vào năm 1764 của Nữ hoàng Ekaterina II đặt nền móng cho sự thành lập Ermitage vào năm đó. Bộ sưu tập tiếp theo làm thay đổi lớn tình hình Ermitage là bộ sưu tập năm 1769 của Bá tước Heinrich Bruhl, một người chơi tranh sành sỏi: Ermitage được bổ sung nhiều tác phẩm của Rembrandt, tranh của người Hà Lan và xứ Flander, một loạt các bức tranh về cảnh đi săn của Faul de Vos, nhiều kiệt tác của Gerard Ter Borch, Frans Janszvan Mieris I, Adriaen van Ostade và Philippes Wou Werman. Trong bộ sưu tập của Heinrich Bruhl tác phẩm của Italia và Pháp ít hơn.

Vào nửa sau thế kỷ XVIII, các cuộc bán đấu giá tranh nghệ thuật đã cung cấp cho Ermitage bộ sưu tập riêng ở Paris của J.Aved, J.de Julienne, N.Gaignat và của E. F.Choiseul, trong đó có những kiệt tác thế giới của Nicolas Poussin, Bartolomé Esteban Mourillo và của Rembrandt.

Năm 1768, một bộ sưu tập nhỏ mua tại Brussels được đưa về Ermitage, trong đó có những kiệt tác của Rubens. Cũng vào năm này, bộ sưu tập 158 bức họa về người Paris lần đầu tiên được giới thiệu ở Nga, một số tác phẩm của Raphael, Veronese, Giorgione, Titian và của Tintoretto cũng được giới thiệu.

Các tác phẩm của những danh họa Pháp Thế kỷ XVII và XVIII như Louis Le Nain, Sébastien Bourdon, Nicolas Poussin, Nicolas de Largillière, Antone Watteau và Jean Baptiste Siméon Chardin mở đầu cho khu trưng bày hội họa Pháp.

Bộ sưu tập năm 1779 của Huân tước Walpole (Phòng trưng bày tranh Houghton Hall) tại London đã bổ sung thêm các tác phẩm của Rubens, Van Dyck, Frans Snyder, Jacob Jordaens và của David Teniers (em). Bộ sưu tập cũng bổ sung thêm cho Ermitage những tác phẩm hột họa Italia. Bộ sưu tập cuối cùng của thế kỷ XVIII đưa vào Ermitage là sưu tập của Baudouin được mua ở Paris năm 1781. Nó gồm có 119 bức tranh sơn dầu của Rembrandt, Van Dyck, Van Ostade và Jacob Isaacksz van Ruisdael.

Những tác phẩm sưu tập của các danh họa đương thời như Anton Raphaet Mengs và Angelica Kauffmann của Đức, Pompeo Batomi của Italia, Joseph Wright của Anh, Jean Baptiste Greuze của Pháp được trưng bày ở Ermitage vào cuối thế kỷ XVIII đều liên quan đến những trào lưu mới nhất của chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa đa cảm. Một số tác phẩm nghệ thuật khác liên quan đến lịch sử và văn hóa Nga như bức tranh của Reynolds là biểu tượng  cho sự thành công của nước Nga trên vũ đài Quốc tế.

Đặc biệt vào cuối thế kỷ XVIII (1797) một cuốn catalo viết tay của Phòng trưng bày tranh đã biên soạn xong liệt kê 3996 bức tranh, trong đó có nhiều kiệt tác.

Năm 1814 và 1815 bộ sưu tập của chủ nhà băng người Anh tên là Coesvelt đã được mua lại ở Amsterdam và bổ sung cho Ermitage, đặt nền móng cho khu trưng bày hội họa Tây Ban Nha.

Sau cuộc chiến tranh Ái quốc năm 1812, Nga hoàng Aleksandr I đã mua 118 bức họa từ Cung điện Malmaison của Hoàng hậu Josephlne, Đệ nhất phu nhân của Napoleon vào năm 1814. Bộ sưu tập của Joséphine gồm nhiều kiệt tác của trường phái Hà Lan (như của Rembrandt, Paulus Potter, Ter Borch), của trường phái xứ Flander (như của Rubens, Tenter), của trường phái Pháp (như của Claude Gellée thường gọi là Lorrain).

Vào nửa đầu thế kỷ XIX, nền hội họa Italia thế kỷ XVI được giới thiệu ở phòng trưng bày của Ermitage. Tranh của hai họa sĩ Italia Caravaggio và Annibale Carracci đã được giới thiệu ở đây.

Năm 1852 phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật chuyển sang tòa nhà Ermitage Mới. Ermitage được tiếp tục bổ sung những bức họa của Tây Âu và những tác phẩm đẹp nhất của Nga. Ermitage vào thời điểm này vẫn là tài sản của Hoàng gia. Năm 1865, Ermitage đã mua ở Milan bức tranh Đức Mẹ và đứa con của Leonardo da Vinci. Đây là bức tranh đầu tiên của danh họa Italia Leonardo da Vinci có mặt tại Viện Bảo tàng Ermitage. Năm năm sau (1870) Ermitage đã mua bức tranh sơn dầu với phong cảnh mùa Xuân trong sáng đầy lãng mạn của Raphael.

Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, Ermitage tiếp nhận 73 bức tranh trong số những kiệt tác của Viện Bảo tàng Golitxưn ở Moskva.

Đến đầu thế kỷ XX, Ermitage được bổ sung thêm những tác phẩm nghệ thuật hiếm thấy của Italia. Năm 1915 và 1916, Ermitage giành được quyền sở hữu các di sản của V.P.Zurov và A.Z.Khitrovo.

Khu hội họa Hà Lan là khu trưng bày phong phú nhất trên Thế giới nhờ có bộ sưu tập hơn 400 bức tranh sơn dầu của Semiorov Tien Shanski, nhà học giả đồng thời là nhà giao dịch thương mại nổi tiếng.

Di sản của A.Z.Khitrovo tạo điều kiện cho Ermitage tổ chức một cuộc triển lãm tuyệt vời về hội họa Anh với những tác phẩm đạt tới đỉnh cao nghệ thuật của Thomas Gainsborough, Hery Racburn, George Romney, John Hoppner, John Opie và Thomas Lawrence.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga với những Sắc lệnh của V.I.Lenine về quốc hữu hóa và bảo tồn Ermitage, nhiều bộ sưu tập nổi tiếng của giới quý tộc Nga đã được chuyển về Ermitage (một phần hoặc toàn bộ). Các bộ sưu tập cá nhân cũng được quốc hữu hóa như của Argutinski Dolgorukov, gia đình Vorontsov Dashkov, Gortsakov, Miatlev và Olive.

Năm 1926, Ermitage giành được quyền sở hữu những kiệt tác của Chardin bị đem bán đi năm 1854 theo lệnh của Nga hoàng Nicolai I. Hiện nay, tại Ermitage có bộ sưu tập về hội họa Pháp cuối thế kỷ XIX đầu XX, có trên 180 bức tranh sơn dầu trong đó có tranh của Monet, Renoir, Pissarro, Sisley, Degas.

Có thể nói, hiện nay bộ sưu tập về hội họa Tây Âu trưng bày tại Ermitage là một trong những bộ sưu tập phong phú nhất và có giá trị nhất trên Thế giới.

PGS. TS. XUÂN HÒA




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/162-02-633386813057812500/Nhung-Bao-tang-noi-tieng-the-gioi/Vien-bao...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận