Tài liệu: Tình hình chính trị

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Từ lúc đem quân ra Đông Đô, Lê Lợi đã chia nước làm 4 đạo. Năm 1428, Thái Tổ chia lại nước làm 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc (tương ứng với Bắc bộ ngày nay) và Hải Tây (từ Thanh Hóa vào đến Thuận Hóa). Dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu.
Tình hình chính trị

Nội dung

Tình hình chính trị

1. Xây dựng và củng cố chính quyền

Từ lúc đem quân ra Đông Đô, Lê Lợi đã chia nước làm 4 đạo. Năm 1428, Thái Tổ chia lại nước làm 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc (tương ứng với Bắc bộ ngày nay) và Hải Tây (từ Thanh Hóa vào đến Thuận Hóa). Dưới đạo là trấn, lộ, huyện, châu. Đơn vị hành chính cơ sở là xã, gồm 3 loại: xã lớn 100 người trở lên, xã vừa 50 người trở lên và xã nhỏ 10 người trở lên. Năm 1466, Thánh Tông chia lại cả nước thành 12 đạo thừa tuyên. Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô. Năm 1469, đổi Thiên Trường thành Sơn Nam, Nam Sách thành Hải Dương, Quốc Oai thành Sơn Tây, Bắc Giang thành Kinh Bắc và phủ Trung Đô thành phủ Phụng Thiên. Năm 1471, sau khi chiếm vùng đất ở phía nam Thuận Hóa cho đến đèo Cù Mông, Thánh Tông lập thêm thừa tuyên thứ 13: Quảng Nam. Năm 1490, bản đồ trong nước được xác định gồm: 13 đạo thừa tuyên, 52 phủ, 178 huyện, 50 châu, 20 hương, 36 phường, 6851 xã, 322 thôn, 637 trang, 40 sách, 40 động, 30 nguyên, 30 trường[1]. Các xã cũng được quy định lại: xã lớn 500 hộ, xã vừa từ 300 hộ trở lên, xã nhỏ từ 100 hộ trở lên. Kinh đô Thăng Long (Đông kinh) gồm 2 huyện: Thọ Xương và Quảng Đức. Ngoài ra còn Tây kinh (hay Lam kinh tức Lam Sơn - Thọ Xuân – Thanh Hóa). Về mặt chính quyền, Thái Tổ chấn chỉnh lại bộ máy nhà nước theo mô hình thời Trần. Dưới vua có hai chức Tả, hữu tướng quốc, 3 chức Tư, 3 chức Thái, 3 chức Thiếu, Bộc xạ v.v.. giúp việc bàn bạc, quyết định những công việc quan trọng của triều đình. Tiếp đến là hai ban Văn và Võ. Văn ban do Đại hành khiển đứng đầu, phụ trách chung mọi việc. Sau đó là hai bộ Lại và Lễ do Thượng thư đứng đầu, các cơ quan chuyên trách như khu mật viện, Hàn lâm viện, Ngũ hình viện, Ngư sử đài, Quốc tử giám, Quốc sử viện, Nội thị sảnh, các quán, cục, ti. Võ ban thì có các chức Đại Tổng quản, Đại đô đốc, Đô Tổng quản, Tổng quản, Tổng binh, Tư mã v.v... đứng đầu 6 quân Điện Tiền, 5 quân Thiết đột v.v.. ở địa phương, đứng đầu các đạo là chức Hành khiển phụ trách mọi việc quân dân, sau đó là các an phủ sứ, tri phủ, tuyên phủ sứ, chuyển vận sứ đứng đầu các trấn, lộ, huyện Xã có xã quan.

Đất nước dần dần hồi phục và bước đầu phát triển. Xuất phát từ những yêu cầu mới của chính trị, trong những năm 1460 - 1471, Lê Thánh Tông tiến hành một cuộc cải cách hành chính lớn. Các chức vụ trung gian giữa vua và các cơ quan hành chính như Tướng quốc, Bộc xạ, Tư đồ, Đại hành khiển, Trung thư sảnh v.v.. đều bị bãi bỏ. Vua trực tiếp chỉ đạo 6 bộ Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công (do Thượng thư đứng đầu) là những cơ quan chính phụ trách mọi mặt công tác của triều đình. Giúp việc cụ thể có 6 Tự, Viện Hàn lâm, Viện Quốc sử, Quốc tử giám, Bí thư giám v.v.. Bộ phận thanh tra quan lại được tăng cường: ngoài Ngự sử đài có 6 khoa chịu trách nhiệm theo dõi các bộ. Về võ, vua cũng là người chỉ huy tối cao; bên dưới có 5 quân đô đốc phủ, các vệ quân bảo vệ kinh thành và Thủ đô.

Ở các đạo thừa tuyên, Thánh Tông đặt ba ti: Đô tổng binh sứ ti (gọi tắt là Đô ti) phụ trách quân đội, Thừa tuyên sứ ti (gọi tắt là Thừa ti) phụ trách các việc dân sự, Hiến sát sứ ti (Hiến ti) phụ trách việc thanh tra quan lại trong đạo của mình.

Các phủ có tri phủ đứng đầu, các huyện, châu có tri huyện, tri châu, ở xã chức xã quan được đổi gọi là xã trưởng. Ở miền thượng du, các bản mường vẫn được giao cho tù trưởng, lang đạo cai quản như cũ. Riêng mạn biên giới phía bắc, nhà Lê cử thêm một số tướng giỏi người miên xuôi lên trấn trị và biến thành “phiên thần”, đời đời nối nhau cai quản địa phương. Chủ trương của Lê Thánh Tông là bảo đảm sự thống nhất trong chính quyền từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương, “các chức lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, nặng nhẹ cùng gìn giữ nhau, lẽ phải của nước không bị chuyên riêng, việc lớn của nước không đến lung lay, khiến có thói tốt làm hợp đạo, đúng phép” (Hiệu định quan chế).

Theo thống kê, năm 1471, tổng số quan lại là 5370 người, gồm 2755 quan lại ở Trung ương (399 quan văn, 857 quan võ, 446 tòng quan và một số tạp lưu 2615 quan lại địa phương (926 quan văn, 857 quan võ, 41 tòng quan và một số tạp lưu)[2]. Số quan lại này đều trải qua thi cử và đỗ đạt; các quý tộc họ Lê muốn làm quan cũng phải như vậy.

Để tạo điều kiện cho các quan lại làm việc đúng theo mong muốn của mình, Thánh Tông đặt quy chế lương bổng, ruộng lộc, phẩm tước rõ ràng và thống nhất. Theo quy chế năm 1477, ngoài ruộng lộc, các quan đều có lương:

-         Quan ở Trung ương:

Chánh nhất phẩm 82 quan/năm

Tòng nhất phẩm: 75 quan/năm

Chánh nhị phẩm: 68 quan/năm

Tòng nhị phẩm: 62 quan/năm

Chánh cửu phẩm: 16 quan/năm

Tòng cửu phẩm: 14 quan/năm

- Quan địa phương:

Chánh tứ phẩm: 48 quan/năm

Tòng tứ phẩm 44 quan/năm

… Bát, cửu phẩm... đều như ở Trung ương.

Nhà Lê, từ thời Thái Tổ, không phân phong con cháu đi trấn trị các nơi, không giao cho họ các chức vụ quan trọng trong triều nếu họ không có tài, học hành kém, không cho họ được phép thành lập điền trang. Chính quyền Lê sơ, như vậy, vừa mang tính quan liêu vừa mang tính chuyên chế cao độ.

2. Quân đội và quốc phòng

Đến cuối năm 1427, số quân lên đến 35 vạn người. Theo đúng lời hứa, năm 1428, sau khi lên ngôi vua, Thái Tổ cho 25 vạn quân về quê làm ruộng, chỉ giữ lại 10 vạn. Năm sau đó, sau một cuộc tổng duyệt quân thủy bộ, Thái Tổ cho chia các vệ quân thành 5 phiên, thay nhau ở lại canh giữ và về làm ruộng ở quê nhà. Quân đội được chia thành 5 đạo: Đông, Tây, Nam, Bắc và Hải Tây. Các vệ quân đều đặt các chức Tổng quản, Đô Tổng quản, Đồng Tổng quản đứng đầu. Ngoài ra còn có thêm 6 quân ngự tiền ở kinh đô. Chế độ tuyển chọn quân sĩ được đặt thành quy chế.

Thời Lê Thánh Tông, cùng với cuộc cải cách hành chính, nhà vua tổ chức lại quân đội, chia thành 2 bộ phận: - quân trong bảo vệ triều đình nhà vua và kinh thành gồm 2 vệ Kim Ngô, Cẩm Y, 4 vệ Hiệu Lực, 4 vệ Thần Vũ, 6 vệ Điện Tiền, 4 vệ Tuần Tượng, 4 vệ Mã Nhàn (về sau gộp vào 2 vệ chính là Cẩm Ý và Kim Ngô)

- Quân ngoài ở địa phương gồm 5 phủ:

Trung quân lãnh các xứ Thanh Hóa, Nghệ An

Đông quân lãnh các xứ Hải Dương, An Bang

Nam quân lãnh các xứ Sơn Nam, Thuận Hóa, Quảng Nam

Tây quân lãnh các xứ Tam Giang, Hưng Hóa

Bắc quân lãnh các xứ Kinh Bắc, Lạng Sơn.

