Một số vấn đề thường gặp trong giao tiếp
Những “căn bệnh” thường gặp trong giao tiếp
Một tiến sĩ thuộc khoa Tâm lý hành vi của trường Đại học Chicago (Mỹ) đã tiến hành một cuộc điều tra về vấn đề “Những hành vi như thế nào sẽ khiến mọi người thấy chán ngán”. Theo kết quả của cuộc điều tra này, 8 hành vi dưới đây thường không nhận được sự yêu thích của mọi người:
- Luôn kể lể, than phiền với người khác đủ thứ chuyện, gồm cả những vấn đề về sức khỏe, kinh tế của cá nhân mình, nhưng lại không hề hứng thú, chú ý khi nghe kể về những vấn đề của người khác. Một nguyên tắc cơ bản và rất rõ ràng tương giao tiếp là cả hai bên đều phải có hứng thú với câu chuyện, chủ đề đang được nói đến. Mỗi người đều có một hứng thú, một cá tính riêng nhưng chắc chắn là sẽ chẳng có ai cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi phải ngồi nghe bạn kêu ca, than vãn hết chuyện này đến chuyện kia trong suốt buổi trò chuyện.
- Lúc nào cũng dài dòng, lôi thôi, kể lể mãi một chuyện vụn vặt hoặc lặp đi lặp lại một câu chuyện cười, một triết lý nào đó. Bạn không nên nói quá nhiều, nếu không sẽ giống như những chú ếch xanh bên bờ ao, ngày ngày đều rả rích kêu than nhưng vẫn không được ai chú ý đến.
- Cách nói chuyện đơn điệu, nhạt nhẽo, hời hợt, thờ ơ với tất cả mọi thứ, không hề thể hiện bất cứ một cảm xúc hay một tình cảm nào khi nói chuyện.
- Thái độ quá nghiêm túc, cứng nhắc, không biết hài hước khi nói chuyện. Một số người cho rằng: Thà im lặng và bị mọi người hiểu lầm là ngốc nghếch còn hơn mở miệng để họ nhận thấy những yếu điểm, thiếu sót của mình. Nhưng làm như vậy nghĩa là bạn đã lừa dối người khác, lừa dối chính mình. Bạn cần nhớ rằng: Hãy thể hiện bản sắc của mình một cách tự nhiên, thoải mái nhất, chứ đừng nên che giấu hoặc cố tình tìm cách lừa dối người khác.
- Thiếu tập trung vào buổi nói chuyện. Trong bất cứ một hoàn cảnh giao tiếp nào, bạn cũng đều tỏ ra không quan tâm, hờ hững và cũng không hào hứng, chủ động nói chuyện với mọi người.

- Phản ứng quá mạnh bằng những lời lẽ thô tục, cục súc
- Luôn coi mình là trung tâm của mọi việc, không hề để ý gì đến cảm xúc cũng như phản ứng của những người xung quanh.
- Lúc nào cũng tâng bốc, nịnh hót người khác với mục đích lấy lòng họ.
Tránh lãng phí thời gian của người khác
Một số người luôn thích thú hoặc có thói quen đến muộn trong các buổi hẹn, hơn nữa, họ cũng luôn có lý do để biện minh, giải thích cho mình theo kiểu: “Tôi xin lỗi, tôi định đi rồi nhưng bận quá, ...”
Kiểu giải thích này rõ ràng là không hợp tình hợp lý. Nếu bận đến mức như vậy, thì bạn đừng nên nhận lời hẹn của người khác hoặc nếu đã hẹn rồi mà gặp chuyện đột xuất phải đến muộn, thì cần gọi điện thoại báo trước cho họ biết.
Trước hết, lấy cớ có việc bận để làm lý do đến muộn đã là không hợp lý. Bạn bận như vậy hoàn toàn không phải là việc mà đối phương phải chịu trách nhiệm; đối phương cũng không yêu cầu bạn phải bận rộn đến mức đó. Khi đó, bạn chỉ đang đứng trên lập trường của mình, mong sao thuận lợi cho việc của mình chứ không hề nghĩ gì đến những người khác. Nếu cứ làm như vậy, chỉ để ý đến mình mà bắt người khác phải chờ đợi là bạn đã khiến họ bị thiệt hại rất nhiều.
Xã hội càng phát triển hiện đại thì thời gian lại càng trở thành một tài sản vô giá của tất cả mọi người. Bạn quý trọng thời gian của mình, thì cũng phải biết quý trọng thời gian của cả những người khác, tuyệt đối không được đánh mất những cơ hội tốt của họ.
Không biết giữ mồm giữ miệng
Khi còn trong độ tuổi đến trường, các bạn có rất nhiều thời gian để gặp gỡ, nói chuyện với nhau mỗi khi đến lớp. Những câu chuyện ấy có lúc sẽ vượt ra ngoài phạm vi học tập. Nếu nói sai chỉ một từ một câu nào đó đôi khi cũng sẽ mang lại cho bạn những phiền toái, rắc rối. Vì vậy, việc biết kiềm chế trong lúc nói chuyện với bạn bè cũng là một trong những điều mà tất cả chúng ta đều cần phải học.
- Lớp học không phải là nơi để thổ lộ, trao đổi tâm sự. Rất nhiều bạn thẳng tính và bộc trực có thói quen thổ lộ hết những đau khổ, buồn bực của mình với một người bạn khác ngay cả ở trên lớp học. Tuy việc trao đổi đó có thể khiến các bạn hiểu nhau nhiều hơn, giúp cho tình bạn thêm khăng khít, gắn bó, nhưng bạn cũng không nên biến mình thành tâm điểm của mọi sự chú ý trong lớp học như vậy.
- Tốt nhất là các bạn không nên bàn luận bất cứ chuyện gì trên lớp học. Một số bạn rất thích tranh luận và chỉ dừng lại khi đã vượt qua được những người khác. Nếu bạn cũng là một người có khả năng tranh luận, thì hãy tìm cơ hội để phát huy khả năng này ở ngoài lớp học. Nếu không làm như vậy thì tuy đã chiến thắng được bạn khác, nhưng bạn lại khiến họ bị tổn thương rất nhiều. Tình bạn giữa hai người từ đó khó mà trở nên tốt đẹp, bền chặt.
- Đừng biến mình trở thành kẻ đưa chuyện trong lớp học. Đôi khi, vì vô tình mà bạn trở thành những người tọc mạch, nói xấu sau lưng những người khác và cũng có thể trở thành đối tượng bị đám đông bạn bè công kích, chê bai. Tất cả những chuyện như vậy đều sẽ ảnh hưởng đến không khí và công việc chung. Là một cô gái thông minh, bạn cần phải hiểu rằng, những gì cần nói thì phải trình bày vào đúng lúc, đúng chỗ; những gì không nên nói thì tuyệt đối không nói ra trong bất cứ hoàn cảnh nào.
- Sự huênh hoang sẽ chỉ mang lại những điều phiền toái. Một số người rất thích chia sẻ niềm vui của mình với nhiều người khác nhưng tốt nhất là không nên huênh hoang, sa đà quá mức. Chúng tôi chỉ e rằng bạn sẽ quên mất mình trong lúc đang cao hứng, quên mất cả những cái nhíu mày khó chịu của những người xung quanh.