Tình hình xã hội và các cuộc đấu tranh của nhân dân
1. Tình hình xã hội và đời sống của nhân dân
- Cũng như ở các triều đại trước, dưới thời Nguyễn, xã hội Việt Nam chia thành hai giai cấp lớn: thống trị và bị trị.
Giai cấp thống trị bao gồm vua, quan, thơ lại trong hệ thống chính quyền và giai cấp địa chủ. Vua và hoàng tộc (với cách gọi chung là Tôn thất) giờ đây đã trở thành một lớp người đông đảo, có đặc quyền, nhất là con cháu gần gũi của nhà vua. Họ có dinh thự, ruộng vườn rộng rãi và được một hệ thống cơ quan, đứng đầu là phủ Tôn nhân, chăm lo, bảo vệ. Các quan chức xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội khác nhau nhưng do vị thế của mình, trở thành lớp người đối lập với nhân dân, hạch sách, bóc lột nhân dân. Tất nhiên, trong số họ cũng có những người thanh liêm, trung thực, biết lo lắng cho cuộc sống của nhân dân, sự ổn định của xã hội. Ở họ, hệ tư tưởng nho giáo được củng cố. Giai cấp địa chủ giờ đây đã trở thành một lực lượng đông đảo, vừa có thế trong quan trường vừa có nhiều uy quyền ở làng xã. Xu thế phát triển của chế độ sở hữu ruộng đất Việt Nam không tạo ra những địa chủ lớn có ruộng đất tập trung ở bắc cũng như ở nam. Do đó giai cấp địa chủ vừa là cơ sở xã hội của nhà nước Nguyễn vừa luôn luôn phải dựa vào lực lượng hào lí ở làng xã và quyền lực chính trị của nhà nước để tồn tại. Có thể thêm vào đây hệ thống thổ tù ở các vùng dân tộc ít người.
Giai cấp bị trị bao gồm toàn bộ nông dân, thợ thủ công, thương nhân, một số dân nghèo thành thị. Lớp người bị lưu đày, nô tì cùng gia quyến sống ở các đồn điền cũng tăng lên đáng kể.
- Đời sống nhân dân: Tuyệt đại đa số cư dân là nông dân, dân bản mường, plây ở vùng dân tộc ít người. Họ có ít nhiều ruộng đất tư để cày cấy, sinh sống. Thêm vào đó là khẩu phần ruộng công nhỏ nhoi vừa xa, vừa xấu.. Nhiều người phải chạy vạy buôn bán ở các chợ làng, chợ huyện hoặc làm thủ công, gánh vác thuê cho các nhà buôn bán. Họ là lớp người gánh chịu mọi tai họa của tự nhiên, mọi thiệt thòi, bất công của xã hội. Như đã thấy ở trên, chế độ binh dịch và công tượng của nhà Nguyễn khá nặng nề mặc dầu được ít nhiều ưu đãi về ruộng đất. Số dân còn lại phải gánh chịu mọi thứ thuế má, sưu dịch.
Về thuế ruộng, nhà Nguyễn phân khu Vực để đánh thuế (3,4 hay 5 tùy theo triều vua). Các loại ruộng đất đều phải chịu thuế. Ta có bảng thuế ruộng sau đây (giản lược)

(Khu vực III chỉ chia 2 loại : Thảo điền (ruộng thấp) và sơn điền (ruộng ở vùng cao) để đánh thuế)
Ngoài ra mỗi mẫu phải nộp thêm từ 1-3 tiền.
Những năm mất mùa, nhà nước thường miễn giảm thuế hoặc cho nợ. Trường hợp thuế thiếu lâu ngày, nhà nước cho nộp thay bằng tiền (chế độ đại nạp).
Thuế nhân đinh cũng được chia theo khu vực và hạng người. Mức thuế từ 3-4 tiền đến 1 quan 8 tiền, Quy định về thóc nộp thuế rất ngặt nghèo: phải thật khô, tốt. Thóc hơi ẩm đều không được nhận.
Theo quy định, mỗi năm một dân đinh phải chịu 60 ngày lao dịch. Trong thực tế, nhân dân phải làm khá nặng trong những năm nhà Nguyễn xây dựng lại kinh thành, cung điện, dinh thự. Năm 1807, kinh thành Huế vừa xây xong, Gia Long lại điều động hàng ngàn dân đinh, quân lính Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Thành vào sửa chữa liên miên hàng chục năm. Minh Mạng lên ngôi, sai phá dở cung điện vua Lê ở Hà Nội lấy nguyên liệu chở về Huế xây dinh thự... Trong một cuộc tuần du ra Bắc Kì của Thiệu Trị năm 1842, số quân lính và người theo hầu lên đến 17.500 người với 44 con voi, 172 con ngựa. Nhân dân dọc đường phải xây dựng 44 hành cung cho vua nghỉ... Một giáo sĩ Pháp là Ghêra (Guérard) nhận định “Gia Long bóp nặn dân chúng bằng đủ mọi cách. Sự bất công và lộng hành làm cho người ta rên xiết hơn cả ở thời Tây Sơn: thuế khóa và lao dịch thì tăng lên gấp ba”. Trong bài “Tố khuất khúc” của dân Sơn Nam Hạ có câu:
Binh tài hai việc đã xong
Lại còn lực dịch thổ công bây giờ
Một năm ba bận công trình
Hỏi rằng mọt sắt dân tình biết bao...
Một bài vè thời Tự Đức tố cáo chế độ lao dịch có câu:
Bắt dân đào kênh...
Do đất đếm người
Một suất đinh hai thước
Bắt đào cho được
Hạn trong mười ngày
Cai phó tổng, cai thầy
Khất xin đào một tháng
Dân tình ngao ngán
Có thể trốn không đi
… Vợ con thêm nheo nhóc
Chồng lại phải phu phen
Muốn vạch cả trời lên
Kêu gào cho hả dạ...
Như đã thấy ở trên, thiên tai, mất mùa thường xuyên đe dọa cuộc sống của người dân nghèo. Sau mỗi lần vỡ đê, lụt lội lớn, mùa màng hư hại, nhân dân lại bỏ làng đi phiêu tán kiếm ăn. Năm 1833, theo lời tâu của Nguyễn Công Trứ, dân đói các tỉnh đến kiếm ăn ở Hải Dương hơn 27.000 người. Trận bão năm 1842 làm tỉnh Nghệ An đổ sập 40.753 ngôi nhà, chết 5240 người. Dịch tả lớn gây tổn hại hàng vạn sinh linh. Chẳng hạn, năm 1820, dịch tả phát ra từ mùa thu qua mùa đông làm chết khoảng 54.000 người. Năm 1840, dịch tả lại phát sinh ở Bắc Kì làm chết hơn 67.000 người, riêng Hải Dương chết 23.000 người, Bắc Ninh chết 21 .000 người. Trong hai năm 1849-1850, dịch tả lại hoành hành từ Bắc chí Nam, số người chết lên đến 589.460 người. Như lời dụ của Tự Đức năm 1854, “bệnh dịch mới yên, đại hạn lại tiếp, mất mùa liền mấy năm, thóc lúa không thu được, dân đói gầy mòn...”. Vụ đói khủng khiếp năm 1856 - 1857 sau các trận lụt lớn đã làm chết hàng chục vạn người ở Bắc Kì và Bắc Trung Kì, xuất hiện bài vè
Cơm thì chẳng có
Rau cháo cũng không...
... Quạ kêu vang bốn phía
xác đầy nghĩa địa
Thây thối bên cầu
Trời ảm đạm u sầu
Cảnh hoang tàn đói rét...
Nhà nước Nguyễn tìm mọi cách cứu đói như mở các kho thóc phát chẩn, cho vay, vận động các nhà giàu cho vay thóc không lấy lãi v.v...
Sau đây là một cảnh phát chấn: thời Minh Mạng, Thanh Hóa đói to, Lê Đăng Doanh được vua sai đến phát chẩn “đến nơi, dân đói đến lãnh chẩn ngày càng nhiều... có người chưa đến nơi đã chết, có nơi tranh nhau sang đò chết đuối đến 600 người, có người phơi nắng dầm sương, ngồi chờ mà chết” v.v...
Biết bao người đã tham gia vào các cuộc khẩn hoang lớn để rồi tạo được một cuộc sống ổn định, sung túc. Nhưng còn lại biết bao người không tìm ra lối thoát, chứa chất căm thù vua quan nhà Nguyễn và bọn địa chủ tàn ác; họ đã nổi dậy.
2. Phong trào đấu tranh của nhân dân
Những cuộc nổi dậy chống triều Nguyễn đã bùng lên từ rất sớm. Năm 1808, một số tướng cũ của Tây Sơn do Nguyễn Văn Tuyết cầm đầu đã nổi quân ở vùng Kinh Môn (Hải Dương). Nhân đó, hào mục nhiều nơi cũng nổi dậy, khiến chợ phố Bắc Thành “luôn luôn tan vỡ, kinh sợ”, Phong trào bùng lên mạnh hơn vào các năm 1807-1808 khiến triều Nguyễn phải tiến hành hơn 30 cuộc “tiễu phạt”. Rầm rộ hơn cả là cuộc khởi nghĩa của Vũ Đình Lục và Đặng Trần Siêu ở Sơn Nam. Nghĩa quân liên kết với lực lượng của Quách Tất Thúc ở thượng du Thanh Hóa, liên tục hoạt động cho đến năm 1824.
Phong trào nông dân, các dân tộc ít người ở miền núi phía bắc, ở Tây Nam Kì, v.v. ngày càng lan rộng và diễn ra liên tục suốt nửa đầu thế kỉ XIX. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, dưới thời Nguyễn có đến gần 500 cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ các loại, riêng thời Gia Long có khoảng 90 cuộc thời Minh Mạng khoảng 250 cuộc, thời Thiệu Trị 50 cuộc v.v... Tất nhiên cũng có một thời gian, từ sau khi cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân bị đàn áp, phong trào lắng xuống rồi trở lại với khởi nghĩa của Cao Bá Quát sau đó gần 20 năm.
- Phong trào nông dân miền xuôi nối tiếp cuộc khởi nghĩa của Vũ Đình Lục nổ ra ở khắp các vùng đồng bằng Bắc Kì và Bắc Trung Kì: Nguyễn Đức Khoa, Tổng Thái, Tú Bích ở Kinh Bắc, Trần Lê Quyền, Đỗ Hoàng Thân ở Sơn Tây, Nguyễn Thế Chung ở Sơn Nam, Nguyễn Trấn, Lê Hữu Tạo, Ninh Đăng Tạo, Phan Bô ở Nghệ An; đặc biệt là Phan Bá Vành ở Sơn Nam, Ba Nhàn và Tiền Bột ở Sơn Tây và Cao Bá Quát ở Hà Nội, Bắc Ninh.
Phan Bá Vành là người làng Minh Giám, huyện Vũ Thư (Thái Bình), nhà nghèo làm nghề nuôi và bán cá giống, sớm bất bình với giai cấp thống trị, đã hợp quân nổi dậy từ năm 1821, hoạt động ở vùng ven biển Giao Thủy (Nam Định). Những năm 1824 - 1825, nạn đói diễn ra ở Hải Dương, Sơn Nam. Nhân có sao chổi, nghĩa quân Phan Bá Vành nhanh chóng mở rộng hoạt động ra khắp vùng Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, An Quảng, Kiến An. Trà Lũ (thuộc Kiến Xương: Thái Bình) được nghĩa quân đặt làm căn cứ chính. Nhân dân có câu
Trên trời có ông sao tua
Ở làng Trà Lũ có vua Ba Vành.
Được sự giúp đỡ của một số tướng cũ của Tây Sơn như Nguyễn Hạnh, Vũ Đức Cát, một số nhân vật có tiếng ở địa phương như Trần Bá Hựu, Hai Đáng, Chiêu Liễn, Ba Hùm v.v... nghĩa quân Phan Bá Vành đã đánh bại nhiều cuộc tấn công đàn áp của quân triều đình, giết chết trấn thủ Sơn Nam Lê Mậu Cúc. Thanh Thế nghĩa quân càng mạnh. Tổng trấn Bắc Thành cấp báo về triều đình. Minh Mạng cử thống chế Trương Phúc Đặng đem quân ra giúp. Tháng 3 năm 1826, nghĩa quân bị đánh thua ở Giao Thủy, quân sư Vũ Đức Cát chạy ra An Quảng, sau đó bị bắt ở xã Đông Hào. Nghĩa quân tiếp tục hoạt động ở Tiên Minh, Nghi Dương (Hải Phòng) Thái Bình, đánh nhau với quân triều đình hàng chục trận (như Cổ Trai, Phủ Bo, Tam Giang, Đồ Sơn, Liêu Đông...). Minh Mạng phải cử thống chế Trương Văn Minh, các tham hiệp Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đức Nhuận ra thay Trương Phúc Đặng và phối hợp với Trấn thủ Hải Dương Nguyễn Hữu Thận đánh nhau với nghĩa quân. Thanh thế nghĩa quân vẫn tiếp tục tăng lên mặc dầu Minh Mạng đã cử thêm hai quản cơ Thanh Hóa và Nghệ An đem thuỷ quân ra chặn đường biển vùng Hải Dương. Nghĩa quân đẩy mạnh hoạt động ở phủ Thiên Trường và phủ Kiến Xương, Minh Mạng lại phải cử phó tướng Ngô Văn Vĩnh điều hai vệ quân ở Huế ra Bắc, hợp với vệ Thần Sách ở Nghệ An viện trợ. Thấy tình thế khó khăn, Phan Bá Vành rút quân về xây dựng và củng cố căn cứ Trà Lũ, đào hào đắp lũy để chống cự lâu dài. Đầu năm 1827, quân triều đình từ các ngả theo về bao vây Trà Lũ. Trong lúc tình thế khốn nguy, Vành lại bị trúng kế mĩ nhân nên trì hoãn việc chuẩn bị đối phó. Tháng 3 năm ấy, quân triều đình tấn công dữ dội. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt, “quân Vành thua chết quá nửa, số còn lại chạy về trại “nhưng bị chặn hết đường thoát. Trong đêm, Vành cho quân đào một con sông dài khoảng 800m, rạng sáng định chạy ra biển nhưng bị súng bắn dữ, quân chết nhiều, Vành bị thương và bị bắt. Trên đường đi, Bá Vành “đã cắn lưỡi tự tử”. Minh Mạng ra lệnh “dỡ phá hết nhà cửa, lũy tre, cây cối (ở Trà Lũ), không sót một thứ gì”, 7-8000 người bị bắt.
Có thể xem khởi nghĩa Phan Bá Vành là cuộc khởi nghĩa nông dân điển hình nhất của nửa đầu thế kỉ XIX, dưới thời Nguyễn.
- Khởi nghĩa Ba Nhàn, Tiền Bột: bùng lên vào năm 1833, dưới sự chỉ huy của Nguyễn Văn Nhàn và Lê Văn Bột. Nhàn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở xã Dẫn Tự, huyện Bạch Hạc (Phú Thọ), hợp quân “lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo”, liên kết với Lê Văn Bột (không rõ xuất xứ) và nhiều người khác, nổi dậy hoạt động trên vùng trung du tỉnh Sơn Tây (bao gồm cả Vĩnh Phúc và Phú Thọ ngày nay), lấy Rừng Khâm (chân núi Tam Đảo) làm căn cứ. Ở đây, nghĩa quân đã xây nhiều thành lũy đá, dựng lán trại, nhà kho, hàng ngày chia nhau đi đánh các nơi. Các huyện lị Bất Bạt, Tam Dương, Mỹ Lương, phủ thành Quảng Oai, Lâm Thao... đều bị tấn công. Nghĩa quân liên kết với quân của Lê Duy Lương ở Ninh Bình, phối hợp hoạt động với nghĩa quân của Đinh Công Tiến vây đánh tỉnh thành Hưng Hoá. Cuộc bao vây này kéo dài mấy tuần lễ, quân triều đình sắp thua may mà được viện quân kéo đến cứu thoát. Sau khi cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Lương yếu đi thì nghĩa quân Ba Nhàn bỏ Rừng Khâm về xây căn cứ mới ở Vụ Quang (thuộc huyện Sông Lô - Phú Thọ). Sau vài lần đánh sang huyện đường Phủ Ninh, tháng 7 năm 1834, nghĩa quân bắt đầu phối hợp chiến đấu với khởi nghĩa Nông Văn Vân. Hai bên dự kiến cùng nhau đánh chiếm đồn Đại Đống (Châu Thu, Tuyên Quang) nhưng khi quân Tiền Bột đến chỗ hẹn thì quân Nông Văn Vân không thấy đến; kết quả bị quân triều đình vây đánh, phải rút về. Tháng 10 năm ấy, lần phối hợp thứ hai lại thất bại, tiếp đó cuộc khởi nghĩa Nông Văn Vân bị đàn áp. Nghĩa quân Tiền Bột suy dần, đến năm 1848 thì Nguyễn Văn Nhàn bị bắt, Lê Văn Bột đầu thú.