Về sau, Thánh Tông cho đặt thêm các vệ quân ở các đô ti xa: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam, An Bang, Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn và một vệ Cao Bằng. Đứng đầu các phủ, vệ có các chức đô đốc, đô chỉ huy, đô tổng binh, chỉ huy sứ, đô tri v.v...

Về chủng loại có bộ binh, thủy binh, tượng binh, kị binh. Ngoài ra có các đơn vị chuyên sử dụng một loại súng gọi là hỏa đồng. Vũ khí đơn giản có đao kiếm, giáo mác, cung tên...

Nhà Lê rất chú ý đến việc rèn luyện quân đội. Hàng năm đều có ngày duyệt tập ở kinh thành hay địa phương. Các phiên túc trực phải thường xuyên luyện tập. Năm 1465, Thánh Tông ban bố 31 điều quân lệnh về thủy trận, 32 điều về tượng trận, 27 điều về mã trận, 42 điều về bộ trận. Năm 1467, Thánh Tông quy định cứ 3 năm tổ chức một kì thi khảo võ nghệ của quân sĩ và định lệ thưởng phạt.

Chế độ tuyển quân được quy định chặt chẽ, thông thường cứ một hộ có 3 đinh thì phải lấy một người làm lính và một người dự bị. Vì vậy, tuy số lượng quân thường trực không nhiều, nhưng khi đi đánh Chămpa hay Bồn Man nhà Lê đã huy động đến 26 hay 30 vạn quân.

Quân lính đều được chia ruộng đất công ở làng mình và thay phiên nhau về quê sản xuất để tự cấp. Đó là chế độ “ngụ binh ư nông” vốn được áp dụng từ thời Lý - Trần.

Vấn đề bảo vệ biên giới, nhất là biên giới phía bắc, luôn luôn được nhà nước quan tâm. Các trấn biên giới đều có quân hùng, tướng giỏi. Ngoài ra, các vua Lê, nhất là Thánh Tông thường chỉ huy một đạo quân thủy bộ lớn đi duyệt ở vùng ven biển Đông bắc, Lạng Sơn hay Thuận Hóa. Những lần quân tướng nhà Minh đe đọa lấn cướp vùng biển, Thánh Tông đều sai các đô đốc giỏi cầm quân phối hợp với các tổng binh địa phương sẵn sàng chiến đấu. Ông từng răn đe: “kẻ nào dám lấy một thước, một tấc đất của Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc thì sẽ bị trừng trị nặng”.

3. Luật pháp

Sau khi lên ngôi vua, Thái Tổ đã lo ngay đến việc đặt luật pháp. Thái Tông và Nhân Tông ban hành thêm một số điều luật về xét xử kiện tụng, sở hữu tài sản. Năm 1483, Thánh Tông quyết định triệu tập các đại thần biên soạn một bộ luật chính thức của triều đại mình, thường được gọi là “Luật Hồng Đức”. Ở các thế kỉ XVII - XVIII, bộ luật được bổ sung, sửa đổi ít nhiều và được ban hành với tên “Lê triều hình luật”. Bộ luật gồm 722 điều, chia thành 16 chương.

Chương đầu (Danh lệ) của bộ luật quy định rõ các hình phạt được sử dụng (xuy, trượng, đồ, luỹ, tử) và những trường hợp miễn giảm (bát nghị), nguy hiểm không được nhân nhượng (thập ác), được chuội, phải đền bù v.v.

Chương hai nói về những tội vi phạm cung điện nhà vua, vua và thân thích của vua, các công trình nhà nước.

Các chương tiếp theo nói về việc giữ kỉ luật trong quân đội, những tội vi phạm phép nước, quan hệ trên dưới, quan hệ trong gia tộc, trong gia đình, chế độ ruộng đất, chế độ thừa kế tài sản, quan hệ nam nữ, vị trí của dân đinh v.v... và cuối cùng là các hình thức xét xử, kiện tụng, trị tội.

