THỦ ĐÔ BÌNH NHƯỠNG CỦA ĐẤT NƯỚC THIÊN LÝ MÃ
Bình Nhưỡng là Thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên. Trước ngày giải phóng, dưới ách thống trị của phát xít Nhật, Bình Nhưỡng là một thành phố lạc hậu, thất nghiệp và đói khổ.
Trong ba năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ, Bình Nhưỡng đã bị giặc ném xuống hơn 428.000 quả bom. Thành phố bị hủy diệt thành tro. Sau ngày chiến thắng, chỉ trong vòng 10 năm, Bình Nhưỡng đã được xây dựng thành một Thủ đô tráng lệ và hiện đại. Tiếp theo ở những thập kỷ sau, nhiều công trình lớn dần dần xuất hiện: Bảo tàng cách mạng, Tượng đài Thiên Lý Mã, Trường Đại học Kim Nhật Thành, Cung thiếu nhi, Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng chiến tranh giải phóng dân tộc, Cung thể thao, Sân trượt băng... Chúng tôi xin giới thiệu 14 trong những công trình xây dựng lớn tạo nên gương mặt Bình Nhưỡng.
KHẢI HOÀN MÔN
Khải Hoàn Môn khánh thành ngày 14-4-1982 dưới chân đồi Horan. Toàn bộ công trình được tạo nên bằng 10.500 khối đá hoa cương, cao 60 mét, rộng 52,5 mét. Trong đó có hàng chục gian phòng rực rỡ với ban công, lan can và cầu thang máy hiện đại. Đặc biệt trong đó có những vòm cuốn cao 27 mét, rộng 18 mét, vừa trang nghiêm vừa rực rỡ.
Ở hai mặt phía Bắc và phía Nam của Khải Hoàn Môn, luôn luôn phát ra điệu nhạc hùng tráng của một bài ca cách mạng.
Có nhiều hình chạm khắc đẹp đẽ, trong đó đáng chú ý là hình đắp nổi ngọn Núi Baiktou - ngọn núi biểu tượng cho truyền thống lịch sử và cách mạng của nhân dân Triều Tiên.
Về quan điểm kiến trúc mà nói, Khải Hoàn Môn này vừa gợi lên cảm giác trang nghiêm vừa đậm đà bản sắc nghệ thuật dân tộc.
PHO TƯỢNG ĐỒNG THIÊN LÝ MÃ
Tượng đài Thiên Lý Mã được dựng ngày 15-4-1961 trên ngọn đồi Mansou. Đó là một con ngựa khổng lồ, biểu tượng tốc độ phi thường của lịch sử Triều Tiên. Phong trào thi đua ''Thiên lý mã'' phù hợp với tình cảm của nhân dân Triều Tên đã khuấy động một tinh thần lao động hăng say xây dựng đất nước. Tượng đài cao 46m, bản thân pho tượng cao 14m và dài 16m, nặng hơn 100 tấn. Chân tượng là một cái tháp cao được ghép lại bởi 2500 tảng đá hoa cương với kích thước khác nhau.
Đứng xa, trông như tượng đài bay lên với đôi cánh hùng vĩ.
ĐÀI TƯỞNG NIỆM NHỮNG CHIẾN SỸ HI SINH VÌ TỔ QUỐC.
Tượng đài này dựng năm 1959 trên đồi Haibang để tưởng nhớ những chiến sĩ đã ngã xuống một cách anh hùng vì tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Trên bệ tượng tháp là pho tượng đồng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Triều Tiên.
Hình ảnh người chiến sĩ với khẩu súng và ngọn cờ tung bay biểu tượng cho lòng dũng cảm chống đế quốc Mỹ của cả dân tộc.
Tượng đài đặt trên bệ đá hai tầng, tháp và tượng đều bằng đồng, hài hòa với bậc thang lên xuống, hồ nhân tạo và các bậc thang bao bọc xung quanh.
Toàn bộ tượng đài cao 24,13m, riêng pho tượng cao 6,13m. Phía trên cùng của bốn mặt tháp được gắn bốn huy hiệu Quân đội nhân dân Triều Tiên bằng đồng dát vàng. Trên hai mặt tảng đá, người ta khắc hai niên hiệu 1950 - 1953 để chỉ thời gian cuộc chiến tranh vệ quốc đã xảy ra. Toàn bộ tượng đài toát lên sức mạnh chiến đấu của những con người dũng cảm.
CUNG VĂN HÓA NHÂN DÂN
Cung văn hóa nhân dân khai trương từ ngày 12-4-1974, dựng trên một khu đất rộng 5200m2, nằm giữa đại lộ Thiên Lý Mã và vườn hoa Botonggang. Mái ngói cong theo kiến trúc truyền thống Triều Tiên tạo dáng những cánh chim bay vút lên trời xanh.
Toàn bộ lâu đài tráng lệ này bao gồm một phòng họp bàn tròn rộng 930m2, một hội trường lớn 3000 chỗ ngồi, một phòng lễ tiết thường dùng để ký các hiệp ước, nhiều phòng tiệc lớn nhỏ khác nhau. Ngoài ra, còn có các phòng ăn, phòng nghỉ, phòng chiếu phim, phòng chơi bi-a...
CUNG VĂN HÓA THIẾU NHI
Cung Văn hóa thiếu nhi được khai trương từ ngày 30-7-1963, là nơi giáo dục ngoại khóa cho các em nhỏ ở Thủ đô Bình Nhưỡng.
Toàn bộ công trình có hơn 500 phòng, trong đó có hơn 200 phòng dùng cho việc nghiên cứu và hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, văn học, nghệ thuật, thể dục thể thao, công nghiệp, nông nghiệp. Ngoài ra, còn có thư viện hàng vạn cuốn sách với một phòng đọc 200 chỗ ngồi, một khu huấn luyện võ tiếp nhận một lúc 500 người, một rạp hát hiện đại chứa được 1100 khán giả.
Bộ phận xây dựng cao nhất là 55,3 mét. Phía bên phải, một cung thể thao cao vút với vòm mái nhẹ nhàng.
Trên những bức tường của tiền sảnh chính, trang trí hình ngọn Núi Baiktou uy nghiêm - căn cứ địa của cách mạng, và hình ngọn Núi Klugang mỹ lệ - biểu tượng vẻ đẹp của đất nước Triều Tiên.
Tiền sảnh và các phòng lớn lộng lẫy những hàng cột bằng đá. Đây là một công trình kiến trúc hùng vĩ, hàng ngày các em nhỏ kéo nhau đến để tổ chức các hoạt động ngoại khóa.
NHÀ VĂN HOÁ 8 THÁNG 2
Công trình này khánh thành ngày 7- 10 - 1975 để chào mừng ngày kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên, chiếm một khoảng đất rộng trên 80.000m2. Tòa nhà được chống đỡ bởi những cây cột đồ sộ và có những bức tường hài hòa màu sắc.
Có hai phòng biểu diễn nghệ thuật một phòng trên 6000 chỗ ngồi và một phòng 11000 chỗ ngồi, xử lý rất tốt về âm thanh và ánh sáng.
NHÀ HÁT NGHỆ THUẬT MANOUDAL
Nhà hát này được xây dựng ở trung tâm Thủ đô, chiếm một diện tích là 60.000m2. Kiến trúc độc đáo. Những bức tường phía ngoài được trang trí bằng các nét vẽ muôn hình nghìn vẻ. Có nhiều phòng lớn nhỏ phục vụ cho nhiều nhu cầu khác nhau. Có sàn khấu quay rộng 2000m2, cao 40m, hàng nghìn người có thể xem một lúc.
Cầu thang xoáy trôn ốc và cầu thang máy dẫn lên các tầng. Người đi cầu thang có thể nhìn thấy hình trang trí ngọn núi Keumgang, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Triều Tiên và của thế giới Thần tiên. Trên các bức tường trang trí rực rỡ nhiều bức tranh truyền thống, những bức chạm trổ và tác phẩm bằng nhựa.
Cột và tường đều được ghép đá một cách nghệ thuật và ánh lên một màu bóng loáng.
Trước cửa nhà hát, khu vườn trải rộng mát rượi với nhiều vòi phun nước.
NHÀ HÁT LỚN BÌNH NHƯỠNG
Khánh thành ngày 13-8-1960. Phòng biểu diễn có 2200 chỗ ngồi. Sân khấu rộng và hiện đại có thể cùng một lúc 2000 diễn viễn lên biểu diễn. Một phòng riêng để luyện tập có khả năng tiếp nhận 700 người và có đủ phương tiện như một rạp hát nhỏ.
Toàn bộ diện tích xây dựng là 30.000m2, chiều rộng 73m, chiều dài 137m, cao 45m.
Tất cả các cột được bao bọc bằng đá bóng loáng và tất cả các gian phòng đều sáng sủa, mỹ lệ.
Mái nhà vừa thể hiện được truyền thống dân tộc vừa thích hợp với kiến trúc hiện đại. Cột, tường, cửa sổ cũng vậy, phong cách dân tộc rất đậm đà. Tầng thứ nhất có phòng triển lãm, phòng ăn và các phòng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Phòng biểu diễn với mọi phương tiện hiện đại bảo đảm cho khán giả xem rõ và nghe rõ.
RẠP XIẾC
Bên cạnh vườn hoa Botonggang và lối vào đại lộ Keumsousan, rạp xiếc được dựng lên sừng sững trên ngọn Đồi Mansou bên tượng đài bằng đồng Thiên Lý Mã. Rạp xiếc trải rộng trên khu đất 50.000m2, riêng phần diện tích xây dựng 14.500m2. Phòng biểu diễn chứa được 1800 người xem. Toà nhà chính hình tròn cao 27m, rộng 9800m2. Nóc nhà tròn màu xanh cao vút lên soi bóng xuống mặt hồ mát rượi.
Sân khấu tròn đường kính 13m đảm bảo đủ không gian cho các nghệ sĩ biểu diễn những trò leo dây, nhào lộn, bay và những tiết mục tuyệt vời khác.
Trong rạp xiếc còn có sân khấu tự động cho nghệ sĩ biểu diễn ảo thuật.
TRƯỜNG QUAY PHIM
Trường quay phim dựng tại khu phố Hyeungdjésan từ ngày 6 - 2- 1947. Có đầy đủ các phương tiện hiện đại hóa, tự động hóa, tiếng động, tầm nhìn... Cùng một lúc, hàng chục nhóm làm phim và phục vụ viên hoạt động trên trường quay.
Ở trung tâm, có nhóm tượng các nghệ sĩ bằng đồng quây quần xung quanh lãnh tụ Kim Nhật Thành và một tấm pano lớn, phía dưới ghi dòng chữ ''Những truyền thống văn học và nghệ thuật cách mạng''.
Các khu phố mới được xây dựng ở phía ngoài để tạo cho trường quay giống như một thành phố hoàn chỉnh.
BẢO TÀNG MỸ THUẬT
Bảo tàng nằm ở phía Nam Quảng trường Kim Nhật Thành, trình bày những tác phẩm hội họa thời xưa và những tác phẩm hội họa xuất sắc ngày nay với đủ các loại: sơn dầu, minh họa sách báo, trang trí phim ảnh và sân khấu, mỹ thuật công nghiệp, điêu khắc, thủ công mỹ nghệ. Đây là bộ sưu tập lớn lao bao gồm nhiều tác phẩm nghệ thuật lịch sử và cách mạng có giá trị trong kho tàng nghệ thuật của dân tộc.
Bảo tàng đã góp phần giáo dục tư tưởng và văn hóa cho nhân dân dưới nhiều hình thức và phương pháp khác nhau: triển lãm, hội thảo, gặp gỡ giữa những nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp.
HỆ THỐNG TÀU ĐIỆN NGẦM
Hệ thống này khởi phát từ trung tâm thành phố với những đường ngầm từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam. Các ga tàu điện ngầm mang những cái tên thân thiết. Một số ga được trang trí bằng những cột chống rực rỡ màu sắc - đó là những cột ghép đá granit hoặc những cột tròn nguyên khối đá. Các ga khác không có cột. Trong đường ngầm cũng trang trí những bức tranh tường thể hiện lịch sử cách mạng vinh quang của nhân dân Triều Tiên và hàng chục bức tranh tường thể hiện những chủ đề khác nhau.
CUNG THỂ THAO
Cung thể thao nằm bên bờ Sông Botong, khánh thành ngày 8-4-1973.
Toàn bộ diện tích khoảng 70.000m2, chiều dài 85m, chiều rộng 53,8m, có thể tiếp nhận hơn 20.000 người. Ở đây, thường được tổ chức những cuộc thi bóng rổ, bóng chuyền, tennis, đánh bốc, Juđô...
Bên phải và bên trái khu đất dựng hai tấm bảng lớn (cao 3,9m và rộng 1,5m) gắn đồng hồ và các thiết bị tự động khác.
Ở tầng thứ nhất, có phòng dịch cùng một lúc nhiều thứ tiếng, có vô tuyến truyền hình, có radiô, và quảng cáo.
Ngoài ra, còn có các phòng masage, bệnh viện, chiếu phim, cửa hàng ăn...
VƯỜN THÚ
Vườn thú ở dưới chân núi Daiseung, diện tích 270ha, khánh thành ngày 30-4-1959, gồm nhiều loại động vật có ích: hươu, mang, trĩ, gà lôi... Khu vườn nuôi động vật để nghiên cứu được xây dựng trên một khu đất rộng 20.000m2, có bể nuôi cá, lồng nuôi công, chuồng nhốt voi, lồng nhốt đại tinh tinh... và có cả ao, hồ, đồng cỏ.
Vườn thú tập hợp hơn 4000 động vật hiếm của hơn 400 vùng đất ở trong nước và trên thế giới (động vật có vú, chím muông, bò sát, ếch nhái, cá). Chúng được phân loại một cách khoa học.
Trong vườn, người ta trồng hơn 300.000 cây bao phủ bóng xanh hàng ngàn mét vuông, thực sự trở thành vườn hoa của các loài thú và chim muông.
Tại vườn này cũng có một Viện nghiên cứu, một trạm thú y và một cơ sở sản xuất thức ăn cho muông thú, giống như một trang trại nông nghiệp rộng hàng chục héc ta.
Du khách dạo chơi thoải mái dưới bóng cây xanh, ngắm nhìn những con vật lạ và hiền lành.
(Theo Panorama de la Coreé, VM. 31 V.V.T dịch)