Tài liệu: Tokyo thủ đô của đất nước phù tang

Tài liệu
Tokyo thủ đô của đất nước phù tang

Nội dung

TOKYO THỦ ĐÔ CỦA ĐẤT NƯỚC PHÙ TANG

 

Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, có diện tích 2.162km2. Mặc dầu chỉ chiếm 0.5% đất đai toàn quốc, nhưng Tokyo tập trung tới 10% dân số cả nước - hơn 13 triệu người. Sau Mexico City và New York, Tokyo đang là thành phố lớn thứ ba trên thế giới. Tokyo cũng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Nhật Bản. Đồng thời là đầu mối giao thông lớn nhất toàn quốc. Từ Tokyo có thể giao lưu bằng mọi phương tiện với các quốc gia khác. Cửa ngõ của Tokyo trước đây là sân bay Quốc tế Haneda (Hanêđa), nằm ở phía Đông Nam Thủ đô. Do sự phát triển của Tokyo, từ giữa những năm 80, bắt đầu đưa vào sử dụng sân bay Quốc tế lớn hơn là Narita ở về phía Đông Bắc Tokyo, trên đất tỉnh Chiba, cách ga Tokyo 90 phút xe buýt hoặc 60 phút tàu điện tốc hành.

Tokyo trước đây chính là Edo (Êđô). Mãi đến đầu thế kỷ XV, Edo vẫn còn là một làng nhỏ ven biển. Vào năm 1457, một võ sĩ tên là Ota Dokan (Ôta Đôcăng) đứng ra xây dựng ở đây một khu thành. Rồi các phố được lập ra xung quanh, sau đó đã trở thành những phố đầu tiên của Edo sau này, mà người Nhật gọi là Shlta Machi (Hạ phố). Năm 1590, do nắm được toàn bộ vùng đồng bằng xung quanh Edo, Tokugawa Yeyasu (Tốcưgawa Ieiasư) đã trở thành người chủ của khu thành này. Tiếp đó, sau trận đại thắng các thế lực đối lập ở Sekigahara (Sêkigahara) năm 1600, Tokugawa thâu tóm toàn bộ quyền lực về trong tay mình và thiết lập chính phủ trên phạm vi toàn quốc ở Edo vào năm 1603. Từ đó, Edo trở thành đô thị trung tâm của cả nước. Do nhà Vua lúc này vẫn đóng đại bản doanh ở Kyoto (Kiotô) nên về danh nghĩa, Kyoto vẫn còn là thủ đô chính thức của Nhật Bản. Nhưng trên thực tế, vì đã trở thành trung tâm chính trị, nên Edo phát triển một cách nhanh chóng. Vào giữa thế kỷ XVIII, dân số Edo đã lên tới trên dưới 1 triệu người, có thể sánh vai với London đương thời. Sau Minh Trị Duy Tân, từ tháng 9 năm 1868, Edo được đổi tên thành Tokyo, nghĩa là Kinh đô ở phía Đông, đối lại với kinh đô cũ là Kyoto ở phía Tây. Mùa Xuân năm sau, Thiên Hoàng dời về Tokyo, nơi có thành Edo cũ.

Sau gần 130 năm, số dân và diện tích của Tokyo đã không ngừng tăng lên. Tokyo lúc đầu, nằm trong vùng của tuyến tàu điện Yamanote (Iamanôtê), tuyến giao thông huyết mạch của thủ đô, xây dựng theo hình tròn khép kín với 29 ga, tàu chạy trong 58 phút mỗi vòng. Sau đó, Tokyo mở rộng dần về phía Bắc và phía Tây, gấp 4 - 5 lần, gồm 23 quận (khu trung tâm cũ), 26 thị (huyện trực thuộc), 7 phố và 8 làng như hiện nay.

Khí hậu của Tokyo khá lý tưởng. Lượng mưa trung bình hàng năm 1460mm, tập trung nhiều vào tháng 6, 9 và 10. Nhiệt độ trung bình 15,30C, lạnh nhất vào các tháng 12, 1, 2 và 3 (dưới 100C), nóng nhất vào các tháng 7, 8 và 9 (trên 200C). Mặc dầu mỗi năm có hàng chục cơn bão tràn qua Nhật Bản, nhưng Tokyo hầu như không có bão. Mùa Đông nhiều năm cũng không có tuyết rơi.

Hơn 100 năm, Tokyo đã hai lần bị tàn phá ghê gớm. Lần thứ nhất vào ngày 1-9-1923[1], khi trận động đất dữ dội xảy ra làm cho 250 ngàn người chết, bị thương và mất tích, khoảng 700 ngàn ngôi nhà bị cháy hoặc phá hủy hoàn toàn. Lần thứ hai là những trận mưa bom trong chiến tranh thế giới thứ hai. Chỉ riêng đêm 10-3-1945, hơn 10 ngàn ha vùng trung tâm bị san bằng, hơn 8 vạn người chết và bị thương. Nhưng sau cả hai lần, Tokyo đều được nhanh chóng sửa sang lại trong vòng có vài năm. Cũng chính vì sửa sang một cách vội vàng như vậy, nên Tokyo nhìn có vẻ lộn xộn, không có nhiều những đường phố được quy hoạch hoàn chỉnh và đẹp đẽ. Những đường dây điện cao thế vẫn chằng chịt chạy đi khắp nơi. Mặc dầu vậy, Tokyo luôn luôn nhộn nhịp và đầy sức sống. Hơn nữa, sự phồn vinh được biểu hiện ở chỗ hàng hóa đầy ắp ở mọi nơi, với nhưng kiểu dáng và chất lượng tuyệt vời. Về đêm, Tokyo càng trở nên lộng lẫy bởi muôn vàn ánh sáng đèn màu của các bảng quảng cáo điện tử.

Ngoài một số đại lộ, tất cả đường phố ở Tokyo đều không có tên. Người ta chỉ đặt tên Quận và Phường. Trong Phường chia thành các lô nhỏ theo số thứ tự. Người nước ngoài nếu không quen thì việc tìm địa chỉ ở Tokyo thật là khó. Ngoại trừ sân bay và một số ga chính, mọi quảng cáo và chỉ dẫn toàn bằng tiếng Nhật. Nhưng thật ra, hệ thống chỉ dẫn của Tokyo rất chu đáo. Trước mỗi cửa ga đều có bản đồ khu vực. Các đường phố có dựng sơ đồ chi tiết từng hộ gia đình. Và tất cả trên cột điện cao thế đều ghi số khu vực cư dân theo địa chỉ bưu điện. Ở các công trình công cộng, khi xây dựng người ta đã tính toán đến sự thuận lợi cho cả những người tàn tật.

Giao thông là vấn đề nan giải nhất của Tokyo. Đặc biệt trong tình trạng số dân cư tiếp tục tăng vọt ở 4 tỉnh giáp giới Tokyo là Saitama, Chiba, Kanagawa và Yamanashi trong những năm gần đây. Tuy nhiên, điều này đã được giải quyết một cách căn bản và khá tốt. Hệ thống tàu điện nổi trông giống như hình bàn tay. Tuyến Yamanote được coi là vòng tròn của lòng bàn tay và 14 tuyến khác thư các ngón tay tỏa về phía Tây và phía Bắc 10 tuyến tàu điện ngầm kết hợp với hệ thống tàu nổi đi qua hầu hết các phố. Người Tokyo đi làm và đi học phần lớn bằng phương tiện này. Vào giờ cao điểm buổi sáng, ở các tuyến đường chính, cách 1 phút lại có chuyến tàu 10 toa rời ga. Chỉ tính riêng ở ga Shinjuku (Shinhzuckư) và Ikebukuro (Ikêbưkưrô), trung bình mỗi ngày có trên 1,5 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện này.

Đường cao tốc nối với các địa phương thực tế là những chiếc cầu dài chạy dọc theo đường phố hoặc lợi dụng không gian của các kênh tiêu. Xe buýt mặc dù dừng lại ở hàng chục bến vẫn luôn luôn đúng giờ. Hệ thống đèn tín hiệu được điều khiển hoàn toàn tự động bởi một trung tâm máy tính điện tử ở Tokyo; nó đã giải quyết được căn bản tình trạng ách tắc giao thông, ngoại trừ giờ cao điểm, việc đi lại bằng taxi và xe riêng có chậm hơn.

Do chật chội nên đất tự nhiên ở 23 quận nội thành hầu như không có. Tổng diện tích công viên ở khu vực này là 1540 ha (trung bình 1,9m2 cây xanh cho mỗi đầu người, bằng 1110 New York). Vì thế, ở đây chủ yếu là trụ sở các cơ quan Nhà nước và công ty, trường học và các cửa hàng buôn bán vào ban ngày. Đêm đến họ trở về nhà ở ngoại ô hoặc phía Tây Tokyo. Hai khu vực có cây xanh lớn nhất là Đền Meiji (Mâygi) và Công viên Ueno (Uênô). Đền Meiji là nơi thờ Vua Minh Trị (Meiji), người có công lớn trong việc đặt những cơ sở đầu tiên của nước Nhật hiện đại. Hàng năm, riêng 3 ngày đầu năm mới đã có trung bình hơn 3,5 triệu lượt người đến đền lễ cầu may và mua quẻ thẻ. Còn Công viên Ueno là một trung tâm văn hóa nổi tiếng với Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Hoàng tộc Tokyo, Bảo tàng mỹ thuật Tây phương, Bảo tàng và Trường Đại học Mỹ thuật Tokyo, vườn thú, nhà hát, Đền Toshogu (Tôsôgư) và Chùa Kangei (Căngei). Mỗi khi hoa Sakura nở vào mùa Xuân, công viên Ueno còn là nơi tổ chức lễ cắm hoa lớn nhất ở Tokyo.

Hoàng cung cách cửa Tây ga Tokyo không xa, là một dáng kiến trúc và công viên kiểu Nhật, được ngăn cách với bên ngoài bằng một lớp tường đá và hào rộng, có chu vi khoảng 5km. Ở đây, có muôn vàn con thiên nga tụ tập bên cạnh những vườn thông quả già là một sự khác biệt với Tokyo của phố, nhà, xe cộ tấp nập và nhộn nhịp.

Các cơ quan Nhà nước tập trung ở Kasumigaseki (Kasưmigasêki), Nagatacho, Otemachi (Ôtêmachi), Marunouchi (Masưnôuchi). Nihonbashi (Nihongbasi) là các phố buôn bán sầm uất. Ginza (Ginhza) phồn hoa và nổi tiếng bởi giá đất đắt nhất thế giới. Akihabara (Akihabara) là phố bán buôn, bán lẻ đồ điện nổi tiếng. Còn Zimbocho (Dimbôchô) trở thành ''phố sách'' từ sau thời Minh Trị Duy Tân và từ những năm 70 trở lại đây, nó chuyển sang kinh doanh sách cũ; trong đó có sách của rất nhiều nước trên thế giới, kể cả Việt Nam.

Kiến trúc ở Tokyo khá đặc biệt. Những căn nhà gỗ 2 - 3 tầng kiểu Nhật vẫn là nơi cư trú của phần lớn cư dân. Tokyo không nhiều những ngôi nhà cao trên 20 tầng bởi động đất diễn ra thường xuyên. Cho đến năm 1962, ngôi nhà cao nhất cũng chỉ tới 31m. Năm 1968, ngôi nhà cao 147 mét được xây dựng ở Kasumigaseki. Từ những năm 80, nhờ tiến bộ của khoa học, kỹ thuật người ta bắt đầu xây dựng nhiều ngôi nhà cao 40 - 50 tầng ở Shinjuku, Ebisu theo nguyên lý cây tre, chịu được động đất ở cấp cao. Đó là những ngôi nhà được hàn bằng khung thép và lắp vào những vật liệu nhẹ làm tường.

Tokyo có 210 khách sạn đạt tiêu chuẩn Quốc tế, khoảng 150 bảo tàng lớn nhỏ thuộc các chủ đề khác nhau, trên 100 trường Đại học. Trong đó có các trường nổi tiếng như Đại học Tổng hợp Tokyo, Đại học Keio, Waseda (Wasêda), Hitotsubashi.

Nhà máy tập trung chủ yếu ở khu vực Vịnh Tokyo và ở phía Bắc, phía Tây, cách trung tâm vài ba chục cây số, còn khu vực trung tâm Tokyo chỉ có các nhà máy in. Do tiêu chuẩn môi trường ở Nhật rất cao, nên từ giữa những năm 70 các nhà máy phải chịu sự kiểm soát một cách nghiêm ngặt về lĩnh vực này.

Hẳn Tokyo sẽ đẹp hơn nếu không gặp phải những điều không may mắn. Vào cuối thời kỳ Minh Trị Duy Tân, người ta đã có kế hoạch xây dựng lớn Tokyo lần thứ nhất. Nhưng ngay sau đó, gặp phải trận động đất kinh hoàng năm 1923, kế hoạch phải dừng lại. Rồi năm 1980, lần thứ hai giới lãnh đạo thành phố quyết định đầu tư xây dựng lớn Tokyo. Những cao ốc ở khu Shinjiuku bắt đầu mọc lên và người ta gọi đây là Tokyo mới. Nhưng ngay năm sau, kinh tế Nhật bước vào thời kỳ suy thoái. Kinh phí xây dựng trở nên hết sức khó khăn.

Song, một viễn cảnh mới của Tokyo thế kỷ XXI vẫn trong dự kiến. Những công viên đô thị hay những con đường tự nhiên đang được chuẩn bị. Khu cao ốc ở Shinjuku ra đời là sự sang sửa cho một Tokyo mới, dịch dần về phía Tây. Các trung tâm nhỏ hơn cũng đang hình thành ở Ueno, Ikebukeno, Shibuya, Shinagawa để trở thành một Tokyo nhiều trung tâm vào thế kỷ tới.

ĐẶNG XUÂN KHÁNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1058-02-633389306614097028/Nhung-thanh-pho-thu-do-cong-vien-truong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận