Tài liệu: Trương Kế

Tài liệu
Trương Kế

Nội dung

TRƯƠNG KẾ

 

            Vào khoảng trước sau năm 756, tự là Ý Tôn, người Tương Dương, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, sống vào khoảng trước sau năm đầu niên hiệu Chí Đứ, đời Đường Đúc Tông. Đậu tiến sỹ và ra làm quan tới chức Kiêm hiệu viên ngoại lang.

            Trương Kế có để lại một tập thơ, nổi tiếng nhất là bài Phong Kiều dạ bạc.

            1. PHONG KIỀU DẠ BẠC

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

            Dịch nghĩa:

            ĐÊM ĐỖ THUYỀN Ở PHONG KIỀU

Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời,

(Khách) năm ngủ trước cảnh buồn của đèn chài và lùm phong bên sông.

Tiếng chuông Chùa Hàn Sơn, ở ngoài thành Cô Tô,

Lúc nửa đêm văng vẳng vọng đến thuyền khách.

TẢN ĐÀ

            Phong kiều: Ở Ngô Huyện, tỉnh Giang Tô.

            Cô Tô: ở Tô Châu, vì có núi Cô Tô nên thành ở đây cũng gọi là Cô Tô.

            Hàn San: tại Ngô Huyện (Tô Châu) cách Phong Kiều 10 dặm về phía Tây.

***

            Dạ bán chung thanh: tiếng chuông nửa đêm.

            Người ta cho rằng nửa đêm không làm gì có tiếng chuông chùa nên mới có giai thoại sau đây:

            Trương Kế, một đêm đậu thuyền ở Bến Phong Kiều, thấy cảnh trăng tà xúc cảm ngâm:

Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,

Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.

Ngâm song, Trương Kế không tìm được tứ nữa nên trằn trọc không ngủ được.

Cũng buổi tối hôm đó, ngoài thành Cô Tô, sư cụ chùa Hàn Sơn cũng xúc cảnh trăng non, ngâm rằng:

Sơ tam, sơ tứ Nguyệt mông lung,

Bán tự ngân câu, bán tự cung.

(Đêm nay đầu tháng Trăng mờ,

Nửa như móc bạc, nửa ngờ vành cung).

Nhưng sư cụ cũng hết tứ và cũng cứ trằn trọc không sao ngủ được.

Chú tiểu hầu bên thấy vậy mới hỏi sư cụ sao đêm nay thấy cứ trằn trọc mãi không ngủ?

Sư cụ kể lại nỗi khổ tâm của mình và chú tiểu xin được nối tiếp để hoàn thành bài thơ.

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,

Bán trầm thủy để, bán phù không.

(Hồ xanh ai xẻ đôi vừng,

Nửa chìm đáy nước, nửa lồng chân mây).

Sư cụ nghe xong, khen hay và bảo chú tiểu lên đánh chuông tạ ơn Phật.

Thành Cô Tô đêm ấy bỗng nghe thấy hồi chuông nửa đêm

Cùng lúc đó, trong thuyền ở bến Phong Kiều, tiếng chuông cũng vọng đến, Trương Kế liền thúc bài thơ của mình:

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Giai thoại là như vậy. Nhưng đâu có thể tin được người sau đã đặt để ra.

Sự thực thì nguyệt lạc (trăng lặn) đã là cảnh lúc về sáng rồi. Tác giả đi nằm lúc nửa đêm song cứ mơ màng, đến khi chợt tỉnh và bị ảo tưởng thời gian nên cho là mới có nửa đêm. Thực ra thì Trăng lặn là lúc trời đã về sáng rồi.

Âu Dương Tu có viết rằng: “Nhà thơ vì mê câu văn hay đã làm cho ý văn không được thông; đó là ngữ bịnh vậy”.

Nhưng chúng ta cũng không nên bới lông tìm vết làm gì.

Bài thơ đã được Khang Hữu Vi đời Thanh viết ra, chữ to ba bốn tấc, khắc ở trên bia đựng trong Chùa Hàn Sơn.

2. VỌNG PHU THẠCH

Vọng phu xứ, giang du du

Hóa vi thạch, bất hồi đầu

Sơn đầu nhật nhật phong phục vũ

Hành nhân quy lai thạch ưng ngữ.

Dịch nghĩa:

ĐÁ TRÔNG CHỒNG

Nơi trông chồng, sông chảy cuồn cuộn,

Hóa ra đá, không ngoái đầu.

Đầu núi ngày ngày gió hết lại mưa

Người đi trở về chắc đá phải nói.

            Dịch thơ:

Nơi trông chồng, sông dạt dào

Hóa ra đá, không ngoái đầu

Đầu núi ngày ngày gió lại mưa

Người đi trở về, đá phải thưa.

NGUYỄN THẾ NỮU




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1057-02-633389295112534528/Tho-Duong-dinh-cao-cua-ngon-ngu-van-minh-...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận