PRAHA - NIỀM KIÊU HÃNH CỦA
CỘNG HÒA SÉC-SLÔVAKIA
Những ai đã đến Praha - thủ đô nước Cộng hoà Séc, hay chỉ qua sách báo, phim ảnh… cũng sẽ có những cảm nhận sâu sắc và nhiều ấn tượng khó quên về một thủ đô lâu đời nằm giữa lòng non nước, mây trời của xứ tuyết miền Trung Châu Âu. Đặc điểm nổi trội của thủ đô này là cổ kính, dân tộc và hiện đại đan xen với đất, trời và dòng sông Samara chảy giữa lòng thủ đô, hoà quyện vào nhau gây một cảm giác dường như lúc nào cũng đầy ắp sức sống.
Chính vì thế, từ lâu Praha được tôn vinh bằng nhiều tên gọi: ''Thành phố vàng; Thành phố Mẹ; Thành phố trăm tháp; Thành phố của quá khứ và hiện tại”.
Ngày 28-10-1918, dân tộc Séc và Slovakia đã liên minh lại thành lập Liên bang Tiệp Khắc theo Tuyên ngôn Matin nổi tiếng thời đó. Nhưng cuộc ''hôn nhân'' này so với lịch sử loài người chẳng khác gì gang tấc, bởi từ 1-1-1993, sau biến cố lịch sử ở Liên Xô và Đông Âu đã kết thúc cuộc chiến tranh lạnh kéo dài nhiều năm. Từ đó, Liên bang này lại trở về điểm xuất phát ban đầu với hai nước: Cộng hoà Séc và Cộng hoà Slovakia. Thời điểm này, người Séc và Slovakia gọi đó là cuộc chia ly trong hoà bình. Với tổng giá trị tài sản cố định của Liên bang được chia cho mỗi quốc gia theo tỷ lệ dân số là 634 tỷ Cuaron (tương đương 25 tỷ USD). Ngay sau đó (tháng 2-1993), Liên hiệp quốc đã chấp nhận đơn hai nước này là thành viên của Liên hiệp quốc.
Nước Cộng hoà Séc nằm ở phía Tây có diện tích 78.864km2 với 10,8 triệu dân (tính đến năm 2005) có thủ đô là Praha. Quốc kỳ của Liên bang Tiệp Khắc (cũ) được Quốc hội chọn là cờ của Cộng hoà Séc kể từ ngày 1-3-1993.
Nước Cộng hoà Slovakia nằm ở phía Đông Tiệp Khắc (cũ), diện tích 49.000 km2 với 5,7 triệu dân (bằng 31,9% so với tổng số dân của Liên bang cũ). Thủ đô là Bratilava - Thành phố của điện ảnh và thể thao khá nổi tiếng ở vùng Trung Âu.
Tuy đã trở thành hai quốc gia riêng biệt (1993), nhưng Praha mãi mãi là niềm kiêu hãnh của người Séc, người Slovakia. Praha theo tiếng Séc có nghĩa là “Cổng trời”, bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian huyền thoại của Nữ hoàng Libusê tương tự như truyện ''Một ngàn đêm lẻ'' của vùng Trung Đông. Nữ hoàng Libusê tìm thấy vùng đất tuyệt đẹp sẽ là thủ đô của vương triều; cùng thời điểm sẽ gặp được người chồng của mình, đó là lúc người thợ mộc tài ba làm xong ngưỡng cửa nhà mình. Cụm từ "ngưỡng cửa'' tiếng Séc là Praha, có nghĩa là ''Cổng trời'' và tên của thủ đô Praha có từ ngày đó.
Thủ đô Praha rộng hơn 300 km2 với 1,2 triệu dân (tính đến tháng 12-2005). Tổng thu nhập kinh tế của thủ đô Praha trong năm 2005 lên tới 637 tỷ Euro, đạt bình quân đầu người/năm là 17.155 Euro; trong khi bình quân thu nhập đầu người/năm của toàn Cộng hoà Séc 8.503 Euro (tỷ giá vào 31-12- 2005 là 25 EURO/1USD).
Kể từ những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ XX nghĩa là sau khi CH Séc trở thành quốc gia riêng, Hội đồng dân tộc Séc (Quốc hội) ban hành luật chuyển đổi sở hữu tài sản Nhà nước cho thành phần kinh tế tư nhân theo cơ chế kinh tế thị trường; kế đó Chính phủ Séc cho lập Bộ Tư nhân hoá (ở thủ đô Praha là Sở kinh tế tư nhân) để phục vụ quản lý phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến nay, nền kinh tế Cộng hoà Séc nói chung, thủ đô Praha nói riêng đã qua giai đoạn tư nhân hoá tất cả các nhà máy, công trình lớn cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo cơ chế kinh tế thị trường. Nước Cộng hoà Séc đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức các nước châu Âu (EU); trước đó vào năm 1994, lần đầu tiên Séc là Quốc gia thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.
Thủ đô Praha là hòn ngọc đầy kiêu hãnh của nước công hoà Séc; đồng thời thủ đô này cũng được coi là Trung tâm văn hoá tiêu biểu của miền Trung châu Âu. Bởi nơi đây từ thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đã có khoảng 1.800 ngọn tháp lớn nhỏ khác nhau từ hình dáng đến màu sắc. Không chỉ có thế, Praha còn mang trong lòng nó nhiều vẻ đẹp và dấu ấn của văn hoá Séc lâu đời được biểu tượng trên 2.000 công trình kiến trúc: lâu đài, nhà hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, cung thể thao, tượng đài cùng vô số biệt thự nhà vườn xinh được xây dựng trong nhiều thế kỷ khác nhau.
Tiêu biểu cho những lâu đài cổ kính ấy trước hết phải kể đến lâu đài mang tên Praha. Đây là lâu đài độc đáo, lâu đài đẹp nhất ở Châu Âu khi nó ''chào đời” vào thế kỷ thứ IX. Lâu đài kỳ diệu này nằm ở cuối con ''Đường Vua'' trong khu phố cổ. Nơi đây trong nhiều triều đại trước, nó được dùng làm Cung Vua; sau đại chiến thế giới lần thứ II, kể từ giữa năm 1945 trở lại đây, lâu đài là nơi làm việc của Tổng thống, Chủ tịch nước. Người Séc coi lâu đài Praha là hiện thân Nhà nước đầu tiên của dân tộc mình. Nhưng sự phát triển huy hoàng nhất phải kể từ thế kỷ thứ XIV trở đi - từ thời trị vì của Hoàng đế Karel IV. Lâu đài Praha có đến hai chục cụm công trình kiến trúc được xây dựng trong 3 khu vực liên hoàn. Mỗi khu vực có chức năng khác nhau; đồng thời cùng hoạt động mà không hề ảnh hưởng lẫn nhau. Sự kỳ diệu của nó là nhờ vào việc thiết kế kiến trúc, với hệ thống âm thanh được sử dụng từ những vật liệu quý hiếm nên đã tạo ra một giá trị thẩm mỹ nghe và nhìn tuyệt diệu.
Du khách đến thăm lâu đài được chiêm ngưỡng không chỉ vẻ đẹp mà còn có thể suy ngẫm về cái gì đó như thể huyền bí của Cổng vòm, của Đền Thánh, của Bảo tàng Mỹ thuật hay Nhà hành lễ hoặc Khu đền thờ các vị Thánh (tương tự Đền thờ 108 anh hùng hảo hán của Trung Quốc ở tỉnh Tứ Xuyên). Người Séc coi đây là một quần thể kiến trúc hàm chứa nhiều hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, nghệ thuật, lịch sử. . . có tính lâu đời của đất nước mình. Không ít công trình kiến trúc đã có ngàn tuổi nhưng do được bảo tồn, tôn tạo thường xuyên, nên lâu đài Praha vẫn toát lên vẻ đẹp quyến rũ không mờ phai bởi bóng dáng thời gian phủ bụi.
Thủ đô Praha có hơn 10 nhà hát, nhưng trước hết phải kể đến Nhà hát Quốc gia nằm ở trung tâm thủ đô được xây dựng theo phong cách Phục hưng công trình do kiến trúc sư Josef Zitek thiết kế và thi công mất 13 năm mới hoàn thành (1868-1881). Đêm đón khách đầu tiên của nhà hát (12-8-1881) có vinh dự công diễn vở nhạc kịch nổi tiếng thời đó mang tên ''Nàng - Libusê'' (Nữ hoàng). Kể từ đó đến nay (không kể những năm chiến tranh) Nhà hát Quốc gia CH Séc thường xuyên có các hoạt động nghệ thuật ấn tượng, thường là nhạc kịch Opera, nhạc thính phòng. Những nhạc sĩ nổi tiếng trước kia cũng như hiện nay thường có tác phẩm được công diễn tại đây coi như có được hạnh phúc lớn. Trong đó có 3 nhạc sĩ đứng ở tốp đầu tiêu biểu cho 3 dòng âm nhạc vốn gắn liền với văn hoá Séc, đó là Antonin Dvorak (thính phòng), Bedrich Smetana (nhạc truyền thống) và Leos Janasek (nhạc hiện đại). Ba nhạc sĩ nổi tiếng nói trên đã qua đời từ lâu, nhưng nhiều tác phẩm âm nhạc của họ vẫn sống mãi trong ký ức của nhiều người yêu thích môn nghệ thuật này.
Thủ đô Praha còn có Hội quán thành phố là nơi cuốn hút khách du lịch trong trước và quốc tế luôn tìm đến. Đây cũng là một trong những biểu tượng lâu đời và thật khó quên của Praha cổ kính. Hội quán thành phố nằm trên khu đất vốn thuộc sở hữu của nhà Vua từ thế kỷ XVI. Tại nơi này thường xuyên có các hoạt động nghệ thuật như dạ hội, hoà nhạc, thi hoa hậu trong nước, quốc tế...
Dấu ấn của Hội quán thành phố được dân tộc Séc và Slovakia coi như thể bản hùng ca bất hủ và đã đi vào sử sách của quốc gia này. Đó là vào ngày 28-10-1918, tại đây, đã diễn ra sự kiện lịch sử trọng đại, tuyên bố thành lập nước cộng hoà Tiệp Khắc. Thủ đô Praha tuy lâu đời, qua nhiều thể chế khác nhau, việc tổ chức quản lý cũng như phát triển cơ sở hạ tầng mỗi giai đoạn lịch sử mang nhiều dấu ấn của thời đại; nhưng về tổng thể vẫn đảm bảo được tính thống nhất và hài hoà giữa cũ và mới, giữa thô sơ, giản đơn và hiện đại. Trong đó phải kể đến mạng lưới đường sá và giao thông trên mặt đất, trên sông và dưới lòng đất đều được quy hoạch khá hợp lý. Hơn thế, sự kết hợp giữa giao thông với quy hoạch, kiến trúc, văn hoá, thương mại và du lịch cũng khá rạch ròi và có tầm nhìn quy mô chiến lược của con người.
Tiêu biểu cho mạng lưới giao thông của Praha là Đường Vua (con đường dẫn chỉ đạo quy hoạch tới Cung Vua thuở trước). Đường Vua là một trong những con đường của khu phố cổ, điểm khởi đầu là từ một chiếc cầu bắc qua sông Vontara, điểm cuối là Cung Vua. Phía đầu và cuối của Đường Vua là hai cổng vòm với kiến trúc cổ, bề thế hơi có phần lạ mắt như thể là khoá và mở nếu như ta bước chân vào cung đường này. Thời xa xưa Đường Vua chỉ có xe ngựa đi về, nay thì vô vàn các phương tiện qua lại Đường Vua của Praha có đến 30 cụm tượng đài và nhiều công trình kiến trúc tuyệt đẹp, mỗi công trình mang một sắc thái riêng, ấn tượng.
Đi dọc Đường Vua, du khách có dịp chiêm ngưỡng 13 cây cầu bắc qua sông Vontara được xây dựng từ nhiều thế kỷ trước, gần nhất là thế kỷ XV. Khởi đầu là những cây cầu được làm bằng gỗ sồi phục vụ dân chúng qua lại buôn bán, giao lưu, thưởng ngoạn, về sau người ta thay dần cầu bằng đá hoặc cầu bêtông vĩnh cửu. Nổi trội trong số cây cầu là cầu đá mang tên của vợ Vua Vladislav là Juditin được dựng vào năm 1165, nhưng 192 năm sau đó (1432) một trận lũ khủng khiếp đã cuốn trôi cầu đá. Người Séc lại phục chế cầu này vào giữa thế kỷ XV nhưng quy mô lớn hơn cầu cũ bởi cầu dài 516 mét, trải trên 16 trụ đá, mặt cầu rộng 10 mét đủ cho 3 làn xe.
Giữa lòng thủ đô Praha còn có một biểu tượng không thể nào quên, đó là chiếc đồng hồ cổ có từ thời Vua Karel thứ IV (năm 1354) do người thợ kim hoàn có tên Maratin dày công sáng chế. Đây là chiếc đồng hồ có một không hai trên thế giới, nó được đặt trước toà nhà thị chính thành phố. Chiếc đồng hồ này đã tồn tại, hoạt động trên 6 thế kỷ. Ngoài cảnh điều hành của các tượng hình do chính máy móc của đồng hồ chỉ huy, còn thêm những cảnh di động bên ngoài đồng hồ mang nhiều tính cách khác nhau. Một bên đồng hồ là kẻ hà tiện, tham lam dù có trong tay cả túi tiền rồi, vẫn xem nó nặng nhẹ thế nào? Bên khác người đàn ông đang ngắm mình trong gương. Đó là kẻ hư vô. Cả hai gật gù, tự mãn. Đối lập, phía bên kia cũng có hai tượng hình. Một là thần chết mà khi vị thần này há miệng rồi ngậm miệng lại cũng là lúc thần gật đầu nhìn về phía người Thổ Nhĩ Kỳ - đã một thời chinh chiến. Thế những người Thổ lắc đầu, cự tuyệt đi với người chết. Rõ là thần chết, bởi vì đã có một lần con chim sẻ vô tình bay vào miệng vị thần ấy. Thế là chim đành ''ở lại'' trong đó một tiếng đồng hồ cho tới khi thần chết “trình diễn trở lại”.
Đồng hồ này có nhiều công dụng cho cuộc sống. Vành ngoài phủ màu đen, khắc chữ Gôtích, mạ vàng 18 cara, phân chia một ngày thành 24 giờ. Trên mặt đồng hồ thiên văn có một đĩa lớn cũng được mạ vàng. Đó là quỹ đạo mặt trời, còn quả cầu nhỏ ở trong là các tuần trăng tròn, méo. Đan xen quỹ đạo mặt trời, mặt trăng là những dãy thiên hà, những chòm sao được vận động lệch tâm, trong khi trái đất lại đặt nằm cố định chính giữa mặt đồng hồ. Cứ mỗi giờ qua đi, chú gà trống vàng chễm chệ phía trên của sổ của đồng hồ cất tiếng gáy báo giờ như thể lời chào Praha cổ kính, dân tộc và hiện đại đã có trên một ngàn năm tuổi.
Tới Praha du khách còn được chiêm ngưỡng hệ thống công viên, vườn hoa, cây cảnh và các khu nhà thờ cổ kính được xây dựng trong nhiều thời đại.
NGUYỄN XUÂN LƯƠNG