Luật Hồng Đức thể hiện rõ nét ý thức giai cấp của nhà Lê trọng các mối quan hệ nhưng cũng phản ánh khá rõ nét tính dân tộc. Ở đây nổi lên ý thức bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, của người dân tự do cũng như ý thức bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ.

Bộ luật Hồng Đức đánh dấu một trình độ phát triển cao của tư tưởng pháp lí của dân tộc Đại Việt, khá hoàn chỉnh, do đó được sử dụng suốt trong 4 thế kỉ thời Lê (thế kỉ XV - XVIII).

4. Tình hình đối nội và đối ngoại

Đất nước dần dần ổn định; nền thống nhất được củng cố. Để bảo vệ các vùng đất xa, nhà Lê chủ trương đoàn kết các dân tộc. Trong quá trình chiến đấu trước đây, các dân tộc đã đoàn kết dưới ngọn cờ cứu nước của nghĩa quân Lam Sơn và đã góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Lên ngôi vua, Thái Tổ phong chức tước cho các tù trưởng có công đối với đất nước. Những tù trưởng dân tộc ít người có mưu đồ li khai hoặc theo triều Minh, chống lại nhà Lê, các vua Lê rất kiên quyết dùng biện pháp bạo lực để đàn áp, giữ vững sự thống nhất đất nước.

Đối với nhà Minh, sau khi giải phóng Tổ quốc, Lê Thái Tổ lập tức cử sứ bộ sang cầu phong và đặt quan hệ hòa hảo. Từ đó, cứ ba năm, nhà Lê theo lệ sang cống cho nhà Minh và tiếp đón các sứ bộ nhà Minh sang nước ta. Mặt khác, nhà Lê kiên quyết bảo toàn lãnh thổ Đại Việt và chủ quyền của một nước độc lập. Những hành động xâm lấn, cướp bóc của bọn quan lại nhà Minh ở vùng biên giới đều được nhà Lê chủ động giải quyết. Một số châu, động ở đông nam Quảng Đông đã xin quy phụ nhà Lê và được Thái Tổ phong chức tước, trông coi đất đai như cũ.

Trong những năm 40 của thế kỉ XV, một số nước láng giềng như Lào, Bồn Man, một số tiểu quốc ở nam Mianma, Xiêm cũng lần lượt sai sứ sang cống và đặt quan hệ ngoại giao với nước ta.

Đối với Chămpa, chính sách của nhà Lê có ít nhiều thay đổi. Năm 1407, khi quân Minh đánh xuống Đại Việt, nhà Hồ suy sụp, vua Chămpa đã đem quân đánh ra, chiếm lại Chiêm Động và Cổ Lũy. Tình hình tạm yên trong những năm khởi nghĩa Lam Sơn và thời vua Lê Thái Tổ. Năm 1434, được tin Thái Tổ mất, vua Chămpa liền cho quân ra cướp Hóa Châu. Mối bất hòa giữa hai nước lại diễn ra, mặc dầu sau đó, vua Chămpa sai sứ sang cống hiến và cầu hòa.

Vào những năm 50, nội bộ triều đình Chămpa mất ổn định. Trong một cuộc tranh chấp, Bàn La Trà Duyệt đã giết được vua Na Ha Quý Do và lên làm vua. Mấy năm sau, y nhường ngôi cho em là Trà Toàn. Mùa thu năm 1470, Trà Toàn đem mấy vạn quân đánh Hóa Châu. Tướng giữ Hóa Châu chống không nổi, cho người về kinh đô Thăng Long cấp báo. Sự kiện này đã dẫn đến cuộc hành quân lớn của vua Lê Thánh Tông vào cuối năm 1470 - đầu năm 1471. Các đạo quân Đại Việt lần lượt đánh bại cuộc kháng cự của quân Chăm và đến tháng 4 năm 1471 thì chiếm được kinh đô Trà Bàn (Vigiaya). Vua Chămpa là Trà Toàn bị bắt.

Kết thúc cuộc giao tranh, Lê Thánh Tông quyết định sáp nhập vùng đất từ nam Hóa châu đến đèo Cù Mông (bao gồm cả Đại Chiêm và Cổ Lũy) vào lãnh thổ Đại Việt và sau đó, lập thành đạo Thừa tuyên thứ 13: Quảng Nam. Vùng đất còn lại của Chămpa được chia làm 3: Chiêm Thành, Hoa Anh và Nam Bàn, giao cho ba vị vương người Chăm cai quản.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4635-02-633921662388903750/Dai-Viet-o-the-ky-XV-Thoi-Le-so/Tinh-hinh...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận