Tài liệu: Delhi

Tài liệu
Delhi

Nội dung

DELHI

 

Về hình dáng cũng như đặc điểm, Thủ đô Delhi của Ấn Độ không hề giống bất kỳ một đô thành nào trên thế giới. Thoáng nhìn bên ngoài: Delhi là cả một phức thể của một công trình kiến trúc thuộc nhiều phong cách của các thời đại rất khác nhau. Delhi, xét về mặt lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, là sự hòa trộn cả quá khứ lẫn tương lai của đất nước Ấn Độ. Bên ngoài thành phố hiện nay, ít nhất còn dấu tích của bảy thủ đô cổ của Ấn Độ. Còn New Delhi (Tân Delhi) thì mọc lên dưới bóng những bức tường thành cũng như những lâu đài, trụ sở của thời kỳ Mogol.

Lịch sử của Delhi bắt nguồn từ Thời kỳ anh hùng ca cách ngày nay hơn ba nghìn năm. Truyền thuyết kể lại rằng: chính tại địa điểm thành phố Dethi hôm nay đã một thời là thủ đô Indraprastra của anh em nhà Panđava. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, được ghi trong bộ sử thi vĩ đại Mahabharata. Song bằng chứng văn bản sớm nhất liên quan tới Delhi lại chỉ là những văn bản của thế kỷ XI S. CN.

Di tích nổi tiếng nhất của thời kỳ lịch sử đầu tiên ở Delhi là Kut Minar (tháp Chiến thắng), được xây dựng vào năm 1200. Tòa tháp Chiến thắng cao 87 mét này được xây cất tại nơi mà một thời là Rai Pithora, thành phố của Vua Prithviratja. Hiện nay, hai bên con đường dẫn tới Kut Minar vẫn còn dấu tích của đô thành xưa.

Cách tháp Chiến Thắng không xa là chiếc cột sắt không gỉ nổi tiếng đầy huyền bí có từ thế kỷ IV. Và đây là Mehraxli thơ mộng với khu lăng hình bát giác xinh đẹp của Ađhamkhan - người em của Hoàng đế Acbar. Cách Kut Minar chừng 8km về phía Đông là di tích nổi tiếng của thế kỷ XIV, Thành Tuglakabát. Hiện nay phần lớn tòa thành đã bị đổ nát, chỉ còn khu lăng mộ của Gian Uddin Tuglác là tương đối nguyên vẹn. Ngay bên cạnh Tuglakabát, trên khu đất của Delhi hôm nay là Thành Hoàng đế Djahanpana. Tại đây, hiện vẫn còn tòa kiến trúc Vitjaymanđan ngạo nghễ vươn cao giữa những tòa nhà hiện đại.

Sau khi chiếm được Bắc Ấn Độ, vị Hoàng đế đầu tiên của Vương triều Mogol là Babur đã cho xây dựng Agra làm thủ đô vào năm 1525. Nhưng rồi sau khi lên ngôi, Hoàng đế Humaun (con trai của Babur) lại dời đô về Delhi. Di tích hiện còn của thời kỳ này là Puranakila (thành cổ) và lăng của Humaun - một công trình kiến trúc kỳ vĩ của Mogol và là tiền thân của Taj Mahal nổi tiếng. Đến đời con của Hymaun, tức thuộc về thời trị vì của Acbar, Thủ đô của đế chế Mogol, một lần nữa lại được chuyển về Agra.

Sự khởi sắc trở lại của Delhi vào thời trị vì của Sắc Giahan, con trai của Hoàng đế Giehangir, cháu của Acbar. Dưới thời Sắc Giahan, Thành Đỏ và nhà thờ Hồi giáo Dmaiamasdjid được xây dựng ở Delhi. Sắc Giahan còn cho xây hai công trình trên đô thị Sắc Giahanabat, trung tâm của khu Delhi cổ hiện nay. Thành Đỏ là công trình kiến trúc tuyệt diệu nhất và hùng vĩ nhất của Delhi ở thế kỷ XVII. Cái tên Thành Đỏ của tòa thành bắt nguồn từ màu đỏ của đá sa thạch dùng để xây thành. Trong tòa Thành Đỏ cho đến nay vẫn còn giữ lại được hai công trình xây dựng nổi tiếng. Gian Divanicam, nơi tiến hành các nghi lễ lớn, và Đivani Khai với các phòng khánh tiết. Tại Thành Đỏ, một thời chiếc ngai vàng khảm đầy đá quý và kim cương của Sắc Giahan được đặt tại đó. Các bà, các cô của Hoàng gia sống trong lâu đài Rang Mahal có tòa nhà thờ bằng cẩm thạch trắng Mechét Môti Masdjid được xây vào thời Aurangzép. Phía sau Nhà thờ Môti Masdjid là cả khu vườn cây xinh đẹp, có tên là Vườn Mogol. Bên trong vườn, ngoài những tòa nhà có tường bằng đá cẩm thạch trắng, còn có toà lâu đài gương Sis Mahal. Hiện nay, trong tòa lâu đài này là cả một bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Mogol. Bên kia đường, đối diện với Thành Đỏ là Mechét Giama Masdjid - một trong những đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở Châu Á.

Từ cuối thế kỷ XVII, Đế quốc Mogol bắt đầu suy yếu trước sức tấn công của những đạo quân xâm lược từ phía Bắc tràn xuống và của những võ sĩ địa phương người Ấn Độ. Rồi tới năm 1857, Đế quốc Mogol hoàn toàn sụp đổ. Ngay sau thời điểm này, Dethi và cả Ấn Độ rơi vào tay người Anh.

Vào năm 1911, cuộc tiếp đón long trọng tổ chức tại một nơi thuộc phía Bắc thành phố Delhi cổ, Vua nước Anh là George V tuyên bố dời thủ đô Ấn Độ từ Calcutta về Delhi. Nơi được chọn làm thủ đô mới (New Delhi) là làng Raisin, nằm giữa Thành Sắc Giahanabát và Kut Minar. Thế nhưng, mãi đến năm 1931, New Delhi mới thực sự hoàn tất và chính thức được đưa vào sử dụng. Cho đến nay, New Delhi đã trở thành một khu phố lớn của Delhi với nhiều công viên, quảng trường và hàng loạt những đường phố rộng. Ngoài ra, tại khu vực mới này của Delhi, còn mọc lên nhiều công trình kiến trúc có giá trị lớn về nghệ thuật như: các toà sở của Chính phủ, Cổng Ấn Độ - nơi tưởng niệm những liệt sĩ của hai cuộc chiến tranh thế giới: Nhạc viện Jantar Mantar, Đền thờ Lacsmi Narayan, Bảo tàng Mahadma Gandhi, khu Đại học Campus, Dinh Tổng thống, Nhà Quốc hội...

Hiện nay, Delhi là một trong những thành phố lớn đông dân (hơn năm triệu người) của Ấn Độ với nhiều sắc thái văn hóa đa dạng và phong phú.

PTS. NGÔ VĂN DOANH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1058-02-633389305815659528/Nhung-thanh-pho-thu-do-cong-vien-truong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận