Tài liệu: Phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Nhân lúc quân địch ở nước ta đang thế suy, lực yếu, mà viện binh của nhà Minh thì chưa kịp sang, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định mở cuộc tiến quân chiến lược ra Bắc.
Phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc

Nội dung

Phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc

Tiến quân ra Bắc

Nhân lúc quân địch ở nước ta đang thế suy, lực yếu, mà viện binh của nhà Minh thì chưa kịp sang, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định mở cuộc tiến quân chiến lược ra Bắc. Nguyễn Trãi đã nói: “thời cơ, thời cơ, thực không nên lỡ”[1]. Mục đích của cuộc tiến quân này là nhằm tranh thủ một thời cơ có lợi, đưa cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc phát triển lên quy mô cả nước, giành những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng về quân sự và chính trị để chủ động đối phó với viện binh của địch.

Tháng 9 năm 1426, ba đạo quân tiến ra Bắc theo ba hướng như sau: Đạo quân thứ nhất có 3.000 quân và 1 voi chiến, do Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí... chỉ huy. Đạo quân này tiến ra vùng Thiên Quan, Quảng Oai, Gia Hưng, Quy Hóa, Đà Giang, Tam Đái, tức vùng Tây Bắc, với nhiệm vụ giải phóng vùng này, uy hiếp mặt tây thành Đông Quan và ngăn chặn viện binh từ Vân Nam sang.

Đạo quân thứ hai có 5.000 quân và 2 voi chiến, do Lưu Nhân Chú, Bùi Bị... chỉ huy. Đạo quân này chia làm hai cánh. Cánh thứ nhất tiến ra vùng Thiên Trường, Tân Hưng, Kiến Xương, giải phóng vùng hạ lưu sông Nhị và chặn đường rút quân của địch từ Nghệ An về Đông Quan. Cánh thứ hai tiến lên vùng Khoái Châu, Thượng Hồng, Hạ Hồng, Bắc Giang, Lạng Giang, tức vùng Đông Bắc, để ngăn chặn viện binh từ Quảng Tây sang.

Đạo quân thứ ba có 2.000 quân tinh nhuệ, do Đinh Lễ, Nguyễn Xí chỉ huy, tiến thẳng ra phía nam thành Đông Quan.

Cả ba đạo quân chỉ có 10.000 quân và 3 voi chiến. Thế mà nghĩa quân hoạt động trên một phạm vi rộng lớn bao gồm toàn bộ vùng đồng bằng, vùng trung du và một phần thượng du các phủ huyện phía bắc (miền Bắc bộ ngày nay). Nhiệm vụ của nghĩa quân không phải là chiến đấu một cách đơn độc, mà luồn sâu vào vùng chiếm đóng của Địch, kết hợp với các lực lượng yêu nước địa phương và sự nổi dậy của nhân dân nhằm “chiếm giữ đất đai, chiêu phủ nhân  dân, triệt đường viện binh của giặc”[2].

Trước đây, Lê Lợi đã cử người ra Bắc liên kết với những người yêu nước và gây dựng cơ sở ở một số nơi cần thiết.

Cuối năm 1425, Phan Liêu và Lộ Văn Luật đã được phái ra hoạt động ở vùng Gia Hưng, Quốc Oai. Sử nhà Minh chép rằng: “Lợi sai đồ đảng là bọn Phan Liêu, Lộ Văn Luật ra các châu Gia Hưng, Quốc Oai, chiêu tập đảng nghịch càng ngày càng nhiều”[3].

Từ cuối năm 1424, sử nhà Minh cũng ghi nhận có quân của Lê Lợi hoạt động ở Lạng Sơn, giết chết tri phủ Dịch Tiên.

Thành Cổ Lộng (Ý Yên, Nam Định) là một thành lũy quan trọng của địch án ngữ hai con đường thủy bộ, đường thiên lí và đường sông Đáy, từ Thanh Hóa ra Đông Quan. Một người phụ nữ yêu nước ở làng Chuế Cầu gần đấy, là Lương Minh Nguyệt, đã sớm tìm vào Lam Sơn tham gia khởi nghĩa. Lê Lợi giao cho bà nhiệm vụ trở về quê hương hoạt động. Chính Lương Minh Nguyệt đã cùng với dân làng dùng mưu giết hại nhiều quân Minh và chuẩn bị phối hợp với nghĩa quân vây hãm thành Cổ Lộng.

Trước sức mạnh tiến công của một cuộc chiến tranh nhân dân như vậy, “người Minh chỉ lo ngồi giữ để chờ quân cứu viện mà thôi”[4].

Khởi nghĩa Lam Sơn đã phát triển thành chiến tranh giải phóng dân tộc quy mô cả nước. Khu vực giải phóng từ Thanh Hóa trở vào được mở rộng ra phía bắc bao gồm hầu hết các phủ, châu, huyện, trừ một số thành lũy và vùng kiểm soát của quân địch. Quân Minh đã suy yếu, lại bị dồn vào thế phòng ngự bị động trên cả nước. Những thắng lợi vô cùng quan trọng đó đang tạo ra thế và lực mới để quân và dân ta tiến lên đương đầu với viện binh địch.

Sau khi đã giải phóng các châu huyện, nghĩa quân bắt đầu tiến công uy hiếp các thành lũy của địch, chủ yếu là thành Đông Quan, và chặn đánh viện binh địch.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4634-02-633921657128122500/Phong-trao-khang-chien-chong-Minh-va-khoi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận