Tài liệu: Viện bảo tàng Louvre

Tài liệu
Viện bảo tàng Louvre

Nội dung

VIỆN BẢO TÀNG LOUVRE[1]

 

Cùng với Tháp Eiffel và các di tích văn hoá khác, Viện Bảo tàng Louvre là niềm tự hào của nước Pháp và Thủ đô hoa lệ Paris. Louvre là Viện bảo tàng nghệ thuật bằng hiện vật lớn nhất Thế giới, xếp hạng trên Bảo tàng Vatican (Italia) và Ermitage (Nga).

Ngay từ cuối Thế kỷ VII, để bảo vệ và phòng thủ Thủ đô của Vương quốc mình, Hoàng đế Philippe Auguste đã cho xây dựng lâu đài cố thủ (Château - fort) án ngữ phía Tây thành phố, bên bờ sông Seine có cả một hệ thống tường thành và tháp canh lỗ châu mai. Quá trình xây dựng lâu đài cố thủ kéo dài đến 20 năm (1190 - 1210).

Tuy nhiên, Vua Philippe Auguste không đến đây mà chỉ dùng lâu đài làm nơi lưu trữ hồ sơ và cất giấu của cải. Đến thời Charles V lên ngôi, vị Vua trẻ này đã cho sửa sang lâu đài Louvre thành Hoàng cung để ở.

Năm 1380, Charles V băng hà. Nước Pháp quân chủ lâm vào cảnh nội chiến và ngoại xâm dày xéo. Năm 1420, các thế lực nước Anh chiếm được đất Pháp, đuổi Hoàng tộc chính thống ra khỏi Louvre và cho Tử tước Bedford chiếm giữ trong suốt 16 năm. Sau khi đánh đuổi được quân Anh, từ Vua Charles VII đến Vua Francois I đều thích ở Cung điện Tournelles khi họ đến Paris.

Thời Phục hưng, Francois I cho xây dựng sửa sang lại lâu đài để làm Hoàng cung.

Vốn là người yêu nghệ thuật, Francois I đã cho sưu tầm khá nhiều tranh nghệ thuật nổi tiếng chủ yếu của Pháp và Italia, đặc biệt của danh họa Leonardo da Vinci để trưng bày ở Lâu đài Louvre. Năm 1527, Francois I đã cho phá lâu đài và xây dựng lại trên một phần của nền móng Gothique. Dưới thời Francois I và cho đến khi vị Vua này qua đời (1547), công trình sửa sang lâu đài vẫn còn dang dở. Vua Henri II tiếp tục công việc của tiên đế để lại, và khi Henri II mất, Hoàng hậu Catherine du Médicis đã tưởng tượng ra một dự án khác. Nhiều đời Vua sau này mãi cho đến đời Hoàng đế Napoléon III, công việc xây dựng lại lâu đài mới hoàn tất. Louis VIII và Anned' Autriche sống tại lâu đài, nhưng Vua vẫn cho tiếp tục hoàn thiện. Dưới thời Louis XIII, Louvre đã trở thành một trong những công trình kiến trúc kiệt tác thời Phục hưng. Năm 1643, Vua Louis XIII qua đời, Anned' Autriche cùng Hoàng tử (Vua Louis XIV tương lai) bỏ Cung điện Louvre để đến Cung điện Royal. Nhưng sau đó, Hoàng hậu và Hoàng tử lại quay về Louvre, vì Louvre là Cung điện được bảo vệ phòng thủ chắc chắn nhất. Từ năm 1661, sau khi Mazarin mất, Louis XIV cai quản đất nước. Vị Vua này đã cho xây dựng thêm ba mặt ngoài theo phong cách cổ điển, Louis XIV và Colbert đã mời các nghệ nhân nổi tiếng đương thời đến tham gia xây dựng lâu đài và trang trí nội thất. Sang thế kỷ XVIII, Napoléon I cho xây dựng thêm một sân hình vuông cùng với hai trái điện hướng ra phố. Sang Thế kỷ XIX dưới thời Napoléon III việc xây dựng sửa sang Lâu đài Louvre cuối cùng đã hoàn thiện. Louvre trước đây được nối với Cung điện Tuileries, bức tường bao quanh lâu đài được xây dựng xong, công việc trang trí nội thất được hoàn thiện.

Bảo tàng Louvre được xem như một trong những bảo tàng phong phú nhất Thế giới về các hiện vật, đặc biệt là tranh nghệ thuật. Cứ mỗi một triều Vua, số lượng tác phẩm nghệ thuật trong bảo tàng lại được tăng dần lên. Dưới triều Louis XIV, được sự giúp đỡ của Tể tướng Colbert, Louvre đã được bổ sung thêm 200 bức tranh mua của ông chủ ngân hàng Giabach, mà vốn phần lớn tranh đó là của các Công tước Đơ Mantu và Charle I, nước Anh. Năm 1710, khu Nội các nhà Vua đã có tới 2376 bức tranh. Louis XVI đặc biệt đã bổ sung thêm những tác phẩm xứ Phlăngđrơ Hà Lan.

Bắt đầu từ năm 1794 đến 1815 Louvre mang tên Bảo tàng Napoléon, tập hợp thêm rất nhiều kiệt tác ở Châu Âu. Dưới triều Louis XVIII có bức tượng Thần Vệ nữ Milô; dưới triều Charles X là những tác phẩm điêu khắc hiện đại và có rất nhiều tác phẩm Cổ đại Hy Lạp - La Mã. Thời Louis Philippes là những tác phẩm vùng Assyrie.

Dưới nền Cộng hòa III, Louvre trở thành Bảo tàng Quốc gia, sang nền Cộng hòa IV, Louvre vẫn không ngừng tiếp tục được giàu có lên bằng những kiệt tác nghệ thuật sưu tầm từ khắp nơi trên thế giới.

Bắt đầu từ năm 1932, Louvre được hoàn thành kỹ hơn, nó trở thành trung tâm bảo tàng học (Museologie) và được phân thành sáu khu.

Khu trưng bày những tác phẩm Cổ đại phương Đông, trước tiên là những tác phẩm Ai Cập Cổ đại, vốn đã được sưu tập từ năm 1847, rồi nghệ thuật các nước Syrie, Assyrie, Iran, Palestine... Một tập hợp nghệ thuật Hồi giáo cũng được hình thành từ năm 1945. Khu bảo tàng Hy Lạp và La Mã Cổ đại được tập hợp, nối kết từ năm 1954, một nhóm nghệ thuật Cơ đốc Cổ gồm tượng đá hoa, tượng đồng, những bức tượng nhỏ bằng sành, đồ trang sức. Rồi phòng riêng trưng bày tranh tượng thời Phục hưng, phòng tranh xứ Etruyri (thuộc Italia), phòng tranh Delacroi (Đơlacroa), bảo tàng ấn tượng...

Louvre thậm chí còn là nơi cất giữ các bức vẽ (khoảng hơn 800.000 bức), nơi lưu trữ những bản khắc đồng, bộ sưu tập của Etmôngđơ Rôtxin (30.000 bức tranh khắc).

Khu trưng bày tác phẩm điêu khắc vốn có nguồn gốc từ Bảo tàng các công trình Pháp, gồm nghệ thuật Pháp, Italia và Roman thế kỷ XIX. Khu trưng bày các đồ vật, gồm các đồ châu báu cũng như những tác phẩm rất quý được phục chế lại từ thời Phục hưng và tất cả các nghệ thuật trang trí khác nữa.

Louvre còn là một thư viện nghệ thuật và khảo cổ (gồm 80.000 tập) lưu trữ.

Mặc dù đã phong phú như vậy, Louvre vẫn không ngừng được hoàn thiện. Thập niên 80 và 90 của thế kỷ, với ý đồ lớn của Tổng thống Phrăngxoa Mittơrăng, Louvre lại được xây dựng thêm Điện Grăng và Kim Tự Tháp kính. Để hoàn thành công trình này, người ta đã phải sử dụng tới 95 tấn thép không gỉ, 6.000 thanh sắt giằng và phải hàn tới 2.150 móc nối. Tháp kính Lourve thực sự là một công trình mang tầm cỡ thế giới, nó là tác phẩm của kiến trúc sư người Mỹ I. M. Pei. Tháp kính Louvre chạy dài tới tháp trên Quảng trường Công Coóc, Khải hoàn môn Etcanlơ và kết thúc ở cổng lớn La Đêphăngxơ. Đây là một trong ba biểu tượng lớn nhất của Paris cho thế kỷ XXI, bên cạnh La Đêphăngxơ và tổ hợp Công viên Lavi Pet. Đây cũng là một bảo tàng thu hút rất nhiều khách du lịch từ nhiều nơi trên thế giới và mang lại nhiều lợi nhuận cho nước Pháp.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/162-02-633386812373281250/Nhung-Bao-tang-noi-tieng-the-gioi/Vien-bao...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận