Tài liệu: Chính sách đô hộ của nhà Minh

Tài liệu

Tóm tắt nội dung

Năm 1407, sau khi chiếm được Đông Đô, nhà Minh đã đổi nước ta làm quận Giao Chỉ, coi như địa phương quận huyện của Trung Quốc. Chúng lập chính quyền theo mô hình “chính quốc”.
Chính sách đô hộ của nhà Minh

Nội dung

Chính sách đô hộ của nhà Minh

1. Tổ chức chính quyền đô hộ của nhà Minh

Năm 1407, sau khi chiếm được Đông Đô, nhà Minh đã đổi nước ta làm quận Giao Chỉ, coi như địa phương quận huyện của Trung Quốc. Chúng lập chính quyền theo mô hình “chính quốc”.

Đứng đầu quận Giao Chỉ là ba ti: đô chỉ huy sứ ti, hay gọi tắt là ti đô, phụ trách về quân chính; thừa tuyên bố chính sứ ti hay ti bố chính, trông coi về dân chính và tài chính; đề hình án sát sứ ti hay ti án sát, nắm quyền tư pháp và giám sát.

Dưới quận, nhà Minh chia đặt lại các phủ, châu, huyện. Năm 1407, nhà Minh đặt 15 phủ gồm 36 châu, 181 huyện. Ngoài ra, còn 5 châu trực thuộc vào quận. Đó mới chỉ là sự phân chia khu vực hành chính trên bản đồ. Trong thực tế thì phải đến năm 1414, nhà Minh mới thiết lập được hệ thống chính quyền các cấp phủ, châu, huyện ở nước ta.

Năm 1419, nhà Minh định tổ chức lại các làng xã của ta, lập thành (110 hộ, do lí trưởng đứng đầu) và giáp (10 hộ, do giáp thủ đứng đầu) như cơ cấu hành chính của nông thôn Trung Quốc. Riêng vùng kinh thành thì lập thành phườngsương, tương đương như lí ở nông thôn. Chúng muốn phá hủy kết cấu làng xã cổ truyền của ta, mở rộng chính quyền đô hộ đến tận đơn vị cơ sở để trực tiếp khống chế nhân dân ta. Nhưng các làng xã cổ truyền dựa trên kết cấu công xã nông thôn, vẫn tồn tại phổ biến và giữ được tính tự trị khá cao. Nhân dân ta đã đưa vào cơ sở làng xã này để đoàn kết, tập hợp nhau lại, kết hợp cuộc đấu tranh giữ làng với cứu nước.

Cùng với bộ máy hành chính, nhà Minh còn xây dựng một hệ thống thành lũy và thiết lập một hệ thống vệ, sở dày đặc để trấn áp phong trào đấu tranh của nhân dân ta. Trong năm 1407, chúng đã lập 14 vệ và 19 sở với tổng số quân rải ra đóng giữ là 99.280 quân (mỗi vệ có 5.000 quân, mỗi sở có 1120 quân): Xung quanh thành Đông Quan đã có đến 5 vệ: tả, hữu, trung, tiền, hậu, với số quân phòng vệ là 28.000 quân. Cùng với quá trình mở rộng phạm vi chiếm đóng, bộ máy trấn áp lại tăng thêm. Riêng trong năm 1418, quân Minh lập thêm 11 sở. Số quân Minh có mặt thường xuyên ở nước ta là trên 10 vạn quân, không kể số quân tăng viện từ Trung Quốc sang mỗi khi cần thiết.

Theo An Nam chí nguyên: “Phàm những nơi có phủ, vệ, cùng những nơi yếu hại trong nước, đều xây thành lũy kiên cố để phòng giữ lâu dài”[1]. Chỉ tính những thành lũy đã có đến 39. Vết tích của một số thành lũy đó đến nay vẫn còn như: thành Nghệ An (Hưng Nguyên, Nghệ An), thành Diễn Châu (Nghệ An), thành Cổ Lộng (Ý Yên, Nam Định) thành Điêu Diêu (Gia Lâm, Hà Nội), thành Xương Giang (thị xã Bắc Giang), thành Chi Lăng (Lạng Sơn)...

2. Chính sách đô hộ tàn bạo

Nhà Minh ra lệnh tước đoạt mọi thứ vũ khí trong tay nhân dân ta. Ai chế tạo, cất giấu chiến thuyền, vũ khí, dù là loại thô sơ nhất, đều bị khép vào tội “phản nghịch”. Mỗi khi nhân dân ta phản kháng hay vùng lên khởi nghĩa thì lập tức chúng dùng vũ lực đàn áp khốc liệt với nhiều thủ đoạn man rợ. Quân giặc “đi đến đâu chém giết thả cửa, hoặc chất thây người làm núi, hoặc rút ruột người quấn vào cây, hoặc rán thịt người lấy mỡ, hoặc làm nhục hình bào lạc để mua vui, thậm chí có người theo lệnh giặc, mổ bụng người có thai, cắt tay của mẹ và con để dâng cho giặc”[2]. Những người sống sót thì “bị bắt hết làm nô tì và bị đem đi bán mà tan tác bốn phương”. Những người yêu nước bị quân Minh bắt, nếu không bị giết chết một cách tàn bạo, thì cũng bị đẩy sang Trung Quốc và không mấy ai được trở về.

Về phương diện kinh tế, nhà Minh đẩy mạnh việc vơ vét của cải và bóc lột nhân dân ta một cách tham tàn.

Vừa chiếm được kinh thành nước ta, Trương Phụ đã cho quân lính mặc sức cướp phá và thu tiền đồng chở về nước. Mùa hạ năm 1408, sau hơn một năm xâm lược và cướp bóc, số “chiến lợi phẩm” mà Trương Phụ tâu lên vua Minh gồm:

- 235.000 con voi, ngựa, trâu, bò.

- 13.600.000 thạch thóc

- 8.670 chiếc thuyền và

- 2.539.800 đồ quân khí

Trong chính quyền đô hộ, nhà Minh thiết lập một mạng lưới thu thuế mang tên là ti thuế khóa, ti tuần kiểm, ti thị bạc, ti thuế muối... và một số cơ quan khai thác tài nguyên gọi là ngân trường cục (khai mỏ bạc), kim trường cục (khai mỏ vàng), châu trường cục (mò ngọc trai)...

Tàn ác hơn nữa, quân Minh còn lùng bắt hàng loạt dân ta đem về nước phục dịch. Riêng Trương Phụ trước sau đã bắt trên 9000 người, phần nhiều là thợ thủ công. Quân Minh còn bắt phường nhạc, thầy thuốc, phụ nữ, trẻ em... đem về Trung Quốc hoặc phục vụ cho triều đình và quan lại nhà Minh hoặc bán làm nô tì.

Năm 1417, nhà Minh dời đô lên Bắc Kinh và trong ba năm liền, huy động sức người, sức của cả nước để xây dựng kinh thành mới. Nhà Minh cũng bắt nhiều dân phu và thợ thủ công nước ta lao dịch trong công trình này. Và người thiết kế công trình xây dựng đại quy mô đó là Nguyễn An, một kiến trúc sư tài giỏi nước ta bị quân Minh bắt đem về Trung Quốc. Nguyễn An cũng như nhiều người có tài năng khác đều bị chúng cưỡng bức biến thành hoạn quan, suốt đời làm nô lệ cho chúng.

3. Âm mưu đồng hóa

Mưu đồ lớn nhất của nhà Minh là đồng hóa dân tộc ta. Âm mưu đó được quán triệt trong toàn bộ chính sách đô hộ của nhà Minh và được thực hiện ráo riết bằng nhiều thủ đoạn hiểm độc, nhất là những thủ đoạn hủy diệt dân tộc, hủy diệt văn hóa. Tất cả những gì đã từng quy định sự tồn tại độc lập của đất nước ta, đã tạo nên sức sống của dân tộc ta, chúng đều tìm cách hủy hoại.

Tên nước Đại Việt bị xóa bỏ và đất đai bị chia làm quận huyện của nhà Minh. Chúng áp dụng phương sách “dĩ Di trị Di” để gây chia rẽ, làm yếu sức mạnh đoàn kết dân tộc của ta.

Trong chính quyền đô hộ, bên cạnh bọn tướng sĩ, quan lại nhà Minh cử sang giữ những chức vụ chủ chốt, chúng đào tạo một đội ngũ quan lại người Việt khá đông gọi là thổ quan. Bọn thổ quan này được tuyển lựa trong số những quý tộc, quan lại cũ của triều đình Trần, Hồ đã đầu hàng giặc và trong số những phần tử vong bản của mọi tầng lớp xã hội. Chúng bắt những trẻ em mạnh khỏe, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, gọi là “giao đồng” (trẻ con đất Giao Chỉ), đưa hàng loạt về Trung Quốc, biến các em thành những kẻ tôi đòi trung thành, người thì phục dịch trong cung cấm triều Minh, người thì trở về nước làm thổ quan.

Trong quân lính, bên cạnh số binh sĩ nhà Minh phái sang, chúng cũng tuyển mộ khá nhiều thổ binh. Theo quy định năm 1416, từ Thanh Hóa trở vào cứ 2 suất đinh chúng bắt 1 suất lính; từ Thanh Hóa trở ra, 3 suất đinh bắt 1 suất lính. Số thổ binh này được chia về các vệ, sở, đóng lẫn lộn với quân Minh để dễ bề kiểm soát.

Số lượng thổ quan, thổ binh chiếm một tỉ lệ đáng kể trong bộ máy đô hộ của nhà Minh. Nhưng chính kẻ thù cũng phải thú nhận rằng: “đầu mục Giao Chỉ có kẻ đã hàng rồi lại phản, phản rồi lại quy phục” và thổ binh thì “khi chiến đấu thường hài lòng, không chịu hết sức”.

Lúc bấy giờ, khắp nước lưu truyền rộng rãi một lời nguyền:

“Muốn sống đi ẩn rừng ẩn núi

Muốn chết làm quan triều Minh”.

Văn hóa là một cơ sở tồn tại quan trọng của dân tộc là biểu hiện tập trung sức sống, bản lĩnh, tâm hồn của dân tộc. Trong âm mưu đồng hóa, nhà Minh đặc biệt dùng nhiều thủ đoạn hủy diệt nền văn hóa dân tộc của ta.

Trước lúc xuất quân, Minh Thành Tổ đã trực tiếp ra lệnh cho bọn tướng xâm lăng: “Khi tiến quân vào An Nam thì chỉ trừ những bản kinh và sách về Thích, Đạo không hủy, còn tất cà các bản in sách, các giấy tờ cho đến sách học của trẻ con như loại “thượng, đại, nhân, khâu, ất, kỉ”, thì nhất thiết một mảnh giấy, một chữ đều phải thiêu hủy hết. Trong nước ấy, chỉ có những bia do Trung Quốc dựng nên ngày trước thì để lại, còn những bia do An Nam lập ra thì phải phá cho hết, một chữ cũng không được để lại”.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta từ cuối năm 1406 đến giữa năm 1407, vua Minh nhiều lần nhắc Trương Phụ phải thi hành đầy đủ mệnh lệnh trên. Tháng 8 năm 1418, triều đình nhà Minh lại cử người sang nước ta, vơ vét những sách vở còn sót lại đem về Trung Quốc. Do thực hiện chủ trương hủy diệt văn hóa của nhà Minh, phần lớn các sách điển chương, luật lệ cùng những tác phẩm lịch sử, văn học, địa lí, quân sự của thời đó đã bị quân giặc cướp đoạt và tiêu hủy. Theo Lê Quý Đôn thì “đời nhà Hồ mất nước, tướng nhà Minh là Trương Phụ lấy hết sách vở cổ kim của ta gửi theo đường sông về Kim Lăng và sau đó, nhà Lê ra sức thu thập, nhưng “mười phần còn được bốn năm phần”.

Cuối năm 1246, Vương Thông đã phá chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh để lấy đồng đúc vũ khí đàn áp nhân dân ta.

Chuông Quy Điền (chùa Một Cột, Hà Nội) vạc Phổ Minh (Nam Định) cùng với đỉnh tháp Báo Thiên (Hà Nội) và tượng Phật chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh) là bốn công trình tiêu biểu của nghệ thuật đúc đồng thời Lý - Trần, đã nổi tiếng là “An Nam tứ đại khí”. Triều đình nhà Minh và quân xâm lược Minh đã phạm nhiều tội ác phá hoại các di sản văn hóa dân tộc của ta.

Nhà Minh còn coi những phong tục tập quán lâu đời của nhân dân ta là “man tục”, là “Di tục” và bắt phải thay đổi theo những quy định cưởng bức của chính quyền đô hộ. Chúng bắt dân ta không được nhuộm răng đen, bắt đàn ông không được cắt tóc, phụ nữ không được mặc váy mà phải mặc quần dài, áo ngắn theo kiểu người Hoa. Chúng còn quy định cách ăn mặc của các đẳng cấp trong xã hội và ra sức truyền bá các lễ giáo của phong kiến Trung Quốc.

Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã kịch liệt tố cáo những tội ác dã man của quân giặc.

… Tát cạn nước Đông Hải, không rửa sạch hôi tanh,

Chặt hết trúc Nam Sơn, khó ghi đầy tội ác.

Thần người đều căm giận

Trời đất chẳng dung tha”.

Nền đô hộ của nhà Minh không những kìm hãm sự phát triển tự nhiên của xã hội mà còn đe dọa nghiêm trọng vận mạng của cả dân tộc và mọi phẩm giá của con người Việt Nam. Đất nước đứng trước một thử thách hiểm nghèo. Nhưng nhân dân ta đã quyết tâm vượt qua thử thách đó bằng tất cả ý chí và nghị lực của một dân tộc đang phát triển mạnh mẽ.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/4634-02-633921653904685000/Phong-trao-khang-chien-chong-Minh-va-khoi...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận