Tài liệu: Thủ đô của vương quốc một nghìn lẻ một đêm

Tài liệu
Thủ đô của vương quốc một nghìn lẻ một đêm

Nội dung

THỦ ĐÔ CỦA VƯƠNG QUỐC MỘT NGHÌN LẺ MỘT ĐÊM

 

Theo truyền thuyết nguồn gốc chữ Ba Tư cổ thì Bagh là trời, dad là quà của trời cho; có lẽ chính vì vậy mà từ thế kỷ XVII - XVIII Tr. CN, nơi đây đã có tên Làng cổ Baghdad. Năm 762, Hoàng đế An Manxua xây dựng kinh đô đặt tên là Madinat Al Xalam tức là Thành phố Hòa bình nhưng nhân dân vẫn quen gọi tên cũ Baghdad.

Thủ đô Baghdad quả thật là miền đất trời cho. Nơi đây trù phú, có Sông Tre nối với biển và theo sông này có thể đi tới Châu Á, Châu Phi; còn Sông Syrie (Syri) vào các nước Ả Rập. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, Baghdad mau chóng trở thành trung tâm thương mại với nhiều mặt hàng sản xuất thủ công nổi tiếng. Thành phố cũng là Trung tâm Văn hóa Trung cổ Ả Rập, rất hưng thịnh dưới triều Vua Garun Ác Raxit (786-801) mà ngày nay một đường phố lớn nhất Baghdad vẫn còn mang tên nhà Vua.

Baghdad đã trải qua những cuộc thăng trầm, đổi thịt thay da. Nhiều khu phố phải xây dựng lại hoàn toàn sau những trận lụt, động đất hoặc các cuộc chinh chiến kéo dài. Trung tâm thủ đô ở nửa phía Nam bên bờ trái sông Tigre. Phần lớn ở đây là các công sở, cơ quan Nhà nước và trụ sở của các hãng buôn, ngân hàng nước ngoài. Con đường nhộn nhịp nhất là Đại lộ Garun Acxarit ở giữa thành phố. Bên phải sông Tigre là phần Baghdad mang dáng dấp thành phố cổ, có nhà ga xe lửa, bến cảng, các nhà máy. Khu phố cổ này còn giữ lại nhiều đường phố không rải nhựa, những ngôi nhà thấp một tầng, tường đất sét mái lợp lá cọ, hay các tấm sắt tây của người dân lao động.

Baghdad có nhiều nhà thờ Hồi giáo. Khu Đền An Cadiman ở ngoại ô Baghdad được xây dựng từ năm 1534; ngôi đền chính có hai tháp tròn dát vàng, quanh đền là bốn tháp nhọn cao vút, trong đền có mộ của hai thủ lĩnh Hồi giáo nổi tiếng thời Trung cổ. Baghdad còn giữ được nhiều di tích lịch sử, bảo tàng: kho của các đội thương thuyền cổ (thế kỷ XIV), tháp Giáo đường Xúc Angadan(1279), cổng Thành Bap Anvatan (221) nay là Bảo tàng vũ khí, Viện Hàn lâm khoa học, Bảo tàng Quốc gia, Bảo tàng Ả Rập cổ, Thư viện quốc gia; nhiều trường Đại học cũng tập trung ở Baghdad.

Cuộc chiến tranh Iran - Iraq, chiến tranh vùng Vịnh đã phá hủy một phần thành phố Baghdad và làm chậm kế hoạch hiện đại hóa hiện đại hóa thủ đô.  Theo kế hoạch, tới năm 2000 cây cối và công viên sẽ phủ xanh toàn bộ thủ đô để tránh cái nóng gay gắt vùng xa mạc, tính ra mỗi người dân sẽ có 16m2 thảm cây xanh. Thành phố cũng sẽ hoàn thiện các khu nhà cao tầng ở phía Đông Nam, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, trong đó có cả tàu điện ngầm, hoàn thiện hệ thống kênh đào mới bao quanh thành phố để cung cấp và tưới tiêu nước.

Là cái nôi của nền văn minh Cổ đại Lưỡng Hà, Baghdad để lại trong lòng người những ấn tượng vô cùng sâu sắc.

(Theo HLM-CL)

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1058-02-633389309153784528/Nhung-thanh-pho-thu-do-cong-vien-truong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận