Tài liệu: Phong trào nông dân Tây Sơn

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Các thủ lĩnh và thành phần tham gia: Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở đất Tây Sơn, do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo.
Phong trào nông dân Tây Sơn

Nội dung

Phong trào nông dân Tây Sơn

1. Cuộc khởi nghĩa bùng lên từ đất Tây Sơn

Các thủ lĩnh và thành phần tham gia: Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa đã bùng nổ ở đất Tây Sơn, do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Tây Sơn thuộc huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam vốn gồm hai vùng: vùng rừng núi gọi là Thượng đạo (nay thuộc Gia Lai - Kontum) và vùng đồng bằng gọi là Hạ đạo (nay thuộc Bình Định) bấy giờ rừng núi rậm rạp thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ. Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ sinh ra và lớn lên ở ấp Kiên Thành thuộc Hạ đạo Tây Sơn. Tổ tiên của 3 người vốn gốc ở Nghệ An, tên là Hồ Phi Khang bị quân chúa Nguyễn bắt làm tù binh vào năm 1655, đưa vào Tây Sơn khai hoang lập ấp. Đến đời cha của 3 người là Hồ Phi Phúc thì đã thành một gia đình trung nông khá. Hồi nhỏ, 3 anh em đã được đi học thầy giáo Hiến, một nho sĩ bất bình với quyền thần Trương Phúc Loan, trốn vào đây dạy học, nhờ đó được hiểu biết về tình hình triều đình của chúa Nguyễn. Bản thân Nguyễn Nhạc còn là một người buôn trầu hay qua lại miền thượng, rất quen biết các già làng người Bana; sau đó được giữ chức biện lại (nhân viên thu thuế) tuần Vân Đồn. Nguyễn Nhạc lại lấy con gái của một tù trưởng Bana, bấy giờ được gọi là cô Hầu, cũng như rất quen với người Chăm ở vùng thượng đạo.

Không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột và hoành hành của bọn quan lại chúa Nguyễn, không yên lòng trước cảnh sống khổ cực của những người nông dân cùng ấp, huyện, từ sớm 3 anh em đã liên kết với các bạn cùng chí hướng cũng như các tù trưởng dân tộc ít người, luyện võ, hội bàn chuẩn bị khởi nghĩa.

Năm 1771, nhân bị tên đốc trưng Đằng ức hiếp, Nguyễn Nhạc cùng hai em dựng cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn. Nghĩa quân truyền đi bài hịch với những câu:

Giận Quốc phó ra lòng bội bạn nên Tây Sơn xướng nghĩa cần vương. Trước là ngăn cột đá giữa dòng kéo đảng giặc đặt mưu ngấp nghé. Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kéo cùng dân ra chốn lầm than...

và giương cao khẩu hiệu: “Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Phúc Dương” (Phúc Dương là cháu đích tôn của Nguyễn Phúc Khoát, bị Phúc Loan phế truất).

Nhờ sách lược khôn khéo đó, nghĩa quân đã thu hút được sự ủng hộ và hưởng ứng của nhiều tầng lớp nhân dân. Đồng thời với khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, nghĩa quân đi đến đâu, dân nghèo tham gia đến đó. Rất nhiều thổ hào trong vùng như Huyền Khê, Nguyễn Thung đã tham gia nghĩa quân, bỏ tiền của ra chu cấp. Trong hàng ngũ của nghĩa quân còn có một lực lượng đáng kể nhân dân các dân tộc ít người, các thủ lĩnh của họ, thậm chí cả nữ chúa Chăm là Thị Hỏa. Một số thương nhân Hoa kiều đứng đầu là Tập Đình và Lý Tài cũng đi theo nghĩa quân, chiến đấu hăng hái. Bấy giờ, Thuận Quảng đang trong tình trạng đói kém nên cuộc khởi nghĩa có điều kiện thu được thắng lợi một cách nhanh chóng. Như các giáo sĩ Tây phương nhận xét:

“Họ tấn công và tước vũ khí viên quan do nhà vua sai vào thu thuế, họ thu lấy tất cả giấy tờ của viên quan này và đem đốt ở nơi công cộng... Họ giết những xã trường phản động... Họ đòi lấy hết những giấy tờ công và... đem đốt”. “Họ muốn thực hiện công lí trong xã hội và giải phóng nhân dân khỏi ách chuyên chế của vua, quan... lấy của cải của bọn quan lại và bọn nhà giàu phân phát cho dân nghèo...” “Người ta gọi họ là giặc nhân đức đối với người nghèo”.

