Tài liệu: Chân thành yêu thương cha mẹ và thầy cô

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Chúng ta học được cách yêu vạn vật, yêu cuộc sống và yêu thế giới xung quanh mình chính từ sự yêu thương cha mẹ, bậc bề trên và các thành viên trong gia đình
Chân thành yêu thương cha mẹ và thầy cô

Nội dung

Chân thành yêu thương cha mẹ và thầy cô

Chúng ta học được cách yêu vạn vật, yêu cuộc sống và yêu thế giới xung quanh mình chính từ sự yêu thương cha mẹ, bậc bề trên và các thành viên trong gia đình.

Có thể cha mẹ cũng có những nét tính cách chưa thật sự hoàn hảo nhưng bản chất của tình yêu thương chính là sự chấp nhận và lòng bao dung.

Bố của bạn cũng là một con người, trong ông có nhiều nhược điểm và sai lầm giống như bao người bình thường khác. Khi ý thức được điều này, bạn cảm thấy như thế nào?

Một số người nhận thức được điều này từ rất sớm, đặc biệt là những người từ nhỏ đã bị cha mẹ đánh đập, mắng mỏ nhiều lần. Trên bước đường trưởng thành, những người này dần nhận ra rằng, họ không thể mãi mãi trông đợi, hy vọng ở cha mẹ của mình.

Nhưng, nếu trong tâm trí của bạn, cha mẹ là những tấm gương điển hình thì việc coi họ như những người bình thường lại có thể khiến bạn thấy vô cùng thất vọng.

Khi còn là một đứa trẻ, bạn có thể tiếp nhận tất cả những lời dạy bảo cũng như tính cách của cha mẹ. Nhưng khi lớn lên, tiếp xúc với nhiều người hơn, có nhiều va chạm với xã hội, với thế giới bên ngoài, tầm quan sát và cách suy nghĩ được mở rộng hơn trước gấp nhiều lần, những quan niệm giá trị của riêng bạn cũng dần được hình thành.

Một khi đã hình thành những quan niệm của riêng mình, rất có thể bạn sẽ phê bình cha mẹ về những điều không phù hợp với những tiêu chuẩn mà mình đặt ra. Một số bạn thậm chí còn cảm thấy xấu hổ vì cách ứng xử, trang phục hay những hành động của cha mẹ mình.

Ví dụ như trường hợp của Hà, khi nhận xét về mẹ mình, Hà nói:

“Mẹ của mình thật chẳng biết cách cư xử giữa đám đông gì cả. Khi đi họp phụ huynh, mẹ không những rất hung hăng mà còn nói rất to hơn những người khác làm mình xấu hổ chết đi được! Mình đã phải cố gắng để giả vờ như đó không phải là mẹ của mình”.

Dường như tất cả chúng ta đều đã từng trải qua những chuyện tương tự như vậy - cố tình giả vờ như người đang đứng kia không phải là bố (mẹ) của mình và cha mẹ bạn cũng có thể đã có cảm giác như vậy với ông bà của bạn khi họ đang ở vào độ tuổi của bạn bây giờ. Chỉ có điều, những lo toan bận rộn của cuộc sống thường ngày đã làm họ nhanh chóng quên đi thời niên thiếu của mình. Nếu không tin, bạn có thể hỏi lại họ để tìm hiểu mọi chuyện.

Có thể bạn còn phát hiện ra rằng: Cha mẹ mình thậm chí còn không hề cố gắng thực hiện những giá trị quan mà họ vẫn thường nhắc tới, cho dù đó là giá trị tôn giáo, chính trị, sự thành thực hay sự lương thiện. Bạn có thể cho rằng họ đang giả tạo và từ trong sâu thẳm tâm hồn bạn, một cảm giác chán ghét bắt đầu nảy sinh.

Thậm chí có khi bạn thấy rằng cha mẹ mình đang hành động theo những quan niệm giá trị sai lầm. Nếu muốn thuyết phục để cha mẹ tin vào những phán đoán của mình thì hẳn là giữa bạn và họ sẽ có một cuộc tranh cãi nảy lửa về chuyện ai đúng ai sai.

Trong một số ít các gia đình, những tranh chấp có liên quan đến quan niệm giá trị và tín ngưỡng thường dẫn tới sự ngăn cách lâu dài giữa cha mẹ và con cái. Không khí của một số gia đình là bao dung và hoà hợp, cha mẹ và con cái luôn tôn trọng quan điểm của từng người, cùng nhau học hỏi để tiến bộ hơn. Họ cũng chấp nhận một hiện thực rất rõ ràng là: Mỗi người đều có thể có lập trường riêng.

Một số bậc cha mẹ khác lại rất coi thường con cái của mình. Họ thậm chí còn thường xuyên ngược đãi, bạo hành con cái và người bạn đời cả về thể xác lẫn tinh thần. Điều này quả thực vô cùng đáng sợ. Nếu chuyện đó xảy ra trong chính gia đình của bạn, rất có thể bạn sẽ nảy sinh tâm lý tự bảo vệ mình cũng như những người đang bị ngược đãi, bạo hành khác.

“Khi bố tôi uống say, ông thường đánh đập tất cả mọi người. Bố đánh tôi, đánh cả mẹ tôi nữa. Tôi thật sự không thể chịu đựng nổi. Hai tuần trước, khi bố tát mẹ rất mạnh, tôi đã lao tới đứng chắn ngang trước mặt và đánh lại ông. Kể từ hôm đó, tôi không dám về nhà nữa mà ở luôn bên nhà bà ngoại”. Đây là những lời tâm sự của một cô bé bất hạnh 19 tuổi, sinh ra trong một gia đình mà người cha có thói quen rượu chè, bạo hành với các thành viên khác.

Nếu tình trạng trên xảy ra trong gia đình bạn thì việc tìm kiếm sự giúp đỡ thiết thực, hiệu quả từ bên ngoài là rất cần thiết chứ hoàn toàn không phải là “đem những bí mật trong nhà cho người ngoài xem” hay “vạch áo cho người xem lưng”. Đương nhiên là, khi mọi chuyện còn đang bình thường, bạn có thể cố gắng an ủi cha mẹ của mình. Nhưng, bạn cũng cần hiểu rằng, tự bản thân bạn không thể giải quyết đ ược vấn đề đang căng thẳng giữa họ và bạn cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến sự phát sinh của vấn đề đó. Hạt giống mâu thuẫn giữa họ với những người khác có thể đã được gieo từ khi họ còn ở lứa tuổi nhi đồng. Chỉ có những sự giúp đỡ mang tính chuyên nghiệp thì mới mong thay đổi được những hành vi bạo lực của họ với chính những thành viên trong gia đình. Việc bạn cần làm là biết cách để tự bảo vệ mình, bảo vệ các thành viên đang bị bạo hành khác.

Đôi lúc, bạn cũng sẽ phát hiện ra những điểm không hoàn hảo hoặc thậm chí là những điểm rất xấu ở thầy cô giáo của mình. Khi đó, một số bạn nữ quá nhạy cảm sẽ cảm thấy thần tượng trong trái tim mình dường như đã bị sụp đổ. Họ bắt đầu hoài nghi về con người, về cuộc sống, về thế giới xung quanh và thậm chí không còn muốn tin tưởng vào bất kỳ một người nào nữa.

Những cảm giác đó và hoàn toàn tự nhiên. Nếu như trước đó, cảm giác an toàn của bạn được xây dựng từ sự tin tưởng tuyệt đối vào thầy cô giáo - những người đang ngày ngày truyền đạt tri thức và cách làm người cho bạn, thì khi nhận thấy ngay chính bản thân họ cũng có vấn đề, bạn chắc chắn sẽ thấy lo lắng, bất an. Nếu trước đó, bạn đã coi thầy cô giáo như tấm gương để xây dựng nên thế giới quan cho mình, thì khi nhận thấy họ cũng có những khuyết điểm, sai lầm; bạn sẽ hoài nghi về tất cả. Việc đó cũng giống như một người đã lấy mất tấm thảm êm ái ở dưới chân bạn và khiến cho bạn cảm thấy vô cùng khó chịu vậy.

Nhưng, đối với bạn, việc phát hiện ra cha mẹ có sai lầm, có khuyết điểm hoàn toàn không phải là những việc xấu. Chính trong lúc cảm thấy không còn ai để tin tưởng, dựa dẫm như vậy, bạn sẽ phải dựa vào chính khả năng và sức mạnh của mình, chỉ có thể nhìn nhận, phán đoán và quyết định mọi việc theo cảm giác cùng với sự hiểu biết của mình. Cho dù những phán đoán, quyết định và hành động đó là sai, thì bạn cũng sẽ rút ra được những bài học vô cùng quý báu. Rất nhiều người đã từng trải qua hoàn cảnh giống như bạn, và cảm nhận sâu sắc nhất họ rút ra được chính là: Chỉ có thể dựa vào năng lực của bản thân mình để vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trong những ngày tháng khó khăn nhất, bạn hoàn toàn có thể chia sẻ nỗi lo lắng của mình với những người bạn thân hoặc những người thật sự quan tâm đến bạn. Chắc chắn bạn sẽ được an ủi và được tiếp thêm sức mạnh để vững vàng hơn.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4189-02-633704766751787500/Toi-yeu-gia-dinh-Toi-yeu-Thay-co/Chan-tha...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận