Làm gì khi muốn đóng góp ý kiến với thầy cô?

Bạn nhìn nhận như thế nào về ý nghĩa của từ “thầy cô giáo”? câu trả lời mà chúng tôi thường gặp nhất là: Bạn cho rằng thầy cô giáo chỉ là người truyền đạt lại kiến thức trong sách vở cho mình. Chính vì thường xuyên bị ép phải học những điều rất khô khan, nhàm chán, nên vị trí của thầy cô trong bạn hoàn toàn chẳng quan trọng gì. Ngoài ra, trong tất cả các lĩnh vực khác, các thầy cô cũng luôn nghiêm khắc, đặt ra yêu cầu cao với tất cả học sinh. Dù bạn có cố gắng đến mấy thì cũng chưa bao giờ đúng hoàn toàn, chưa bao giờ làm cho các thầy cô thật sự hài lòng cả.
Dù đã tìm đủ mọi cách nhưng bạn vẫn không thể tiếp xúc, nói chuyện với thầy cô thoải mái như các bạn khác được. Những lần va chạm giữa bạn và thầy cô ngày càng nhiều, khiến bạn không thể nhớ được con số chính xác là bao nhiêu. Bạn đã cố gắng để quan hệ giữa mình và thầy cô trở nên tự nhiên hơn nhưng lại không thể làm được. Có thể là phương pháp của bạn không đúng, nhưng cũng có thể do tính khí thất thường của thầy cô nên rốt cuộc thì bạn vẫn không hiểu tại sao mọi chuyện lại như vậy.
Quan hệ giữa học sinh và thầy cô giáo cũng giống như quan hệ giữa con cái và cha mẹ trong gia đình vậy, hoàn toàn khác với sự thoải mái, tùy tiện như với bạn bè cùng lứa nhưng bạn cũng đừng vì thế mà cho rằng mình với thầy cô giống như nước với lửa, không thể tìm được tiếng nói chung.
Thầy cô giáo không phải là thần thánh, không phải bất cứ việc gì họ làm cũng đều đúng cả. Họ cũng không thể suốt ngày tỏ ra thân thiện, hòa đồng, gần gũi với bạn như bạn mong muốn. (Thực ra đôi lúc bạn cũng biết là mình sai và sự nghiêm khắc của thầy cô là hoàn toàn hợp lý, nhưng bạn lại không muốn thừa nhận điều đó). Đôi khi những quyết định của thầy cô không phải lúc nào cũng hợp tình hợp lý, nhưng như vậy cũng không có nghĩa là họ không hiểu và thông cảm, tha thứ cho học sinh của mình.
Để cải thiện tình trạng trên, bạn cần thay đổi những nhận thức vốn có về các thầy cô giáo của mình cũng như thay đổi thái độ trong học tập và cuộc sống. Có như vậy, chắc chắn các thầy cô sẽ cảm động và nhận ra được những phẩm chất tốt đẹp của bạn, sẽ nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của bạn dễ dàng hơn?
Đặt mình vào vị trí của thầy cô để xem xét vấn đề.
Bạn còn rất nhiều kế hoạch vẫn chưa được thầy cô đồng ý phê duyệt vì nhiều nguyên nhân khác nhau: Các thầy cô chưa hiểu rõ mọi chuyện là như thế nào; bạn thường xuyên nổi giận một cách vô cớ, thường xuyên chống đối lại thầy cô. Nếu bạn đứng trên góc độ của thầy cô, đặt mình vào vị trí của họ để xem xét vấn đề, thì sẽ tìm ra được nhiều phương pháp giải quyết tốt hơn.
Coi thầy cô như những người thân trong gia đình
Chắc chắn tất cả các thầy cô giáo đều không khô khan, cứng nhắc như bạn từng nghĩ. Nếu bạn coi họ như những người thân trong gia đình, thường xuyên tâm sự, trao đổi để hai bên hiểu nhau hơn, đồng thời cũng thể hiện cho các thầy cô biết về sở thích, ưu điểm, hứng thú của mình thì bạn sẽ nhận ra rằng, các thầy cô cũng coi bạn như người thân trong gia đình vậy. Lúc đó, tất cả mọi vấn đề khúc mắc giữa bạn và các thầy cô đều sẽ được giải quyết nhanh chóng, ổn thỏa và hợp lý hơn.
Tôn trọng và tin tưởng thầy cô
Dù sao thì các thầy cô cũng lớn tuổi hơn bạn, vì vậy, bạn cần tỏ ra tôn trọng họ, không thể coi họ như những người bạn cùng lứa với mình được. Ngoài ra, kinh nghiệm sống của các thầy cô cũng phong phú hơn bạn. Vì vậy, bạn nên cố gắng hành động theo những lời khuyên dạy của các thầy các cô. Nếu làm được như vậy, quan hệ thầy trò sẽ hòa đồng và tốt đẹp hơn rất nhiều.