2. Đánh đổ chính quyền chúa Nguyễn và đánh tan quân can thiệp Xiêm

Mùa thu năm 1773, nghĩa quân đã chiếm được phần lớn phủ Quy Nhơn. Thanh thế nghĩa quân lên cao. Nguyễn Nhạc nhân đó dùng mưu kế đem quân đánh chiếm phủ lị Quy Nhơn rồi tiến lên chiếm nốt Quảng Ngãi.

Triều đình Phú Xuân được tin đó, hốt hoảng cử các tướng đi chống cự. Hai bên gặp nhau ở Bến Ván (giáp ranh 2 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi). Nghĩa quân rút về bến Đá (Thăng Bình) mai phục, đánh tan quân của chúa Nguyễn. Cuộc tấn công lần thứ hai của quân Nguyễn cũng bị đánh lui. Cùng lúc đó, ở mặt nam, nghĩa quân tiến vào chiếm các vùng đất từ nam Bình Định cho đến Bình Thuận. Năm 1774, lưu thủ Long Hồ đem quân từ Gia Định ra đánh, chiếm lại cả vùng đất phía nam đến tận Phú Yên. Nghĩa quân giữ vững Quy Nhơn. Cũng vào lúc ấy, ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh Sâm được tin về cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đang làm lung lay chính quyền Nguyễn. Ông ta bèn cử Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt đem quân tiến vào đánh chúa Nguyễn với danh nghĩa đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan và dẹp loạn Tây Sơn. Tháng 11 năm 1774, quân Trịnh vượt sông Gianh và chiếm dần các dinh phía bắc Phú Xuân. Trong tình thế bị o ép cả hai phía, chúa Nguyễn bắt Trương Phúc Loan nộp và xin bãi binh, nhưng quân Trịnh vẫn tiếp tục tiến vào. Biết không chống lại được, đầu năm 1775 Nguyễn Phúc Thuần cùng gia quyến, thân binh vượt biển vào Gia Định, quân Trịnh chiếm Phú Xuân. Tháng 3 năm 1775, một bộ phận quân Trịnh vượt đèo Hải Vân đánh vào. Một trận đánh lớn diễn ra giữa quân Tây Sơn và quân Trịnh ở Cẩm Sa (Quảng Nam). Nghĩa quân bị thua to phải rút về Bến Ván phía nam. Bị Nguyễn Nhạc nghi ngờ, Tập Đình vượt biển về Quảng Đông và bị quan nhà Thanh giết. Trước tình thế bị tấn công từ hai phía, tháng 7 năm 1775, Nguyễn Nhạc quyết định sai người đem vàng bạc và thư “xin hàng” quân Trịnh, nộp đất 3 phủ Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Phú yên và xin làm tướng tiên phong đi đánh Nguyễn. Biết Nguyễn Nhạc làm kế hoãn binh, nhưng vì mệt mỏi, Hoàng Ngũ Phúc đành chấp nhận và phong Nhạc làm Tráng tiết tướng quân Tây Sơn hiệu trưởng.

Mặt khác, Nguyễn Nhạc cũng vờ liên kết với Tống Phước Hiệp (lưu thủ Long Hồ) ở mặt nam, xin lập hoàng tôn Phúc Dương lên làm vua. Hiệp tin là thật, sao nhãng việc phòng bị.

Đúng vào lúc đó, Nhạc cử Nguyễn Huệ đem đại quân đánh úp Phú Yên và giao cho Lý Tài ở lại giữ. Lý Tài đã làm phản, chạy theo chúa Nguyễn. Đầu năm 1776, Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Lữ đem thủy binh vào đánh Gia Định, chiếm thành rồi rút lui. Nhưng quân Nguyễn phải bỏ các dinh, phủ từ Diên Khánh đến Bình Thuận.

Năm 1777, Nguyễn Nhạc tự xưng Tây Sơn vương, phong Nguyễn Huệ làm phụ chính, xây lại thành Đồ Bàn làm thủ phủ.

Tiếp đó, Nguyễn Nhạc sai người ra Bắc xin cho mình cai trị đất Quảng Nam. Trịnh Sâm phong Nhạc làm trấn thủ, Cung quốc công. Nhạc cử Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đem quân vào đánh Gia Định. Quân Nguyễn bị đánh bại ở khắp nơi. Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương đều bị giết. Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cử người ở lại giữ Gia Định và rút quân về Quy Nhơn. Một người cháu của Phúc Khoát là Nguyễn Ánh, được sự ủng hộ của các đại địa phủ Gia Định, đã hợp quân đánh chiếm lại Gia Định.

Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu Thái Đức, phong Nguyễn Huệ làm Long nhương tướng quân, Nguyễn Lữ làm tiết chế. Các năm 1782, 1783, quân Tây Sơn hai lần đánh vào Gia Định. Quân Nguyễn Ánh thất bại nặng nề, tạm bỏ Gia Định chạy trốn sang Xiêm.

Chính quyền chúa Nguyễn đã bị đánh đổ nhưng Nguyễn ánh vẫn không chịu từ bỏ mong muốn khôi phục cơ đồ của dòng họ. Sang Xiêm, Ánh xin vua Xiêm đem quân đánh Tây Sơn, cứu giúp mình. Cuối tháng 7 năm 1784, hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương được lệnh đem 2 vạn thủy quân, 300 chiếc thuyền và tướng Chiêu Thùy Biên đem 3 vạn bộ binh cùng Nguyễn Ánh, Chu Văn Tiếp đánh về Gia Định. Cho đến cuối năm đó, gần một nửa đất Gia Định đã thuộc về quân Xiêm - Nguyễn Ánh. Tướng Tây Sơn là Trương Văn Đa giữ vững hai thành Gia Định và Mỹ Tho.

Kiêu căng với thắng lợi nhanh chóng của mình, quân Xiêm mặc sức cướp phá, đốt nhà lấy của, giết người rất tàn bạo. Nhân dân Gia Định chất chứa căm thù, ngày ngày mong đợi quân Tây Sơn tiến vào giải phóng cho họ.

Tin báo về, Nguyễn Huệ được lệnh cầm quân tiến vào giành lại đất Gia Định. Đầu tháng 1 năm 1785, quân Tây Sơn vào đóng lại ở Mỹ Tho. Bấy giờ quân Xiêm - Nguyễn Ánh đang đóng ở Sa Đéc, chuẩn bị tấn công Mỹ Tho. Trận quyết chiến diễn ra trên khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút (về sau được gọi là trận Rạch Gầm - Xoài Mút) vào sáng ngày 19-1-1785. Nguyễn Huệ nhử quân địch vào trận địa mai phục và đánh cho chúng tan tành chỉ còn vài ngàn quân chạy bộ về nước. Chính sử nhà Nguyễn sau này cũng phải thừa nhận rằng: “Người Xiêm sau trận thua năm Giáp Thìn (1785) ngoài miệng tuy nói khoác nhưng trong bụng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.

Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút thể hiện tài năng quân sự kiệt xuất của vị chủ soái Nguyễn Huệ và tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết liệt của quân đội Tây Sơn. Chiến thắng đó cũng khẳng định quyền làm chủ xứng đáng của nghĩa quân Tây Sơn đối với đất Đàng Trong đương thời.

3. Lật đỗ chính quyền Lê - Trịnh

Trong khi nghĩa quân Tây Sơn đánh đổ chính quyền chúa Nguyễn, đánh tan quân xâm lược Xiêm cũng như, từ nhiều năm trước đó, Nguyễn Nhạc tự xưng hoàng đế, lấy Đồ Bàn làm kinh đô... thì tình hình Đàng Ngoài ngày càng khó khăn. Mất mùa, đói kém liên tiếp xảy ra. Năm 1782, Trịnh Sâm chết, Trịnh Khải làm đảo chính, quân sĩ nhân đó gây nên “loạn kiêu binh”. Chính quyền Lê - Trịnh không còn có điều kiện quan tâm đến mặt năm nữa. Ở Thuận Hóa, tướng Hoàng Ngũ Phúc chết, Phạm Ngô Cầu được cử trấn thủ Phú Xuân. Tuy biết ít nhiều về hoạt động của quân Tây Sơn, Phạm Ngô Cầu, Hoàng Đình Thể vẫn không động tĩnh gì mà quân lính của chúa Trịnh thì mệt mỏi vì cảnh

Ba năm trấn thủ Lưu đồn

Ngày thì canh điếm, tối đồn việc quan...

Trong bối cảnh đó, một viên tướng của chúa Trịnh là Nguyễn Hữu Chỉnh, trước đây đã là người mang ấn, kiếm vào phong cho Nguyễn Nhạc, đã bỏ hàng ngũ Trịnh theo về với quân Tây Sơn.

Sau khi đánh tan 5 vạn quân Xiêm và bè lũ Nguyễn Ánh, vị danh tướng Nguyễn Huệ củng cố lại chính quyền Tây Sơn ở Gia Định rồi rút về. Thắng lợi to lớn đó đã làm nảy sinh ý tưởng chiếm lại Phú Xuân ở các thủ lĩnh Tây Sơn. Được Nguyễn Hữu Chỉnh gợi ý và sẵn sàng góp sức, Nguyễn Nhạc đã quyết định cử Nguyễn Huệ làm tiết chế quân thủy bộ cùng Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh tiến ra Phú Xuân. Dùng mưu li gián Hoàng Đình Thể, và Phạm Ngô Cầu, nghĩa quân Tây Sơn nhanh chóng hạ thành Phú Xuân rồi nhân đà thắng lợi, tiến ra chiếm nốt các dinh còn lại ở nam sông Gianh. Đất Đàng Trong hoàn toàn thuộc về quân Tây Sơn.

Với khí thế của một đạo quân bách chiến, bách thắng, Nguyễn Huệ dự định vượt sông Gianh đánh ra Bắc hà nhưng chưa dám quyết định. Nhận biết được ý đồ đó, một lần nữa, Nguyễn Hữu Chỉnh lại khuyến nghị đánh tiếp. Theo sử cũ, khi Nguyễn Huệ hỏi, Nguyễn Hữu Chỉnh đã mạnh dạn nói: “việc binh cốt ở thần tốc tướng quân mới đánh một trận mà lấy được Thuận Hóa, uy danh rung động cả Bắc hà... Nay ở Bắc hà, tướng thì nhát, quan thì kiêu, ta nên thừa thắng mà đánh lấy”. Nguyễn Huệ lại hỏi: “Một nước đã dựng được mấy trăm năm, nay nhất đám đến đánh, người ta sẽ cho quân mình là quân gì?”. Chính đáp: “Nay Bắc hà đã có vua lại có chúa... họ Trịnh tiếng là phụ chính nhưng kì thực là hiếp chế vua Lê, người trong nước từ lâu đã chán ghét... Nay tướng quân lấy danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh thì thiên hạ ai là không hưởng ứng?” Nguyễn Huệ lại hỏi: “nhưng làm trái mệnh trên hay sao?”. Chỉnh nói: làm trái mệnh là việc nhỏ, lập được công là việc lớn... huống chi, tướng ở ngoài, mệnh vua cũng không theo. Tướng quân há lại không rõ điều đó hay sao?”[1]

Xác định đủ lí lẽ, Nguyễn Huệ để Nguyễn Lữ ở lại giữ Thuận Hóa, sai người về Quy Nhơn báo cáo với Nguyễn Nhạc, còn tự mình cùng các tướng  khác tiến ra Bắc hà theo hai đường thủy bộ. Quân Tây Sơn nhanh chóng chiếm Vị Hoàng (Nam Định) rồi kéo quân qua Phố Hiến tiến về Thăng Long. Dưới lá cờ “phù Lê diệt Trịnh, quân Tây Sơn kêu gọi nhân dân Bắc hà ủng hộ và ồ ạt tấn công Thăng Long. Quân Trịnh do Hoàng Phùng Cơ rối tiếp đó Trịnh Khải chỉ huy đều bị đánh tan. Trịnh Khải bỏ chạy lên Sơn Tây rồi bị bắt.

Ngày 21 tháng 7 năm 1786, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào Thăng Long.  Chính quyền của họ Trịnh bị lật đổ. Nguyễn Huệ trao lại quyền hành cho vua Lê Hiển Tông và được vua Lê phong tước Uy quốc công. Vua Lê cũng nhường cho Tây Sơn đất Nghệ An, gọi là để thưởng công. Sau khi hoàn thành mọi việc, Nguyễn Huệ rút quân về Nam.

- Quân Tây Sơn rút về, Bắc hà rối loạn. Nạn đói hoành hành, nhân dân cực khổ, vua Lê Chiêu Thống kế vị Lê Hiển Tông bất lực trong việc chống chọi với thế lực họ Trịnh do Trịnh Bồng đứng đầu, đang cố sức phúc dựng cơ đồ cũ. Dựa vào sự giúp đỡ của Nguyễn Hữu Chỉnh (sau khi quân Tây Sơn rút, đã trở lại Bắc hà), Chiêu Thống đánh bại quân Trịnh, đốt phá phủ chúa. Trong nhân dân truyền nhau câu đối:

Thiên hạ mất chuông chùa, chuông đã mất, đỉnh yên sao được

Hoàng thượng đốt phủ chúa, phủ đốt rồi thì điện cũng trơ

Nguyễn Hữu Chỉnh nhân đó lộng quyền, chống lại Tây Sơn, cho người vào đòi lại Nghệ An. Cuối năm 1787, Nguyễn Huệ (Bắc bình vương, làm chủ vùng đất từ Phú Xuân ra Bắc theo sự phân chia của Nguyễn Nhạc) cử Ngô Văn Sở, Vũ Văn Nhậm đem quân ra diệt Chỉnh. Trước sức tấn công dữ dội của quân Tây Sơn, Nguyễn Hữu Chỉnh và Lê Chiêu Thống rủ nhau chạy lên phía bắc. Giữa đường, quân sĩ bỏ trốn hết. Hữu Chỉnh chạy đến Yên Thế (Bắc Giang) thì bị bắt và bị giết. Lê Chiêu Thống trốn thoát rồi vượt biên giới chạy sang đất Quảng Tây. Nhà Lê sụp đổ sau gần 4 thế kỉ trị vì đất nước. Vũ văn Nhậm thu xếp mọi việc, lập một người họ Lê là Lê Duy Cẩn làm giám quốc bù nhìn. Được thông báo về sự lộng quyền của Nhậm, Nguyễn Huệ vội vã ra Bắc, bắt giết Nhậm và cử Ngô Văn Sở lên thay, đồng thời thu nhận một số quan lại, sĩ phu tiến bộ Bắc hà như Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn v.v... giao quyền hành, chức Vụ Cho họ, thể hiện đúng ý thức trọng dụng người hiền tài.

Như vậy là sau hơn 15 năm khởi nghĩa, đánh nam, dẹp bắc, quân Tây Sơn ngày càng lớn mạnh đã hoàn thành một sự nghiệp to lớn: đánh đổ 3 tập đoàn phong kiến thống trị Nguyễn, Trịnh, Lê, làm chủ cả đất nước. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng vào năm 1788 này, thế lực họ Lê vẫn còn lay lắt và trong bước đường cùng đã cầu cứu nhà Thanh, còn ở mặt nam, nhân cuộc xung đột, bất hòa của anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và nhân sự thoái hóa của Nguyễn Nhạc, sự bất lực của Nguyễn Lữ, từ đất Xiêm, Nguyễn Ánh đã trở về, một lần nữa dựa vào bọn đại địa chủ ở đây chiếm lại Gia Định. Sự nghiệp của phong trào Tây Sơn vẫn chưa trọn ven.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4638-02-633921671824685000/Giai-doan-khung-hoang-cua-che-do-phong-ki...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận