Tài liệu: Làm gì khi cha mẹ ép bạn học thêm quá nhiều?

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Trước hết, bạn cần tìm cách để cha mẹ chấp nhận rằng, bạn cũng có tính độc lập và có quyền được lựa chọn những gì phù hợp với mình.
Làm gì khi cha mẹ ép bạn học thêm quá nhiều?

Nội dung

Làm gì khi cha mẹ ép bạn học thêm quá nhiều?

Trước hết, bạn cần tìm cách để cha mẹ chấp nhận rằng, bạn cũng có tính độc lập và có quyền được lựa chọn những gì phù hợp với mình.

Đòi hỏi được độc lập, tự chủ trong mọi việc là biểu hiện của một người đang bước gần đến sự trưởng thành. Tuy nhiên, có thể cha mẹ sẽ không thể thích ứng ngay được với những hành động và nguyện vọng đó của bạn. Ngay từ khi bạn được sinh ra, cha mẹ đã quen với việc trở thành một chiếc ô che chở cho bạn, sẵn sàng làm mọi việc để bảo vệ bạn. Đó chính là biểu hiện của tình yêu thương và sự quan tâm mà cha mẹ dành cho bạn. Nhưng đây cũng chính là nguyên nhân rất dễ làm nảy sinh những bất đồng, va chạm trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con gái.

Trong lúc cả nhà ngồi quây quần nói chuyện, bạn hãy thử hỏi cha mẹ xem khi họ bằng tuổi bạn bây giờ, họ đã có nguyện vọng và suy nghĩ như thế nào, cha mẹ của cha mẹ (chính là ông bà nội ngoại của bạn) đã để cho cha mẹ được và không được làm những việc gì và cha mẹ đã đòi hỏi nhiều quyền tự do hơn như thế nào. Mỗi khi hồi tưởng lại tuổi mới lớn của mình, các ông bố bà mẹ đều tỏ ra vô cùng tự hào. Họ có thể quên đi mình đã là bố, là mẹ mà kể lại những “chiến tích” của mình một cách thật hào hứng và phấn khích. Chính những lúc đó, họ sẽ dễ dàng hiểu được những việc mà bạn sắp phải trải qua, cũng như những suy nghĩ, cảm nhận và khao khát được tự lập của bạn. Thậm chí, vào những lúc cao hứng, nhiều ông bố bà mẹ còn sẵn sàng thỏa hiệp hoặc nhượng bộ cho những yêu cầu đó của bạn.

Một nguyên nhân nữa khiến cha mẹ phản đối khát vọng được độc lập suy nghĩ của bạn là do họ chưa đủ tin tưởng, an tâm về bạn. Họ vẫn chưa biết rằng, trong giai đoạn này, bạn đã trưởng thành hơn trước rất nhiều. Bạn hãy cố gắng dành nhiều thời gian để trò chuyện với cha mẹ, để cha mẹ nắm bắt được sự trưởng thành và tiến bộ của mình. Làm như vậy, cha mẹ sẽ không thấy bất ngờ với mong muốn được độc lập trong suy nghĩ và hành động của bạn nữa. Ngoài ra, việc thường xuyên tâm sự, nói chuyện cũng thể hiện sự tôn trọng và tin tưởng của bạn đối với cha mẹ, đồng thời giúp cha mẹ hình thành thói quen lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng cần cố gắng thể hiện bằng những hành động thiết thực chứ không chỉ là những lời nói suông, chứng minh cho cha mẹ biết sự trưởng thành, chín chắn của mình. Bạn hãy thử suy nghĩ thật kỹ xem, lẽ nào việc cha mẹ không an tâm về mình lại không có lý do và không hợp lý? Nếu bạn luôn làm mọi việc một cách qua loa đại khái, làm không đến nơi đến chốn, và kết quả là đầu voi đuôi chuột, đến làm việc nhà cũng không xong thì cha mẹ sẽ dựa vào điều gì để tin rằng bạn đã đủ khả năng để suy nghĩ và hành động một cách độc lập?

Một việc nữa bạn cũng cần lưu ý là phải biết thông cảm với những nỗi khổ tâm của cha mẹ.

Bạn nhìn nhận như thế nào về những người đang được coi là thần đồng, là thiên tài? Khi cha mẹ vô tình hay hữu ý nhắc đến một thiên tài nào đó hoặc để cho bạn thấy một tờ tạp chí có bài viết về một thần đồng nào đó, hẳn là bạn sẽ hậm hực mà suy nghĩ rằng: “Ai bảo cha mẹ sinh con ra chẳng phải là thần đồng mà cũng chẳng phải là thiên tài? Mấy người đó chẳng có liên quan gì đến con cả!”.

Nhưng, hầu hết các bậc cha mẹ đều không bao giờ suy nghĩ như vậy. Cha mẹ chúng ta luôn cho rằng: Làm gì có trí thông minh từ trên trời rơi xuống? Chỉ khi con người nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ, chuyên cần, chăm chỉ thì mới có thể trở thành những thiên tài! Phần lớn các ông bố, bà mẹ đều không phải là những thiên tài, họ chỉ có thể gửi gắm hy vọng, mong ước trong gia đình có một bậc kỳ tài, một thần đồng nào đó và chính là những đứa con thân yêu của mình.

Cũng có thể kỳ vọng của cha mẹ bạn không lớn lao đến thế. Họ chỉ mong bạn trở thành một ca sĩ, một diễn viên hay một nhà soạn nhạc nổi tiếng. Vì vậy, ngay từ khi bạn còn nhỏ, cha mẹ đã ép bạn theo học rất nhiều lớp năng khiếu, hết lớp này đến lớp khác khiến bạn mệt mỏi, chán chường. Dù bạn mới chỉ mười mấy tuổi, chưa ai biết bạn có hay không có những tố chất của một thiên tài nhưng cha mẹ thì luôn mong muốn, hy vọng những tố chất đó sẽ xuất hiện vào một ngày không xa. Nhiệm vụ duy nhất của bạn lúc đó chỉ là học, học và học.

Hiện tượng cha mẹ ép con học đàn, học vẽ, học hát, học múa,... không phải là trường hợp hiếm có trong xã hội ngày nay. Trong rất nhiều gia đình, những môn nghệ thuật đó đã trở thành “bài học chính khóa” của trẻ sau khi hết giờ học ở trường, là một điều không thể thiếu và dường như đã trở nên vô cùng quan trọng.

Kết quả việc làm đó của các bậc cha mẹ là góp phần tạo ra cho đất nước, cho xã hội ngày càng nhiều những tài năng nghệ thuật nhưng đồng thời cũng khiến con trẻ phải chịu một áp lực, gánh trên vai một trọng trách lớn ngay từ khi còn nhỏ. Ngược lại với mong muốn tốt đẹp đó, có những bé không thể tiếp thu được điều gì, thậm chí ngày càng trở nên nhút nhát, sống khép mình hơn. Sau khi lớn lên, những “cỗ máy được lập trình sẵn” đó sẽ rất khó để tiếp xúc, hòa nhập được với xã hội. Đối với các em, xã hội thật lạ lẫm, lẫn lộn và đầy đe dọa. Chính mong muốn biến con thành thiên tài của các bậc cha mẹ lại đẩy các em trở thành những người ngờ nghệch và thiếu tự tin.

Vì vậy, không phải lúc nào việc ép con theo học hết lớp này đến lớp khác xuất phát từ tâm lý mong con thành tài của các bậc cha mẹ cũng đều đúng đắn và hợp lý. Việc này còn liên quan đến rất nhiều nhân tố như những điều kiện nội tại, sở thích, cá tính của từng đứa con trong mỗi gia đình. Là con cái trong gia đình, bạn cũng sẽ dần ý thức được rõ ràng hơn về những gì mà mình thật sự thích thú. Nếu cho rằng môn học mà cha mẹ đang bắt ép mình không phù hợp hay bạn không có chút hứng thú nào với môn học đó, bạn hãy từ chối và nói “không” ngay từ khi cha mẹ đề nghị.

Vẫn biết thay đổi suy nghĩ của cha mẹ là một việc chẳng hề dễ dàng, nhưng trong trường hợp này, liệu bạn có sự lựa chọn nào khác khả thi hơn không?

- Nếu môn học cha mẹ ép buộc cũng chính là môn mà bạn yêu thích thì không cần gì phải bàn. Nhiệm vụ của bạn lúc này chỉ là cô gắng học cho thật tốt.

- Nếu rất ghét học môn đó, bạn hãy tìm lúc thích hợp để nói cho cha mẹ hiểu suy nghĩ của mình. Một lần không được thì bạn hãy thử tới lần thứ hai, thứ ba. Nếu cha mẹ cảm thấy thất vọng hay tức giận về bạn, chắc chắn họ sẽ bỏ cuộc và không bắt ép bạn phải học nữa.

- Hãy tìm sự giúp đỡ từ một người thứ ba. Nếu bạn không thuyết phục được cha mẹ thì hãy nhờ một người thật sự thấu hiểu, thông cảm cho những tâm tư, tình cảm của bạn đến làm thuyết khách. Thầy giáo của bạn cũng có thể là một thuyết khách tuyệt vời đấy?

- Hãy nói để cha mẹ hiểu sở thích của bạn. Ví dụ: Bạn thích làm thơ chứ không phải là bơi lội, thích hát chứ không phải là hội họa. Chắc chắn cha mẹ sẽ hiểu rằng, bạn chỉ có thể chăm chỉ học hành, luyện tập nếu thật sự thấy hứng thú với bộ môn nghệ thuật đó.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4189-02-633704815285537500/Toi-yeu-gia-dinh-Toi-yeu-Thay-co/Lam-gi-k...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận