Tài liệu: Roma

Tài liệu
Roma

Nội dung

ROMA

 

Roma (Roma) - thủ đô Italia ngày nay, nằm trên bảy ngọn đồi ở Trung phần nước Italia, cách bờ biển phía Tây khoảng 25km. Theo truyền thuyết, Roma là tên thành phố do nhà Vua dã sử đầu tiên Romulus (Rômulux, 753-715 Tr. CN) hoạch định ranh giới bằng một hàng cây, khi ông được tôn làm Vua (753 Tr. CN). Lúc đầu, Roma chỉ là sự hợp nhất của một số làng trên mấy ngọn đồi Roma ngày nay. Vào thế kỷ VI và V Tr. CN, Roma phát triển rất mạnh và nhanh chóng trở thành thủ đô của một đế quốc rất rộng lớn. Nó thâu tóm hết các vùng đất ven biển Địa Trung Hải.

Chính trong thời kỳ hưng thịnh này, những người đứng đầu đế quốc đã xây dựng được nhiều công trình đồ sộ, nhiều cái còn lưu dấu tích đến ngày nay. Từ thế kỷ III, Roma nhiều lần bị xâm chiếm và phá hoại. Việc thành lập thủ đô Constantinople (năm 324) của đế quốc Roma phương Đông cùng với sự tranh giành quyền lực của đế quốc phương Tây đã đẩy nhanh sự suy tàn của Roma.

Thực tế nó chỉ là một thủ đô tôn giáo. Các Giáo hoàng thời Phục hưng cũng để lại một số công trình xây dựng lớn, chủ yếu tập trung ở Vatican và vùng phụ cận. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, khi Roma trở thành thủ đô của nước Italta thống nhất, nó lại mới có sinh khí phục hồi  nhanh chóng. Mặt khác, do uy tín của tòa Thánh ở Roma cũng dần dần được đề cao trở lại, dó đó Roma cũng lấy lại được địa vị Thủ đô tôn giáo của Đạo Giatô và phồn vinh trở lại. Roma ngày nay là một thành phố đất rộng (1508km2 kể cả các vùng ngoại ô) và dân cư chưa đông lắm (gần 3 triệu người) như nhiều thành phố lớn trên thế giới. Trung tâm thành phố ứng với vùng Roma cổ được chia thành 22 ryông, ngoại ô gồm 35 quartieri và 3 suburbi đang trong quá trình đô thị hóa; ngoài ra còn có Agro Rômano (Nông thôn Roma) trước kia bùn lầy, mới được cải tạo từ thời Mussolini. Trong thành phố có hai vùng đất có quy chế đặc biệt: Vatican được coi như một quốc gia riêng, và khu vực Triển lãm Quốc tế của Roma (Esposizione Universale di Roma) có tư cách hành chính độc lập với thành phố.

Roma là một thành phố có rất nhiều di tích văn hóa từ thời Cổ đại và Trung đại, lại có nhiều viện bảo tàng văn hóa nghệ thuật và những thư viện lớn vào bậc nhất Châu Âu. Nơi đây tàng chứa những văn bản cổ và rất hiếm. Công trình khoa học - kỹ thuật đầu tiên được xây dựng là hệ thống tiêu nước của Thành phố Cloacamaxima có thể được xây dựng từ thế kỷ VI Tr. CN dưới thời Vua Tarquinius (Táckinauxi, 116 - 587 Tr. CN). Tàn tích của công trình còn lại ngày nay, hệ thống mương máng, đặc biệt là miệng cống tiêu nước ra sông Tibre là kết quả phục chế dưới thời Đế chế Roma (khoảng thế kỷ III).

Quảng trường Roma (Forum, romanum), nơi hội họp của nhân dân để bàn việc công cộng, cũng được bắt đầu xây dựng từ thế kỷ VI Tr.CN. Lúc đầu nó còn là một cái chợ, về sau biến thành trung tâm chính trị, kinh tế và tôn giáo. Dần dần quanh quảng trường, các đời Vua độc tài, cộng hòa và đế chế, nhiều công trình kiến trúc khác được xây dựng như nhà thờ Giulia, nhà các nữ tu sĩ (Vestale); Đền thờ Dioscures (Dyôxtquyê); cổng Titus (Tytuxi)... Dưới thời đế chế, các Hoàng đế Roma còn cho xây dựng nhiều Quảng trường khác như Quảng trường Augustus, Quảng trường Traianus. Ngoài ra, Roma còn có những Quảng trường hoàn toàn thương mại, Quảng trường Bôaryum bán súc vật và Quảng trường Hôlytôryum bán rau quả. Các quảng trường này được phục chế lại bắt đầu từ năm 1972.

Điện Panthéon (Păngtêông: có nghĩa là Điện Các Thánh) là điện được xây dựng năm 27 Tr.CN ở Quảng trường Macxi (cửa sông Tibre, phía Bắc đồi Capitol) và đã được cải tạo lại nhiều lần dưới các triều Vua Hadrianus (Hađiryanuxi 117-138), Antinonus (Antynonuxi 138 -161) và Septimius Severus (Sếptymiuxi Sêveryuxi, 193 - 211). Lúc đầu là Đền thờ các Thánh. Tại đây có mộ của nhiều nhân vật cổ đại nổi tiếng: Raphaon, Carache (hai học sỹ Italia), các Vua Victor Ernmanuel II (Vichtô Êmanuen II) và Humbert I (Humbe I), Vua Italia và Hoàng hậu Magơrít.

Sân Colosseo (Côlốtxêô) còn gọi là sân Flavien (Phlaviêng) được xây dựng xong năm 80 dưới thời vua Tytuxi. Gần sân này có pho tượng Néron rất lớn. Công trình kiến trúc đó có chu vi 524 mét với 80 bậc ghế ngồi, có thể chứa 87.000 người xem. Thời cổ, đây là sân đấu võ. Sân đã bị hư hại. Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV người ta đã lấy vật liệu ở đây đi xây dựng lâu đài ở những nơi khác. Từ thế kỷ XVII, Nhà thờ đã quan tâm bảo vệ công trình này, năm 1972 được phục chế lại.

Lâu đài Phácnezơ được xây dựng từ năm 1517 cho Giáo chủ Farnece (Phácnejơ) sau là Giáo hoàng Pôn III, được Michelangelo hoàn thiện năm 1546, với cửa sổ lớn có trụ cột đỡ (mặt tiền), phòng lớn, bức hoành tráng bằng đá vàng nhạt (tầng một) rất đẹp.

Ngôi nhà Vàng (Domus Aurea): lâu đài do Néron (bạo chúa) cho xây dựng trên đồi Esquilinus (Exkylynuxi) sau vụ cháy lớn ở Roma năm 64 mà chính Néron là thủ phạm. Nội thất được trang trí nhiều bức tranh hoành tráng đắp nổi rất đẹp và về sau các họa sĩ thời Phục hưng của Italia dùng làm môtíp trang trí ở nhiều nơi khác.

Các viện bảo tàng Roma. Ở Roma có một số bảo tàng có nhiều hiện vật quý giá: Viện bảo tàng X. Vatican; Biệt thự Borghese (Boócghedơ) xây dựng đầu thế kỷ XVIII làm nơi ở mùa Hè của Giáo chủ Boeghêre, trong đó có phòng giải trí và trở thành phòng trưng bày những công trình điêu khắc và hội họa có giá trị; phòng trưng bày Quốc gia (lâu đài Bacberyry) có tranh của Raphael, Tytiêng, Ghirếchcô, Honbain; phòng trưng bày Đôrya có tranh của Vélazquez, Raphael, Tytiêng, caravagiơ, Pútxanh, Rubens; phòng trưng bày tranh của Italia hiện đại (thế kỷ XIX và XX), Viện Bảo tàng Quốc gia Roma ở nhà Dioclétien (Diôctechiêng) có các công trình nghệ thuật Hy Lạp, Roma và Đạo Giatô; Viện Bảo tàng biệt thự Giulya về khảo cổ học Italia; Viện bảo tàng Đồi Capitol; Bảo tàng tranh và cổ vật.

Nhà thờ Jésus là nhà thờ chính thức của những người Giêduýt được xây dựng từ năm 1568, một phần theo đề án của Michelangelo, mặt tiền theo đề án của Della Porta(1594). Trong nhà thờ có mộ của Thánh Ignacede Loyola là người sáng lập ra dòng Giêduýt.

Ngoài ra, Roma Cổ đại còn có hai bức tường bao quanh, đó là Servius (Xécvyuxi) bao gần hết cả bảy ngọn đồi, xây dựng từ thế kỷ VI Tr.CN và đến thế kỷ IV Tr.CN đã được trùng tu; tường Aurelianus (Ôrêlianuxi) vẫn còn di tích, đến nay đã được mở nhiều cửa làm điểm xuất phát của những con đường đi ra các ngả Roma. Đầu các con đường này chính là các cửa cũ ra vào Roma cổ xưa và còn dấu vết của nhiều ngôi mộ và nghĩa địa cổ.

ĐỖ NGUYÊN ĐƯƠNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1058-02-633389310045815778/Nhung-thanh-pho-thu-do-cong-vien-truong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận