HÀ NỘI THÀNH PHỐ NGHÌN NĂM
THỜI KỲ TIỀN THĂNG LONG
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở xã Cổ Loa những viên đá cuội có dấu vết bàn tay con người ghè đẽo, cùng loại với những hòn đá cuội tìm thấy từ Lào Cai đến Nghệ Tĩnh. Đó chính là những công cụ chặt, nạo của người nguyên thủy sống cuối thời đá cũ, cách ngày nay từ 2 vạn năm đến hơn 1 vạn năm.
Nhưng rồi đến thời kỳ băng tan, biển tiến. Đợt biển tiến cuối cùng xảy ra cách đây 7 nghìn năm. Đất Hà Nội nếu không nằm trong biển thì cũng là mấp mé biển. Con người lùi lên miền chân núi. Như thế, vùng Hà Nội không có người ở gần như trong suốt thời đại đá mới. Từ khoảng một vạn năm đến khoảng sáu, bảy nghìn năm cách ngày nay, bắt đầu biển lùi. Hà Nội từ vùng biển thành vùng đầm lầy, rồi thành rừng. Các nhóm dân cư miền núi về đây. Hà Nội lại sôi nổi cuộc sống con người. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di tích nối tiếp nhau, hình thành một chuỗi dây lịch sử liên tục từ đầu thời đại đồng đến đầu thời đại sắt trên chặng đường hai mươi thế kỷ Tr.CN.
Người Hà Nội ngày ấy trồng trọt, chủ yếu là lúa, đậu, khoai, cây ăn quả... chăn nuôi gia súc, đánh cá và săn bắn. Trong các di chỉ khảo cổ tìm thấy có lưỡi cày đồng, liềm bằng đồng, có hạt na, hạt trám, có hạt gạo cháy và vỏ trấu, có rìu đá, rìu đồng, dao và mũi tên đồng, có cả hòn chì lưới bằng đá và đất nung. Thời tiền sử đó ứng với thời đại các Vua Hùng theo truyền thuyết. Vua Hùng là truyền thuyết, nhưng Thục Phán chống Tần là hiện thực lịch sử. Khoảng năm 218 Tr.CN, Tần Thủy Hoàng phái 50 vạn quân tiến đánh miền Bách Việt. Người Âu Việt đứng đầu là Thục Phán tổ chức kháng chiến. Sau hơn mười năm bị thiệt hại nặng, quân Tần rút. Thục Phán thay Vua Hùng dựng nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa, xây tòa thành ốc. Hà Nội với tòa thành đó bắt đầu đi vào lịch sử với tư cách một trung tâm chính trị.
Lên ngôi từ 208 Tr.CN, đến 179 Tr.CN, Thục Phán bị Triệu Đà tướng nhà Hán đánh thắng. Từ đấy Âu Lạc sa vào ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc (thời kỳ Bắc thuộc kéo dài tới ngàn năm). Thời Hán thuộc, Âu Lạc bị chia thành 3 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Hà Nội thuộc quận Giao Chỉ nhưng suốt 5 thế kỷ đầu không thấy sử sách ghi tới. Mãi tới giữa thế kỷ V vùng Hà Nội được ghi là trung tâm huyện Tống Bình (mới đặt khoảng 454). Ít lâu sau huyện được nâng cấp thành quận...
Năm 544, Lý Bí khởi nghĩa, dựng thành ở cửa sông Tô đánh đuổi quân đô hộ nhà Lương xưng đế, quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên (chưa rõ đích xác vị trí). Cháu ông là Lý Phật Tử chuyển đóng đô ở Cổ Loa, tồn tại đến năm 602 mới bị nhà Tùy đánh bại...
Nhà Đường (618 - 907) thay nhà Tùy đặt “đô hộ phủ”. Đất Việt được gọi là ''An Nam'' với 12 châu. Trung tâm An Nam đô hộ phủ là Tống Bình. Tới khoảng giữa đời Đường, Tống Bình mới có tên là Đại La.
Nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đã nổ ra cũng nhiều phen giải phóng Đại La.
Tới năm 938, Ngô Quyền tiêu diệt quân Nam Hán, xưng vương, định đô tại Cổ Loa. Cổ Loa sau một ngàn năm lại trở thành Kinh đô của nước Việt.
THỜI KỲ THĂNG LONG
Thăng Long đời Lý (1009 - 1225)
Cuối năm 1009, tại Hoa Lư (Ninh Bình), Lý Công Uẩn được lập làm Vua, mở ra vương triều Lý. Năm sau (1010) ông dời đô ra Thành Đại La, đổi gọi là Thăng Long. Trên cơ sở thành Đại La, Lý Công Uẩn xây dựng một Kinh thành mới. Về đại thể được giới hạn bằng ba con sông: Phía Đông là sông Hồng, phía Bắc và phía Tây là Sông Tô, phía Nam là Sông Kim Ngưu. Khu Hoàng Thành ở gần Hồ Tây là nơi có các cung điện hoàng gia và nơi thiết triều. Tất cả được bao bọc bằng tường thành xây gạch. Phần còn lại là khu dân sự, chia làm các phường, trong đó có những phường nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp, tách biệt hoặc đan xen. Cả hai khu (Hoàng thành và dân sự) được gọi là Kinh thành, được bao bọc bằng một tòa thành đất phát triển từ đê của ba sông nói trên.
Thế rồi chỉ trong khoảng trên 100 năm sau, sau khi trở thành Kinh đô, Thăng Long đã được xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước. Thành lũy, đê điều cung điện, kinh tế, văn hóa, tôn giáo... tất cả hòa quyện tạo nên dáng vẻ riêng của Kinh thành.
Nhân dân Thăng Long đã góp phần cùng nhân dân cả nước tạo nên nền văn minh Đại Việt và lập chiến công bảo vệ Tổ quốc chống quân Tống xâm lược mà hai nhân vật tiêu biểu nhất cho người Thăng Long là Nguyên phi Ỷ Lan và Lý Thường Kiệt.
Thăng Long thời Trần (1226 - 1400)
Nhà Lý sau 2 thế kỷ cầm quyền đã đến lúc suy thoái. Nhà Trần thay thế, chấm dứt tình trạng loạn ly, thiết lập lại trật tự chính trị - xã hội, nền văn minh Đại Việt tiếp tục phồn thịnh. Kinh thành vẫn giữ ranh giới cũ nhưng đông đúc hơn. Năm 1230, Kinh đô chia làm 61 phường. Khu vực này còn tiếp nhận nhiều khách buôn và cư dân nước ngoài đến sinh sống làm ăn. Năm 1270 có 30 thuyền Trung Quốc xin cư trú, được cho ở Phường Nhai Tuân (khu vực Hòe Nhai, Hàng Than ngày nay) lập phố, mở chợ. Ngoài thương nhân người Hoa có cả người Hồi Hột (Ouigour), Chà Và (Java), sư người Hồ (Ấn Độ)...
Kinh tế công thương nghiệp thành thị sinh ra tầng lớp thị dân và lối sống thị dân, như đã có sinh hoạt giải trí ban đêm. Vua Trần Anh Tông (1293 - 1314) thường ''lén đi chơi, cứ đến đêm đi kiệu cùng hơn 10 người thị vệ, đi khắp Kinh kỳ, đến gà sáng mới về'', như vậy đêm Thăng Long ngày ấy hẳn có nhiều cuộc vui.
Thăng Long đời Trần không chỉ có xây dựng và sáng tạo nghệ thuật mà còn phải đánh giặc và đánh giỏi: trong vòng 30 năm (1258 - 1288) ba lần quân Nguyên Mông sang xâm lược, ba lần chúng vào được Thăng Long nhưng cả ba lần đều chuốc lấy thất bại. Lần đầu (1258) chỉ là tòa thành rỗng (dân đã tản cư, để lại vườn không nhà trống). 11 ngày sau quân Trần phản công dữ đội và với trận Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than) ngày 29-1-1258 buộc giặc phải tháo chạy. Lần thứ hai (tháng 2 năm 1285) cũng là một nơi “cung thất nhẵn không”, dù cho giặc có chiếm đóng hơn 3 tháng nhưng sau các trận Hàm Tử, Chương Dương thì với trận Trung Thành Vương đánh thọc sâu vào Phường Giang Khẩu (hàng Buồm địch Phải tháo chạy. Lần thứ 3 (tháng 2 năm 1288) sau 32 ngày chiếm đóng Thăng Long, giặc phải rút về Vạn Kiếp để lui về nước (nhưng số đã bị chìm sâu dưới lòng sông Bạch Đằng).
Qua ba lần thử lửa, Thăng Long vẫn đứng vững, xứng đáng là một đô thành anh hùng.
Thăng Long chống xâm lược Minh (1407 - 1427)
Nhà Trần sau một thời gian hưng thịnh, đã đi vào suy thoái, Hồ Quý Ly lập ra nhà Hồ (1400 - 1407), ông xây dựng một đô thành mới ở Thanh Hóa, gọi là Tây Đô. Thăng Long đổi ra Đông Đô. Nhưng chỉ 6 năm sau nhà Minh phái 80 vạn quân sang xâm lược Đại Việt. Cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo bị thất bại. Đông Đô bị đổi tên là Đông Quan, trở thành sào huyệt của địch. Chúng phá hoại các di sản văn hóa. Chuông Quy Điền của Chùa Một Cột, Tháp Chùa Báo Thiên bị phá để lấy đồng đúc súng đạn. Sách vở bị thiêu, bia đá bị đập.
Năm 1418, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ. Sau khi giải phóng phía Nam, năm 1426, nghĩa quân đánh ra Đông Quan. Sau khoảng 400 ngày đêm (22-11-1426 đến 3-1-1428) chiến dịch giải phóng Đông Quan đã thắng lợi, nhiều địa danh đi vào lịch sử; bản doanh Vua Lê ở Đông Phù Liệt, Bồ Đề, những trận đánh ở Cầu Nhân Mục, Mễ Trì... và hội thề ở phía Nam Thành Đông Quan, nơi quân Minh cam kết rút quân về nước. Ngày 3-1-1428, toán quân Minh cuối cùng rời khỏi Đông Quan.
Thăng Long thời Lê sơ (1428 - 1527)
Với thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn, triều Lê chính thức thành lập.
Tháng 4 năm 1428, Lê Lợi từ dinh Bồ Đề chuyển vào thành Đông Đô lên ngôi Hoàng đế. Năm 1430, Đông Đô đổi là Đông Kinh, năm 1466 gọi là Phủ Trung Đô. Thành cũ vẫn được dùng, có mở thêm về phía Đông. Theo bản đồ vẽ năm 1490 thì trong cùng là một tòa thành hình chữ nhật xây gạch, đó là Cấm thành. Cửa chính là Đoan Môn. Bên trong có các cung điện mà trang nghiêm nhất là Kính Thiên.
Bao bọc cấm thành là một tòa thành cũng bằng gạch, vì bản đồ vẽ theo lối ước lệ nên chỉ có thể đoán rằng: mặt phía Đông gần trùng với phố Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Da ngày nay. Mặt Bắc chạy theo sông Tô Trùng với đường Hoàng Hoa Thám. Mặt Tây là đường Bưởi. Mặt Nam dường như là một đoạn phố Cầu Giấy bẻ sang phố Kim Mã rồi Sơn Tây, Trần Phú tới Hàng Da. Có thể hiểu đây là Hoàng Thành. Khu dân cư được chia thành hai phường. Số người các nơi đổ về Đông Kinh làm ăn buôn bán ngày càng nhiều, bộ mặt phố phường đông vui lên.
Thăng Long thời Mạc - Lê Trung Hưng - Lê Mạt (1527 - 1789)
Chế độ quan chủ chuyên chế tới đây phát sinh hai loại mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa các phe phái cầm quyền và mâu thuẫn giữa Nhà nước chuyên chế và nhân dân. Vào thế kỷ XVI, hai loại mâu thuẫn đó làm sụp đổ triều Lê. Năm 1527, triều Mạc (1527 - 1592) lên thay. Huyện Vĩnh Xương đổi là Thọ Xương. Chính sách có nới rộng, trong thời gian đầu đã tạo được tình trạng xã hội ổn định. Công thương nghiệp năng động. Nhưng về cơ bản nhà Mạc không đề ra được những cải cách mới để mở đường cho sự phát triển vững vàng của xã hội. Trong lúc đó thế lực đối lập lại lấy danh nghĩa khôi phục vương triều Lê chính thống, đã nổi dậy ở nhiều nơi. Năm 1533, các lực lượng này tập hợp ở Thanh Hóa, dựng một triều Lê bù nhìn để chống lại triều Mạc. Từ năm 1554 quyền binh của ''Triều Lê Trung Hưng'' này nằm trong tay họ Trịnh. Đó là khởi đầu của chính quyền Vua Lê Chúa Trịnh kéo dài đến 1786.
Đông Kinh trở lại tên gọi Thăng Long. Để tăng cường hệ thống bảo vệ, năm 1588 nhà Mạc huy động dân đắp tòa lũy đất. Theo thực địa hiện nay tòa lũy này bắt đầu từ Nhật Tân chạy theo bờ Tây Hồ Tây, qua Bưởi, Cầu Giấy theo đường Giảng Võ - La Thành, qua Ô Chợ Dừa, Đê La Thành, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân tới đê Sông Hồng.
Năm 1592, sau khi đánh bại nhà Mạc, quân Trịnh phá hủy lũy này. Nhưng sang thế kỷ XVIII trước phong trào khởi nghĩa nông dân, nhà Trịnh lại cho đắp lại như cũ, vào năm 1740 gọi là thành Đại Độ.
Một nét mới trong kiến trúc Thăng Long là bên cạnh Hoàng Thành của Vua Lê, xuất hiện Phủ Chúa Trịnh, cơ quan đầu não đích thực của chính quyền trung ương lúc bấy giờ. Đó là một tòa thành hình chữ nhật mà hai cạnh dài có thể là các đoạn đầu phố Quang Trung và phố Bà Triệu, hai cạnh ngang là Phố Tràng Thi và Phố Trần Hưng Đạo. Hồ Gươm lúc này còn rộng, gồm hai phần là Tả Vọng (tức hồ hiện nay) và Hữu Vọng (chạy xuống tận đầu phố Lò Đúc). Hồ rộng đến mức có thể thao diễn thuỷ chiến nên còn gọi tên là hồ Thuỷ quân. Nhiều công trình được xây quanh hồ và trên hồ. Thăng Long với tư cách một đô thành bậc nhất đã phát triển về mọi mặt.
Dân các nơi đổ về đây. A.De Rhodes phỏng đoán dân số Thăng Long lúc đó lên đến 1 triệu người. W.Dampier ước tính có lẽ hợp lý hơn, khoảng 2 vạn nóc nhà.
Về phương diện kinh tế, Thăng Long là một phức hợp kinh tế gồm nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, trong đó hoạt động công thương nghiệp giữ vai trò chi phối. Tầng lớp thị dân ngày một gia tăng, có một số trở thành chủ xưởng, chủ hiệu giàu có, nhưng đông đảo vẫn là người sản xuất và buôn bán nhỏ.
Thăng Long còn là một trung tâm văn hóa lớn, rất đáng tự hào với những công trình văn hóa nghệ thuật, kiến trúc và danh sỹ.
Thăng Long thời Tây Sơn (1789 - 1802)
Mùa Hè năm 1786, quân Tây Sơn tiến ra Đàng Ngoài lật đổ chế độ chúa Trịnh. Ngày 21-7-1786 quân Tây Sơn đã làm chủ Thăng Long, nền thống trị của họ Trịnh tồn tại 241 năm (1545 - 1786) trong đó có 194 năm ở Thăng Long, đã bị lật nhào. Bằng chiến công này, phong trào Tây Sơn đã kiểm soát cả nước xóa bỏ tình trạng chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài kéo dài trên hai thế kỷ.
Nhưng Nguyễn Huệ, vị tướng chỉ huy quân Tây Sơn đã trao chính quyền lại cho Vua Lê. Để gắn bó, Vua Lê gả con gái cho Nguyễn Huệ. Ngày 4-8-1786 Thăng Long chứng kiến một đám cưới chưa từng có: Công chúa Bắc Hà lá ngọc cành vàng lấy một tướng Nam Hà cờ đào áo vải.
Sau đó, Nguyễn Huệ về Nam, Vua mới là Lê Chiêu Thống không điều hành được việc nước. Các cánh quân phiệt nổi lên tranh giành quyền binh. Tây Sơn phải hai lần ra Bắc dẹp loạn. Trong đó lần thứ hai Nguyễn Huệ đích thân chỉ huy. Trong một tháng lưu lại ở Thăng Long, ông đã thu nạp được nhiều sĩ phu tiến bộ và tổ chức lại bộ máy chính quyền. Nhưng cuối năm 1788, Thăng Long phải đương đầu với một cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của đế chế Mãn Thanh. Nguyên là Lê Chiêu Thống trốn khỏi Thăng Long đã cho người sang cầu cứu nhà Thanh. Nhà Thanh phái 29 vạn quân xâm lược Đại Việt, Quân Tây Sơn bỏ Thăng Long rút về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn chờ lệnh Nguyễn Huệ. Ngày 16-12-1788 quân Thanh vào Thăng Long kéo theo Vua Lê Chiêu Thống.
Tin về Phú Xuân, ngày 22-12-1788 Nguyễn Huệ lên ngôi Vua lấy hiệu Quang Trung rồi lập tức lên đường ra Bắc đuổi giặc. Ngày 15-1-1789 tập kết tại Tam Điệp. Đúng đêm Giao thừa Tết Kỷ Dậu (25-1-1789), quân Tây Sơn vượt Tam Điệp và cuộc tấn công bắt đầu. Sáng mùng 5 Tết (30-1-1789) cùng một lúc đánh Đồn Ngọc Hồi và Đồn Đống Đa. Trưa hôm đó đại thắng. Quân Thanh tháo chạy, tướng chỉ huy bỏ rơi cả ấn tín!
Quang Trung đóng đô ở Huế, Thăng Long là thủ phủ của Bắc Thành (Bắc Bộ ngày nay). Tuy vậy tòa thành vẫn được chính quyền Tây Sơn tu sửa. Những chính sách khuyến nông, phát triển công thương của Quang Trung đã tác động đến kinh tế vùng Thăng Long.
Lịch sử Tây Sơn ngắn ngủi nhưng đã để lại những dấu ấn đậm đà trong trang sử Thăng Long - Hà Nội.
THỜI KỲ HÀ NỘI
Thăng Long - Hà Nội thời Nguyễn
Năm 1802, Gia Long lên ngôi, đóng đô ở Phú Xuân, Thăng Long vẫn là thủ phủ của Bắc Thành (gồm 11 trấn). Năm 1805 có lệnh phá thành cũ, xây trên đó một toà thành mới mà nay còn có thể nhận diện: tường Bắc tương ứng phố Phan Đình Phùng, tường Tây là Đường Hùng Vương, tường Nam là phố Trần Phú và tường Đông là phố Phùng Hưng. Huyện Quảng Đức bị đổi gọi là huyện Vĩnh Thuận.
Năm 1831, Minh Mạng bỏ các trấn, chia cả nước làm 29 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội gồm thành Thăng Long cũ và một phần đất của hai trấn Sơn Tây, Sơn Nam. Thăng Long trở thành tỉnh lỵ Hà Nội và từ đó cũng được gọi là Hà Nội hoặc Hà Thành. Lúc này, hai huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận không còn gồm 36 phường mà bị chia ra thành nhiều phường nhỏ, thôn và trại. Đến giữa thế kỷ XIX, Thọ Xương có 116 phường thôn, trại. Vĩnh Thuận có 27 phường, thôn, trại.
So với trước, sự phát triển kinh tế của Hà Nội nửa đầu thế kỷ XIX không được đều: Các phường, thôn phía Tây và Nam có xu hướng nông thôn hóa, chuyên về nghề nông có kết hợp thủ công. Bộ mặt đô thị của Hà Nội dồn về khu phía Đông và Đông Nam, ở đây phố phường ngang dọc như bàn cờ, nhà cửa kề nhau. Khu Phủ Chúa Trịnh (bị Lê Chiêu Thống cho phá năm 1787) và vùng quanh Hồ Gươm nhanh chóng thành khu dân cư, buôn bán và thủ công.
Các công trình văn hóa và sinh hoạt văn hóa cũng có những biến đổi. Quốc Tử Giám dời vào Huế. Trường thi Hương đặt ở chỗ nay là phố Tràng Thi. Đặc biệt một số tư nhân đứng ra quyên góp xây dựng một số công trình như Nguyễn Văn Siêu với quần thể Đền Ngọc Sơn, Nguyễn Đăng Giai với Chùa Báo Ân 180 gian bên bờ Hồ Hoàn Kiếm. Nếp sống Hà Nội, nếp sống thanh lịch đã được khẳng định:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An…
Hà Nội chống Pháp xâm lược
Ngay khi Pháp chiếm ba tỉnh Đông Nam Kỳ, phần lớn thí sinh trường thi Hương Hà Nội khoa 1864 đã vứt bỏ lều chõng không chịu vào trường thi, xin được vào Nam giết giặc. Cho nên, tới cuối năm 1872 khi lái buôn J. Dupuis đến Hà Nội thăm dò gây rối thì y vấp phải sự đánh trả của người dân.
Đầu tháng 11 năm 1873, F. Garnier đem quân tới Hà Nội. Chỉ 15 ngày sau, sáng 20-11- 1873, y nổ súng. Do từ lâu triều đình chủ hòa nên thành trì không được phòng thủ thích đáng, Garnier đã chiếm được thành, tướng chỉ huy là Nguyễn Tri Phương đã hy sinh anh dũng. Nhưng nhân dân không chịu bó tay, đã tự động nổi dậy kháng Pháp, khép chặt vòng vây và ngày 21-12-1873, phối hợp với quân Cờ Đen, đã tiêu diệt Garnier ở Cầu Giấy.
Song triều đình Huế, trước sau chỉ lo việc cầu hòa, không nghĩ đến chuyện kháng Pháp. Họ nhường cho Pháp khu Đồn Thủy (khu vực Bảo tàng Lịch sử và Bệnh viện Việt - Xô hiện nay) làm nhượng địa (concession). Năm 1882, Henri Rivière được phái đến Hà Nội thay cho Garnier, Y gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu đòi nộp thành. Mặc dầu không được lệnh của triều đình Huế, Hoàng Diệu đã chống cự một cách quyết liệt và tuẫn tiết. Rivière chiếm thành ngày 20-4-1882. Nhưng nhân dân Hà Nội liên tục chiến đấu. Một lần nữa, phối hợp với quân Cờ Đen, quân dân Hà Nội đã tiêu diệt Rivière ở Cấu Giấy (19-5-1883). Trong tình hình ấy, nếu triều đình Huế cho quản tiếp viện thì có thể thừa thắng tiêu diệt hết tàn quân Pháp và giải phóng Hà Nội. Nhưng Tự Đức vẫn chỉ hy vọng lấy lại Hà Nội bằng con đường “hòa hiếu'' và ký hiệp ước bán nước nhục nhã năm 1884, công nhận sự đô hộ của người Pháp trên toàn cõi Việt Nam.
Nhân dân Hà Nội cũng như nhân dân toàn quốc không chịu khuất phục. Năm 1898 đã nổ ra một cuộc khởi nghĩa, đã dành chiếm được đồn lính Ngọc Hà. Năm 1907, một tổ chức yêu nước là Đông Kinh Nghĩa Thục do một nhóm sĩ phu lập ra với chủ trương chống Pháp bằng con đường giáo dục lòng yêu nước dưới hình thức một trường học kiểu mới, được nhân dân Hà Nội nhiệt liệt hưởng ứng. Phong trào Đông Kinh Nghĩa thục lan rộng ra nhiều nơi. Thực dân pháp rất sợ ảnh hưởng chính trị của Đông Kinh Nghĩa Thục nên tháng 12 năm 1907, chúng ra lệnh đóng cửa trường này.
Liền sau đó là vụ Hà Thành đầu độc (1908). Theo kế hoạch đã định thì người phụ trách nấu bếp bỏ thuốc độc vào thức ăn của binh lính Pháp. Khi chúng đã bị trúng độc sẽ bắn súng báo hiệu cho quân khởi nghĩa ở bên ngoài. Nhưng âm mưu bị lộ. Những người tham gia khởi nghĩa bị bắt, nhiều người bị xử chém.
Năm 1925, ở Hà Nội lại xảy ra một sự kiện chính trị làm náo động dư luận toàn quốc và gây nên một phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi suốt từ Bắc chí Nam. Đó là vụ thực dân xử án Phan Bội Châu. Trước làn sóng công phẫn của nhân dân, toàn quyền Varenne đã phải ký giấy trả tự do cho nhà yêu nước này.
Những sự kiện đó chứng tỏ rằng ngay từ những ngày đầu đặt ách đô hộ, thực dân Pháp đã vấp phải sức phản kháng mãnh liệt của nhân dân ta. Sự phản kháng đó mỗi ngày một tăng cho đến khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời thì làn sóng cách mạng dâng cao hơn nữa.
Phong trào cách mạng ở Hà Nội
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp bắt đầu mở mang việc khai thác ở Đông Dương và bộ mặt Hà Nội cũng có nhiều thay đổi. Giai cấp công nhân ở Hà Nội đã hình thành.
Năm 1919 đã có bãi công ở một số nhà in. Cho đến năm 1926 tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Đông Dương ra đời: Đó là Việt Nam Thanh niên cách mạng Đồng chí Hội. Phong trào đấu tranh mỗi ngày một dâng cao, dẫn đến việc thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hà Nội (tháng 3 năm 1929) tại số nhà 5D phố Hàm Long.
Từ tháng 6 năm 1929 cho đến giữa năm 1930 cả một cao trào cách mạng dâng lên ở Thủ đô với một khí thế vô cùng mạnh mẽ phối hợp với phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Trong thời kỳ này, Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học cũng hoạt động ở Hà Nội và gây cơ sở trong số các công chức, giáo dục. Nhưng sau vụ bạo động Yên Bái (1930) thất bại, hoạt động của họ tắt hẳn.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Thủ đô dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Đông Dương có khi lên khi xuống, nhưng không bao giờ tắt, mặc dù địch ra sức khủng bố giết hại hàng trăm chiến sĩ, tù đày hàng nghìn người. Các tầng lớp nhân dân đều khao khát cách mạng. Năm 1936 ở bên Pháp, Chính phủ Mặt trận Bình dân lên cầm quyền. Trong tình thế đó, Đảng đã phát động một phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, chống bọn phản động thuộc địa. Sau thời gian 1931 - 1935 hoạt động bí mật, nhiều cơ sở bị vỡ, đây là một thời cơ thuận lợi để Đảng đứng ra tập hợp và đưa quần chúng lên đường đấu tranh.
Nhiều báo chí công khai của Đảng xuất hiện. Nhiều hội ái hữu bao gồm các nghề nghiệp khác nhau ra đời. Ngày 1-5-1938, một cuộc mít tinh khổng lồ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động đã diễn ra ở Hà Nội tại khu Nhà Đấu xảo (nay là Cung văn hóa Hữu nghị). Đó là một cuộc mít tinh lớn nhất từ khi Pháp cai trị nước ta.
Nhìn chung, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân Hà Nội trong những năm 1936 – 1939 đã phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy và thu được nhiều kết quả to lớn. Đó là một thời kỳ tập dượt và chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa năm 1945 sau này.
Tổng khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám năm 1945
Tháng 9 năm 1940, quân đội phát xít Nhật kéo vào Hà Nội. Nhân dân Hà Nội bắt đầu một giai đoạn lịch sử mới: sống và đấu tranh dưới ách thống trị của cả thực dân Pháp lẫn phát xít Nhật. Chúng vét thóc và bắt dân trồng đay, chúng đặt ra nhiều thứ thuế mới, dẫn đến nạn đói năm 1945 chết đến 2 triệu người.
Nhưng các tổ chức cách mạng dần dần phục hồi, các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh được tổ chức khắp thành phố.
Các cuộc bãi công của công nhân, những vụ nhân dân phá kho thóc đã nổ ra liên tiếp. Tự vệ chiến đấu được thành lập. Các cuộc diễn thuyết xung phong. Những vụ trừng trị việt gian của Đội danh dự đã gây chấn động trong thành phố.
Ngày 9-3-1945, Nhật hất cẳng Pháp ở Hà Nội. Phong trào cách mạng ngày càng sôi sục. Sau ngày 15-8-1945, Phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh nhưng xe tăng, thiết giáp của chúng đi tuần suốt ngày đêm để đề phòng cách mạng nổ ra.
Trước tình hình đó, một vấn đề được đặt ra: Đối phó với giặc Nhật như thế nào? Khởi nghĩa ngay hay đợi giải phóng quân ở chiến khu về ? Nếu do dự một chút, khởi nghĩa có thể bị khó khăn. Căn cứ vào đường lối của Trung ương Đảng, Thành ủy Hà Nội đã quyết định thành lập ủy ban khởi nghĩa. Trong khoảng hai ngày 17 và 18 tháng tám, hầu hết các cơ sở chính quyền bù nhìn thân Nhật xung quanh Hà Nội bị tê tiệt. Ngày 19 tháng Tám, Uỷ ban khởi nghĩa đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Nhà hát Lớn; sau đó, mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy kéo dài đến chiếm phủ Khâm sai, trại Bảo an binh, Sở mật thám... Chính quyền đã về với nhân dân.
Sau Hà Nội, nhiều thành phố khác đã lần lượt nổi dậy và chỉ trong vòng 20 ngày, chế độ cũ đã bị lật đổ, cách mạng giành chính quyền trong cả nước. Ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố trước thế giới sự ra đời của nước Việt Nam độc lập. Một trang sử mới đã mở ra.
Nhưng cách mạng vừa thành công thì những khó khăn lớn lao tưởng chừng không sao vượt nổi lại đến với Hà Nội.
Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 5 năm 1946, 20 vạn quân Tưởng với danh nghĩa sang tước khí giới quân Nhật và bọn tay sai Quốc dân đảng điên cuồng tấn công vào Chính quyền mới. Sau tháng 3 năm 1946, quân Pháp vào thay quân Tưởng luôn luôn tìm cách gây hấn. Bọn phản động trong nước càng tăng cường phá hoại. Thật là một giai đoạn căng thẳng, nhưng nhân dân Thủ đô đã rất bình tĩnh, không dao động, luôn luôn đoàn kết thành một khối xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Họ đã tỏ rõ tinh thần yêu nước của mình bằng những cuộc quyên góp vào quỹ Độc lập (tuần lễ vàng), quỹ Phòng thủ Nam bộ, quỹ Kháng chiến và đã gửi những con em của mình vào đội quân Nam tiến.
Nhưng quân Pháp đã gây chiến ngay ở Hà Nội đêm 19-1 2-1946. Cuộc toàn quốc kháng chiến đã bùng nổ.
Cuộc chiến đấu trong lòng địch
Với một lực lượng mạnh hơn ta gấp bội: 6.500 quân, hơn 40 xe tăng, hàng trăm xe thiết giáp và máy bay, Pháp tin rằng có thể tiêu diệt được quân ta trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nhưng cuộc chiến đấu ở Liên khu I đã kéo đài hai tháng liền, mặc dầu địch dùng trọng pháo nã suốt ngày đêm, tàu bay trút hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố do quân ta đóng giữ.
Có thể nói các chiến sĩ và nhân dân Hà Nội đã chiến đấu rất gan dạ, mưu trí, sáng tạo, khiến cho kẻ địch phải kinh hoàng. Người Hà Nội xứng đáng với truyền thống của cha ông, viết nên những trang sử oanh liệt mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc, xứng đáng với lời khen của Bác: “Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Đến đêm 17-2- 1947, theo lệnh của Bộ Tổng chỉ huy, trung đoàn Thủ đô đã mở đường rút ra ngoài để bảo toàn lực lượng. Như thế là họ đã hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch trong hai tháng tại nội thành.
Sau khi Trung đoàn Thủ đô rút, chủ trương của ủy ban kháng chiến Hà Nội là làm thất bại kế hoạch phòng thủ Hà Nội của địch, phát động chiến tranh du kích, tiếp tục tiêu hao lực lượng địch, đồng thời nắm dân, phá mọi âm mưu lừa phỉnh và vơ vét bóc lột của địch.
Phong trào du kích chiến tranh đã lớn lên ở ngoại thành từ năm 1947, sang năm 1948 lại càng phát triển mạnh và phối hợp chặt chẽ với quân chính quy, tấn công vào nhiều vị trí. Đầu năm 1950, đã đột nhập vào Sân bay Bạch Mai thiêu hủy 25 máy bay địch, đốt 60 vạn lít xăng làm cho bọn địch rất hoang mang.
Ở nội thành, cơ sở cách mạng phát triển mạnh ở các xí nghiệp, khu phố, trường học. Đáng chú ý nhất là cuộc bãi khóa của toàn thể học sinh Hà Nội trong một tuần lễ (13-1 đến 20-1-1950) để phản đối thực dân Pháp và bù nhìn tàn sát học sinh Trần Văn Ơn ở Sài Gòn.
Hà Nội giải phóng
Theo hiệp định Gienève 1954, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của địch: Lợi dụng thời gian đó có chính quyền và quân đội trong tay, chúng ra sức dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta đi Nam và di chuyển máy móc vật liệu xuống Hải Phòng để đưa vào Nam. Âm mưu của chúng là làm cho Hà Nội khi quân ta trở về sẽ là trống rỗng, không có điện nước, mọi công việc bị đình trệ.
Nhưng chúng đã thất bại, mặc dù chúng vừa mua chuộc vừa đe dọa, nhân dân Hà Nội đều hành động theo lời kêu gọi của Chính phủ: Kiên quyết giữ máy móc cho đến cùng, không để cho chúng di chuyển vào Nam. Chính vì vậy mà ta đã giữ nguyên vẹn được nhà máy điện, nhà máy nước, tất cả các đầu tầu và toa xe ở sở Hỏa xa, đảm bảo cho thành phố có điện, có nước, có xe hỏa chạy ngay sau khi ta và tiếp quản.
Ngày 10-10-1954 bộ đội và cán bộ ta vào tiếp quản Thủ đô, mở ra một thời kỳ lịch sử mới. Trước giải phóng, thực dân Pháp chỉ xây dựng ở đây một nhà máy điện nhỏ, một nhà máy sửa chữa ô tô, làm phụ tùng xe đạp, nhà in, thuộc da, tuyệt nhiên không có một xí nghiệp chế tạo cơ khí nào hoặc xí nghiệp tiêu dùng loại lớn. Giá trị sản lượng công nghiệp không đáng kể.
Mười năm (1954-1964) Hà Nội cải tạo và xây dựng với một tinh thần tự lực cánh sinh, một thái độ lao động sáng tạo đã trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng, trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước. Đã có được những cơ sở đầu tiên của một nền công nghiệp hiện đại ở Thủ đô với trên hai trăm xí nghiệp lớn nhỏ. Nhưng đế quốc Mỹ, kẻ thay chân Pháp ở miền Nam không chịu từ bỏ dã tâm xâm lược của chúng.
Hà Nội trong thời chống Mỹ cứu nước
Để cứu vãn thất bại của chúng ở miền Nam Việt Nam, từ năm 1965, đế quốc Mỹ đã dùng không quân và hải quân tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Trong thời kỳ đầu, chúng tập trung đánh vào các tỉnh thuộc khu IV cũ với hy vọng cô lập cách mạng miền Nam. Nhưng âm mưu đó đã thất bại.
Từ giữa năm 1966, Mỹ đã thật sự đánh vào Hà Nội mở đầu một giai đoạn ''leo thang'' nghiêm trọng trong cuộc chiến tranh phá hoại đối với Việt Nam. Nhưng trong suốt thời gian 1966 - 1972, Hà Nội đã đập tan mọi bước leo thang chiến tranh: bắn rơi 358 máy bay Mỹ, trong đó có 23 máy bay B52. Riêng đợt 12 ngày đêm từ 18 đến 29-12-1972 Hà Nội lập công trong trận ''Điện Biên Phủ trên không'', bắn rơi 23 máy bay B52, 2 máy bay F111, 5 máy bay các loại khác.
Hơn bảy năm chống chiến tranh phá hoại, quân và dân Hà Nội đã đánh địch rất quyết liệt để bảo vệ Thủ đô, trái tim của cả nước, bảo vệ những thành quả xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ những công trình văn hóa từ nghìn xưa để lại, phát huy truyền thống kiên cường bất khuất.
Việc sơ tán cơ quan, xí nghiệp, người già trẻ em ra ngoài thành phố là một kỳ công. Trong bảy năm chiến tranh, nhiều xí nghiệp được xây dựng mới. Trên mặt trận sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, công nhân và nông dân vẫn tiếp tục bám máy, bám ruộng đồng, cải tiến kỹ thuật, tăng thêm của cải cho xã hội, Giao thông vận tải vẫn thông suốt, trật tự trị an được giữ vững.
Các ngành thương nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa... vẫn tiếp tục phát triển trong những điều kiện mới rất khó khăn đã giữ vững đời sống vật chất, bảo đảm sức khỏe và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô.
Chính do những thành tựu trên mà Hà Nội đã cùng cả nước đủ sức chi viện cho miền Nam, dẫn đến thắng lợi 30-4-1975 lịch sử.
Hà Nội trong thời kỳ thống nhất đất nước
Năm 1975, một cái mốc trọng đại trên tiến trình lịch sử Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Cuộc tổng tuyển cử bầu. Quốc hội khóa VI (25-4-1976) đã hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Hà Nội được chọn làm Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vượt qua những khó khăn do hậu quả của chiến tranh, Hà Nội phát huy những thuận lợi cơ bản: sự nhất trí về chính trị, sự thống nhất hai miền, tinh thần và khí thế của nhân dân, tiềm lực kinh tế và lực lượng lao động chân tay và tri thức tương đối dồi dào, sự giúp đỡ và hợp tác kinh tế... để khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, vào đầu năm 1986, lạm phát tăng dữ dội (tính cả nước là 313 năm 1981 đến đầu năm 1986 là 774,7%. Như vậy là kinh tế lâm vào khủng hoảng và ảnh hưởng mạnh tới Thủ đô.
Câu hỏi đặt ra cho toàn Đảng là, tại sao sản xuất vẫn phát triển mà nền kinh tế lại bị khủng hoảng. Các Hội nghị của Trung ương khóa V (từ Hội nghị 3 đến Hội nghị 10) đã lần lượt bàn bạc thấu đáo, tìm ra khuyết điểm và chỉ ra phương hướng giải quyết: phải đổi mới, trước là đổi mới kinh tế, sau là đổi mới chính trị và chính sách xã hội.
Phương hướng này được Đại hội lần thứ VI (12-1986) nhất trí tán thành và từ đó cả nước bước vào một thời kỳ mới đầy thử thách nhưng nhiều vận hội mới.
Hà Nội trong thời kỳ đổi mới (1986 đến nay)
Những chủ trương chính sách thoáng, cởi mở đã giúp cho nền kinh tế Hà Nội dần phát triển. Thực ra có một thời gian tới vài ba năm, sau khi chuyển đổi cơ chế, Hà Nội trăn trở tìm hướng đi. Những năm 1989 - 1990 là thời kỳ khó khăn của kinh tế Hà Nội. Đầu năm 1991, Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI (năm 1991) xác định cơ cấu kinh tế Hà Nội là công nghiệp - thương mại, du lịch, dịch vụ - nông nghiệp. Theo phương hướng đó, từ năm 1992, nền kinh tế thành phố đã ngăn chặn được sự suy thoái, tiến trên đà ổn định và phát triển tương đối toàn diện. Năm 2000, Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIII vẫn xác định cơ cấu kinh tế như vậy, chỉ nhấn mạnh thêm là phát triển mạnh lực lượng sản xuất kết hợp chặt chẽ với xây dựng quan hệ sản xuất định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững để rồi từ đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo.
Thực ra, cuối năm 1988, khi bắt đầu chuyển đổi cơ chế, hầu hết các cơ sở sản xuất công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 1991 mới bắt đầu hồi phục nhờ sự chuyển biến nhanh chóng của một số đơn vị trong việc đổi mới thiết bị máy móc, chuyển hướng sản xuất nhiều sản phẩm mới, chất lượng cao. Vì vậy, năm 1992, sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng trưởng, chặn đứng sự sút giảm của mấy năm trước, tới giai đoạn 1996-2000, thành phố tập trung nguồn lực phát triển kinh tế Nhà nước trong những ngành, những lĩnh vực trọng yếu như kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, những cơ sở sản xuất và thương mại, dịch vụ then chốt. Đồng thời phát triển mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là một chủ trương mới, nhằm huy động vốn của toàn xã hội, để đầu tư đổi mới công nghệ, tạo thêm việc làm, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy quản lý, tạo ra động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, từng bước cải thiện đời sống và nâng dần vị trí làm chủ thực sự của người lao động.
Năm 1996, Hà Nội mới có một doanh nghiệp nhà nước chuyển thành công ty cổ phần. Từ năm 1998 đến tháng 3-2004, thành phố đã hoàn thành cổ phần hóa 111 doanh nghiệp (trong đó cổ phần hóa bộ phận 20 doanh nghiệp, cổ phần hóa toàn bộ 91 doanh nghiệp) và thành lập 114 công ty cổ phần. Các mục tiêu của cổ phần hóa bước đầu đạt kết quả tốt. Hầu hết các doanh nghiệp đều có mức doanh thu lợi nhuận và nộp ngân sách cao hơn khi còn là doanh nghiệp nhà nước (tăng khoảng 15 - 20%).
Về lĩnh vực kinh tế tập thể:
Tính đến ngày 31-12-2003, toàn thành phố có 768 hợp tác xã các loại (185 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành lập mới), trong đó hợp tác xã nông nghiệp chiếm 47%, hợp tác xã công nghiệp tiểu thủ công nghiệp chiến 33%, các loại hình hợp tác xã khác chiếm khoảng 20%.
Nhìn chung, kinh tế tập thể với hình thức chủ yếu là hợp tác xã vẫn giữ được vị trí nhất định trong quá trình phát triển kinh tế của thủ đô. Nhiều hợp tác xã sau chuyển đổi đã thích ứng với cơ chế mới, cán bộ quản lý thay đổi cách nghĩ cách làm, mạnh dạn đổi mới trang thiết bị, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, phù hợp nên bước đầu có sự đổi mới và phát triển. Nhiều hợp tác xã thành lập theo Luật hợp tác xã đã trụ vững trong nền kinh tế thị trường và từng bước phát triển. Đa số hợp tác xã nông nghiệp hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đầu vào cho các hộ nông dân, tuy việc thực hiện dịch vụ đầu ra còn nhiều khó khăn.
Khu vực kinh tế tư nhân:
Khu vực kinh tế tư nhân ở Hà Nội, cũng như ở Việt Nam, được chính thức công nhận tồn tại từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) và phát triển mạnh từ khi Nhà nước ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty (1990).
Tính đến năm 2001, số doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội là 10.040, gồm 7866 Công ty trách nhiệm hữu hạn, 792 công ty cổ phần, 1382 doanh nghiệp tư nhân, 22 công ty một thành viên, vốn đăng ký là 9128 tỷ đồng, thu hút 138.000 lao động.
Kinh tế tư nhân (bao gồm cả hộ cá thể) đã có đóng góp vào phát triển kinh tế thủ đô, GDP hàng năm của khu vực này luôn chiếm tỷ trọng 21-22% GDP thành phố.
Xây dựng và quản lý đô thị:
Đã cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng nhiều công trình mới làm cho diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang. Các cửa ngõ ra vào thành phố được mở rộng; nhiều tuyến đường mới như Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt, Trần Khát Chân đã mang dáng dấp của tuyến phố hiện đại; nhiều con đường mới: Bắc Thăng Long - Nội Bài, Láng - Hòa Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ... được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc Giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt phát triển nhanh. Xây dựng nhà ở được đẩy mạnh. Vào những năm 1991 - 1993 chỉ xây dựng được 52 vạn m2 nhà, thì trong 5 năm 1996 - 2000 tăng lên 1,5 triệu m2, năm 2003 xây được gần 1,2 triệu m2. Một số khu đô thị mới đồng bộ hiện đại như: Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa - Nhân Chính, Trung Yên, Mỹ Đình... đã hình thành. Những vấn đề bức xúc về nước sạch, điện chiếu sáng, úng ngập, vệ sinh môi trường... từng bước được giải quyết.
Văn hóa - xã hội:
Công tác giáo dục, đào tạo không ngừng được mở rộng và nâng cao chất lượng. Năm 1999 thành phố đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở (sớm hơn so với kế hoạch một năm và sớm hơn so với cả nước 10 năm). Mạng lưới y tế được kiện toàn, bảo đảm 100% trạm y tế xã, phường có bác sĩ. Các chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, giáo dục, chăm sóc trẻ em được triển khai tích cực. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được giảm mạnh.
Việc xây dựng môi trường văn hóa, môi trường xã hội, xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch có chuyển biến tích cực. Các cuộc vận động ''Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, phong trào ''Người tốt việc tốt''. . . được duy trì và có tác dụng tốt. Hàng chục vạn người được giải quyết việc làm. Đến nay, tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm còn 6 ,8%, số hộ nghèo còn hơn 1%. Phong trào làm việc thiện, chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ đồng bào các vùng bị thiên tai... trở thành nét đẹp trong đời sống của người Hà Nội.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn luôn được giữ vững, xứng đáng là chỗ dựa chính trị tin cậy của cả nước. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng. Hà Nội có quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 600 thủ đô và thành phố lớn trên thế giới.
Hà Nội những năm tháng cuối thế kỷ XX
Cho tới năm cuối cùng của thế kỷ XX, Hà Nội đã có một diện mạo mới: Thành phố không chỉ còn giới hạn ở hai bên bờ sông Hồng, thủ đô chúng ta đã mở rộng ra cả bốn phía với diện tích lên tới 927,39 km2.
Hiện nay, Hà Nội tiếp giáp với 5 tỉnh: Thái Nguyên ở phía Bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía Đông, Vĩnh Phúc ở phía Tây, Hà Tây và Hà Nam ở phía Nam. Khoảng cách dài nhất từ phía Bắc xuống phía Nam thành phố trên 50km, chỗ rộng nhất từ Tây sang Đông gần 30km.
Về mặt hành chính, Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương và gồm 9 quận nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai và Long Biên. Ngoại thành có 5 huyện là: Sóc Sơn , Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì và Từ Liêm.
Số dân của Hà Nội tính đến đầu năm 1998 là 2.490.000 người, trong đó nội thành là 1.312.700 người và ngoại thành là 1.173.300 người.
Trong thời gian những năm cuối thế kỷ XX có những sự kiện rất đặc biệt đối với Hà Nội. Đó là Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu “Thủ đô anh hùng”, được Bộ Chính trị ra Nghị quyết về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong thời kỳ 2001 - 2010 và được Thường vụ Quốc hội ban hành “Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội”.
Bấy nhiêu sự kiện càng động viên khích lệ toàn thể nhân dân thành phố dưới sự lãnh đạo của Thành ủy và ủy ban Nhân dân thành phố, phấn đấu hăng say hơn nữa để Hà Nội xứng đáng là trái tim của cả nước, đầu não chính trị hành chính Quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch Quốc tế.
NGUYỄN VINH PHÚC