- Cuối năm 1854, cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát bùng lên ở tỉnh Hà Nội. Năm đó, hầu hết các tỉnh đồng bằng Bắc Kì, Lạng Sơn đều bị bão lụt giá gạo cao vọt, đói kém. Ở kinh thành, hoàng tử Hồng Bảo mưu loạn, hàng loạt người bị bắt giam giữ, xử tử. Cao Bá Quát vốn là một nhà nho giỏi, nổi tiếng, năm 1831 đỗ cử nhân. Năm 1847 ông được bổ vào Hàn Lâm viện nhưng vì tính cương trực nên bị đổi ra Bắc làm Giáo thụ phủ Quốc Oai. Nhìn thấy bao cảnh bất công của xã hội và đói khổ của nhân dân, bản thân ông rất đau buồn, muốn đem tài năng ra thi thố giúp đời mà không thực hiện được. Ông quyết định từ bỏ chức vị, lấy cớ về nhà nuôi mẹ già để liên lạc với một số sĩ phu Bắc Kì, suy tôn một người chắt xa của vua Lê là Lê Duy Cự làm minh chủ, giương cao lá cờ “phù Lê”, tập hợp nông dân nghèo nổi dậy. Chẳng may mưu đồ bị bại lộ, Tổng đốc Bắc Ninh là Nguyễn Quốc Hoan báo về triều. Nghĩa quân chưa chuẩn bị xong đã phải khởi sự đánh chiếm phủ thành Ưng Hòa rồi chiếm luôn huyện lị Thanh Oai. Đầu năm 1855, Nghĩa quân do thủ lĩnh Nguyễn Văn Tuấn chỉ huy dàn trận ở Quốc Oai đánh nhau với quân triều đình; một cánh quân khác tiến về phía Nam Định, cánh quân thứ ba do Cao Bá Quát chỉ huy vượt qua Chương Mỹ (Hà Tây) tiến đến vây phủ thành Quốc Oai lần thứ hai. Do quân triều đình đông và mạnh hơn, nghĩa quân bị đánh bại ở cả 3 nơi. Cao Bá Quát rút quân về Mỹ Lương (Hòa Bình) phối hợp với dân Mường tấn công huyện lị Yên Sơn. Trong cuộc chiến đấu ác liệt Cao Bá Quát trúng đạn chết. Nghĩa quân rút lui, sau đó đánh vào huyện lị Phủ Cừ (Hưng Yên) rồi suy yếu dần và tan rã.
Cuộc khởi nghĩa của Cao Bá Quát chấm dứt một giai đoạn khởi nghĩa của nông dân miền xuôi.
- Phong trào đấu tranh của các dân tộc ít người phía bắc cũng nổ ra từ sớm. Năm 1804, Ma Danh Cúc (tức Dương Đình Cúc) cùng các tướng cũ của Tây Sơn, chiêu tập người Cao Lan nổi dậy ở Thái Nguyên. Tiếp đó, các năm 1810, 1820, các thủ lĩnh dân tộc ít người ở Thái Nguyên lại nổi dậy. Năm 1822, thủ lĩnh châu Thủy Vĩ là Lý Khai Hoa nổi quân đánh phá phố Hà Giang. Trong lúc đó, ở vùng Thanh, Nghệ, thủ lĩnh người Mường là Quách Tất Thúc nổi dậy, liên kết với nghĩa quân Vũ Đình Lục. Cuối thời Gia Long, bị Lê Văn Duyệt dụ dỗ, Quách Tất Thúc ra hàng. Tình hình tạm yên cho đến những năm 30 lại bùng lên với cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Lương, Quách Tất Công, Quách Tất Tại và cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân.
Lê Duy Lương là con cháu nhà Lê, được anh em thủ lĩnh họ Quách nuôi nấng từ lúc còn nhỏ. Người Mường ở vùng Sơn Âm, Thạch Bi (Hòa Bình) vốn trung thành với nhà Lê, nên sớm tìm cách nổi dậy chống nhà Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa bùng nổ vào năm 1832, lúc Lê Duy Lương 20 tuổi. Các lang đạo họ Quách lôi kéo được đồn binh Ninh Thiện, tôn Duy Lương làm minh chủ (Đại Lê Hoàng Tôn), phát binh đánh chiếm đồn Chi Nê, xây dựng hào lũy. Được tin đó, các lang đạo họ Đinh ở Lạc Thổ (Hòa Bình) cũng nổi dậy hưởng ứng. Năm 1833, nghĩa quân đánh chiếm các đồn Vạn Bờ, Quỳnh Lâm (Đà Bắc); Bất Bạt (Hà Tây), bao vây thành trấn Hưng Hóa. Triều đình Minh Mạng lo sợ điều quân từ Hà Nội, Nam Định lên giải vây, lại cử Tổng đốc An Tĩnh là Tạ Quang Cự, tham tán Hoàng Đăng Thận đem quân đánh thẳng vào Sơn Âm (căn cứ gốc của nghĩa quân) Xích Thổ, phối hợp với quân Thanh Hóa của Nguyễn Đăng Giai. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Căn cứ bị phá, Lê Duy Lương bị bắt. Tuy nhiên, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Mường vẫn tiếp tục. Năm 1836, các thủ lĩnh họ Quách, họ Đinh liên kết với các lang đạo Mường ở Quan Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh (Thanh Hóa), tôn Lê Duy Hiển làm minh chủ, đánh chiếm Hồi Xuân (châu lị Quan Hóa). Nghĩa quân lại đánh sang Lôi Dương, Thủy Nguyên (Thanh Hóa), Quỳ Châu (Nghệ An) và nam Ninh Bình. Minh Mạng sai Trương Đăng Quế ra làm kinh lược sứ, điều quân từ Hà Tĩnh ra theo, lại sai Tổng đốc mới của An Tĩnh là Phạm Văn Điển chỉ huy quân Thanh Hóa phối hợp đàn áp. Bị bao vây bốn mặt, năm 1838, nghĩa quân chịu thất bại, Lê Duy Hiển bị bắt.
Bất bình với chính sách dân tộc của nhà Nguyễn, từ năm 1829, Nông Văn Vân, thổ tù Bảo Lại (Cao Bằng) đã có ý định kêu gọi nhân dân Tày, Nùng nổi dậy. Tuy nhiên, đến tháng 8 năm 1833, cuộc khởi nghĩa mới thực sự bùng nổ, khi triều đình Nguyễn vô cớ cách chức Tri châu của Nông Văn Vân và định bắt ông. Lấy Vân Trung (thị trấn Bảo Lạc) và Ngọc Mạo (Đồng Mu) làm căn cứ chính, Nông Văn Vân tự xưng là “Tiết chế thượng tướng quân” tập hợp nhân dân địa phương đánh chiếm đồn Ninh Biên (thuộc Hà Giang). Bố chính Phạm Phổ thắt cổ tự tử. “Thổ phỉ Tuyên, Cao, Thái, Lạng lan tràn, chỗ nào cũng có đứa hùng trưởng mà đều lấy giặc Vân làm chủ”. Sau khi chiếm Ninh Biên, nghĩa quân đem quân vây hãm thành Tuyên Quang, đánh tan nhiều cuộc tiến quân đàn áp của Triều đình do Lê Văn Đức, Tạ Quang Cự chỉ huy. Cuối năm 1834, quân triều đình do Lê Văn Đức, Phạm Văn Điển chỉ huy tấn công vào các căn cứ chính; nghĩa quân chiến đấu quyết liệt nhưng do không đủ sức ngăn cản, phải “đốt phá nhà cửa, kho tàng” rút vào rừng. Cùng lúc đó, những cánh quân của các thổ hào khác, theo kế hoạch chung hoạt động mạnh ở Bắc Phấn, Bằng Thành (thuộc Thái Nguyên), Tiêm Lĩnh, Lạc Dương (Cao Bằng). Nhiều quan chức nhà Nguyễn phải tự sát để khỏi bị bắt, khi nghĩa quân đánh thành Lạng Sơn, tuần phủ Hoàng Văn Quyền đem quân đến cứu, nhưng vì “pháo lớn bắn dữ quá”, phải lui về đến Thất Tuyền thì bị bắt. Trước tình hình đó, Minh Mạng phải điều binh ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hải Dương theo các tướng Tạ Quang Cự, Lê Văn Đức, Nguyễn Công Trứ lên cứu viện và quyết tâm đàn áp cho được nghĩa quân. Cuộc chiến đấu diễn ra ở nhiều nơi. Tỉnh thành Cao Bằng bị quân Triều đình chiếm lại, thủ lĩnh Bế Cận bị giết. Nông Văn Vân rút về Bảo Lạc, xây dựng căn cứ mới Na Tình. Quân triều đình tập trung đánh Na Tình, nghĩa quân rút vào rừng, Nông Văn Vân “bị chết thiêu”.
Cuộc khởi nghĩa của Nông Văn Vân không chỉ thể hiện sự bất bình của nhân dân các dân tộc ít người phía bắc đối với nhà Nguyễn, mà còn là của chung của dân nghèo đương thời.
Bài hịch của nghĩa quân có câu:
Ba mươi tỉnh nhân dân đều oán
Tiếng oan hào kêu dậy đất không lông
(Theo “Minh đô sử”)
- Phong trào đấu tranh của các tộc người thiểu số phía Nam:
Từ buổi đầu triều đại Nguyễn, nhân dân Đá Vách (Quảng Ngãi) đã nổi dậy chống đối. Năm 1803, Gia Long đã phải sai tướng Lê Văn Duyệt đem quân đàn áp; nghĩa quân rút vào rừng, rồi tiếp tục hoạt động suốt thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Nhiều binh tướng triều đình bị sát hại. Cho đến trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp, những cuộc đánh phá của người Đá Vách vẫn tiếp tục, buộc triều đình Tự Đức luôn luôn lo lắng:
Tuy nhiên, những cuộc khởi nghĩa của người Khơ me Nam bộ trong những năm 40 gây cho triều Nguyễn nhiều khó khăn nhất. Đất Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang vốn là vùng đất còn ít được khai phá dưới thời Nguyễn. Ở đây, dân sở tại là người Khơ me. Về sau, di dân Việt đến ngày càng đông, cùng dân sở tại mở rộng xóm làng, đồng ruộng, hình thành nên bộ máy thống trị của nhà Nguyễn và mâu thuẫn xã hội, tộc người trở nên sâu sắc. Từ năm 1838 một cuộc khởi nghĩa do Đô y cầm đầu đã nổ ra ở Hà Tiên. Nghĩa quân đã đánh chiếm thành Hải Đồng, sau đó bị đàn áp. Năm 1840, một cuộc khởi nghĩa khác do Yla-việt-tốt cầm đầu lại nổ ra ở huyện Hà Âm (Hà Tiên – An Giang), đồng thời ở Kiên Giang, suất đội Chân Triết cũng hợp quân nổi dậy. Người Việt, người Hoa ở đây đã tham gia đông đảo. Nghĩa quân Hà Âm đánh sang cả Hà Dương, bao vây tỉnh thành Hà Tiên. Bị quân triều đình đánh mạnh, nghĩa quân rút vào rừng. Năm 1842, họ lại nổi dậy, phối hợp hoạt động với nghĩa quân Thất Sơn - Vĩnh Tế. Với những súng lớn cướp được của quân Triều đình, nghĩa quân hoạt động cho đến những năm 1845-1846.
Khoảng năm 1841, ở vùng Lạc Hóa (Cửu Long), nghĩa quân của Lâm Sâm bắt đầu hoạt động mạnh. Mấy tháng sau, nghĩa quân đã làm chủ được huyện lị Trà Vinh. Cùng thời gian này, ở Ba Xuyên (Hậu Giang) một cuộc nổi dậy khác do Sơn Tốt cầm đầu bùng nổ. Phối hợp với Trần Lâm (Srok Lim?), tri phủ Ba Xuyên, nghĩa quân tiến đánh huyện Vĩnh Định (Cần Thơ). Hoạt động của hai cuộc khởi nghĩa đã gây cho triều Nguyễn nhiều khó khăn, tổn thất; mãi đến năm 1842, sau thất bại ở căn cứ Rum Đuôn, Lâm Sâm và con bị bắt, cũng như trong một trận đánh ở gần Sóc Trăng, thủ lĩnh Trầm Lâm bị giết.
Vào cuối năm 1841, ở Thất Sơn (An Giang) một cuộc khởi nghĩa lại bùng lên. Nghĩa quân mở rộng hoạt động đến sông đào Vĩnh Tế và Tân Châu (Tiên Giang). Quân triều đình bị thua nhiều trận, nhất là ở Sà Tôn – Cô Tô vào tháng 6-1842. Tuy nhiên, về sau cuộc khởi nghĩa cũng bị đàn áp.
- Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi: Mặc dầu cố ưu đãi binh lính để biến họ thành một lực lượng trung thành với dòng họ thống trị, chế độ và số lượng binh lính không phải không gây ra nhiều nỗi bất bình. Những lúc nông dân nổi dậy, không phải không có những binh lính đứng về phía họ như trường hợp đội lính Ninh Thiện ở Nghệ An năm 1832 hoặc trường hợp quân lính đồn Cần Đa (Gia Định)... Đặc biệt nổi bật là cuộc nổi dậy của binh lính phiên An (Gia Định) do Lê Văn Khôi chỉ huy. Khôi vốn thuộc dòng họ Nguyễn một dòng họ đã trốn lên Cao Bằng và đổi ra họ Bế từ những thế kỉ trước. Năm 1819, khi Lê Văn Duyệt được cử ra bình định Thanh Hóa Ninh Bình, Lê Văn Khôi đã xin theo. Duyệt đã nhận Khôi làm con nuôi (do đó có họ Lê) và đưa về Gia Định. Vốn không thích Minh Mạng ngay từ khi Gia Long còn sống, Lê Văn Duyệt đã ấp ủ ý đồ chống đối khi làm Tổng trấn Gia Định thành. Khi Duyệt chết, Minh Mạng dựng lên vụ án Lê Văn Duyệt, san bằng mồ mả, tịch thu tài sản, bắt hết vợ con. Lê Văn Khôi bị giam vào ngục. Liên hệ được với binh lính ở ngoài, vào một đêm tháng 6 năm 1833, Lê Văn Khôi cùng 27 người đồng mưu vượt ngục, giết bố chính Bạch Xuân Nguyên, Tổng đốc Phiên An là Nguyễn Văn Quế, thả hết tội phạm, phân phát vũ khí cho họ, hợp quân lính phát hịch khởi nghĩa. Thành Phiên An nằm trong tay nghĩa quân. Vệ úy Thái Công Triều được cử đem quân đi đánh các tỉnh Nam kì, đi đến đâu quan lại nhà Nguyễn bỏ chạy đến đấy, Lê Văn Khôi làm chủ cả Nam kì, chia cho Thái Công Triều quản lí một nửa. Minh Mạng sai Tống Phúc Lương, phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng đem quân vào đàn áp. Thái Công Triều đầu hàng. Lực lượng nghĩa quân yếu đi, Khôi theo lời các giáo sĩ phương Tây cho người sang cầu viện quân Xiêm. Lợi dụng mọi sai lầm của quân Khôi, quân triều đình chiếm lại các tỉnh. Khôi rút quân cố thủ trong thành Phiên An, tiếp tục cầm cự. Đầu năm 1834, Khôi bị bệnh chết trong thành. Con của Khôi mới 8 tuổi được suy tôn làm đại nguyên súy, nhưng lực lượng cứ suy dần, mặc dầu chống trả rất quyết liệt cuộc tấn công của quân triều đình. Trong lúc đó, quân Xiêm kéo sang bị quân triều đình đánh bại. Nghĩa quân rơi vào tình trạng nguy ngập lại thêm bệnh dịch tả hoành hành. Tháng 8 năm 1835 quân triều đình mở cuộc tấn công ồ ạt vào thành. Nghĩa quân chống không nổi. Cuộc tàn sát xảy ra. Trừ 6 người cầm đầu bị bắt đưa về kinh xử, số còn lại, kể cả nhân dân, đều bị chém chết, chôn vào một chỗ, sau này được gọi là “động mả ngụy”.
Cũng như các cuộc khởi nghĩa của nông dân và các dân tộc ít người, cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi phản ánh sự bất bình cao độ của nhân dân Gia Định đối với triều Nguyễn, điều mà Minh Mạng không ngờ tới.
Ông nói : “Chỉ đáng lạ cho dân Nam kì... trước đây cái thói trung hậu tươi đẹp là thế, vậy mà một chốc đã có cái cực kì ngu tối như kia!”
Tóm lại, phong trào đấu tranh của nhân dân chống chính quyền và giai cấp thống trị ở nửa đầu thế kỉ XIX đã diễn ra suốt từ đầu thời Nguyễn cho đến những năm 50 chứ không mang tính giai đoạn như ở các thế kỉ trước. Phong trào đã lôi cuốn toàn bộ những người bị trị, từ nông dân, thợ thủ công, nho sĩ, quan lại cấp dưới... miền xuôi đến binh lính, các dân tộc ít người, tất nhiên ở những mức độ khác nhau ở vùng này hay vùng khác. Mặc dầu, thỉnh thoảng cũng có những hành động liên kết (như giữa khởi nghĩa Ba Nhàn, Tiền Bột với khởi nghĩa Lê Duy Lương, Nông Văn Vân...), nói chung, các cuộc khởi nghĩa đều mang đậm tính địa phương, riêng rẽ. Có những khẩu hiệu “phù Lê”, “phù Tây Sơn” thậm chí “phù Trịnh”, “chống Minh Mạng” v.v... và sự thực cũng đã có những con người đại diện cho ý tưởng đó, song, giá trị thu hút của chúng rất ít. Triều đình Nguyễn nắm trong tay một lực lượng quân sự lớn, đã lợi dụng những sai lầm, sơ hở của các cuộc khởi nghĩa để đàn áp. Tuy nhiên, những chính sách kinh tế - xã hội của nhà Nguyễn không làm dịu bớt những mâu thuẫn sâu sắc trong xã hội kể cả ở nửa sau của thế kỉ XIX. Như vậy, cho tới năm 1858 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, xã hội Việt Nam đang nằm trong tình trạng rối ren, phức tạp và đầy rẫy khó khăn.