Tài liệu: Bratislava

Tài liệu
Bratislava

Nội dung

BRATISLAVA

 

Bratislava có 395 nghìn dân, nguyên thủ phủ xứ Slôvakia thuộc Nhà nước Cộng hoà Liên bang Tiệp Khắc trước đây, nay là Thủ đô của nước Cộng hòa Slôvakia độc lập kể từ ngày 1-1-1993.

Bratislava nằm trên triền sông Danube giáp ranh Cộng hòa Áo và Cộng hòa Hongrie, cách thủ đô Viên 56km về phía Đông. Khảo cổ học đã chứng minh rằng, ngay từ thời tiền sử, nơi đây đã có người ở. Sau đó đến người Xentơ, rồi người La Mã và tới thế kỷ VIII là người Slavơ. Dần dần, khu vực Bratislava phát triển thành một trung tâm thương mại, cho tới năm 1291 thì giành được quyền của một thành phố vương trị tự do. Đến thế kỷ XVI, khi Thành Buda bị quân Thổ đánh chiếm, Vương triều nước Áo đã dựng Bratislava làm thủ đô của Hongrie. Vì vậy Bratislava còn có tên Áo là Prasbua, tên Hongrie là Poxony. Nghị viện Hongrie vẫn tiếp tục đóng ở đây mãi tới năm 1848 và các vị Vua Áo vẫn tiếp tục làm lễ đăng quang lên ngôi Vua Hongrie tại Nhà thờ Thánh Máctanh. Năm 1918, sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Bratislava trở thành trung tâm hành chính xứ Slôvakia nước Tiệp Khắc.

Bratislava có một tòa lâu đài - pháo đài đồ sộ, được xây dựng trên một độ cao 100m trên bờ sông Danube. Lâu đài này là nơi ở của Hoàng gia Áo mãi cho tới khi bị hoả thiêu vào năm 1811. Sau đó nó đã được tái thiết lại nhiều. Năm 1741, Nữ Hoàng nước Áo đã phải chạy sang đây khi thủ đô Viên bị nước Pháp đe dọa. Sau đó quân Thổ bị đuổi khỏi Hongrie, vì Bratislava suy vi; hòa ước Prasbua năm 1805 đã được ký kết giữa Napoléon với Hoàng đế Áo Francois II tại Lâu đài Tổng giám mục ở đây.

Bratislava là một trung tâm văn hóa, có Trường Đại học Cômêniuýts, Viện Hàn lâm khoa học, nhiều trường chuyên nghiệp và Viện kỹ thuật, Viện bảo tàng dân tộc và Viện bảo tàng mỹ thuật. Là một cảng sông và một đầu mối đường bộ và đường sắt, Bratislava có nhiều ngành công nghiệp như thực phẩm, luyện kim, cơ khí, dệt, gỗ, lọc dầu, hóa chất, ô tô, đồ điện và nhiều ngành thương mại khác.

Bratislava còn có nhiều công trình kiến trúc Barokko hoa mỹ cầu kỳ cũng như nhiều công trình mang ảnh hưởng của phong cách Viên. Nhiều kế hoạch đô thị hóa đang biến Bratislava thành một thành phố hiện đại lớn. Người ta đã thấy rải rác ở nhiều nơi những Bindinh nhiều tầng bằng kính và bê tông. Một hiện tượng ''đô thị hóa'' đang diễn ra ở đây: trung tâm của thành phố được dành cho các ngân hàng, công sở và các cửa hàng lớn. Thành phố phát triển theo hai hàng thẳng góc với nhau, một trục chạy theo tả ngạn sông Danube là khu các cư xá còn trục kia kéo dài lên phía Bắc, là khu công nghiệp và công nhân.

(Theo HNM - QĐ)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1058-02-633389312163472028/Nhung-thanh-pho-thu-do-cong-vien-truong-h...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận